Đó là nhận định của hai nhân vật nổi tiếng của Australia, những người vừa nói tới các triển vọng của các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương như một cách để quản lý căng thẳng an ninh tại châu Á.
Gần đây, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã vạch ra một lộ trình cho hợp tác an ninh tại châu Á, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông nhấn mạnh tới sự cần thiết của các biện pháp xây dựng lòng tin và hợp tác giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc.
Cuối tháng 12/2012, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Australia, Tướng David Hurley, đã có một bài trả lời phỏng vấn trong đó ông nói về khả năng Australia sẽ đăng cai một cuộc tập trận chung với các lực lượng vũ trang của Trung Quốc, và có thể là ba bên với Mỹ, như một cách để tạo dựng thói quen thông tin và dự báo.
Kế hoạch này được đưa ra sau một cuộc tập trận song phương ở ngoài khơi bờ biển Sydney với ba tàu Trung Quốc đến thăm Australia, hoạt động đã từng được tiến hành vào năm 2007 và 2010.
Ý tưởng cho rằng những tương tác mang tính xây dựng như vậy có thể xây dựng lòng tin và giảm nguy cơ xung đột là một ý tưởng tốt. Australia từ lâu rất tích cực sử dụng lực lượng quốc phòng của mình, nhất là hải quân, như một công cụ để gia tăng ảnh hưởng ngoại giao, và đặc biệt phù hợp để hành động như một người triệu tập và nơi đăng cai các hoạt động như thế.
Hoạt động này không chỉ diễn ra với đồng minh Mỹ của họ, và Trung Quốc, mà còn với các đối tác khác trên biển ở châu Á mà Canberra có quan hệ tốt hoặc đang cải thiện quan hệ quốc phòng như Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Tuy nhiên, hiện tại các sĩ quan quân đội dày dạn kinh nghiệm không kỳ vọng khi nhiều vào các cuộc tập trận với các đối tác nước ngoài. Đối với họ, hoạt động này thiên về việc thể hiện năng lực hoặc thu thập thông tin hơn là chia sẻ các kỹ năng hay xây dựng mô hình dự báo và thông tin, dù đây chính là mục đích thực sự của các hoạt động này. Thực tế là trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã liên tục gia tăng cường độ và chất lượng hoạt động ngoại giao quân sự gián tiếp của mình - thông qua các chuyến thăm của tàu và các cuộc tập trận nhỏ - với các nước khác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng điều đó không có nghĩa là các hoạt động này đã được chuyển thành sự gia tăng niềm tin hay trao đổi thông tin tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Như chuyên gia hải quân Geoffrey Till lập luận trong một cuốn sách mới về sự tăng cường hải quân của châu Á, vẫn chưa rõ liệu sự hợp tác và các phát ngôn tích cực, chẳng hạn trong các hoạt động chống hải tặc, có thể giúp "việc hiện đại hóa lực lượng hải quân không trở thành cuộc cạnh tranh hủy hoại khu vực" hay không.
Một phép thử quan trọng hơn của chiến lược thiện chí và việc ưu tiên ngoại giao quốc tế trong năm 2013 sẽ là khuyến khích hải quân và các lực lượng biển khác của Trung Quốc cam kết một cách xây dựng với các đối tác của mình dưới dạng xây dựng lòng tin một cách trực tiếp hơn. Đó là việc thiết lập các nghị định thư và đường dây thông tin liên lạc để phòng tránh hoặc quản lý các sự cố tại các vùng biển đang tranh chấp. Đây cũng là một phần khác của mô hình an ninh khu vực mà ông Kevin Rudd đề xuất trong phát biểu nói trên nhằm hạn chế nguy cơ chiến tranh trên biển ở châu Á.
Trách nhiệm giờ thuộc về những người chơi chính - Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam và Philippines - hơn là các nước trung gian có thiện chí như Australia. Nhưng các tiến bộ trên mặt trận này trước tiên đòi hỏi một quyết định chính trị cơ bản của Trung Quốc - và các nước khác có tranh chấp - không sử dụng sự thành thạo trong điều khiển tàu và thủy thủ, hay các mánh lới khiêu khích trên biển như những công cụ chính sách nhằm thúc đẩy các yêu sách biển của mình. Nếu không, 2013 sẽ lại là một năm nữa các vùng biển châu Á "dậy sóng cồn"./.
Châu Giang theo Thediplomat.com