Từ những lời đồn đại về một hang sâu kỳ bí ở Thái Nguyên, các nhà khảo cổ đã vào cuộc. Kết quả, đã phát hiện một quan tài bằng thân cây khoét rỗng cùng nhiều di tích hứa hẹn nhiều khám phá mới về lịch sử, văn hóa ở vùng Việt Bắc.
TIN BÀI KHÁC


Những tiếng hú, gào thét trong đêm và vào ngày trở trời, xuất hiện những bóng người phất phơ lảng vảng quanh khu rừng… Đây là lời đồn mà người dân bản Ta Ngoải, xã Phượng Tiến, Định Hóa, Thái Nguyên truyền nhau kể từ bao đời nay về một hang động thần bí ở đây...

Lạ sẽ có nhiều cái “hay”

PGS. TS Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học – Đào tạo, Viện Khảo Cổ học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam kể lại, dù dự định ban đầu của ông và người học trò đang làm nghiên cứu sinh muốn lên Thái Nguyên đến những nơi có bộ tộc người cổ sinh sống để khảo sát dân tộc học.

Hai chiếc bát được tìm thấy trong mộ.
Song khi đến hỏi thăm, người dân trong bản đều ngại ngùng. Họ “sợ” đoàn khảo sát đến sẽ làm sinh chuyện không hay cho bản. Thấy lạ, mấy thầy trò càng muốn tìm hiểu sâu hơn. Theo dân bản, ở cái nơi rừng rú mà người ta vẫn gọi là rừng ma đó, ai mà dám đi vào. Họ kể, ở đó, người đi rừng cũng chẳng dám chạm vào cây, người săn thú cũng không dám bén mảng. Chỗ cái hang đó, thỉnh thoảng có những tiếng hú kỳ lạ. Có lần người ta còn thấy bóng người lất phất rồi lại biến mất.

Câu chuyện nghe ly kỳ, song kinh nghiệm của những người làm khảo cổ cho biết, những nơi như vậy sẽ có nhiều điều hay. Nghĩ vậy, nhóm nghiên cứu thuyết phục bằng được người dân trong bản chỉ đường, dẫn lối.

Tìm đến nơi, đây là một hang đá phân bố ở độ cao gần 600m so với thung lũng dưới chân núi. Đường lên hang vô cùng hiểm trở, nhiều chỗ dốc gần như dựng đứng, không có lối mòn. Từ dưới nhìn lên không thấy cửa hang bởi tán lá rừng che phủ. Cửa hang hình vòm nhỏ quay về hướng đông chếch nam. Từ cửa hang đi sâu vào trong khoảng 10m, nền hang bỗng tụt sâu như là chiếc giếng lớn với độ sâu gần 20m. Cả nhóm xuất phát từ 6 giờ sáng đến 14h chiều mới tiếp cận được tới lòng hang.

Quả đúng như dự tính, khi lòng hang mở ra theo 2 ngách lớn, nhóm nghiên cứu đã nhìn thấy trên ngách một chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng.

Nhiều điều bí ẩn


Chiếc quan tài được đẽo từ 1 thân cây gỗ lớn. Toàn bộ quan tài chỉ thấy dấu đẽo và đục, không có dấu vết của kỹ thuật cưa, bào… Chiếc quan tài dài gần 3m, đường kính hơn nửa mét.

Phần nắp trên của quan tài đã bị bật mở. Tấm đáy của quan tài, nơi đặt thi thể người chết đã bị thủng lớn theo chiều dọc tấm gỗ, khiến cho xương người và cả đồ tùy táng rơi xuống nền hang. Hiện tại dưới nền hang là những mảnh sọ nhỏ và những mảnh xương ống bị gẫy. Hiện còn 2 chiếc bát tìm thấy ở gần vị trí mấy mảnh sọ.

Mộ thân cây khoét rỗng.
Trong đó có 1 chiếc bát chân cao, phần đáy bôi màu nâu đỏ, thân bát trang trí hoa lam với họa tiết cánh sen, bát được khoét lòng ở đáy, giữa lòng bát có chữ Phúc viết bằng chữ Hán. Theo các nhà khảo cổ thì đây là chiếc bát có niên đại khoảng thế kỷ XV thuộc dòng gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương. Chiếc bát còn lại, chân thấp men màu trắng không có hoa văn. Cả hai bát đều có vết vỡ ở phần miệng. Có dấu hiệu di tích mộ đã bị xâm hại trước đó với mục đích lấy những vật tùy táng.

Quan sát quanh khu vực lòng hang, nhóm nghiên cứu còn phát hiện trên vách đá có ghi vài chữ Hán cổ cùng với một biểu tượng hình tam giác chỉ hướng mũi nhọn xuống đất. Khu vực có mũi nhọn chỉ xuống đã bị đào bới trước đó (ước chừng khoảng vài năm trước). TS Chung nhận định: “Có thể khẳng định phía dưới hang đã có người đến đào bới và lấy của cải. Thêm nữa, người được táng có thể là người rất quan trọng của tộc hoặc vùng vì quan tài được làm to, rộng hơn bình thường”.

PGS.TS Chung cho rằng, việc xuất hiện những lời đồn đại thêu dệt nhằm tạo một bức rào chắn vô hình để bảo vệ hang động cùng thi hài táng trong đó có nhiều điều cần làm sáng tỏ. “Chúng tôi đang lên kế hoạch để cùng các nhà khảo cổ trở lại Ta Ngoải trong một ngày sớm nhất để làm sáng tỏ thêm thông tin khu di tích này”, PGS Chung, nói.

(Theo Đất Việt)