- Câu chuyện không đơn giản bởi quy luật "cung cầu" của thị trường tự do, mà người nông dân đang bị ảnh hưởng bởi một nền kinh tế phong trào.
Trong những năm gần đây người nông dân Việt Nam chuyển động theo chu kỳ "trồng - chặt" từ cây mận tam hoa ở miến núi phía Bắc ngày xưa đến cây cacao ở Tây nguyên ngày nay.
Cây lúa cũng chịu số phận tương tự dẫn đến nông dân phía Bắc bỏ ruộng, còn nông dân phía Nam thì sống với điệp khúc "đến mùa thu lúa thì giá rớt" mặc chính phủ công bố các chương trình hỗ trợ mua lúa gạo tạm trữ.
Tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta thấy câu chuyện không đơn giản bởi quy luật "cung cầu" của thị trường tự do, mà người nông dân đang bị ảnh hưởng bởi một nền kinh tế phong trào.
Trong những năm vừa qua, một số tỉnh miền Bắc và miền Trung có phong trào nuôi lợn thịt theo trang trại. Giống và thức ăn được cung cấp bởi các tập đoàn như Cargill của Mỹ và CP của Thái Lan. Với các tập đoàn này, càng nhiều nông dân tham gia nuôi lợn họ càng bán được nhiều giống, thức ăn và thuốc thú y.
Khi nhiều nông dân tham gia đồng nghĩa với nhu cầu mua giống và thức ăn tăng lên dẫn đến giá bán các sản phẩm này tăng lên. Phần lợi, rõ ràng sẽ được thu về cho các tập đoàn. Ngược lại, càng nhiều nông dân tham gia nuôi lợn thì lượng lợn thịt cung ra thị trường càng lớn, dẫn đến giá lợn thịt giảm và nông dân là người chịu thiệt. Chính vì vậy, hàng loạt trang trại bị bỏ trống vì càng nuôi lợn càng lỗ như hiện nay.
Người dân ở Tây Nguyên đau buồn phải chặt cacao sau vài năm trồng chưa cho thu hoạch (Nguồn: internet) |
Tương tự như vậy, người nông dân ở Tây Nguyên đang được vận động để trồng cacao, một cây làm nguyên liệu sản xuất sô cô la. Các tập đoàn như Cargill và Mars cần có nguyên liệu vì diện tích trồng cacao ở Malaysia và nguồn cung từ Bờ Biển Ngà giảm mạnh.
Đối với các tập đoàn này, càng nhiều nông dân tham gia trồng cacao càng tốt vì họ có thể mua nguyên liệu sản xuất sô cô la với giá thấp. Nhiều người trồng cacao cũng đồng nghĩa nhu cầu cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng lên. Thị trường béo bở này sẽ được các công ty đáp ứng, thậm chí đẩy giá lên cao.
Sau vài năm trồng cacao, nhiều
người dân bắt đầu chặt vì giá cacao giảm mạnh chứ không cao như khi họ
bắt đầu trồng. Người dân bị thiệt hại vì đã đầu tư vào giống, phân bón
và thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là chi phí cơ hội cho diện tích đất
trồng cacao và công lao động bị mất.
Nhiều người cho rằng điều
này là bình thường, vì người nông dân cũng phải tuân theo quy luật cung
- cầu của thị trường. Khi họ tham gia vào sản xuất, kinh doanh họ cũng
phải chấp nhận rủi ro. Việc bỏ nuôi lợn hay chặt cacao là quyết định của
họ khi giá xuống, hoặc họ cũng có quyền quyết định tiếp tục chấp nhận
lỗ ngắn hạn, đợi giá lên về dài hạn.
Tuy nhiên, người nông dân không có được tín hiệu từ thị trường một cách minh bạch. Một số
địa phương cho việc nuôi lợn theo mô hình trang trại vào nghị quyết
phát triển kinh tế, xã hội. Điều này đồng nghĩa với thành tích của tỉnh
và huyện.
Để đạt được mục tiêu đề ra (bởi chính quyền) Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thành niên được huy động vào cuộc. Họ đến từng thôn bản để vận động quần chúng nhân dân triển khai, vì số đầu lợn là thành tích họ phải báo cáo.
Hệ thống truyền thông địa phương cũng tham gia tuyên truyền về lợi ích của việc nuôi lợn theo trang trại. Ngân hàng được chỉ đạo cho nông dân vay vốn để làm chuồng, mua giống và thức ăn. Người nông dân nghèo khát khao đổi đời nên khi xung quanh họ tràn ngập thông tin tích cực về việc nuôi lợn, tin tưởng nên họ tham gia.
Sau vài năm, chương trình vận động thành công với thành tích thuộc về chính quyền, doanh thu bán giống và thức ăn tăng vọt thuộc về doanh nghiệp, chỉ còn lại người nông dân với khu chuồng rỗng.
Tương tự như vậy, người nông dân ở Tây Nguyên được địa phương và khuyến nông tuyên truyền cacao như một cây trồng mới, lợi thế hơn cả cà phê vì giá cacao ở London rất tốt. Cacao dễ trồng, không kén đất và là cơ hội xóa đói giảm nghèo cho người dân tộc bản địa.
Để khuyến khích, nông dân được phát không vài trăm cây giống, được tập huấn kỹ thuật miễn phí, việc duy nhất họ cần làm là trồng cây cacao trên đất của họ. Nhiều người dân tham gia trồng cacao, lo lắng và hồi hộp, vì cacao không dễ trồng như họ được tuyên truyền, và giá cacao lao dốc từ khi họ bắt đầu tham gia.
Công chức và đoàn thể địa phương vẫn lĩnh lương hàng
tháng, công ty vẫn thu lãi bán giống, phân bón và thuốc trừ sâu. Chỉ còn
người nông dân chịu rủi ro, gánh chi phí và các khoản nợ tài chính và
niềm tin.
Hiện tượng nông dân trồng và chặt, nuôi và bỏ, thay
thế các giống cây trồng vật nuôi chỉ bình thường khi họ có thông tin thị
trường để ra quyết định. Quyết định của họ phải dựa trên những đánh giá
khách quan về lợi nhuận, rủi ro cũng như hiệu quả đầu tư chứ không phải
dựa trên thành tích của chính quyền địa phương và thông tin tuyên
truyền một chiều.
Chúng ta cần phải bỏ tư duy làm kinh tế theo phong trào và tránh can thiệp vào quyết định sản xuất và đầu tư của người dân. Chỉ khi đó, người dân mới đọc được tín hiệu thị trường, và tự điều chỉnh sinh kế của mình cho phù hợp và có lợi nhất.
Trung Hậu