Người dân muốn các quan chức điều hành bằng cách phát ngôn kiểu "thắt cà-vạt", tròn vo về thực trạng xã hội, hay muốn họ nhìn nhận chân xác thực tế để có một cách quản lý phù hợp?

Đồ Sơn, đồ nhà và... đồ lạ

Phát ngôn "gây sốc"

"Mại dâm xuất hiện không chừa hang cùng, ngỏ hẻm nào cả... không bao giờ có thể dẹp yên được". Và, đối với thành phố du lịch Đà Nẵng "tôi cho rằng không thể không có mại dâm... du lịch muốn sống, muốn khách khứa tới thì hình như phải có dịch vụ đó..."- Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa có phát biểu về mại dâm mà nhiều người cho là "gây sốc".

Trong hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm của Đà Nẵng, vị phó chủ tịch trẻ tuổi kể lại câu chuyện thị sát một "cái bản" mà "từ huyện vào bản đi phải 3 tiếng đồng hồ, đồi núi cao lắm", trong một xã mỗi năm chỉ thu ngân sách được có 3 triệu đồng.

Và ở nơi xa xôi, nghèo khó, khỉ ho cò gáy thậm chí "chỉ có sóng điện thoại của Lào", mại dâm vẫn tồn tại với hình thức "gọi điện từ bản này sang bản kia". Và ông khẳng định "với thành phố du lịch, không thể không có nạn mại dâm", chỉ đừng có "bầy hầy (với tắm bia, thoát y - PV) như Hà Nội, TPHCM".

Câu chuyện vị Phó Chủ tịch từng có thời gian 8 năm làm báo vừa dẫn ra ở trên có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nhưng điều đó không lạ, bởi nó thật như sự thật mại dâm có ở bất cứ đâu trên đất nước này.

Các bạn nghĩ sao khi trong chỉ một đêm "ra quân", Công an TP Hà Nội đã "quét" hơn 200 gái gọi tàu nhanh - từ dùng của báo An ninh thủ đô. Trong đó có những "lão bà bà" sinh năm 1958. Có những đối tượng câm điếc bẩm sinh phải có giáo viên trường câm điếc để "phiên dịch".

Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, ĐBQH Nguyễn Thị Khá có lần đánh giá: "Mại dâm (ở VN - PV) là một con số chìm, rất khó để đánh giá... Mại dâm luôn tồn tại, không phụ thuộc vào ý muốn của chính quyền. Và nó tồn tại để đáp ứng nhu cầu của con người, dù "đạo đức xã hội" gọi đó là gì".

{keywords}
Ảnh minh họa

Muốn nghe "sự thật" nào?

Còn nhớ, hồi trung tuần tháng 6, dư luận sốc nặng khi nghe "sự thật" từ một quan chức Cục phòng chống tệ nạn xã hội, rằng "Không phát hiện mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm".

Vậy, Đồ Sơn có gì ngoài một bãi biển đục ngầu và một phương thức kinh doanh "9 tháng mài dao 3 tháng chém"? Quất Lâm có gì ngoài rác ngập bờ và một hạ tầng là vài chục kios bức bí như lô cốt?

Trên thế giới, công thức, đã được đưa vào "sách giáo khoa", của một thành phố du lịch biển là 4 chữ S. Sea (biển), và đó phải là một bãi biển không đục phù sa hay lềnh phềnh bèo tây, rác rưởi. Sun (mặt trời). Sand (đất cát). Và chữ S quan trọng nhất đương nhiên là Sex.

Và công thức này hình thành để khái quát những nhu cầu của con người. Đồ Sơn, Quất Lâm, hay Đà Nẵng không phải ngoại lệ. Cũng như người Việt không đứng ngoài nhu cầu sex. Vấn đề là chính quyền nhìn nhận thực tế, trong các báo cáo, phát ngôn ra sao và đối mặt xử lý "thực tế" đó thế nào mà thôi.

Tháng 8/2011, báo chí VN đăng tải đoạn clip quay cảnh ngài Arturas Zuokas, thị trưởng Vilnius, thủ đô của Lithuania cưỡi xe bọc thép đè bẹp một chiếc ô tô đỗ sai quy định. Arturas sau đó xuống xe bắt tay vị chủ xe đang gãi đầu gãi tai trước chiếc xe bẹp dúm, tự tay dọn dẹp những mảnh kính vỡ, nói trước ống kính "đó là những gì xảy ra khi bạn đỗ xe trái phép".

Đoạn video sau đó được đăng trên website của Thành phố, được đưa vào seri chương trình nổi tiếng "99 điều bạn nên làm trước khi chết". Ở VN, nó được... hoan nghênh nhiệt liệt.

Bạn nghĩ sao nếu đó là câu chuyện xảy ra ở Việt Nam? Đà Nẵng chẳng hạn?

Phải chăng sẽ lại là "gạch đá" từ chính những người hôm qua còn vỗ tay hoan nghênh. Chỉ vì nó không giống với những gì chúng ta nghe hàng ngày từ những chính khách cổ thắt cà-vạt, không ngừng thuyết giảng về luân lý và những điều tốt đẹp?

Với phát ngôn "Một thành phố du lịch không thể không có mại dâm" của vị Phó Chủ tịch Đà Nẵng, hãy thử chỉ đọc nó như lời của ai đó, chứ không phải của một lãnh đạo thành phố, bạn sẽ thấy điều đó là bình thường. Bình thường vì nó đúng. Vì nó không duy ý chí, không cưỡng từ đoạt lý.

Chỉ khi cởi bỏ định kiến, mới thấy rằng chúng ta nên vỗ tay khi một quan chức nhìn nhận một cách thực tế vấn đề.

Trong những luồng ý kiến phê phán ngày hôm qua, đã xuất hiện những câu chữ rằng đó là một phát biểu "khó nghe", rằng "méo mó", hay "không phù hợp với một phát biểu trước công chúng"...

Có một câu hỏi, cũng là một lẽ công bằng, cần được đặt ra: Chúng ta muốn nghe "sự thật" nào? Không phát hiện mại dâm trong những bản báo cáo thành tích vo tròn mỗi cuối năm. Hay muốn nghe sự thật về mại dâm ở khắp hang cùng ngõ hẻm, đang bị thả nổi, với vô số thân phận không được thừa nhận vì những cái lắc đầu khoác áo đạo đức xã hội. Và ở mức độ nào đó, cần được chấp nhận như một thực tế?

Và điều quan trọng nhất, với tư cách đối tượng chịu tác động của chính sách, người dân muốn các quan chức điều hành bằng cách phát ngôn kiểu "thắt cà-vạt", tròn vo về thực trạng xã hội, hay muốn họ nhìn nhận chân xác thực tế để có một cách quản lý phù hợp?!

Đào Tuấn