Ban hành bộ tiêu chí để đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội không phải là yêu cầu của cử tri, mà là yêu cầu của chính người trong cuộc.

Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của đại biểu và các Đoàn đại biểu Quốc hội 6 tháng đầu năm 2013, Ban Công tác đại biểu đã tập hợp khá nhiều kiến nghị, đề xuất của các đoàn gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nằm ở vị trí đầu tiên là kiến nghị của đoàn Đồng Nai về sớm chỉ đạo xây dựng và ban hành bộ tiêu chí làm cơ sở để nhận xét, đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương.

Kiến nghị này khiến người viết nhớ lại câu chuyện nhỏ từ Quốc hội khóa 10. Trong một buổi họp cuối năm của đoàn đại biểu Quốc hội một tỉnh trung du, nữ đại biểu là  bác sỹ tâm tư rằng, khi cơ quan bình bầu danh hiệu thi đua cuối năm, vì thời gian đi họp Quốc hội nhiều quá nên bà chẳng được xếp loại gì. Bởi thế, dù làm tốt cả hai vai song chẳng được ghi nhận ở nơi nào.

Nhưng, từ góc tiếp cận khác, cử  tri cũng có thể đặt câu hỏi, rằng như vậy thì trong trường hợp đại biểu không làm tròn vai trò đại diện cho dân cũng không bị "kiểm điểm" hay nhắc nhở. Bởi, khi tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, một số vị đại biểu đã nhận xét, cho dù đại biểu hoạt động tích cực hay không, cũng chẳng có ai bình xét, bình bầu. Cho nên, cuối cùng là làm cũng được và không làm cũng được. Còn lên hội trường phát biểu là theo dạng dàn trải, động viên chung chung cho phấn khởi, không chết ai và cũng không ai ảnh hưởng gì.

Nay, nếu chỉ nhìn vào thông tin từ bản báo cáo 6 tháng của Ban Công tác đại biểu cũng đã có thể đồng cảm với kiến nghị nói trên.

Hoàn thành ngày 9/8/2013, song Ban Công tác đại biểu ghi chú rằng chưa nhận được báo cáo của các đoàn: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, An Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Rất có thể, nếu có bộ tiêu chí để đánh giá hoạt động thì sự "cao su" về thời gian gửi báo cáo cũng sẽ bớt gây khó cho những người tổng hợp. Và bản báo cáo 6 tháng sẽ không phải chờ đến giữa tháng tám mới có thể ra đời như thế.

Nhưng, có lẽ sự chưa đầy đủ về mặt số lượng của các bản báo cáo cũng không phải là lý do chính dẫn đến sự  khác biệt về mức  độ hoạt động của các đoàn và các vị dân biểu trong nửa năm qua.

{keywords}

Ông Dương Trung Quốc - đại biểu QH của Đồng Nai, là đoàn có nhiều chất vấn nhất

Cụ thể, về hoạt động giám sát, có15 đoàn đã trực tiếp tổ chức giám sát cả 4 chuyên đề theo nghị quyết của Quốc hội, 19 đoàn đã trực tiếp giám sát được 3 chuyên đề và 11 đoàn giám sát được 2 chuyên đề.

Được nêu đích danh là đoàn Đà Nẵng giám sát 12 cuộc, Đồng Nai 9 cuộc, các đoàn Quảng Bình, Đăk Nông đều tổ chức được 6 cuộc.

Và, có lẽ cũng do chưa có tiêu chí nên một số đoàn mới chỉ thực hiện giám sát qua... báo cáo.

Được đánh giá phong phú, đa dạng hơn về hình thức là các cuộc tiếp xúc cử tri. Báo cáo cho biết, riêng tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, đoàn Nghệ An tổ chức 10/46 cuộc, Hà Nội 7/65 cuộc và đoàn Tp.HCM 5/81 cuộc.

Một số đại biểu đã tích cực, chủ động tiếp xúc cử tri nơi cư trú.  Bên cạnh đó, một số vị ở các đoàn khác nhau còn chủ động tập hợp thành nhóm cùng tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.

Thế nhưng, Báo cáo cũng chỉ ra, một số đoàn vẫn có tình trạng đại biểu chuyên trách ở Trung ương vì những lý do khác nhau không về dự tiếp xúc cử tri theo như chương trình đã thông báo.

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, một số hoạt động cũng đã được định lượng. Như, đã có hơn 1.000 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ và hội trường. 204 chất vấn bằng văn bản của 89 đại biểu ở 47 đoàn gửi chất vấn đến các bộ trưởng, trưởng ngành.

Các đoàn có trên 10 chất vấn được kể tên gồm Tp. HCM 20 chất vấn, Kiên Giang 19 chất vấn, Đồng Nai 11 chất vấn, An Giang 10 chất vấn.

Có từ 5 chất vấn trở lên là các đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) 11 chất vấn, Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) 7 chất vấn,  Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) 6 chất vấn và Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) 5 chất vấn.

Có một sự trùng hợp là ở  hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2013, đoàn Đồng Nai cũng nằm trong số các đoàn có nhiều chất vấn nhất và đại biểu Trương Văn Vở của đoàn này vẫn giữ vị trí dẫn đầu.

Dù không nêu con số cụ thể, song Ban Công tác đại biểu đánh giá, đa số các đại biểu rất nghiêm túc thực hiện nội quy kỳ họp, tham dự khá đầy đủ các phiên họp tại tổ, tại hội trường. Mặc dù trong kho tư liệu của phóng viên, vẫn không quá khó để tìm thấy những bức ảnh mà xung quanh một vị đại biểu đang phát biểu có đến... dăm bảy ghế trống liền nhau.

Vẫn biết, với khoảng 2/3 đại biểu kiêm nhiệm như hiện nay, yêu cầu về thời gian và hiệu quả công việc của mỗi vị đại biểu Quốc hội tất nhiên là rất khác nhau. Song, cử tri vẫn sẽ thật khó chấp nhận nếu cả nhiệm kỳ không trực tiếp ghi nhận được bất cứ dấu ấn nào của người đại diện cho mình.

Mà điều này rất có thể sẽ  trở nên bình thường nếu kiến nghị của  đoàn Đồng Nai về ban hành tiêu chí hoạt động của đại biểu Quốc hội vẫn chỉ  là... kiến nghị.

Vĩnh An