Cụ Rùa trong Hồ Hoàn Kiếm có thể là một biểu tượng dân tộc với khả năng giúp chúng ta giành lại phần nào lòng yêu văn Việt, yêu sử Việt, và từ đó yêu đất nước Việt.

Báo Tiền Phong cuối tháng trước (23/3/13) tung ra dư luận quả bóng thăm dò với tựa đề "Rùa Hồ Gươm - Bảo Vật Quốc Gia ?"

Phía ủng hộ là PGS-TS Hà Đình Đức đề xuất chính phủ công nhận Rùa Hồ Gươm là "bảo vật quốc gia" vì "có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa" Việt Nam. Phản biện đề xuất này là GS Trần Lâm Biền vì Rùa Hồ Gươm không phải là một trong "tứ linh" nên không có giá trị tâm linh và câu chuyện vua Lê Lợi "hoàn kiếm" chỉ là hư cấu.

Đại biểu Quốc hội kiêm nhà sử học Dương Trung Quốc cũng chống lại đề xuất này vì Cụ Rùa không phải là "độc bản" theo như qui định của Luật Di Sản năm 2009, mặc dù Cụ có "mang giá trị đặc biệt về văn hóa, tâm linh, khoa học."

Riêng tôi, tôi nghĩ Cụ Rùa là một biểu tượng quan trọng của cả văn hóa và lịch sử Việt. Đây cũng là một cơ hội rất tốt để các ngành giáo dục, truyền thông, ngoại giao, du lịch đi tiên phong trong công cuộc phục hồi lòng yêu văn, yêu sử và qua đó lòng yêu nước trong mọi tầng lớp người Việt Nam.

Nhìn từ góc văn hóa và lịch sử

Dân tộc nào cũng có huyền thoại của họ. Người Anh có câu chuyện Camelot, với vua Arthur và 12 hiệp sĩ bàn tròn, để dạy hậu thế về tín nghĩa, can đảm, và cuộc tranh đấu dai dẳng giữa thiện và ác. Nhiều bộ lạc bản địa ở cả Bắc và Nam Mỹ châu cũng có những huyền thoại về nguồn gốc nhân loại hoặc những con chim thần cứu giúp họ. Người bản địa vùng quần đảo Hawaii có truyền thuyết thần Maui dũng mãnh như một "Superman" đã tạo nên các đảo. Sách Sáng Thế (Genesis) dùng cho cả ba đạo Ki-tô, Hồi, và Do Thái bắt đầu với câu chuyện ông Adam, bà Eva và con Rắn, với nhiều ý nghĩa hàm chứa trong đó, kể cả nguồn gốc của bao nhiêu khổ ải mà nhân loại phải chịu, cũng như cuộc chiến không ngừng giữa thiện và ác.

Người Việt ta, vì hầu hết phát nguồn từ văn hóa truyền khẩu, lại càng nhiều huyền thoại hơn. Ta khởi đầu với một Nàng Tiên cưới một Con Rồng, sinh ra trăm trứng, nở thành các dân tộc Bách Việt. Ta kể chuyện bánh dày, bánh chưng để nhắc nhớ con cháu nguồn gốc lúa nước đã nuôi sống người dân ta. Ta ru con ngủ với chuyện Sơn Tinh-Thủy Tinh để giải thích một phần tại sao năm nào dân ta cũng bị bão lụt hành hạ. Để lý giải sự hình thành của Vịnh Hạ Long, ông cha ta nghĩ rằng một con Rồng thần đã xuống nước, vẫy đuôi và tạo nên các đảo lớn nhỏ. Và nếu học sinh ta biết chuyện cũ thì mỗi khi ăn dưa hấu cũng phải thầm cám ơn anh An Tiêm.

Trong kho tàng quí báu là các huyền thoại Việt, mà tổ tiên ta đã gìn giữ được qua mọi thăng trầm của lịch sử, con Rùa là con vật vừa linh thiêng, vừa nhiều phen đã giúp đỡ người Việt chúng ta. An Dương Vương xây được thành Cổ Loa và bảo vệ được bờ cõi cũng nhờ Rùa thiêng mách kế và cho một móng thần để có thể bắn nhiều mũi tên cùng một lúc.

Ở thế kỷ 20, con người sáng chế ra súng máy bắn liên hồi, còn gọi là sung liên thanh, có lẽ cũng là một phiên bản của nỏ thần này. Và bài học lịch sử cho hậu thế là An Dương Vương mất ngôi, dân ta mất nước khi chúng ta lơ là việc công, để cho một James Bond thời xưa lừa chúng ta cả chì lẫn chài.

Sang thế kỷ thứ 15, nhà Minh bên Trung Quốc lợi dụng lúc nước ta đang bối rối khi Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, lại tái chiếm đất Việt, dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Từ đó mới có truyền thuyết Rùa thiêng trở lại giúp dân Việt và ngày nay hòn ngọc của thủ đô Hà Nội được vinh dự mang tên sự tích này.

Mỗi lần tôi dẫn sinh viên nước ngoài đi xem Rối nước ở rạp Thăng Long bên bờ hồ, tôi thường cho các em đọc trước về huyền thoại vua Lê Thái Tổ trả lại gươm thần ở ngay Hồ Hoàn Kiếm cũng như những bài báo trong mấy năm gần đâ yvề những khám phá khoa học mới về giống rùa mu mềm rất hiếm này. Tôi không cần phải giải thích nhiều về cái hay, cái đặc biệt, cái lãng mạn của cuộc giao hưởng giữa sự thật và "chuyện cổ tích," các em hiểu ngay vị trí của sự tích này, và của cụ Rùa, trong văn hóa và lịch sử người Việt.

{keywords}

Cụ Rùa là một biểu tượng quan trọng của cả văn hóa và lịch sử Việt

Nhìn từ bối cảnh giáo dục hiện tại

Trong những năm gần đây ở nước ta, hai ngành học văn và sử đang xuống dốc nghiêm trọng. Bao nhiêu bài báo từng đem những con số khủng hoảng, những tình huống cười ra nước mắt, những ngớ ngẩn đến tức mình, và những báo động hết sức bi quan cho tương lai đất nước. Nhưng bộ trưởng này tiếp nối bộ trưởng nọ, trường này cạnh tranh với trường khác, qui chế được nắn bóp, chứ không thật sự cải tiến, từ niên học này sang niên học khác, trong khi học sinh và sinh viên vẫn chạy theo những môn học có vẻ "ăn khách" hơn, vẫn xếp hàng chen nhau vào các trường "chuyên", trường "quốc tế", trường "thực nghiệm" và những gia đình nào có phương tiện thì hàng loạt gửi con đi "tỵ nạn giáo dục."

Khoảng gần 100 năm trước, khi chữ quốc ngữ chính thức thay thế chữ nôm, và nhờ thế giúp tạo nên một cuộc cách mạng văn hóa thật sự, Phạm Quỳnh, một trong những người tiên phong đã khẳng định "Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn; tiếng Việt còn, nước Việt còn." Vậy nếu thấy con em chúng ta ngày nay lơ là việc học tiếng mẹ đẻ, chúng ta có nên lo ngại cho vận mệnh đất nước chưa?

Bên cạnh việc thoái hóa về hai môn học văn và sử, ngành du lịch của chúng ta cũng thụt lùi không kém. Khoảng 20 năm trước, khi nước ta bắt đầu mở cửa đón du khách từ nước ngoài, đạt được 1,000,000 du khách một năm (kể cả những người gốc Việt sống ở nước ngoài) đã là một thành quả quan trọng. Năm 2012, nước ta đón gần 7 triệu lượt khách, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, và mục tiêu năm nay là 7.2 triệu khách và hy vọng họ sẽ chi tiêu khoảng 9 tỷ rưỡi đô-la.

Nhưng đó mới là những con số thống kê và báo cáo. Sau gần chục năm hướng dẫn các đoàn sinh viên, học sinh từ Mỹ đi dọc ngang nhiều miền đất nước, tôi cảm thấy ngày càng bi quan cho tương lai du lịch Việt.  Mà những thoái hóa về du lịch này hầu hết là do chính người Việt ta gây ra, hay ít nhất không biết cách khai thác các lợi điểm thiên nhiên.

Hầu như không có một địa danh nào, một điểm đến du lịch nào mà mỗi khi trở lại, tôi không buồn vì so với lần trước, nó không còn sạch sẽ hay hấp dẫn như lần trước. Những năm đầu, tôi thường cho các em nhẩy từ boong tầu xuống tắm ngay giữa Vịnh Hạ Long; mấy năm sau này, tôi rất lưỡng lự vì nước không còn sạch, rác rến nhiều khi nổi lều phều. Chùa Hương không còn cái không khí thanh bình, xinh đẹp, lẫn chút trang nghiêm của 10 năm trước.

Thành Nội dù có tu sửa được một số cung điện, vẫn chưa có được một hệ thống hướng dẫn chung để cắt nghĩa cho du khách ý nghĩa về văn hóa, lịch sử của triều đại cuối cùng ở Việt Nam. Và ngoài cái Festival Huế mỗi hai năm, du khách đến Huế không biết làm gì sau bữa ăn tối.

Địa đạo Củ Chi, nơi thu hút rất nhiều du khách nước ngoài muốn hiểu thêm về cuộc chiến Mỹ-Việt, cũng vẫn chưa có được một chương trình hướng dẫn sống động hoặc khiến người xem phải suy nghĩ, đặt câu hỏi.... Và các bạn làm hướng dẫn còn quá rụt rè, ít trao đổi với du khách, và có vẻ xem công việc hơi nhàm chán.

Thậm chí Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, điểm đến chính sau chợ Bến Thành ở TP HCM cũng vẫn dựa vào các tranh ảnh tư liệu, hoặc tuyên truyền, làm chính chứ chưa tận dụng được những dữ liệu, những nhân vật, những chuyện thực để người xem cảm được thời điểm đó.

Còn rác rưởi, chặt chém, thiếu phục vụ, coi thường người du khách, cả trong và ngoài nước ... thì tràn lan từ Bắc chí Nam. Năm ngoái lùng bùng việc lập ra một "đại sứ du lịch" rồi cả năm không còn nghe tiếng có hoạt động gì không. Sao không kêu gọi dân ta mỗi người, mỗi nhà hàng, khách sạn, mỗi lăng tẩm, mỗi bãi biển... đều là "đại sứ du lịch" cả? Cái tình người, tính hiếu khách, và tôn trọng thiên nhiên mới là những đại sứ đích thực của nước Việt.

Không trách được cũng vào cuối tháng trước một ông thứ trưởng Bộ Ngoại Giao đã phải công khai lên tiếng là sự thiếu khả năng và trách nhiệm của Tổng cục Du lịch, ở trong cũng như ngoài nước, làm ông ta cảm thấy xấu hổ.

Cụ Rùa là một biểu tượng quí báu nếu chúng ta biết dùng

Trong bối cảnh nước ta đang xuống dốc về nhiều mặt, từ giáo dục, kinh tế đến văn hóa, du lịch... tôi tạm nghĩ Cụ Rùa trong Hồ Hoàn Kiếm có thể là một biểu tượng dân tộc với khả năng giúp chúng ta giành lại phần nào lòng yêu văn Việt, yêu sử Việt, và từ đó yêu đất nước Việt. Và hy vọng là cũng từ cái tư duy yêu nước ấy, có thể mỗi người trong chúng ta sẽ tự động viên chính mình, rồi liên kết với nhau và cùng nhau nâng cấp cái xã hội mà cha ông chúng ta đã dầy công bảo vệ và chúng ta có trách nhiệm phải gìn giữ trong thế kỷ này.

Do đó, việc chính phủ công nhận Cụ Rùa Hoàn Kiếm là một biểu tượng của dân tộc Việt cũng chỉ mới là bước đầu, dù là bước cần thiết. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy hiện tại, biểu tượng này cũng sẽ theo con đường Vịnh Hạ Long, Lăng Tự Đức, Địa đạo Củ Chi... chứ không hơn. Ngược lại, nếu chúng ta nhìn đất nước ta dưới một lăng kính khác, nhân bản hơn, tự tin và ái quốc hơn, biết đâu Cụ Rùa, dưới một hình thức của thời nay, lại trở về giúp dân tộc Việt sáu thế kỷ sau lần cuối giúp vua Lê Lợi.

TP HCM - 26/3/2013

GS. Vũ Đức Vượng

*Thày Vũ Đức Vượng là Giám đốc Chương trình Giáo dục Tổng quát, Đại học Hoa Sen, TP HCM.