Có người bảo ngành giáo dục rất "dại", chỉ giỏi tạo cớ cho giới truyền thông "chọc ngoáy", hết Đồi Ngô rồi lại đến chuyện "cộng điểm" cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng có những chuyện của "tảng băng giáo dục" to tát hơn nhiều, mà lâu nay vẫn chưa bao giờ lộ diện.

Ngày 26/6/2013, sau nhiều năm giao cho Bộ GD& ĐT điều chỉnh, hoàn thiện, Chính phủ đã công bố quyết định số 37/2013/QĐ-TTg "Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2006-2020". Theo quy hoạch đến năm 2020, tổng quy mô đào tạo ĐH và CĐ đạt khoảng 2.200.000 sinh viên và số sinh viên chính quy tuyển mới đạt khoảng 560.000. Cả nước có 460 trường CĐ và ĐH, bao gồm và 236 trường CĐ, 224 trường ĐH, đạt bình quân từ 17 đến 26 sinh viên ĐH và CĐ/01 giảng viên;...

Năm 2012 số trường đã có là: CĐ- 215, ĐH- 204, như vậy trong 07 năm tới cả nước có thể thành lập thêm 41 trường (20 ĐH và 21 CĐ).

{keywords}
Bộ Giáo dục đã bỏ quy định cộng điểm thi đại học cho Bà mẹ VN anh hùng. Ảnh minh họa

Nguy cơ phá sản.

Quy hoạch chỉ rõ phải đến năm 2020, lượng sinh viên tuyển mới mỗi năm là 560.000 người, tuy nhiên chỉ hai tuần sau khi công bố quy hoạch, ngày 10/7/2013 Bộ GD& ĐT đã dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 là 605.000 người [1]. Trong khi số sinh viên thực tuyển năm 2012 (Bộ GD&ĐT chưa công bố số liệu chính thức) vào khoảng 677.000 người.

Quyết định  37/2013/QĐ- TTg vạch rõ lộ trình: "Tăng số sinh viên chính quy tuyển mới hàng năm bình quân khoảng 1,5%/năm". Như vậy nếu năm 2013 tuyển 605.000 sinh viên  thì năm 2020 số sinh viên tuyển mới sẽ là 671.456 người. Và quy mô sinh viên toàn quốc (tính bình quân là 04 khóa) lúc đó sẽ vào khoảng  2.626.871 người, vượt quy hoạch khoảng 400.000 người. Đó là chưa kể theo quy hoạch khi thành lập thêm 41 trường CĐ- ĐH thì số sinh viên còn tăng thêm nữa.

Muốn đảm bảo quy hoạch, ngay từ năm 2013 phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh xuống còn 510.000 người, chỉ khi đó với đà tăng 1,5%, thì năm 2020 mới là 566.020 và tổng số sinh viên sẽ vào khoảng  2.214.387 người.

Bộ GD& ĐT là nơi thiết kế, điều chỉnh quy hoạch để Thủ tướng duyệt, vậy tại sao chỉ hai tuần sau khi Chính phủ công bố quy hoạch, chính Bộ lại phủ nhận quy hoạch bằng cách dự kiến năm 2013 sẽ tuyển 605.000 sinh viên?  Phải chăng quy hoạch mạng lưới giáo dục CĐ-ĐH quốc gia cũng chỉ như một dự án thông thường, làm cho vui, tầm quan trọng của quy hoạch cũng không hơn chuyện... cộng điểm ưu tiên cho bà mẹ Việt Nam anh hùng? Phải chăng quy hoạch một đằng, làm một nẻo đang là phương pháp làm việc phổ cập ở nhiều cơ quan, đơn vị?

Việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 xuống còn 510.000 sinh viên để đảm bảo lộ trình quy hoạch, đương nhiên liên quan đến bát cơm manh áo không chỉ các trường ngoài công lập (NCL) mà còn cả chính các trường công lập (CL) nữa. Có phải vì sợ phản ứng của xã hội mà Bộ GD&ĐT buộc phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh?

Phú qúy giật lùi

Căn cứ  vào văn bản hướng dẫn số 1325/BGDĐT-KHTC  xác định số sinh viên quy đổi trên 01 giảng viên quy đổi thì: Năm 2007 tỷ lệ cho phép là 10- 25 SV/GV, đến năm 2012 tỷ lệ này là dự kiến từ 5 -18 SV/GV.

Bản quy hoạch mới không những không giảm số sinh viên/giảng viên mà lại tăng lên (17-26 SV/ GV). Điều này cho thấy việc tăng quá nhanh quy mô tuyển sinh trong khi số lượng giảng viên lại không đáp ứng, đấy là còn chưa nói trình độ giảng viên và cơ sở vật chất chậm được cải thiện.

Chất lượng đào tạo giảm sút chính là bắt nguồn từ đây, từ chủ trương ở tầm vĩ mô. Liệu có phải là chính sách đang chạy theo nhu cầu của các "nhóm lợi ích" chứ không được thiết kế trên cơ sở các tiêu chí khoa học? Sinh viên nhiều khiến cho các trường bố trí lớp học xấp xỉ 80 sinh viên và quy định trên 80 sinh viên mới được nhân hệ số lớp đông. Tại ĐH Nông nghiệp Hà Nội, nhóm thực hành Tin học 60 sinh viên vẫn không được nhân hệ số trong khi trước đây quy định mỗi nhóm chỉ là 25 sinh viên.

Cũng theo văn bản 1325/BGDĐT-KHTC, hệ số quy đổi loại hình giảng viên, học vị, chức danh đều đã được quy định chi tiết với lộ trình từ 2007 đến 2012. Trong thực tế, không một trường công lập nào thực hiện đúng các tiêu chí đó và Bộ GD& ĐT cũng chưa bao giờ công khai "danh tính" bất kỳ trường nào tuyển vượt chỉ tiêu quy định. Có thể thấy điều này qua số liệu "ba công khai" của một vài trường CĐ-ĐH khối công lập (bảng 2).

Bảng 2: Số liệu "ba công khai" của năm trường tại Hà Nội và t/p HCM:

Stt

Tên trường

Số lượng giáo viên thực tế

Số SV đã tuyển

Giáo viên quy đổi

Đánh giá

Trên thạc sĩ

Thạc sĩ

Đại học

1

ĐH Công nghiệp HN

680

320

50.000

1442

Gấp gần 2 lần chỉ tiêu

2

CĐ Công nghiệp - Dệt may thời trang HN

11

114

147

12.000

317

Tuyển vượt chỉ tiêu 4.070

3

ĐH Nông nghiệp HN

197

292

205

25.000

1077

Tuyển vượt chỉ tiêu 3.500

4

ĐH Công nghiệp t/p HCM

185

1018

597

80.000

2297

Tuyển vượt chỉ tiêu 34.042

5

Đại học Kinh Tế t/p HCM

144

321

136

36.226

913

Tuyển vượt chỉ tiêu 13.393

Từ thực tiễn trên, xin đặt mấy câu hỏi:

1. Các trường CĐ, ĐH công nghiệp trong bảng 05 tuyển sinh "vô tội vạ" đều do Bộ Công Thương quản lý. Phải chăng Bộ GD& ĐT không quản được chuyện tuyển sinh của Bộ Công Thương, hay giữa hai bộ đã có sự thỏa thuận ngoài quy chế?

2. Một quy định "mập mờ" về việc các trường phải đảm bảo tối thiểu 60% khối lượng giảng dạy khiến cho nhiều trường khai báo có tới 400 giảng viên thình giảng (ĐH Kinh Tế t/p Hồ Chí Minh) [2], thực tế có trường giảng viên cơ hữu phải dạy gấp 4- 5 lần định mức. Hậu quả tai hại là giảng viên đã không còn thời gian nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ, đặc biệt là các giảng viên nữ.

3. Theo quy hoạch đến năm 2020, chỉ có 21% giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ, đây là một tiêu chuẩn quá thấp so với thế giới. Chất lượng thầy đóng vai trò quyết định chất lượng GD. Vì sao ngành GD chỉ dám coi thạc sĩ là trình độ chuẩn của giảng viên ĐH, đến bao giờ giảng viên ĐH Việt Nam mới bắt buộc phải có trình độ tiến sĩ?

Quy hoạch mạng lưới - số liệu trong phòng lạnh

Hiện tại các tỉnh trung du và miền núi Bắc bộ [3] có 11 ĐH và 33 CĐ, theo quy hoạch sẽ có 15 ĐH và 42 CĐ. Các tỉnh bắc trung bộ và duyên hải miền trung [4] hiện có 30 ĐH và 31 CĐ, dự kiến sẽ có 38 ĐH và 50 CĐ.

Chỉ với hai vùng này số trường thành lập mới theo quy hoạch đã là 40 trường, trong khi từ nay đến 2020 toàn quốc chỉ có thể thành lập thêm 41 trường.

Liệu có bất cập không nếu 07 năm tới, các vùng miền còn lại trên toàn quốc chỉ có thể thành lập thêm duy nhất một trường CĐ hoặc ĐH? Có lẽ kịch bản sẽ lặp lại là khi cần mở thêm trường thì viết tờ trình, và cứ thành lập mới bất chấp quy hoạch? Cũng có thể Bộ GD& ĐT đã dự kiến sẽ chia tách giải thể một loạt trường? Nếu quả vậy thì số trường sẽ bị giải thể là bao nhiêu?

Các con số nêu trên chỉ là mấy phép cộng trừ, nhân chia đơn giản trên số liệu chính thức đã được công bố, không thể nói người lập quy hoạch không biết cộng trừ, lập ra một quy hoạch biết chắc chắn là sẽ không khả thi, tại sao cứ lập và cứ ... được duyệt?

Như đã phân tích trong bài "Hàng ế, cứ sản xuất để ... ế tiếp" [5] lĩnh vực đào tạo nghề được thế giới hết sức chú trọng. Các nước tiên tiến đều có chương trình đào tạo kỹ sư thực hành, nói nôm na là "kỹ sư nghề". Muốn có "kỹ sư nghề" phải có "ĐH nghề". Có phải danh tiếng của "ĐH nghề' không được sang trọng nên các "nhóm lợi ích" không thích và vì vậy quy hoạch mạng lưới không đề cập đến loại hình ĐH này?

Còn rất nhiều vấn đề có thể thảo luận qua bản quy hoạch này, tiếc rằng nó đã được duyệt và công bố trước khi được các nhà khoa học phản biện. Giá như Bộ GD& ĐT tham khảo ý kiến hàng triệu nhà giáo, nhà khoa học trước khi trình ký thì tốt biết mấy.

Dương Xuân

----------------

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thu-truong-bo-gddt-diem-san-se-hop-ly-de-thi-sinh-co-co-hoi-do-753272.htm

[2]http://www.ueh.edu.vn/UserData/FileManagers/ToChucHanhChinh/CongKhai/3CKBieu202013.pdf

[3] ] Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình và các huyện phía Tây hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An

[4] http://www.business.gov.vn/tabid/89/catid/10/item/12475/quy-hoach-tong-the-bac-trung-bo-duyen-hai-mien-trung-den-2020.aspx (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận)

[5] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/thong-tin-da-chieu/2013-07-17-hang-e-cu-san-xuat-de-e-tiep-

[6] http://www.moet.gov.vn/?page=11.11&view=3544

[7] http://haui.edu.vn/vn/html/gioi-thieu

[8] Chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo ĐH CN Hà Nội

[9] http://www.hict.edu.vn/ctt/39/562/doi-ngu-giang-vien.htm

[10] http://hui.edu.vn/Content.aspx?MenuID=79

[11] http://www.hua.edu.vn/vie/index.php?cid=2&aid=35

[11] http://www.ueh.edu.vn/UserData/FileManagers/ToChucHanhChinh

CongKhai/3_CK_Bieu_23_2013.pdf