"Phần lớn DN Việt không được trang bị kiến thức và kỹ năng kinh doanh nông sản nên không biết tìm, mở thị trường; không có khả năng tổ chức nghiên cứu chế biến nông sản thô thành sản phẩm có thương hiệu. Chúng ta không có những doanh nhân có kỹ năng chuyên môn và dũng khí", GS Võ Tòng Xuân nói.
Kỳ 1: Từ "cường quốc"... đến vỡ trận
Nhờ kết quả công bố của kiểm toán Nhà nước, dư luận mới biết và giật mình khi lương của Tổng giám đốc công ty lương thực miền Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội lương thực gần 80 triệu đồng/tháng trong khi nông dân càng làm càng lỗ mà "Nếu không bán thì chỉ để lúa cho vịt ăn"! Trong khi đó đã xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng để đi bán ...vé số ở một số địa phương vì làm ruộng lỗ triền miên.
Điều này có nghĩa rằng, trong khi SX NN đang "vỡ trận" thì vẫn có một bộ phận vẫn ung dung tự tại hưởng lợi! Bởi vậy có ý kiến cho rằng "Trong lĩnh vực NN mà nói không có "nhóm lợi ích" chẳng khác chi nói ở Đồ Sơn, Quất Lâm không có mại dâm hay trong lĩnh vực đất đai không có tham nhũng vậy".
Trong phần này, các diễn giả "nội soi" một cách toàn diện để nhìn thấy những căn bệnh và những biến tướng hiểm nghèo trong nền sản xuất nông nghiệp, từ đó tìm "phác đồ điều trị"!
Do chính sách hay con người?
Trong thập kỷ trước, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 2 trung tâm thương mại lớn phục vụ cho tiêu thụ hàng nông sản của toàn bộ khu vực ĐBSCL là Trung tâm thương mại cây ăn quả nằm dọc quốc lộ 1 thuộc huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang và Trung tâm thương mại lúa gạo năm ở huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp. Kỳ vọng 2 Trung tâm này sẽ là 2 chợ đầu mối lớn của khu vực. Xây dựng xong, cả hai Trung tâm ngốn hàng mấy trăm tỷ này đều chung số phận là chẳng ai vào kinh doanh. Trung tâm thương mại cây ăn quả ở huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang may mắn hơn còn cho Công ty Phương Trang thuê lại làm nhà chờ xe cho hành khách ghé vào nghỉ ngơi, ăn uống... Vì đâu lại dẫn đến hiện trạng này?
Bà Trần Ngọc Sương, Anh hùng lao động, Người phụ nữ châu Á tiêu biểu năm 2000, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu:
Ở ĐBSCL, một cái chợ bình thường hình thành phải trên cơ sở "trên bến dưới thuyền". Vì đây là vùng sông ngòi, kênh mương chằng chịt nên vận chuyển đường thủy là chủ yếu. Các chợ đầu mối tự phát lâu này trong vùng đều như vậy, hàng nông sản phải chở bằng ghe, thuyền đến.
Gần chợ đầu mối Tiền Giang do Nhà nước xây dựng mà giờ phải cho công ty Phương Trang thuê có chợ đầu mối An Hữu từ xưa. Dù tự phát mà nên nhưng chợ này cho tới nay vẫn hoạt động tốt, rất tấp nập!
Rõ ràng cần phải quan tâm nghiên cứu những đặc điểm văn hóa, truyền thống mà đầu tư. Nếu không thất bại là cái chắc!
Chính sách đầu tư cần phải tác động vào những khâu có tính đột phá, gợi mở hướng mới lấy hiệu quả cho toàn ngành làm mục đích.
Ông Lê Vĩnh Tân: Chính sách của chúng ta thời gian qua mang tính "thương nông dân" hơn là tính hiệu quả! Nông dân trồng lúa bị sâu rầy phá hoại, bị lũ lụt tàn phá, bị dịch bệnh thì Nhà nước hỗ trợ, cho tiền. Còn những khâu cần kích vào như khoa học công nghệ, tiến bộ kỷ thuật chưa được quan tâm đề cao.
Cách làm này kéo dài rất tốn kém mà không có hiệu quả cao. Chính sách cần hướng vào mục tiêu đề ra và xử lý có tính hệ thống. Tại sao trong y tế có tình trạng bệnh viện bị quá tải? Đó là vì có quá nhiều người bệnh. Vậy phải xem lại anh y tế dự phòng chứ không phải đơn thuần là phải xây thêm bệnh viện.
Trung tâm chợ đầu mối trái cây nay là nhà chờ của hãng xe Phương Trang |
"Chuỗi giá trị SX bị tháo ra từng khoen"
Nhưng chính sách phát triển NN của nước ta đã từng tạo ra sự phát triển thần kỳ cho NN, tại sao đến nay không còn hiệu quả, để nền SX NN rơi vào thế cùng đường?
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Trước hết phải nói là trong 25 năm Đổi mới vừa qua, chúng ta đã bắt đầu từ con số 0. Kết quả của mấy chục năm chiến tranh tàn phá ác liệt và hàng chục năm trong cơ chế quan liêu bao cấp đã dẫn đến điểm xuất phát của nền NN rất thấp kém. Sản xuất thì manh mún lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, dịch vụ chất lượng thấp, vốn đầu tư cho NN ít, công nghệ lạc hậu v.v...
Thế nhưng chúng ta vẫn phải vượt lên trong một thế giới cạnh tranh quyết liệt và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, thiên tai dịch bệnh rất phức tạp. Với tất cả những bất lợi như vậy tại sao Việt Nam lại trở thành nước chẳng những đảm bảo được an ninh lương thực, lo được cái ăn cho trên 80 triệu dân mà còn xuất khẩu những mặt hàng lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, cao su... đứng hàng cao trên thị trường thế giới?
Có lẽ sức mạnh chính của chúng ta thời gian qua là chính sách. Chính phủ và toàn dân không có nhiều tiền đầu tư cho nông nghiệp. Chính sách tạo ra động lực thuận lợi thúc đẩy nhân dân huy động nội lực, khai thác tài nguyên để sản xuất và kinh doanh đem lại lợi ích cho chính họ và cho toàn xã hội, người tiêu dùng được hưởng sản phẩm nhiều và giá rẻ.
Tuy nhiên, động lực của thời gian vừa qua một phần cũng tạo ra khó khăn hiện nay. Chúng ta lấy tài nguyên tự nhiên biến thành của cải vật chất. Lấy sức lao động và đổ rất nhiều vật tư vào đấy để biến thành của cải vật chất. Lấy mồ hôi thay cho chất xám. Của cải vật chất làm ra nhiều nhưng giá rẻ, chất lượng thấp. Cạnh tranh được là nhờ giá rẻ, nhờ bán vào thị trường dễ tính, bán qua trung gian. Động lực đó ngày nay không còn nữa.
Một là tài nguyên tự nhiên đã cạn kiệt, môi trường trở nên ô nhiễm. Hai là những thị trường thuận lợi, dễ chiếm lĩnh thì đã chiếm lĩnh rồi. Đã đến lúc chúng ta phải dùng đến khoa học, trình độ quản lý, kỷ năng thương mại, đây là những thứ mà hệ thống chính sách hiện nay chưa nhắm tới.
Như vậy chúng ta cần có hệ thống chính sách mới hoàn toàn.
Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp |
GS - TS Võ Tòng Xuân: Đáng tiếc nhất là cho đến nay Nhà nước ta, cụ thể là Bộ NN - PTNT vẫn hành động theo kiểu chắp vá, thấy hư đâu thì sửa đấy, bị thương chỗ nào băng bó chỗ đấy mà không hề có một chiến lược dài hạn khả thi đồng bộ có hệ thống. Khi có dịch bệnh, Bộ đề nghị cứu trợ vài ngàn tỷ! Khi nông dân kêu ca không bán được lúa, Bộ đề nghị cho DN vay không lãi để mua lúa tạm trữ v.v....
Một yếu kém nữa trong thực tế là mọi chương trình phát triển nông nghiệp, Bộ NN - PTNT khuyến khích mạnh ai nấy làm. Anh khuyến nông thì hô hào trồng cây này, nuôi con kia mà không cần biết bán cho ai, thị trường nào. Anh bán thuốc, bán phân thi hô hào nông dân mua dùng. Còn nông dân thì mạnh ai nấy lo, trăm người trăm vẻ. Khi thụ hoạch thì có hàng chục giống lộn xộn, mặc sức cho thương lái ép giá. Các Công ty lương thực thì lo o bế thương lái, lo cho lợi nhuận của mình, bỏ mặc không điểm xỉa gì tới nông dân.
GS-TS Võ Tòng Xuân |
Cách làm như thế này thì không chỉ cây lúa mà cả trái cây, cà phê, cá ... phải chịu thua! Ông nông dân đành bó tay thôi. Hậu quả không nông sản nào có thương hiệu mạnh được vì chúng được SX một cách không đồng bộ, chuỗi giá trị SX bị tháo ra từng khoen không ráp lại được.
Có thể rút ra 3 nguyên nhân:
- Thứ nhất, phần lớn DN Việt Nam không được trang bị kiến thức và kỹ năng kinh doanh nông sản nên rất thụ động không biết tìm, mở thị trường; không có khả năng tổ chức nghiên cứu chế biến nông sản thô thành sản phẩm có giá trị gia tăng và thương hiệu để đưa ra thị trường quốc tế. Chúng ta không có những doanh nhân có kỹ năng chuyên môn và dũng khí để tổ chức được những vùng SX liên hoàn từ ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức cho nông dân SX theo quy trình tiên tiến (GAP) đến xử lý nguyên liệu, bảo quản chế biến thành phẩm có thương hiệu.
- Thứ hai, chính sách ruộng đất của ta là nguyên nhân duy trì hiện trạng đất đai manh mún nhỏ lẻ. Luật Hợp tác xã hoàn toàn không khuyến khích gì cho nông dân tham gia HTX như Nghị quyết TW 5 khóa IX và Nghị quyết TW 26 khóa X chỉ đạo về kinh tế tập thể và hợp tác hóa NN.
Kiểu làm nông nghiệp chỉ biết đến cây lúa ăn sâu trong tư duy lãnh đạo ở nước ta đã ngăn chặn mầm mống đa dạng hóa, chuyển đổi cơ cấu SX NN, mãi tới năm 2000 mới có nới lỏng nhưng không cụ thể gì cả.
- Thứ ba là những bất cập trong đời sống của nông dân cũng là một phần tạo nên bức tranh NN yếu kém. Nông dân ta chủ yếu là sản xuất nhỏ, manh mún, thích sản xuất tự do không muốn hợp tác hóa. Phần lớn bà con nông dân không được đào tạo căn bản. Kiến thức chủ yếu từ kinh nghiệm thực tế SX của mình, không thấy và không hiểu những cơ sở khoa học của từng lĩnh vực sản xuất cho nên làm theo ý mình và làm theo quảng cáo nhiều hơn là theo khoa học. Do đó họ phải chịu nhiều tốn kém, đội giá thành lên cao.
(Còn nữa)
- Duy Chiến