Việc Trung Quốc tỏ ra khó chịu với một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất không có gì ngạc nhiên. Kể từ khi chính phủ Myanmar bắt đầu thực hiện tiến trình cải cách và mở cửa năm 2011, Bắc Kinh nhận thấy sự thống trị truyền thống ở nước này đang có nguy cơ biến mất.
Phản ánh những động thái điều chỉnh chiến lược để củng cố vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar kể từ khi nước này mở cửa năm 2011 đến nay, Viện nghiên cứu Trung Quốc "Jamestown Foundation" của Mỹ cho biết ngày 5-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với người đồng cấp Myanmar U. Thein Sein thăm Trung Quốc ngày 5-4, không khí thân mật thông thường nhằm thúc đẩy mối quan hệ "hợp tác toàn diện" giữa hai bên bỗng trở nên tẻ nhạt khi ông Tập nhắc đến mối đe dọa từ việc phương Tây xâm nhập Myanmar và các công ty Trung Quốc hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc kinh doanh ở nước này.
Việc Trung Quốc tỏ ra khó chịu với một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất không có gì ngạc nhiên. Kể từ khi chính phủ Myanmar bắt đầu thực hiện tiến trình cải cách và mở cửa năm 2011, Bắc Kinh nhận thấy sự thống trị truyền thống ở nước này đang có nguy cơ biến mất. Đồng thời Bắc Kinh cũng cảm thấy các lợi ích của Trung Quốc sẽ bị đe dọa khi các nước phương Tây nhảy vào cạnh tranh và dân chúng Myanmar ngày càng lên tiếng phản đối Trung Quốc.
Hiện nay, một số quan chức Trung Quốc công khai thừa nhận rằng Bắc Kinh đánh giá thấp tiến trình thay đổi dân chủ ở Myanmar và đánh giá cao ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này. Trước tình hình đó, mấy tháng qua Bắc Kinh bắt đầu triển khai chiến dịch điều chỉnh chiến lược tại Myanmar. Bằng cách thay đổi cách tiếp cận ngoại giao, tăng cường can dự vào các cuộc xung đột sắc tộc và điều chỉnh hoạt động phù hợp với môi trường kinh doanh đang thay đổi, Bắc Kinh đang tìm cách sử dụng các nguồn lực và ảnh hưởng để đáp ứng các nhu cầu của một đất nước Myanmar cải cách nhanh nhằm bảo vệ các lợi ích quan trọng của Trung Quốc ở đó trong những năm tới.
Do các sự kiện đang tác động đến lợi ích chiến lược, mấy tháng qua Bắc Kinh đã và đang điều chỉnh chiến lược tại Myanmar như sau.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội đàm với người đồng cấp Myanmar Thein Sein |
Thứ nhất, Bắc Kinh mới đây ra một số tuyên bố mang tính chất cá nhân mập mờ nhưng quan trọng về Myanmar và điều đó cho thấy Bắc Kinh đang thay đổi cách tiếp cận ngoại giao đối với Myanmar. Ngày 11-3, Bắc Kinh bổ nhiệm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Vương Anh Phàm, 71 tuổi, làm đặc phái viên đầu tiên phụ trách các vấn đề châu Á, có nhiệm vụ hết sức chú trọng và ưu tiên cao quan hệ với Myanmar bởi vì "có quá nhiều vấn đề xảy ra gần đây" ở nước này. Sau đó ông Vương Anh Phàm đã gặp gỡ các nhà hoạt động chính trị đối lập và các nhóm xã hội dân sự cũng như phát biểu thẳng thắn về việc Bắc Kinh cần cải thiện hình ảnh tại Myanmar như một phần nỗ lực lớn hơn để đa dạng hóa các mối quan hệ của Trung Quốc tại Myanmar.
Bắc Kinh cũng quyết định thay đại sứ tại Myanmar Lý Quân Hoa bằng tân đại sứ Dương Hậu Lan, một quan chức ngoại giao dày dạn kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc tình hình Đông Nam Á. Ông Dương đã trình quốc thư lên Tổng thống Thein Sein ngày 29-3 tại thủ đô Naypyitaw, phát ra tín hiệu Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược mới nhằm can dự vào các cải cách tại Myanmar sau nhiều năm thất bại của đại sứ tiền nhiệm Lý.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với các nhóm sắc tộc gây bạo loạn chống chính quyền Naypyitaw để nâng cao vị thế của Trung Quốc hơn nữa so với các nước khác tại Myanmar. Sau khi tránh né vai trò như vậy trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đang đóng vai trò chưa từng thấy trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Naypyitaw và Tổ chức Độc lập Kachin (KIO) vào tháng 2-2013, một phần để ngăn chặn các nỗ lực can dự của Mỹ và phương Tây. Vì vậy Trung Quốc đứng ra tổ chức hai vòng đàm phán và cử các quan chức cấp cao tham dự, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong hai vòng đàm phán đó. Nhưng một số tin tức cho biết vòng đàm phán thứ ba đã bị hoãn hồi đầu tháng 4-2013, do Trung Quốc dựa vào các phiến quân Kachin để không tổ chức cuộc gặp, vì lo sợ Liên Hiệp Quốc, Anh và Mỹ sẽ can dự.
Song song với chính sách "cây gậy và củ cà rốt kinh tế" để lôi kéo chính phủ Myanmar, Bắc Kinh cũng ủng hộ một số nhóm phiến quân sắc tộc thiểu số để thúc đẩy hơn nữa các lợi ích an ninh. Ví dụ, mặc dù Bắc Kinh thường phủ nhận, nhưng các nhà quan sát khẳng định Trung Quốc đã bí mật tăng cường viện trợ quân sự cho Quân đội bang Wa thống nhất (UWSA) - một nhóm phiến quân lớn nhất tại Myanmar. Trong khi các nhà phân tích lâu nay vẫn nghi ngờ Trung Quốc đã và đang bí mật cung cấp vũ khí cho UWSA, tạp chí Tình báo Jane tháng 11-2012 cho biết Trung Quốc đã hoàn thành nhiều đợt chuyển giao vũ khí, trang thiết bị quân sự cho các phiến quân, kể cả tên lửa đất đối không và lần đầu tiên 12 xe bọc thép, nhằm ngăn chặn chính quyền Naypyitaw phát động một cuộc tấn công quân sự toàn diện chống nhóm phiến quân UWSA.
Thứ ba, bất chấp những thất bại gần đây, các công ty Trung Quốc đang thể hiện khả năng thích ứng với bầu không khí chính trị thay đổi ở Myanmar. Các công ty lớn của Trung Quốc như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, chịu trách nhiệm xây dựng các tuyến đường ống dẫn khí đốt và dầu lửa của Bắc Kinh, đang nỗ lực đầu tư nhiều hơn nữa để giúp đỡ các cộng đồng địa phương xây dựng nhiều bệnh viện, trường học và các cơ sở khác. Các công ty cũng đang tiến hành chiến dịch mở rộng quan hệ với dân chúng Myanmar để cải thiện hình ảnh của họ. Sau vụ tranh cãi về mỏ đồng Letpadaung gần khu vực Monywa thuộc miền Trung Myanmar, Công ty trách nhiệm hữu hạn Wanbao Mining LTD của Trung Quốc bắt đầu triển khai kế hoạch vận động hành lang mạnh mẽở Myanmar để giành được các dự án béo bở.
Chiến lược đấu thầu của các công ty cũng được thay đổi như một hãng điện thoại di động của Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với hãng điện thoại di động Vodafone để giành được giấy phép thực hiện các dự án viễn thông của Myanmar. Rõ ràng Bắc Kinh đang khích lệ các công ty Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở Myanmar. Tân đặc phái viên phụ trách các vấn đề châu Á Vương Anh Phàm đang cố gắng giúp ngăn chặn tình trạng bất mãn ở các địa phương của Myanmar bằng cách thường xuyên thừa nhận các công ty Trung Quốc cần cải thiện các mối quan hệ công chúng yếu kém của họ và nỗi lo ngại của chính quyền Naypyitaw về các dự án cơ sở hạ tầng là có cơ sở.
Bắc Kinh hy vọng sự điều chỉnh chiến lược tại Myanmar sẽ tạo nên sức mạnh bảo vệ các lợi ích sống còn của Trung Quốc và chuẩn bị tham gia cạnh tranh hơn nữa ở đó.
Theo DNSG cuối tuần