Nếu vụ việc không được xử lý thỏa đáng, tương lai dự đoán sẽ còn nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến các quy định trong ngành GD. Thông qua vụ việc này hy vọng "công bằng, minh bạch" không phải là món hàng "bày mẫu không bán"  trong "siêu  thị GD" nước nhà.

Vụ việc trường Cao đẳng Asean kiện Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ vừa mới bắt đầu. Mỗi bên đều có lý lẽ của mình, ai đúng ai sai tòa sẽ phân xử. Vấn đề là những người ngoài cuộc nhìn nhận vụ việc như thế nào, đâu là những góc khuất khó quan sát?

Cơ hữu...mập mờ

Trước hết cần khẳng định các trường đại học, cao đẳng, kể cả trường tư thục đều không phải là doanh nghiệp sản xuất hàng hóa bình thường. Sản phẩm của trường học là con người có văn hóa, có trình độ chuyên môn cao đáp ứng các nhu cầu xã hội.

Chính vì thế các trường ĐH, CĐ ngoài chương trình, nội dung, cơ sở vật chất, điều quan trọng nhất là phải có một đội ngũ giảng viên ổn định, có kinh nghiệm giảng dạy, và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn đối với giảng viên theo Quyết định 58/2010/QĐ-TTg.

Tình trạng phổ biến hiện nay với không ít trường ngoài công lập là có rất ít giảng viên cơ hữu 100%, loại "cơ hữu mập mờ" có tên nhưng dạy tiết nào hưởng lương tiết ấy không phải là Thanh tra Bộ không biết.

{keywords}

Việc trường Cao đẳng Asean kiện Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ vừa mới bắt đầu. Ảnh minh họa

Thông tư 08/ 2011/TT-BGDĐT của Bộ GD& ĐT ban hành ngày 17/2/2011 quy định:"Điều 3. Điều kiện được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ

1. Trường được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ khi bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 04 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký".

.....

Với quy định này, các trường CĐ có quyền mời giảng viên thỉnh giảng, đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy mỗi ngành. Tuy nhiên những giảng viên thỉnh giảng này có đáp ứng các tiêu chuẩn của giảng viên thì cần phải được kiểm định.

Theo khoản 03 điều 09 Thông tư 57,  nếu các trường tuyển vượt từ 15%  trở lên so với chỉ tiêu Bộ GD& ĐT giao thì mới bị phạt hành chính và trừ chỉ tiêu vào năm sau. Như vậy nếu đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường CĐ Asean thực sự đảm nhận được 70% khối lượng Bộ thông báo thì đương nhiên, ngoài 30% do giảng viên thỉnh giảng đảm nhận, trường vẫn có thể tuyển vượt chỉ tiêu 14% nữa mà vẫn không vi phạm quy định.

Nếu quả thật CĐ Asean đã tuyển vượt quá quy định thì cần bình tĩnh xem xét, tính toán vượt quá bao nhiêu phần trăm, đặc biệt là tính toán cụ thể với hai ngành Dược và Điều dưỡng.

Điều đáng tiếc là ngay trên trang Web của trường đã thấy sự không chuyên nghiệp trong lĩnh vực GD và trường cũng không tuân thủ các quy định của Bộ GD&ĐT. Ví dụ không có bất kỳ số liệu ba công khai nào được công bố. Phần giới thiệu các khoa, chỉ có vài thông tin về khoa Dược.

Thông tin về ba khoa còn lại là Điều dưỡng, Kinh tế và Công nghệ Thông tin bỏ trống hoàn toàn, dễ cho người ta cảm giác là ba khoa này không tồn tại. Đấy là chưa nói đến những sai sót nhỏ không đáng có trên trang Web khi hướng dẫn người ta "đi xe bus số 40", qua Quận Gia Lâm sẽ đến được trường.

Nếu Dược là ngành đào tạo chính của trường thì tỷ lệ sinh viên/ giảng viên theo Thông tư 57 sẽ là 20 chứ không phải là 30. Do vậy CĐ Asean cần công bố có bao nhiêu sinh viên liên quan đến Y-Dược và bao nhiêu sinh viên ngành khác? Mặt khác trường cũng nên xem xét việc liên kết đào tạo và tuyển sinh ngoài trường có thực sự không vi phạm các quy định hay không?

Tội gì không làm...cơ hữu?

Trở lại phía Bộ GD&ĐT, việc xử phạt các cơ sở GD vi phạm các quy định là hết sức cần thiết và phải được thực hiện liên tục, mạnh mẽ hơn nữa. Vấn đề là đảm bảo sự công bằng, minh bạch, và... không phụ thuộc vào lợi ích nhóm.

Ý kiến của ông Chánh Thanh tra Bộ GD& ĐT Nguyễn Huy Bằng: "Số giảng viên thỉnh giảng không nằm trong cách tính toán của Thông tư 57 để tính toán chỉ tiêu tuyển sinh" [1] có lẽ nên có đôi điều bàn luận.

Người viết đã từng nghe trực tiếp phát biểu của ông tại một trường ĐH rằng: "Giảng viên cơ hữu hưởng lương theo giờ dạy không phải là cơ hữu, đó là thỉnh giảng". Vậy mà không ít trường dựa vào loại "cơ hữu" này để đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí là cả tuyển sinh cao học.

Không ít vị có học hàm, học vị có tên "cơ hữu" ở vài ba trường, mỗi tháng ngồi nhà nhận đôi ba triệu, "chắng mất gì của bọ". Tội gì không nhận làm giảng viên cơ hữu? Bằng chứng cho nhận định này thì nhiều vô kể. Chỉ có điều Thanh tra Bộ có muốn tìm hiểu hay không mà thôi. Nếu muốn chỉ cần phối hợp với Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD& ĐT), dựa vào số liệu Bộ đang có là có thể sàng lọc được ngay đâu là cơ hữu "thật", đâu là cơ hữu "rởm".

Điều này chưa thể tiến hành được có lẽ do Thanh tra Bộ không có thời gian? Hoặc giả người viết mắc sai lầm khi cho rằng Thanh tra Bộ cũng thấm thía bài thơ của Tào Thực trong Tam quốc diễn nghĩa: "Vỏ đậu nấu hạt đậu, hạt đậu khóc hu hu, sinh ra cùng một mẹ, nỡ hại nhau thế ru".

Trở lại vụ dọa kiện, người viết muốn đưa ra một vài số liệu cho cả hai bên nguyên và bị cùng tham khảo.

Tra cứu mục Giới thiệu/Học sinh-sinh viên trên trang Web của ĐH Công nghiệp t.p Hồ Chí Minh thấy có thông báo:

Trường hiện có trên 80.000 học sinh sinh viên đang theo học các bậc đào tạo ĐH, CĐ, CĐ nghề, Trung cấp 02 năm, Trung cấp 04 năm và các chương trình hợp tác quốc tế". Mục Danh sách cán bộ giảng viên công nhân viên thống kê có 1733 giảng viên (hình 1). [2]

Theo Thanhnien.com.vn ngày 17/12/2011 thì "năm 2011, ĐH Công nghiệp t.p HCM tuyển 5.000 học sinh trung cấp và hiện số học sinh đang theo học khoảng 10.000. Số lượng giáo viên có trình độ ĐH hiện đang phục vụ cho đào tạo trung cấp là 500". [3]

Theo Khoản 02 Điều 06 Thông tư 57 thì "các ĐH, học viện, trường ĐH không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp". Tuy nhiên vì thông tư mới có hiệu lực từ 16/01/2012 nên việc tuyển sinh trung cấp năm 2011 của ĐHCN t.p HCM là bình thường. Vấn đề là từ năm 2012 đến nay trường này đã dừng tuyển sinh trung cấp hay chưa? Nếu chưa thì Thanh tra Bộ có biết không?

Căn cứ vào số liệu 03 công khai (hình 1) tra cứu ngảy 14/8/2013 thì trong số 1733 giảng viên có 25 người trình độ CĐ và 39 người "trình độ khác". Số này tạm coi là nằm trong số 500 người dạy trung cấp. Nếu số liệu của Thanhnien.com.vn là chính xác thì số sinh viên CĐ- ĐH còn lại là khoảng 70.000 người, số giảng viên giảng dạy CĐ- ĐH là 1233 người. Trong đó có 01 GS; 13 Phó GS; 161 TS; 958 Ths; 100 giảng viên có trình độ ĐH.

Vì không phân biệt được chính xác số giảng viên dạy ĐH, CĐ nên số giảng viên quy đổi theo Thông tư 57 sẽ tạm sử dụng cách tính trung bình:

Tính theo hệ ĐH: 1*3 + 13*2 + 161*1.5 + 958 + 100*0.8 = 1308

Tính theo hệ CĐ:  1*3 + 13*2 + 161*1.5 + +958*1.3+100 = 1615

Bình quân (1308 + 1615)/2 = 1461

{keywords}

Hình 01: Ảnh chụp màn hình 03 công khai của ĐHCN t.p HCM

Nếu tính bình quân tỷ lệ sinh viên/01 giảng viên là (25+30)/2 = 27.5 thì số sinh viên tối đa mà ĐHCN t.p HCM được phép tuyển là 1461*27.5 = 40191 người.

Cần minh bạch, công bằng

Với cách tính "dễ dãi" nêu trên, ĐHCN t.p HCM đã tuyển vượt quy định khoảng 30.000 sinh viên, nghĩa là vượt 74.6%,  gấp gần 05 lần quy định trong Thông tư 57.

Nếu lãnh đạo ĐHCN t.p HCM và Thanh tra Bộ thấy cách tính toán trên không đúng thì người viết sẵn sàng cùng hai bên trao đổi. Cũng xin nói thêm rằng người viết không cố tình nhằm vào một trường nào vì thực tế có thể tìm thấy vô số trường khác cũng ở tình trạng tương tự.

Trở lại vụ kiện, đã sai quy định thì phải xử lý, không thể ưu ái trường công mà xử nặng trường tư. Các lỗi khác như liên kết đào tạo sai quy định, tuyển sinh đào tạo ngoài phạm vi trường cũng cần xem xét trên tinh thần "công bằng, đúng người đúng tội".

Nếu vụ việc không được xử lý thỏa đáng, tương lai dự đoán sẽ còn nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến các quy định trong ngành GD. Thông qua vụ việc này hy vọng "công bằng, minh bạch" không phải là món hàng "bày mẫu không bán"  trong "siêu  thị GD" nước nhà.

TS. Dương Xuân Thành

--------------------

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/135561/bi-dung-tuyen-sinh--truong-kien-bo-giao-duc-ra-toa.html

[2] http://hui.edu.vn/Content.aspx?MenuID=80

[3] http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111216/dai-hoc-khong-duoc-dao-tao-trung-cap-se-co-nhieu-cach-lach.aspx