-Ưu điểm của “chế độ thủ trưởng” là quyền lực được tập trung gần như tuyệt đối về tay thị trưởng, và vì thế khi tiến hành giải quyết vấn đề thì trách nhiệm của người đứng đầu là cao nhất, hành động nhanh chóng, khoa học, hiệu suất cao.

Cần "độ mở"

Xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) với TP.HCM là một vấn đề mới, tác động lớn và chưa có tiền lệ. Chính lẽ đó, cần có những bước đi thận trọng, chắc chắn,  với những nghiên cứu khoa học và tỉ mỉ, trên cơ sở kế thừa những thành tựu quản lí đô thị từ các mô hình khác nhau trên thế giới.

{keywords}
Kẹt xe vẫn đang là một vấn nạn ở TP.HCM. Ảnh: TNO

Như bài học của các nước đi trước, dù kiến lập CQĐT theo kiểu hội đồng thị trưởng (Mayor Parliamentary) là “Chế độ thị trưởng mạnh” hay “Chế độ thị trưởng yếu” thì vấn đề then chốt là ở chỗ: chỉ có chính quyền 2 cấp và sự tách bạch giữa cơ cấu hành chính và cơ cấu quyết nghị (lập pháp). Mà mục đích cuối cùng là tập trung quyền lực và thống nhất trong điều hành, nâng cao hiệu suất hành chính.

Vì vậy, cần, kiện toàn tổ chức bộ máy vận hành quản lí đô thị theo hướng gọn nhẹ về số lượng, giảm bớt những tầng nấc trung gian, các đầu mối. Một bộ máy cồng kềnh và chồng chéo giữa lĩnh vực lập pháp và hành chính là lực cản lớn cho tiến trình xây dựng và vận hành CQĐT.

Nên nhớ rằng các thể chế quản lý của chính quyền đô thị cũng luôn “vận động” để thích ứng. Như nước Mỹ, từ khi thiết lập chính quyền đô thị đến nay, họ cũng đã thay đổi nhiều mô thức để thích ứng. Ít nhất đến nay họ cũng đã kinh qua mấy loại mô thức như: Chế độ thị trưởng yếu (The Weak – Mayor Plan); chế độ thị trưởng mạnh (The Strong – Mayor Plan); chế độ Ủy ban- Ban chấp hành (The Conmission Plan); chế độ Hội đồng – Quản lí (The Council – Manager Plan).

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cần phải phải đủ độ “mở” để nâng cao mức độ dân chủ, cho phép các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức dân sự, các tổ chức quần chúng và cá nhân tham gia vào quá trình vận hành và quản lí. Nhưng đồng thời cũng “khép” chặt sự lạm quyền, đặc quyền hay chuyên quyền của một số bộ phận, cán bộ, công chức có biểu hiện lệch lạc nhằm trục lợi.

Hệ thống pháp luật và pháp chế cũng cần phân định rạch ròi quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của các tổ chức và công dân; giữa Thị trưởng và Hội đồng thị trưởng...

Và cuối cùng, bất luận thế nào, thị dân luôn là chủ thể của một đô thị, là mục tiêu và động lực của quá trình phát triển đô thị. Tố chất của thị dân chính là “linh hồn và năng lượng” của một đô thị hiện đại. Với một thành phố mà tỉ lệ dân nhập cư chiếm khoảng 30% tổng dân số với thành phần đa dạng về nghề nghiệp, lứa tuổi, tín ngưỡng tôn giáo và khoảng 17% dân số nông thôn thì khi xây dựng CQĐT cũng cần đưa ra những biến số về tố chất dân số.

Đề rồi từ đó nâng cao ý thức của thị dân về nếp sống văn minh đô thị, ý thức trách nhiệm công dân; nâng cao trình độ dân trí và tố chất thị dân. Một khi người dân chưa ý thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình thì tiến trình xây dựng một CQĐT sẽ gặp phải những “lực cản” lớn.

Thị trưởng, anh là ai?

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xuất hiện vị thị trưởng đầu tiên, còn các đô thị khác thì sao? Mối quan hệ của anh ta trong chính mô hình tổ chức chính quyền mới cũng như với Trung ương được giải quyết thế nào?

Thực tiễn của nhiều đô thị trên thế giới cho chúng ta thấy rằng, có hai hình thức tổ chức quyền lực lớn. Đó là “chế độ thủ trưởng- thị trưởng” và “chế độ hội đồng”.

Ưu điểm của “chế độ thủ trưởng” là quyền lực được tập trung gần như tuyệt đối về tay thị trưởng, và vì thế khi tiến hành giải quyết một vấn đề nào đó liên quan đến sự phát triển (thậm chí là vận mệnh của thành phố đó) thì trách nhiệm của người đứng đầu là cao nhất, hành động nhanh chóng, khoa học, hiệu suất cao.

Thế nhưng, vì cá nhân quyết định vấn đề nên cũng có những khuyết điểm thường thấy: Dựa vào kinh nghiệm cá nhân nên dễ dẫn đến sai lầm, nóng vội, thậm chí dẫn đến sự độc đoán, lạm quyền.

Ngược lại, ưu điểm của Chế độ hội đồng là tập hợp được tư tưởng, ý chí của Hội đồng, vấn đề được xem xét thấu đáo, chu toàn… Nhưng khuyết điểm là quyền lực bị phân tán dẫn đến quyết định hành động chậm trễ, hiệu suất công việc thấp, đôi khi là “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

Chính sự “bất thập toàn” này nên về hình thức tổ chức CQĐT, nhiều quốc gia cũng như đô thị trên thế giới lựa chọn “biện pháp chiết trung”, nghĩa là trên thực tế là lựa chọn “chế độ thủ trưởng” nhưng đồng thời đưa ra những qui định về pháp luật tương ứng buộc thị trưởng phải tuân theo khi ra một quyết định nào đó có ảnh hưởng đến lợi ích của đại bộ phận cư dân và các chủ thể lợi ích khác.

Nghĩa là một phần phải thực hiện theo phương thức “chế độ hội đồng thị trưởng”, xét về bản chất thì đó là kiểu “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Và hơn thế nữa, hành động của thị trưởng cũng không thể nằm ngoài những qui phạm của hiến pháp và pháp luật của nhà nước sở tại.

Không nên ngộ nhận rằng, thị trưởng có quyền quyết định tất cả mọi vấn đề liên quan đến thành phố mà anh ta quản lí bất chấp hiến pháp và pháp luật hiện hành. Ngược lại, tất cả những hành động của thị trưởng mà cụ thể là vi phạm hành chính và quyết định hành chính, vi phạm đến hiến pháp và pháp luật hiện hành của Nhà nước đều bị truy tố trách nhiệm.

Chung qui, thị trưởng không phải là người đứng trên mọi người (hội đồng thị trưởng và thị dân) mà là người đứng trong, đứng bên mọi người, biết lắng nghe những ý kiến đóng góp từ thị dân và nhất là của Hội đồng thị trưởng.

Điều tiên quyết hơn, thị trưởng không thể đứng ngoài hiến pháp và pháp luật, ngược lại thị trưởng phải tuân thủ tất cả những qui định pháp luật của nhà nước. Tất cả những quyết định của thị trưởng trước tiên phải là hợp hiến, hợp pháp sau đó là hợp với điều kiện hiện hữu của đô thị mà anh quản lí, mà tiên quyết hơn là hợp với lòng dân; phù hợp với nhu cầu phát triển chung của đô thị mà thị trưởng quản lí.

Cũng cần lưu ý rằng, một khi mà cách quản lí theo tư duy cũ: Quan liêu, bao cấp, bao biện, óc tiểu nông, bè cánh, vụ lợi…. vẫn còn hiện hữu và “còn đất sống” ở nhiều nơi, nhiều chỗ, thì xây dựng (và chấp nhận) kiểu quản lí thị trưởng cần được làm thận trọng. Xây dựng “đề án” thị trưởng phải song song với xây dựng đề án “sửa đổi lối làm việc”, đề án “quản lí đô thị theo tư duy mới”.

  • TS. Phạm Đi (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)