Liệu Trung Quốc có thực hiện được “Con đường tơ lụa phía nam”? Những ý đồ phát triển của họ liệu có phù hợp với lợi ích của các bên liên quan hay không?
Hơn 2000 năm trước, Trung Quốc tự hào đã tạo ra con đường tơ lụa phía tây nam kết nối được với Myanmar và Ấn Độ. “Con đường tơ lụa tây nam” này khởi điểm từ vùng Tứ Xuyên Trung Quốc qua Vân Nam đến phía bắc Myanmar, rồi đến vùng đông bắc Ấn Độ, sau đó dọc theo sông Hằng đến tây bắc Ấn Độ và đến cao nguyên Iran.
Theo các nhà nghiên cứu cho biết, con đường tơ lụa này có sớm hơn con đường tơ lụa trên bộ. Con đường tơ lụa ở phía tây nam Trung Quốc đã kết nối Trung Quốc với các nước văn minh thời cổ đại và cội nguồn văn hoá, thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, văn hóa của những khu vực này, còn được gọi là “con đường đối thoại giữa phương Đông và phương Tây”.
Việc xây dựng lại con đường này góp phần quan trọng chứng minh cho thế giới thấy rằng từ xa xưa Trung Quốc đã có mối quan hệ kinh tế thương mại với các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á.
Khi địa lý tạo thành sức mạnh
Sau khoảng thời gian dài “im hơi lặn tiếng” mà Trung Quốc gọi là “thao quang dưỡng hối”, vào đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Với vai trò mới, Trung Quốc rất muốn mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới, mà bắt đầu là châu Á. Trên cơ sở đó, con đường “thương mại quốc tế” cổ đại này lại được mang ra bàn luận, và Trung Quốc là người khởi xướng.
Kế họach này dường như được các nước trong láng giềng của Trung Quốc quan tâm hưởng ứng như một cách để tạo chất “mới” trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại tại khu vực này – khu vực vốn dĩ đã lắng trầm trong một khoảng thời gian dài.
Theo Thời báo của Ấn Độ, vào ngày 5 tháng 6 vừa qua, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức cuộc triển lãm “Trung Quốc và Nam Á” tại Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc). Giới truyền thông Bắc Kinh hy vọng Vân Nam sẽ trở thành cầu nối giữa Ấn Độ cùng các quốc gia Nam Á với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cũng trong khoảng thời gian này, tại Vân Nam, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn Thương mại Trung Quốc với các quốc gia Nam Á lần thứ sáu. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hơn 500 nhân sĩ tri thức, nhà nghiên cứu, các công ty xí nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước đến từ Trung Quốc và các nước trong khu vực Nam Á. Diễn đàn đã đề xuất tăng cường đối thoại lẫn nhau, mở rộng quy mô hợp tác đầu tư, ưu tiên và tập trung cơ cấu hóa cơ chế thương mại từ đó từng bước thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ nhiều mặt giữa các nước Nam Á với Trung Quốc.
Theo đánh giá của giới truyền thông, Trung Quốc hy vọng sẽ xây dựng được hành lang kinh tế kết nối giữa Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanma (BCIM - Bangladesh - China - India - Myanmar) với ý đồ là phục hưng lại “Con đường tơ lụa phía nam” vốn dĩ đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử hình thành và phát triển đất nước này. Đây cũng chính là chủ đề được phân tích, mổ xẻ rất nhiều trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ.
Cũng theo Tân hoa xã dẫn lời, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của chính quyền tỉnh Vân Nam Dương Hoa cho biết, Trung Quốc đã “ấp ủ” và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc phục hưng lại “Con đường tơ lụa phía tây nam” của mình và cũng đang tích cực cùng với các nước Nam Á thảo luận để có thể đi đến thống nhất các kế hoạch có liên quan của dự án này. Ông Dương Hoa cũng cho biết thêm, bằng sự nỗ lực của các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar và Bangladesh, các ban ngành có liên quan của bốn quốc gia này đã thống nhất và phê chuẩn kế hoạch xây dựng hành lang kinh tế bắt đầu từ Vân Nam sau đó sẽ qua Myanmar rồi sang Bangladesh và cuối cùng là đến Ấn Độ.
Trên cơ sở này, tháng 2/2013, các chuyên gia của bốn quốc gia này đã cùng nhau tiến hành khảo sát thực địa tuyến đường huyết mạch này nhằm tìm ra hướng đi tốt nhất trong việc hợp tác bốn bên. Để hiện thực hóa kế hoạch hành lang kinh tế ấy vào cuối tháng 2 đầu tháng 3/2013, bốn quốc gia này đã tổ chức một cuộc đua xe với tổng chiều dài khoảng 2.800 km dọc theo tuyến đường này.
Biên giới mềm của đại Trung Hoa
Vấn đề hành lang kinh tế kết nối Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc đã trở thành vấn đề nghị sự chính khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khi ông có chuyến công du chính thức đến đất nước sông Hằng huyền bí này. Trong thông cáo chung hai bên đã nêu rõ quan điểm, cuộc thi đua xe trên tuyến đường hành lang kinh tế của bốn nước là một sự kiện vô cùng thành công, hai bên đồng ý sẽ tiếp tục bàn luận với các bên có liên quan và sẽ thành lập tổ công tác liên hợp, nghiên cứu tăng cường thông thương qua lại với nhau tại khu vực này từ đó xúc tiến giao lưu văn hóa và hợp tác đầu tư thương mại đồng thời tiếp tục đề xướng ý tưởng xây dựng hành lang kinh tế Banladesh, Ấn Độ, Myanma và Trung Quốc.
Ông Dương Hoa còn khẳng định: cho dù tuyến đường “con đường tơ lụa phía nam” vẫn còn chưa thống nhất về mặt nội dung, phương thức hoạt động… nhưng sự thành công của cuộc thi đua xe đã làm cho tuyến đường này trở thành một phương án tương đối tốt trong việc hiện thực hóa “Con đường tơ lụa phía nam”.
Theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc, tuyến đường này nếu thành công sẽ là cây cầu trên bộ nối liền các quốc gia Nam Á với vùng huyết mạch và các địa phương duyên hải phía Đông Trung Hoa. Dự án cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía tây nam Trung Quốc - một khu vực vốn dĩ đã không ít lần Bắc Kinh muốn phát triển nhưng do vị trí địa lý, khí hậu khắc nghiệt… nên nhiều thập kỷ qua vẫn dậm chân tại chỗ và điều quan trọng theo Trung Quốc cây cầu trên bộ này sẽ làm cho các nước nằm trên tuyến đường này cùng phát triển thịnh vượng.
Năm 2008 Trung Quốc đã bắt đầu tập trung xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía tây nam mà một trong những trung tâm đó chính là Trùng Khánh, Vân Nam. Tuy nhiên để giải bài toán trên, điều đầu tiên và cốt lõi đấy chính là giải quyết vấn đề giao thông. Nếu Trung Quốc xây dựng và kết nối được hệ thống giao thông giữa bốn nước lại với nhau thì ý đồ phục hưng “Con đường tơ lụa phía nam” của Trung Quốc hoàn toàn để thể hiện thực hóa được.
Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề giao thông sẽ tăng cường được tính liên kết trong khu vực, nó không chỉ mở ra không gian rộng lớn cho sự phát triển kinh tế, thương mại trong khu vực Nam Á với Trung Quốc mà còn có thể tạo ra cơ hội hợp tác với các khu vực khác.
Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, những năm gần đây, với sự nỗ lực của giới thương gia và sự quan tâm của Chính phủ các nước, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia Nam Á đã có những chuyển biến rõ rệt. Từ năm 2000 đến 2012, tổng kim ngạch thương mại mậu dịch của Trung Quốc với các nước này tăng từ 5.7 tỷ lên 9.3 tỷ USD, trung bình tăng 26 % một năm; trong đó Trung Quốc nhập khẩu từ các quốc gia Nam Á này tăng từ 1.9 tỷ lên 22.6 tỷ đô, trung bình tăng 23%. Tính đến cuối năm 2012, Trung Quốc đã ký hợp đồng thi công các công trình tại các quốc gia Nam Á là 106.4 tỷ USD trong đó số công trình đã hoàn thành ước tính khoảng 70 tỷ USD.
Có thể nói hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài và là bạn hàng chủ yếu của các quốc gia Nam Á này. Ngoài ra, các quốc gia Nam Á cũng dần trở thành những vùng đất màu mỡ của các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng và công trình dân dụng của Trung Quốc. Các số liệu trên cho thấy Trung Quốc đang rất thành công trong việc thực hiện ý đồ phục hưng “Con đường tơ lụa phía nam” theo hướng có lợi cho mình. Và đằng sau việc phục hưng con đường này chính là từng bước thực hiện giấc mơ 100 năm của người Trung Hoa giành lấy vị trí siêu cường trong thế kỷ XXI, đồng thời tăng cường ảnh hưởng của mình tại các khu vực trên thế giới trong đó không thể không kể đến khu vực Nam Á.
Liệu Trung Quốc có thực hiện được “Con đường tơ lụa phía nam”? Những ý đồ phát triển của họ liệu có phù hợp với lợi ích của các bên có liên quan hay không? Và hiện nay không ít giả thuyết khác được đặt ra xung quanh “lợi ích quốc gia” của Trung Quốc trong việc phực hưng con đường này. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả đó chính là thái độ, sự chân thành và cách cư xử cũng như trách nhiệm của Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực, đó sẽ là thước đo, là yếu tố quyết định thành công của việc phục hưng “Con đường tơ lụa phía nam” mà Trung Quốc đang mong muốn.
Nguyễn Tăng Nghị