LTS: Xung quanh bài phỏng vấn mới đây của cậu bé Đỗ Nhật Nam và clip "xé đề cương Sử" đã có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích, kết nối 2 sự kiện trên từ góc nhìn giáo dục.
CÁC TIN LIÊN QUAN |
Từ phát ngôn của Đỗ Nhật Nam
Đoạn clip phỏng vấn Đỗ Nhật Nam đã gây "nổi sóng" dư luận với những luồng ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, câu chuyện của Nam đã bị cả hai phía, chỉ trích và bảo vệ, làm cho sai lệch hoàn toàn.
Những người chỉ trích đã quá chăm chăm ý kiến cho rằng Nam khác người, Nam đánh mất tuổi thơ, v.v... Họ quên đi rằng Nam có cái quyền được khác người đó và phát ngôn của cậu bé không xúc phạm trực tiếp đến ai, nên không vi phạm gì về pháp luật. Chính hành vi chỉ trích Nam chỉ bởi cậu khác mọi người mới đáng lên án.
Tuy nhiên, ngay cả những người bảo vệ Nam cũng đã quá sa đà vào tranh luận về tự do ngôn luận, hay tệ hơn, chỉ đơn thuần đưa ra lý lẽ: Nam chỉ là một đứa trẻ. Cho rằng Nam là một đứa trẻ và không đáng bị chỉ trích bất chấp phát ngôn ra sao là nuông chiều con nít, và còn có hại hơn cả những chỉ trích. Họ quên đi rằng vấn đề không phải là Nam bao nhiêu tuổi, hay Nam có khác người hay không, mà nằm ở việc phát ngôn của Nam có đúng mực hay không.
Cậu bé 11 tuổi, Đỗ Nhật Nam |
Câu chuyện còn đặt ra một câu hỏi cho mọi người khi thiếu đi sự tham gia bảo vệ Nam một cách công khai của bố mẹ Nam, những người duy nhất có khả năng, cũng như trách nhiệm đối với Nam. Chắc chắn, việc bảo vệ cho con mình bằng cách nào là quyết định của ba mẹ Nam.
Có thể trong gia đình, ba và mẹ Nam đã có những lời động viên nhất định giúp cậu vượt qua những chỉ trích như hiện nay. Nhưng thiết nghĩ việc đứng ra bảo vệ cho con mình một cách công khai sẽ có ích hơn rất nhiều cho Nam về sau này.
Tất nhiên, trong một xã hội mà sự tôn trọng phát ngôn chưa hoàn chỉnh như Việt Nam, việc ba mẹ Nam lên tiếng có thể sẽ lại là cái cớ để lặp lại hiện tượng Quỳnh Anh Talent năm ngoái, nhưng về mặt bổn phận của mình, ba mẹ Nam nếu không thể bảo vệ con mình một hoàn toàn, thì phần nào cũng nên chia sẻ những áp lực mà Nam đang gánh phải.
Thiết nghĩ những ai muốn sửa luật để bảo vệ cho Nam thì thay vì đặt trọng tâm xử lý lên xã hội, cần phải nghĩ đến chuyện áp đặt chế tài nặng hơn cho gia đình của đứa bé bị tổn thương.
Theo Nam cho biết, mẹ Nam nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn. Vậy nên người viết rất băn khoăn không biết phát ngôn này là do Nam tự nghĩ, hay chỉ là đồng tình, hoặc tệ hơn, đơn thuần là nghe lời mẹ?
Đã có rất nhiều phân tích cho thấy phát ngôn của Nam - hay của mẹ Nam - rất phiến diện, chủ quan và thiếu tôn trọng. Truyện tranh, cũng như bất kỳ một môn nghệ thuật nào, là một cách thức giúp con người bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ và ước mơ của mình một cách dễ hiểu, gần gũi.
Trạc tuổi Nam, một "thần đồng" khác là Nguyễn Bình trong bài phỏng vấn "Thần đồng là thằng đần" đã có một cái nhìn khách quan hơn nhiều về truyện tranh, khi cho rằng, thông qua Doraemon, cậu có thể hình dung một nước Nhật xa xôi và hy vọng về tương lai của tác giả bộ sách.
Cũng như mọi điều khác trên đời, có thể nhiều cuốn truyện tranh rất nhảm nhí, thậm chí độc hại. Tuy nhiên, không thể vì những tiêu cực đó mà chụp mũ, đánh đồng tất cả truyện tranh là "con sâu đục khoét tâm hồn".
Trách nhiệm của người lớn không chỉ là giúp trẻ chọn lọc những gì tốt, có ích, mà còn phải cho chúng tiếp xúc với nhiều quan điểm, nhiều vấn đề khác nhau, ngay cả khi bản thân họ không thích những thứ đó. Ba mẹ Nam đã không vì internet có nhiều trang web độc hại mà cấm con dùng internet, không vì TV có nhiều bộ phim nhảm nhí mà không cho cậu xem TV. Vậy thì việc cấm cậu đọc truyện tranh, và "tiêm nhiễm" vào đầu cậu quan điểm cho rằng truyện tranh là "con sâu", là thứ độc hại, ghê gớm cho thấy cách dạy con của họ có vấn đề.
Vấn đề ở chỗ cách thức đó không dạy được cho Nam biết tôn trọng thế giới xung quanh - trong đó bao gồm cả những người bạn Nam, mà rất có thể truyện tranh gần như là sách duy nhất các em đọc. Nam sẽ đối xử với những người bạn này thế nào? Xem họ là những người có tâm hồn bị đục khoét chăng?
Mục đích của giáo dục không chỉ là truyền dạy kiến thức, kỹ năng, mà cao hơn là dạy cho trẻ biết và tôn trọng thế giới xung quanh, cho chúng biết rằng tất cả những gì đang tồn tại tạo nên thế giới chúng đang sống. Dạy chúng chỉ trích, lên án một hiện tượng mà thiếu quá trình phân tích đầy đủ, đúng đắn, chỉ tập trung vào mặt xấu và chụp mũ toàn bộ là phản giáo dục và có hại cho trẻ.
Nam có quyền không đọc truyện tranh, nhưng lý do phải là vì cậu không thích (sau khi đã tự kiểm nghiệm), chứ không phải vì cậu được dạy rằng nó độc hại. Cần có người cho Nam biết những điều cậu nói đều được bảo vệ, rằng đó là quyền của cậu. Nhưng đồng thời cậu cũng phải được dạy để biết rằng phát ngôn của cậu cần phải khiêm tốn và tôn trọng mọi thứ xung quanh, không chụp mũ và suy nghĩ phiến diện. Chỉ trích chính là chỉ trích hành vi không đúng của Nam chứ không phải chỉ trích con người Nam.
Ngược lại, lập luận rằng Nam còn nhỏ tuổi và những gì cậu nói là chưa thấu đáo lại là bao che và nuông chiều. Bởi vì nói như vậy chẳng khác nào chúng ta làm ngơ cho một đứa trẻ nói sai ngoài đường vì nghĩ chúng chưa hiểu gì. Dạy con khó hay con còn nhỏ không phải là cái cớ cho người lớn thoái thác nghĩa vụ của mình.
Đến câu chuyện "tuyết rơi mùa hè"
Cư dân mạng gọi cảnh xé vụn đề cương Sử, thả xuống sân trường của học sinh một trường cấp 3 là "tuyết rơi mùa hè". Đây là một lối ví von dí dỏm, vì tuy không nói ra, nhưng ai từng qua thời đi học đều biết hiện tượng học sinh xé bỏ sách vở khi học xong là chuyện không hiếm.
Tuy nhiên, cách thể hiện thái độ vui mừng, "giải thoát" như trong clip thì lại hiếm có và rất đáng báo động.
Báo động không chỉ vì nhiều tờ đề cương trong số đó là của môn Lịch sử và hành động xé giấy bị quy kết là "xé Lịch sử", mà còn bởi hành động này thể hiện sự thiếu tôn trọng của học sinh với kiến thức mình đã học, cho dù là môn gì hay là giấy gì. Một lần nữa, bài học về sự tôn trọng những điều xung quanh mình lại được đặt ra, lần này là với những học sinh lớp 12, đã sang tuổi 18.
Ảnh cắt từ clip "xé đề cương môn sử" |
Có rất nhiều cách để các học sinh này thể hiện sự vui mừng hay "giải thoát". Chọn cách xé vụn đề cương môn học, thả ra sân trường, nơi thầy cô có thể chứng kiến, là một cách làm vừa thiếu văn minh, thiếu lịch sự và thiếu giáo dục.
Nó thiếu văn minh vì xả rác chưa bao giờ là hành vi lịch sự. Những học sinh này đã không nghĩ đến người lao công sẽ vất vả thế nào để giải quyết vài giây ăn mừng của họ.
Nó thiếu lịch sự ở chỗ họ thể hiện sự coi thường môn học, kiến thức của thầy cô mình dạy một cách trực tiếp, không tế nhị, và cố tình tạo ấn tượng. Câu chuyện sẽ dễ chấp nhận hơn nhiều nếu các em chọn cách đem bán, guyên góp sách vở không dùng nữa, (hay thậm chí kín đáo tiêu hủy).
Và cuối cùng, nó rất thiếu giáo dục khi không tôn trọng Lịch sử đúng mức như một ngành khoa học. Các em đã không được giáo dục để nhận thức được rằng ngành khoa học hay nghệ thuật nào cũng quan trọng như nhau. Khi thực hiện hành vi trên, một lần nữa, các em đã thể hiện sự thiếu suy nghĩ, thiếu tôn trọng những người xung quanh.
Thay đổi căn bản nhất
Một xã hội văn minh cần bảo vệ người dân và đảm bảo cho công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, một xã hội văn minh cũng phải biết giáo dục cho thế hệ tương lai biết hướng hành vi mình đến việc tôn trọng con người, thế giới xung quanh mình, để tránh đưa ra những phát ngôn có thể bị xã hội lên án.
Phát ngôn của Đỗ Nhật Nam hay hành vi của các học sinh lớp 12 trong clip phải được bảo vệ vì tuy hơi khó nghe và phản cảm, nó cũng là những ngôn luận bình thường. Không ai được phép chỉ sử dụng những phát ngôn, hay hành vi đó để quy chụp, đánh giá xấu về tính cách, con người Nam hay những học sinh lớp 12 đó, đó là việc làm bất nhẫn.
Điều quan trọng hơn rút ra trong câu chuyện này là người lớn phải giúp cho Nam hay những học sinh lớp 12 nhận ra rằng phát ngôn và hành vi của họ là không đúng mực, gây ảnh hưởng đến người khác để từ đó suy nghĩ lại nhận thức của mình đối với những điều xung quanh.
Phát ngôn của Đỗ Nhật Nam và hành động của các hoc sinh lớp 12 phần nào phản ánh kết quả của cách thức giáo dục của chúng ta. Đó là một nền giáo dục trọng thành tích, nhồi nhét kiến thức, mà quên đi sứ mệnh đào tạo Con người theo đầy đủ nghĩa của nó.
Chỉ trích truyện tranh là "con sâu đục khoét tâm hồn" hay xé vụn đề cương Lịch sử nếu so sánh quá lên thì cũng không khác mấy so với hành vi đốt sách. Có người đã nói, nếu chúng ta làm ngơ cho họ đốt sách ngày hôm nay, ngày mai họ sẽ đốt chính con người.
Dạy cho trẻ biết tôn trọng những điều xung quanh là cách duy nhất để ngăn chặn việc tiếp tục cho ra đời những sản phẩm giàu kiến thức, giỏi kỹ năng, nhưng ngông cuồng, thiếu khiêm tốn và không coi trọng người khác. Thay đổi cách giáo dục, chứ không phải là thay đổi luật pháp như ai đó đề nghị, mới là thay đổi căn bản, cấp thiết nhất.
Lê Nguyễn Duy Hậu (từ Đức - lược trích)