Trong thực tế, có thể có những quy định làm ảnh hưởng đến "tư cách cán bộ", chứ không hẳn chỉ từ phía cá  nhân.

Cán bộ được tuyển chọn vào giữ trọng trách trong các cơ quan Nhà nước thường đã được chọn lọc từ rất nhiều nguồn. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về cán bộ, đại ý: Vinh dự càng cao, trọng trách càng lớn. Quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.  Uy tín càng cao, hy sinh càng lớn.

Nhưng gần đây có quá nhiều vụ việc sai phạm được phát hiện khiến niềm tin của người dân lung lay.

"Tốt" cho đến lúc bị...  kỷ luật

Sẽ không còn gì để nói, nếu đội ngũ cán bộ đáp ứng được các yêu cầu mà Nhà nước và nhân dân đã giao và đã đặt niềm tin. Nhưng thật tiếc, bên cạnh những tấm gương tốt trong việc làm và lối sống hay những tấm gương hy sinh cao cả thì vẫn còn những cán bộ tha hóa, biến chất, không xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.

Những loại cán bộ này, như Nghị quyết ĐH XI (2011) chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước".

Thật đau lòng và xót xa khi biết được nhiều vụ việc trong các cơ quan nhà nước đã bị phanh phui, hay hàng loạt các cán bộ cấp cao không còn tại vị vì vi phạm đạo đức công vụ...

Dân chúng cũng buồn lòng khi thấy các cán bộ triển khai công việc chậm chạp, đẩy khó khăn về phía dân chúng, chỉ nghĩ thuận lợi cho mình, nên ngay ở khâu soạn văn bản quy phạm pháp luật, có tình trạng văn bản "trên trời", hoặc cứ "thò ra thụt vào"... Hoặc soạn một công văn, dạng thư cảm ơn mà mất đứt cả tháng trời. Hay như việc cán bộ chiếm dụng giờ công để làm việc riêng, la cà quán xá... không hề ít.

Những cán bộ loại này, quả thật tư cách có vấn đề, "khí" kém. Nghĩa là cách cư xử, ăn ở, biểu hiện phẩm chất đạo đức không tương xứng với cái ghế họ ngồi. Không đáp ứng được các yêu cầu của xã hội đối với vị trí, bổn phận của họ.

{keywords}

Dân chúng thật đau lòng và xót xa khi biết được các vụ việc bị phanh phui như vụ ở Vinashin, Vinalines...

Tư cách cán bộ kém, thể hiện ở mấy điểm sau:

Một là, coi thường phép nước. Nhà nước quy định một đằng, họ làm một nẻo, có thế mới vơ vét được.

Hai là, tham lam vô độ. Việc to ăn to, việc nhỏ ăn nhỏ, tham lam bòn rút của công, như  nhiều người nói rằng "lắm kẻ tham lam ăn dầy (giầy), ăn tất, ăn cả đất xung quanh".

Ba là, lợi dụng chức quyền gây bè  phái, nhóm lợi ích, nhăm nhăm trục lực, không coi ai ra gì.

Bốn là, làm và báo cáo không đi  đôi với nhau, theo kiểu "làm thì láo, báo cáo thì hay". Làm không biết hay hay dở, không báo cáo giải trình, hay chỉ làm qua quýt cho xong chuyện.

Năm là, thiếu tinh thần trách nhiệm. Không đầu tư công sức phục vụ nhân dân, đất nước. Dùng vị trí làm phương tiện để nhằm tới mục tiêu kiếm chác, trục lợi cá nhân.

Các phương tiện thông tin đại chúng cho biết, trong 05 năm (Vietnamnet, 24/9/12), cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp. Một số tỉnh, thành phố xử lý nhiều người đứng đầu là: Quảng Nam (77 người), Bình Thuận (46 người), Bắc Giang (41 người), Đăk Lăk (38 người), Cao Bằng (31 người)...

Trong quá trình thực thi công vụ, nhiều người không "bị lộ", chỉ đến khi bị cơ quan điều tra thăm hỏi thì mọi người mới biết con người thật của họ. Nghĩa là họ... "tốt" đến tận lúc bị bắt, bị kỷ luật.

Quy định khiến cán bộ nói dối làm gian?

Do đó, chúng ta mới có nhiều chuyện dở khóc, dở cười khi có cán bộ vừa được khen thưởng, hay đề nghị khen thưởng thì bị điều tra vụ việc, và mới hay họ vi phạm nhiều thứ quá. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận từ hai phía, cá nhân và Nhà nước. Liệu có phải chính những quy định của Nhà nước khiến cán bộ phải nói dối, làm gian cho được việc?

Nhiều quy định thành văn và bất thành văn khiến cán bộ phải băn khoăn và "làm liều" cho được việc. Vì những quy định quá  lạc hậu không phù hợp, không thể làm theo đúng 100% được. Vì vậy, để được việc, cán bộ phải làm gian dối.

Còn nhớ khi đề cập đến các quy định chi tiêu công, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan nói: Có khi phải nói dối để mua xe công, vì "có chuyện mua một cái xe công tác với định mức qui định là 720 triệu đồng. Nhưng thực tế, không thể mua được cái xe nào có giá 720 triệu. Xe 4 chỗ đời thấp nhất cũng không có loại nào có giá rẻ thế. Định mức như thế buộc người ta phải nói dối để mua được xe".

Hiện nay, định mức chi tiêu công rất lạc hậu, có những điều rất chậm sửa đổi. "Không phải chỉ chuyện cái xe mà nhiều vấn đề buộc người ta phải nói dối. Ví dụ, hội nghị có 50 người, người ta phải kê lên là 80 người, có như thế mới đủ định mức kinh phí. Phải sửa đổi, bổ sung kịp thời chứ không tự mình kéo nhau nói dối với nhau rồi cũng quyết toán được. Bất hợp lý quá", bà Lan đề nghị. (VietNamNet,17/4/13).

Mặt khác, trên thực tế, do cách làm không chuẩn nhiều năm nay, nên tạo thói quen cán bộ nghĩ phải chậm chậm, làm phải... âu ẩu mới phù hợp. Như trong việc  đánh giá về chất lượng công trình giao thông trong năm trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông nói: "Chất lượng và tiến độ công trình giao thông đã nói rất nhiều, nhưng chưa chuyển biến được bao nhiêu. Có nhiều người nghĩ rằng đã là công trình giao thông phải chậm tiến độ, chất lượng kém... Năm ngoái, kiểm tra 09 dự án, thì cả 09 đều có vấn đề" (VietNamNet, 23/3/12).

Còn những chuyện nhân danh tập thể, nhân dân mà có những điều nói chưa thật, chưa đúng thì người ta cũng ngầm hiểu là còn nhiều thứ cũng giấu giếm, nói dối và dần dần người ta cũng không còn tin tưởng nữa.

Như vậy, trong thực tế, có thể có những quy định làm ảnh hưởng đến "tư cách cán bộ", chứ không hẳn chỉ từ phía cá nhân.

Làm sao để đảm bảo tư cách cán bộ

Tư cách cán bộ tạo ra uy tín của cán bộ đối với nhân dân với tổ chức. Ngoài việc cán bộ phải tự rèn mình, giữ gìn phẩm cách đàng hoàng, ở góc độ khác, Nhà nước cần hạn chế có những quy định không phù hợp, không sát thực tế cuộc sống, khiến họ khi thực hiện, thi hành phải trở nên gian dối. Lâu dần, thói gian dối trong thi hành nhiệm vụ thành...quen.

Thứ nhất, các chính sách, quy định của Nhà nước cần phải được cập nhật  để có thể được áp dụng vào thực tế, mà cán bộ không cần phải chỉ đạo hoặc có những cách "lách luật", thậm chí gian dối đối phó khi phải thực hiện.

Thứ hai, có một hệ thống kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xây dựng thành quy trình, để cán bộ không thể làm sai, không thể lợi dụng làm sai. Đồng thời, có những chế tài chặt chẽ để cán bộ "sợ" không dám làm sai.

Cuối cùng, cần có cơ quan quản lý cán bộ cao cấp, lưu trữ bảo về thành tích của họ, tránh việc họ thường xuyên phải tìm chứng cứ đối với thành tích của họ đã làm. Cơ quan này quản lý, sử dụng, đề xuất thăng tiến đối với cán bộ cao cấp của Nhà nước mà không bị chi phối của những nơi không quản lý sử dụng họ.

  • TS. Ngô Thành Can (Học viện Hành chính)