Chuyện tìm vốn cho doanh nghiệp dù nằm trong tình trạng khởi nghiệp hay đã hoạt động tốt đều đơn giản và theo một quy trình rõ ràng, trong đó lợi ích của nhà đầu tư (ROI) phải được trân trọng.

Chúng ta không chỉ gia tăng vốn liếng của một quốc gia, mà phải làm sao để phần lớn số vốn này đạt năng động và hiệu quả; và qua các quỹ, các ngân hàng gia tăng giá trị của hiệu năng kỹ nghệ.

Tôi nhớ một lần theo đám bạn đi chơi dã ngoại ở California, chúng tôi đi vào khu đãi vàng của vài chục cư dân, đang cặm cụi sàng lọc nước ở một dòng suối nhánh của sông Sacramento để tìm những mảnh kim loại lóng lánh. …. Nhìn họ, tôi ngẫm nghĩ đến công ty vừa bắt đầu của mình, đang vào thời điểm đi tìm vốn. Như vàng, việc tìm vốn cho một doanh nghiệp khởi động sao chắt chiu khổ sở và đòi hỏi người chủ một kiên nhẫn vô biên.

Tôi biết nhiều doanh nhân bức xức nhất về vấn nạn này. Tiền để khởi nghiệp, tiền để giữ hoạt động của công ty êm suốt, tiền để phát triển, tiền để phòng thủ, tiền để cho các nhu cầu thiết yếu của cá nhân và gia đình, rồi tiền thuế, tiền trả nợ, tiền lương, tiền …phong bì. Áp lực của tiền gần như không ngưng nghỉ trong suốt đời làm ăn. Các vị nghiên cứu về kinh doanh trên tháp ngà hay các vị quản lý quen tiêu tiền người khác (OPM) không bao giờ có thể đồng cảm với cái khó khăn tột bực này.

Mười năm đầu trong hành trình làm ăn, có thể nói tôi bỏ ra khoảng 60% thì giờ chạy quanh và 100% thì giờ lo âu về kết quả cho việc tìm vốn. Đó là tốt hơn nhiều người khác vì trước đó tôi cũng đã làm tư vấn khách hàng cho vài ngân hàng đầu tư ở Wall Street với nhiều quan hệ làm ăn và chút kinh nghiệm. Sau cùng, tôi cũng tìm ra một phương thức khá hiệu quả để giúp tôi và các bạn bè đối tác thu ngắn và đơn giản hóa hành trình tìm vốn.

{keywords}

Cốt lõi của nguyên lý tìm vốn

Mọi chuyện bắt đầu bằng tư duy: hãy coi việc tìm vốn như một phi vụ kinh doanh, công ty của bạn là sản phẩm và các nhà đầu tư là khách hàng. Sau đó, chúng ta quay lại với a,b,c…của các nguyên tắc và giải pháp kinh doanh như đã học ở các trường lớp quản trị hay trên sách và mạng. Về sản phẩm, bạn cần chất lượng, sáng tạo và đặc thù. Về tiếp thị, bạn phải định vị rõ ràng phân khúc khách hàng mục tiêu, nhu cầu thực sự của họ, chiến lược tiếp cận và bán hàng của bạn, cùng các đối thủ cạnh tranh. Trên mọi khía cạnh, khách hàng phải thỏa mãn trước khi mua và sau khi mua.

Hãy nghĩ kỹ lại những gì mình vừa minh định. Sản phẩm chất lượng, sáng tạo và đặc thù có nghĩa là mô hình kinh doanh của công ty bạn có gì khác biệt và thông minh hơn những công ty cùng loại trên thương trường không? Công ty bạn có một kế hoạch kinh doanh bài bản và chuyên nghiệp? Ban quản lý của công ty bạn có chất lượng không? (vâng, kỹ năng, uy tín, kinh nghiệm trong ngành nghề ?)

Khi đi gây vốn, công ty bạn đã biết rõ ai là những nhà đầu tư mục tiêu, thường hay lựa chọn những mô hình kinh doanh hay ngành nghề như công ty bạn? Số vốn bạn đang tìm kiếm có nằm trong vùng phủ sóng của quỹ hay nhà đầu tư (nhỏ quá hay lớn quá đều không thích hợp)? Mức lời dự phóng (return on investment-ROI) có hợp lý với thực tại? Khi tiếp cận, bạn có tìm được sự giới thiệu cá nhân của những người uy tín trong mạng lưới kinh doanh? Khi trình bày trong những cuộc họp, dù ít hay nhiều người tham dự, công ty bạn có những vị quản lý chuyên nghiệp với kỹ năng thuyết phục về giao tiếp?

Trên hết, sản phẩm (công ty bạn) có sức hấp dẫn tạo thú vị cho những nhà đầu tư (khách hàng)?

Nếu bạn nói YES với phần lớn những câu hỏi trên, bạn đã sẵn sàng. Nếu không, hãy đợi chờ và hoàn thiện sản phẩm hay nắm rõ khách hàng trước khi khởi động. Một ấn tượng xấu sẽ đóng cánh cửa của cơ hội lại vĩnh viễn. Thà là đợi.

Tiền nhiều hơn ý tưởng

Trước khi đi xa hơn, tôi xin bạn tin vào một sự kiện làm ngạc nhiên nhiều doanh nhân: số lượng nhà đầu tư khắp thế giới nhiều hơn là các dự án kinh doanh và sự thiếu hụt trầm trọng trên thị trường vốn không phải là tiền mà là ý tưởng. Theo báo cáo của McKinsey, dù đã giảm 40% so với thời cực thịnh của 2007, tổng tài sản các công cụ tài chánh toàn cầu vẫn đạt 225 ngàn tỷ USD vào cuối 2012. Trong vũ trụ tiền vốn, ngay cả 1 tỷ USD cũng chỉ là muối bỏ biển.

Nhưng dù tiền thì rất nhiều, nhưng nhà đầu tư nào cũng đòi hỏi hai điều kiện: một mức lời ROI tốt đi kèm với một hệ số rủi ro thấp (risk factors). Tuy nhiên, may mắn cho doanh nhân, định nghĩa của ROI và risk factors thường khác nhau giữa các nhà đầu tư. Những người bảo thủ nhất chấp nhận ROI khoảng 2% mỗi năm để mua công phiếu của chánh phủ Mỹ (risk gần như không có). Những quỹ đầu tư trung bình thường thỏa mãn với 6 đến 10% mua cổ phiếu và trái phiếu của các công ty lớn. Những người có lòng tham cao hơn thì đòi 14 đến 18% khi đầu tư vào các công ty nhỏ bé với đủ loại risk factors.

Biết đối tượng mình cần gì và bán cho họ những thứ họ cần vẫn là một sách lược kinh doanh khôn ngoan nhất.

Các kênh tìm vốn

Khi khởi nghiệp, không ít thì nhiều, các doanh nhân cũng có một khái niệm là phải đi đến đâu để tìm vốn. Trước hết là vét sạch túi tiền của vợ hay chồng, rồi đến bạn bè bà con. Sau đó là thuyết phục ông bà sui gia cho mượn sổ đỏ ra nhà băng cầm. Tệ quá thì chơi vài cái hụi, tệ hơn nữa thì quay sang các tay xã hội đen đỏ. Sau khi làm ăn một thời gian, quan hệ và kiến thức gia tăng, các doanh nhân bắt đầu lưu tâm đến việc vay mượn hay kêu gọi tiền góp vốn từ các đại gia, các quỹ đầu tư, các đối tác nước ngoài, các nhà cung cấp, các khách hàng…. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện, việc niêm yết trên HOSE hay HNX là một giải pháp bắt buộc để phát triển. Một giải pháp tôi cho là hiệu quả hơn là việc niêm yết sàn Mỹ (đọc cuốn sách cùng tên tôi đã xuất bản).

Ở nhiều quốc gia, việc gõ cửa các cơ quan tín dụng của chánh phủ, trung ương hay địa phương, lớn hay nhỏ, rất hữu hiệu (dĩ nhiên phải biết các quan chức cần gì). Tiền của dân, dù lỡ có mất, nhưng hệ thống hành chánh cũng đủ phức tạp để tránh trách nhiệm, nên các vị quản lý tiền OPM này rất thoải mái và rộng lượng. Tôi đọc ở đâu đó là 26% tiền ODA của Nhật cho các quốc gia nghèo khó là nợ xấu.

Từ khi hội nhập với toàn cầu qua WTO, doanh nghiệp Việt cũng tiếp cận với các loại hình gây vốn mới lạ hơn như đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần, trái phiếu quốc tế, đầu tư đám đông (crowd funding), ngân hàng siêu nhỏ (micro banks) hay tín dụng xã hội từ các NGO. Thông tin và cách thức hoạt động của các loại vốn mới này đều có thể nghiên cứu và phân tích qua mạng.

Sáng tạo về nhu cầu “vốn”

Tuy nhiên, một tư duy rất quan trọng trong việc tìm vốn là “suy nghĩ ngoài cái hộp”. Tôi nghiệm là phần lớn doanh nhân thường cứng ngắc trong việc thực hiện dự án. Nếu họ sản xuất một sản phẩm gì, việc đầu tiên là họ mua đất, rồi xây xưởng và tìm các thiết bị phù hợp. Đây là một chu kỳ từ 2 đến 4 năm và lãi suất vay có thể làm kiệt quệ nhà máy trước khi khởi động. Nếu vượt qua được, họ phải lo lắng về vốn luân chuyển để sản xuất hàng tồn kho và bắt đầu tạo dựng kênh phân phối và chiến lược tiếp thị.

Tôi luôn luôn nói với họ về hãng Nike hiện nắm giữ thị phần lớn nhất trong trang phục thể thao và sở hữu một thương hiệu có giá trị không dưới 15 tỷ USD. Nike có nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển khắp thế giới cùng một mạng lưới phân phối khủng; nhưng Nike không làm chủ bất cứ một nhà máy nào. Sau khi thiết kế, các món hàng Nike đều được “outsourced” (gia công) cho các nhà thầu Đài Loan hay Hàn Quốc. Các nhà máy gia công này gần như là của Nike vì tất cả phải làm độc quyền cho Nike, và dưới sự kiểm phẩm cũng như thanh tra chặt chẽ về điều hành của Nike. Cho nên, dù không bỏ tiền đầu tư, Nike vẫn có gần 800 nhà máy khắp thế giới, với hơn 1 triệu nhân viên, phục vụ cho ông chủ duy nhất (Nike).

Phần lớn doanh nghiệp Việt không đủ tầm cỡ và danh tiếng để làm theo mô hình Nike. Nhưng chúng ta cũng có thể cải biến, sáng tạo theo từng phân khúc. Chúng ta có thể thuê một nhà máy hoặc một phần nhà máy thay vì tự xây dựng; chúng ta có thể outsource việc thiết kế hoặc sản xuất món hàng với nhiều nhà thầu và theo nhiều giai đoạn; chúng ta có thể mượn vốn qua các hợp đồng mua thiết bị, mua nguyên liệu hay bán sản phẩm trước của mình (các nhà đầu tư BDS rất giỏi về cách tìm vốn này, nên nhờ họ tư vấn); chúng ta cũng tiết kiệm được khá nhiều tiền mặt khi dùng cổ phiếu để trả lương cho tư vấn hay các nhân viên ban giám đốc…

Nói tóm lại, chuyện tìm vốn cho doanh nghiệp dù nằm trong tình trạng khởi nghiệp hay đã hoạt động tốt đều đơn giản và theo một quy trình rõ ràng, trong đó lợi ích của nhà đầu tư (ROI) phải được trân trọng. Các đồng nghiệp làm quỹ đầu tư vẫn bảo tôi,” họ bực nhất là những doanh nhân khi trình bày dự án chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình và phe nhóm mình, không ai khác…”.

Mặt khác, để thông cảm cho những khó khăn các nhà đầu tư phải trực diện dù có tiền, tôi nghĩ đến câu chuyện trong một hài kịch của Seinfeld. Anh được một người bạn khuyên là phải để đồng tiền nhàn rỗi làm việc cật lực, tìm lãi cao để anh có một tài chánh vững vàng cho tương lai. Anh suy nghĩ rồi trả lời,” lỡ đồng tiền nó chán nó mệt, nó quit job rồi tôi tính sao? Chưa kể chuyện cho nó đi làm, nó nghe lời dụ dỗ của các cô gái đẹp, bỏ đi xa…bị bà già bỏ bùa lấy cắp hay bị bọn côn đồ bắt cóc? Nguy hiểm quá…”

Khi quay về Việt Nam gần đây, tôi thấy Seinfeld có lý vô cùng…

Alan Phan

T/S Alan Phan là tác giả của 9 cuốn sách về thị trường mới nổi, giảng viên thỉnh giảng tại các đại học Mỹ và Trung Quốc, và doanh nhân có 44 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc. Web site cá nhân của ông là www.gocnhinalan.com.