Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đảm trách quan hệ với châu Á đã nhận định chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có tầm quan trọng “lớn hơn tổng các thành tố của nó cộng lại”, với hàm ý rằng kết quả của chuyến thăm còn vượt cao hơn những kết quả, thỏa thuận cụ thể đạt được. Học giả Murray Hiebert, cố vấn cao cấp, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) viết riêng cho Tuần Việt Nam.
Khoảnh khắc ngạc nhiên ở CSIS
Chiều 25/7, CSIS đã có vinh dự được chào đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến nói chuyện với giới học giả và ngoại giao tại Washington DC. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia của Việt Nam đến nói chuyện tại CSIS. Trong bài diễn văn của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ về tầm nhìn của Việt Nam đối với các mối quan hệ ở châu Á – Thái Bình Dương và quan hệ với Hoa Kỳ. Ông đã nói về cải cách kinh tế của Việt Nam và những kỳ vọng của đất nước ông về phát triển kinh tế. Ông cũng đã nêu lên vấn đề Biển Đông. Ông khẳng định rằng Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho đòi hỏi chủ quyền của họ đối với hầu hết Biển Đông.
Một trong những khoảnh khắc đáng ngạc nhiên trong cuộc nói chuyện của Chủ tịch Sang là sau khi kết thúc bài diễn văn, ông tiếp nhận 6 câu hỏi từ khán giả. Các câu hỏi đề cập đến nhiều chủ đề, từ quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tới vai trò của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, hay quan điểm của Chủ tịch nước đối với việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài Liên hiệp quốc, hay tính chính đáng của đường chín đoạn.
Các câu ông trả lời không hề khuôn sáo hay có sự chuẩn bị trước mà rất thanh thoát. Vào cuối cuộc nói chuyện, ông còn đi vòng qua hàng rào an ninh ngăn cách với hàng ghế cử tọa để bắt tay một số đại sứ các nước ASEAN và cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam trong đám đông khán giả.
Không né tránh thảo luận những vấn đề gai góc
Về tổng thể, tôi sẽ chấm điểm cao cho chuyến thăm này, mặc dù không có nhiều sản phẩm cụ thể. Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đảm trách quan hệ với các nước châu Á đã mô tả tầm quan trọng của chuyến thăm này “lớn hơn tổng các thành tố của nó cộng lại”, với hàm ý rằng kết quả của chuyến thăm còn vượt cao hơn những kết quả, thỏa thuận cụ thể đạt được. Tôi cho rằng điều có ý nghĩa quan trọng là Chủ tịch Trương Tấn Sang đã không né tránh thảo luận về vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ hiện nay, đó là nhân quyền. Việc đưa ba nhà sư và hai linh mục đi cùng ông tới Washington là một sáng kiến hay. Và giờ vấn đề sẽ phụ thuộc vào các quan chức cấp dưới của cả hai bên phải cùng nhau tìm kiếm các cách thức để giảm thiểu căng thẳng xoay quanh vấn đề nhân quyền.
Một điều quan trọng nữa là hai bên đã thảo luận với nhau về tranh chấp Biển Đông. Về phần mình, Hoa Kỳ rất lo ngại về việc Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ kiên quyết và cứng rắn, đặc biệt đối với Philippines và Việt Nam trong vòng 2-3 năm qua. Đối với Hoa Kỳ, tự do thông thương hàng hải có ý nghĩa sống còn. Hoa Kỳ cũng lo ngại rằng một vụ va chạm có thể xảy ra từ sự hiện diện quá dày đặc của các tàu quân sự trong hoặc gần khu vực tranh chấp, từ đó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không lường trước được.
Tôi nghĩ rằng cả hai phía đã đạt được một số kết quả đáng hài lòng, cho dù có thể có một số mục tiêu không được như kỳ vọng ban đầu. Không nghi ngờ gì là Việt Nam hài lòng khi nhận được lời hứa từ Tổng thống Obama rằng Hoa Kỳ sẽ trao cho Việt Nam quyền tiếp cận thị trường dệt may lớn hơn theo đàm phán TPP, một vấn đề mà trước đó giữa hai bên còn tồn tại nhiều căng thẳng. Các quan chức Việt Nam cũng đã hi vọng rằng họ sẽ nhận được cam kết từ phía Mỹ coi Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Ở điểm này thì Hoa Kỳ vẫn nhìn nhận Việt Nam như một nền kinh tế phi thị trường, do khối Doanh nghiệp Nhà nước vẫn chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, các quan chức Hoa Kỳ đã hứa hẹn rằng họ sẽ xem xét lại đánh giá này. Việt Nam có lẽ cũng sẽ hài lòng hơn nếu Tổng thống Obama chấp nhận lời mời thăm Việt Nam. Cuối cùng, ông Obama đã hứa ông sẽ cố gắng tới thăm Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ trong vòng hơn 3 năm tới.
Phía Hoa Kỳ hài lòng vì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cam kết Việt Nam sẽ cùng với 11 đối tác khác trong vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nỗ lực làm việc để hoàn tất đàm phán trước thời điểm cuối năm nay. Tôi nghĩ Hoa Kỳ sẽ hài lòng hơn nữa nếu Việt Nam có thêm những bước đi cụ thể trong lĩnh vực nhân quyền và Hoa Kỳ vẫn đang hy vọng sẽ có thêm nhiều tiến bộ mới đạt được trong lĩnh vực này trong vài tuần tới.
“Đối tác toàn diện” – chờ “rượu mới cho chiếc bình mới”
Một trong những kết quả nổi bật của chuyến thăm là khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama cùng thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên “đối tác toàn diện”. “Đối tác toàn diện” tất nhiên có những ý nghĩa khác so với “đối tác chiến lược”. Một cách khái quát, đối tác chiến lược” hàm ý một mối quan hệ chặt chẽ về chính trị và an ninh.
Trong khi đó, “đối tác toàn diện” mang ý nghĩa một mối quan hệ rộng, bao gồm cả quan hệ kinh tế và ngoại giao nhân dân. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đề xuất một mối quan hệ đối tác toàn diện khi bà tới thăm Hà Nội hồi năm 2010, nhưng kể từ đó sáng kiến này không được cụ thể hóa thêm bao nhiêu. Một số nhà phân tích cho rằng căn nguyên một phần do Việt Nam cũng phải đối mặt với một số quan ngại liên quan đến quan hệ với các cường quốc khác. Còn chính quyền Mỹ cũng phải tạm lùi do sức ép không ngừng gia tăng từ một số thành viên quốc hội và các tổ chức nhân quyền.
Có lẽ chúng ta sẽ không thể hiểu được chính xác “đối tác toàn diện” có nghĩa là gì cho đến khi Việt Nam và Mỹ thực sự bắt đầu thương thảo và đưa những nội dung thực chất, hay “rượu mới” vào cái “bình mới” này. Bởi vậy, chúng ta sẽ chờ đợi trong vài năm tới để xem khuôn khổ đối tác mới này sẽ đóng góp như thế nào vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Nghị trình rộng rãi của “Đối tác toàn diện” hàm chứa nhiều tiềm năng to lớn để làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, từ quan hệ chính trị tới kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, liệu rằng mối quan hệ đó có thể đạt được chiều sâu tới mức nào còn phụ thuộc vào việc cả hai bên sẽ đặt bao nhiêu tâm huyết vào đó để tăng cường hợp tác giữa hai nước.
“Lập trường Việt Nam trước sau như một là không ủng hộ “đường lưỡi bò”, phản đối “đường lưỡi bò”. Bởi “đường lưỡi bò” được xác lập không có cơ sở, không có căn cứ của bất cứ loại luật pháp quốc tế nào. Chúng tôi cũng nghiên cứu, đọc rất kỹ. Các bạn là một trung tâm nghiên cứu lớn của Hoa Kỳ và cũng là của thế giới, các bạn có thể giúp chúng tôi về cái sở cứ của vấn đề - Chủ tịch nước hỏi ngược lại với cử tọa - Không biết có ai chứng minh được không?”. Giới học giả CSIS cùng vỗ tay nhiệt liệt sau câu hỏi này. Chủ tịch nước nói thêm: “Tôi thật tình, nếu có các bạn Trung Quốc ở đây thì tôi cũng phải nói như vậy”. (Trích phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang). |
• Murray Hiebert