Từ xa xưa, cha ông ta có biết bao câu tổng kết về hệ lụy của... cái vạ miệng.
Mới đầu năm, chưa hết tháng Giêng là tháng ăn chơi, có hai vụ việc đã "nổ" ra, khiến dư luận cả xã hội nháo nhác bàn luận.
Pháo nổ "báo tin"... buồn
Vụ thứ nhất, đó là vào đêm Giao thừa, các xã huyện Kim Thành, huyện Ninh Giang (Hải Dương) râm ran đốt pháo. Đến nỗi sáng mồng Một và mồng Hai Tết, xác pháo vẫn đỏ đường.
Từ xưa, pháo nổ chỉ báo tin vui. Nhưng nay pháo nổ, "báo tin"... buồn.
Vì sao? Vì tiếng pháo nổ vang trời, bất chấp văn bản Chính phủ cấm đốt pháo ban hành cách đây 20 năm vẫn còn nguyên hiệu lực, cho thấy người dân ở nhiều xã của tỉnh Hải Dương ngang nhiên khinh nhờn phép nước. Còn cấp quản lý chính quyền cơ sở, từ xã đến huyện tỏ ra bất lực, hoặc vô trách nhiệm.
Chuyện tưởng đã rõ như ban ngày, nhất là khi báo Hải Dương đưa hình ảnh xác pháo đỏ rực đường trước mỗi căn nhà ở xã Cổ Dũng, đưa tin pháo nổ ở khu phố Lai Khê, xã Cộng Hòa, khu vực ga Phạm Xá- xã Tuấn Hưng (huyện Kim Thành). Mà theo các phóng viên, càng thời khắc gần Giao thừa, pháo càng nổ nhiều.
Vậy nhưng chiều 16/2, báo cáo lên Chính phủ, ông Hoàng Mai Khương, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hải Dương vẫn khẳng định, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, trên địa bàn tỉnh Hải Dương không hề xảy ra hiện tượng đốt pháo.
Vậy ai đúng, ai sai? Báo chí "dàn dựng" vụ việc, hay ông Chánh Văn phòng UBND cũng không hề đọc báo tỉnh nhà? Ông này còn tự tin đến mức khi trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong, rằng: Trong các báo cáo của các huyện gửi lên tỉnh, chúng tôi không thấy có huyện nào để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
Thế rồi, chả biết làm sao, "đoàng" một cái, Hải Dương lại thú nhận có... đốt pháo.
Cứ nói theo "thành ngữ hiện đại" bây giờ, Hải Dương đang phát ngôn kiểu sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại...đúng.
Đường thôn Cổ Dũng đỏ rực xác pháo sáng mùng 1 Tết. Ảnh: Báo Hải Dương |
Nhưng, suy ngẫm kỹ thấy chuyện quả pháo, tưởng bé tí, mà hóa ra chẳng bé tý nào.
Pháo nổ, thì đã tan tành xác pháo từ lâu, nhưng dư âm xé tai của nó lại cho xã hội thấy cung cách làm việc của các cấp quản lý chính quyền, đang kéo theo những hệ lụy nhãn tiền, rất đáng buồn.
Ấy là cấp dưới (xã) quen nói dối cấp trên (huyện)
Ấy là cấp huyện quan liêu- cứ dựa trên báo cáo của cấp xã mà báo cáo tỉnh.
Ấy là cấp tỉnh- cũng quan liêu nốt- không kiểm tra, không nắm các kênh thông tin ngoài báo cáo- ở đây là mạng lưới truyền thông, báo chí rất nhanh chóng tiếp cận thực tế, phản ánh tình hình. Để rồi cuối cùng là một "báo cáo đẹp như ý", được trình lên Chính phủ.
Đáng nói nữa, ngay cả khi vụ việc có đốt pháo đã sáng tỏ, thì ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh, cũng vẫn ngụy biện cho rằng: Có khi chỉ là một bánh pháo, khi đốt mà chụp cận cảnh thì trông sẽ rất nhiều. Như vậy đốt bao nhiêu bánh pháo mới là... thách thức pháp luật?
Chuyện nhỏ như quả pháo, gây nên tiếng nổ khiến ai nấy phải giật mình, để lại xác pháo đầy đường, đầy ngõ, mà lãnh đạo một tỉnh còn không dám nói thật. Vậy còn những việc lớn hơn, nhưng không có... tiếng nổ, không có cả chứng cứ là cái xác pháo mỏng manh, thì ai dám tin vào sự trung thực của các cấp quản lý chính quyền tỉnh Hải Dương, trước dư luận xã hội đây?
"Tứ đại ngu" là... ai?
Dù vậy, so với vụ nổ pháo ở Hải Dương, thì vụ "nổ" của đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước trên một blog doanh nhân mới đây, nhằm vào đại biểu QH Dương Trung Quốc, xả cả... tràng khái niệm tứ đại ngu, mới là "vụ nổ big bang", ầm ĩ nhất.
Tiếc thay, vụ "nổ" của ĐBQH này lại là mở hàng cho một năm mới- thời khắc theo tập quán truyền thống của người Việt, con người ta thường dùng những lời lẽ tốt đẹp cho nhau, và hết sức kiêng kị sự thóa mạ, chửi bới người khác.
Gieo gì- gặt nấy. Hàng trăm bài báo trên các báo, trang mạng cá nhân bất bình về vụ "nổ" này. Đủ biết, sức nóng và tiếng vang vụ "nổ" của ĐB Hoàng Hữu Phước đã thành công. Mà dù không thành công thì ĐB Hoàng Hữu Phước cũng đã "thành nhân", theo nghĩa... tai tiếng của từ này.
Để hiểu tứ đại ngu mà ĐB Hoàng Hữu Phước giành cho ĐB Dương Trung Quốc là gì, như thế nào, người viết đã phải tìm đọc hết toàn bộ bài viết dài lê thê, với nhiều ngôn từ kêu lủng xủng, loẻng xoẻng, mà dân gian vốn khái quát bằng hai từ ngắn gọn: Lộng ngôn, loạn ngôn hoặc đại ngôn - của ông.
ĐB Hoàng Hữu Phước không chỉ là doanh nhân. Trước đó ông tự xưng từng làm thầy. Thế nhưng những ngôn từ ông dùng để ám chỉ các khái niệm, cho đến cách nói về ĐB Dương Trung Quốc không hề có chút văn hóa của người từng ở môi trường giáo dục, nếu không nói là rất thiếu văn hóa.
Mặc dù, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, ngày 20/2, ông Hoàng Hữu Phước quan niệm blog của mình cũng như một thùng nước đá, để ai khát thì uống. Tiếc thay, thùng nước đá đó bị "nhiễm khuẩn" nặng, nên ai uống phải cũng bị... dị ứng.
Theo đó, tứ đại ngu của ĐB Dương Trung Quốc mà ông Hoàng Hữu Phước chỉ ra, bao gồm: Nhất Đại Ngu: Đĩ/ Nhị Đại Ngu: Đa đảng/ Tam Đại Ngu: Biểu tình/ Tứ Đại Ngu: Văn Hóa từ chức.
Chỉ xin trích một đoạn để bạn đọc chiêm nghiệm về tư duy, tầm và "phông" văn hóa của ĐB Hoàng Hữu Phước. Trong Nhất Đại ngu: Đĩ, ông Hoàng Hữu Phước viết như sau.
Dương Trung Quốc hoàn toàn không biết rằng mại dâm bao gồm đĩ cái, đĩ đực, đĩ đồng tính nữ, đĩ đồng tính nam, và đĩ ấu nhi.
Dương Trung Quốc hoàn toàn không biết rằng khi "công nhận" cái "nghề đĩ" để "quản lý" và "thu thuế", thì phát sinh ... nhu cầu phải có trường đào tạo nghề đĩ thuộc các hệ phổ thông đĩ, cao đẳng đĩ, đại học đĩ; có các giáo viên và giáo sư phân khoa đĩ; có tuyển sinh hàng năm trên toàn quốc cho phân khoa đĩ; có chương trình thực tập cho các "môn sinh" khoa đĩ; có trình luận văn tốt nghiệp đĩ trước hội đồng giảng dạy đĩ...
Đoạn kết gần cuối của toàn bài viết:... Dương Trung Quốc do không quen nghiên cứu hàn lâm, nên tưởng nói về "đĩ" là chứng tỏ ta đây có trình độ "Trí" muốn nữ công dân - trong đó có các nữ nhân thuộc gia tộc Dương Trung Quốc - có quyền tự do sử dụng vốn tự có để kinh doanh phát triển ngành công nghiệp bán dâm. Không ngờ đó lại là cái "Thấp kiến" của phường vô hạnh vô đạo đức vô lại vô duyên, dễ đem lại danh xưng "Nhà Đĩ học" bên cạnh "Nhà Sử học".
Đại biểu Hoàng Hữu Phước. Ảnh: Tá Lâm |
Người viết bài đọc mà kinh ngạc vì văn phong một ĐBQH, văn phong một ông thầy. Không chỉ vô văn hóa, ngông cuồng, hợm hĩnh, mà còn xằng bậy.
Văn là người. Vậy nên hiểu ông Hoàng Hữu Phước là người như thế nào?
Chuyện tranh luận phải trái giữa các cá nhân, từ thường dân đến các đại biểu QH là chuyện bình thường. Thậm chí, có blogger khá nổi tiếng, cho rằng, ông muốn nhìn chuyện này theo hướng tích cực, là ít nhất có những ĐBQH như ông Hoàng Hữu Phước dám nói những gì ông ta cho là trái tai, gai mắt, hơn là ngồi im.
Lại cũng có bạn đọc nhận xét, ĐBQH một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan...còn choảng nhau ngay trong phòng họp, thì sao?
Tuy nhiên, dám phát biểu bằng những ngôn từ thẳng thắn, đầy tinh thần xây dựng, chắc chắn khác hoàn toàn về bản chất với những ngôn từ thô lỗ, thô lậu, mang tính tấn công, xúc phạm cá nhân, vừa thiếu văn hóa, vừa khiến những bạn đọc- cử tri, hết sức thất vọng về cái tâm- cái tầm của một vị ĐBQH, mà họ đã tin tưởng bỏ lá phiếu bầu.
Và trên hành trình hội nhập, nghị trường của Việt Nam chúng ta còn phải học hỏi nghị trường nhiều quốc gia đi trước. Nhưng chả lẽ, các "nghị viên" lại nên "hội nhập" đầu tiên về sự tấn công cá nhân, trước hết là trên blog?
Đến nỗi, nhà thơ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đã phải đặt câu hỏi trong bài thơ "Nhân dân" của mình, đăng trên báo Dân trí: Tôi nghĩ mãi - Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?".
Còn một luật sư thì cho rằng, ông Hoàng Hữu Phước đã vi phạm Điều 121 Bộ Luật Hình sự về tội làm nhục người khác, và những việc làm đó, đủ căn cứ để QH bãi nhiệm chức danh ĐBQH của ông này.
Chưa biết, QH sẽ xử lý vụ việc ĐB Hoàng Hữu Phước ra sao? Nhưng hành vi, những phát ngôn cực kỳ gây sốc của ông cho thấy phẩm chất, cả trí tuệ lẫn văn hóa của một ĐBQH, có những vấn đề rất cần xem lại.
Cho thấy, quá trình hiệp thương để bầu ông này vào làm ĐBQH chắc chắn còn những sơ hở, khiếm khuyết. Khiến cho lá phiếu cử tri tin tưởng ở một người "đủ tâm- đủ tầm" là ông, bỗng trở nên bẽ bàng thay, hổ thẹn thay.
Và cùng một số trường hợp ĐBQH khác trước đó, hiện tượng "nổ" của ông Hoàng Hữu Phước cho thấy chất lượng ĐBQH, chất lượng nghị trường quả còn những vấn đề, mà vấn đề đầu tiên là văn hóa nghị trường, văn hóa ĐBQH.
Được biết, đến thời điểm này, ông Hoàng Hữu Phước qua VietNamNet, đã gửi lời xin lỗi ông Dương Trung Quốc.
Nhưng ông vẫn còn nợ- một lời xin lỗi với người dân, các cử tri TP. HCM, nơi họ đã bỏ lá phiếu bầu cho ông.
Từ xa xưa, cha ông ta có biết bao câu tổng kết về hệ lụy của...cái "vạ" miệng:
Vạ từ miệng vạ ra.
Lời nói/ Đọi máu.
Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Đặt cả phát ngôn của ông Chánh Văn phòng tỉnh Hải Dương, bên cạnh những phát ngôn cực kỳ ấn tượng và gây "sốc" của ông ĐBQH Hoàng Hữu Phước, mới thấy các bậc tiền nhân, dù đã thiên thu, vẫn đủ trí, đủ nhân nhắn nhủ con cháu đang tại ngoại về văn hóa sống ở đời, về cách đối nhân xử thế.
Nói thẳng ra, là về văn hóa làm người công bộc. Nhất lại là người, do nhân dân bầu ra.
Kỳ Duyên
----------
Tham khảo:
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/02/xac-phao-do-duong-o-hai-duong/
http://dantri.com.vn/xa-hoi/hai-duong-bao-cao-chinh-phu-khong-co-dot-phao-697152.htm
http://www.baomoi.com/Hai-Duong-lai-thua-nhan-co-dot-phao/58/10400750.epi
http://dantri.com.vn/blog/tu-dai-ngu-khong-the-cua-db-phuoc-698132.htm
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/614372/DB-Hoang-Huu-Phuoc-Nhan-moi-hinh-thuc-ky-luat-cua-QH-tpol.html