Trong thời kì chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên bang Xô-viết đã tránh phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân vì lo ngại sẽ “hủy diệt lẫn nhau”. Mỗi bên đều biết rằng chiến tranh hạt nhân sẽ dẫn tới sự diệt vong của cả hai.
Xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay cũng vậy. Mặc dù căng thẳng giữa hai bên có gia tăng, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều chỉ sử dụng các răn đe về mặt kinh tế để gây sức ép lẫn nhau.
Mùa thu năm ngoái, tranh chấp lãnh thổ đã nổ ra giữa Bắc Kinh và Tokyo xung quanh quần đảo mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền từ hơn một thế kỉ trước. Ngay lập tức, nhiều người dân Trung Quốc tuyên bố tẩy chay hàng hóa Nhật Bản và tổ chức các cuộc biểu tình chống Nhật. Phong trào này đã nhận được sự khuyến khích từ phía chính phủ Trung Quốc. Chính điều này khiến chính phủ Nhật Bản quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ khai thác sự phụ thuộc của Tokyo vào thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc để ép nước này phải nhượng bộ.
Trong suốt giai đoạn khủng hoảng đó, Nhật Bản đã đặt giả thuyết rằng lí do Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để chiếm quần đảo Điếu ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) hay Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản), là vì Mỹ từng tuyên bố ủng hộ Tokyo trong vấn đề chủ quyền quần đảo này. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh của đất nước Mặt trời mọc cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng một số biện pháp đe dọa khác, bao gồm cả một phong trào tẩy chay hàng hóa lâu dài.
Tuy nhiên những lo ngại này đã không trở thành hiện thực chỉ bởi một lí do đơn giản: Trung Quốc cần mua hàng hóa của Nhật Bản giống như Nhật Bản muốn bán hàng hóa của mình. Có rất nhiều sản phẩm công nghệ cao được lắp ráp và xuất khẩu tại Trung Quốc, theo đơn đặt hàng từ các công ty của Mỹ và châu Âu, đều phải sử dụng các linh kiện do Nhật Bản chế tạo. Chính vì vậy mà Trung Quốc không thể tẩy chay hàng hóa Nhật Bản vì lo ngại những ảnh hưởng của việc làm này đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của mình.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư |
Cho tới nay, chính sự phụ thuộc kinh tế và cam kết ủng hộ Nhật Bản của Mỹ đã khiến xung đột vẫn diễn ra trong hòa bình. Mặc dù vậy thì giao tranh giữa các tàu quân sự của hai bên tại khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vẫn có thể xảy ra và dẫn tới một cuộc xung đột ngoài ý muốn. Đây cũng chính là lí do tại sao các quan chức quân sự của cả hai nước đều mong muốn giảm thiểu nguy cơ xung đột. Mặc dù chưa có một giải pháp cụ thể nào, song những người lo ngại về leo thang xung đột cũng có thể an tâm phần nào khi sự thật là Nhật Bản và Trung Quốc vẫn thu được nhiều lợi ích từ hợp tác kinh tế hơn là tiến hành chiến tranh.
Mối quan hệ ràng buộc
Mặc dù từng tuyên bố chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku từ năm 1971 song Trung Quốc chưa bao giờ có thái độ kiên quyết như trong thời gian gần đây. Ngược lại vào năm 1972, nhận thấy lợi ích từ sự phát triển kinh tế và hợp tác chính trị, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và cựu Thủ tướng Nhật Bản Kauei Tanaka đã nhất trí đặt vấn đề này sang một bên. Bắc Kinh thậm chí còn từng ngăn các nhà hoạt động yêu nước cố gắng đặt chân lên quần đảo này, cấm báo chí đăng các bài viết kêu gọi chủ quyền quần đảo này.
Trong một vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã thay đổi thái độ hoàn toàn và bắt đầu hành động. Một minh chứng là vào năm 2010, một tàu đánh cá của Trung Quốc đã va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản tại vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Khi tàu tuần tra của Nhật Bản bắt các ngư dân Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, Bắc Kinh tuyên bố rằng Nhật Bản không có quyền hạn gì trong “vùng lãnh thổ của Trung Quốc”, đồng thời cắt nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản cho tới khi Tokio thả các thuyền viên Trung Quốc.
Tới tháng 7 năm 2012, vấn đề thực sự trở nên căng thẳng. Thủ tướng Nhật Bản khi đó, Yoshihiko Noda, đã tuyên bố kế hoạch quốc hữu hóa một số đảo tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ý định của Thủ tướng Noda là muốn ngăn không cho Thị trưởng Tokyo mua lại các đảo này. Trước đó, thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara tuyên bố rằng ông muốn mua lại quần đảo này nhằm “bảo vệ” các đảo khỏi sự can thiệp của Trung Quốc, và điều này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận.
Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng hành động này của chính phủ Nhật bản là một sự thay đổi không thể chấp nhận được trong quan điểm của cả hai bên bấy lâu nay. Chính quyền của ông Noda đã lờ đi cảnh báo từ Bắc Kinh và bộ Ngoại giao Mỹ, đồng thời tự huyễn hoặc rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận động thái của Nhật Bản.
Ngay sau đó, các cuộc biểu tình chống Nhật và phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản đã nổ ra tại Trung Quốc. Chỉ trong vài tuần của tháng 8 và tháng 9, làn sóng này đã lên tới cao trào khi xuất hiện hàng loạt hành động quá khích, như đập phá nhiều xe ô tô do Nhật Bản sản xuất, phá hoại nhiều cửa hàng bán hàng hóa của Nhật Bản và đốt cháy một nhà máy của tập đoàn Panasonic. Cảnh sát Trung Quốc nửa khuyến khích, nửa ngăn chặn các cuộc bạo động này, trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc liệt kê ra hàng loạt các thương hiệu hàng hóa của Nhật Bản cần bị tẩy chay. Cho tới khi các cuộc biểu tình chấm dứt, Các công ty của Nhật Bản đặt nhà máy tại Trung Quốc đã chịu thiệt hại hơn 120 triệu Đôla Mỹ. Vài tháng sau đó, doanh số ô tô của Nhật Bản tại thị trường đông dân nhất thế giới này đã sụt giảm từ 40%-50%.
Các vụ bạo động đã chấm dứt, song những xung đột lớn hơn chưa thấy có dấu hiệu lắng dịu. Khoảng thời gian sau đó, Trung Quốc thường xuyên cử các tàu hải giám được trang bị vũ trang tới vùng biển tranh chấp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng đàn tuyên bố quần đảo Điếu Ngư là “lợi ích cốt lõi”, một cụm từ chỉ những khu vực nhạy cảm nhất trong chủ quyền của Trung Quốc, như Đài Loan và Tây Tạng.
Bộ Thương mai Trung Quốc thì bóng gió về khả năng sẽ thi hành chính sách tẩy chay hàng hóa, để buộc Tokio phải thừa nhận quyền sở hữu pháp lý của Trung Quốc với quần đảo này. Tháng 9 năm ngoái, bộ này đã cảnh báo rằng hành động quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku của chính phủ Nhật bản sẽ gây ra “những ảnh hưởng và tổn hại không thể tránh khỏi trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản”.
Một cuộc tẩy chay hàng hóa sẽ thực sự gây ra hệ quả to lớn cho nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Nhật Bản. Từ năm 2002 tới năm 2007, một phần ba tăng trưởng GDP của Nhật Bản đến từ thặng dư thương mại và một phần ba đến từ vốn đầu tư, và những lĩnh vực này đều liên quan chặt chẽ tới hoạt động xuất khẩu. Trung Quốc lại đóng vai trò trung tâm của hoạt động xuất khẩu Nhật Bản. Từ năm 1995 tới năm 2011, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc chiếm tới 45% tỉ lệ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản. Ngược lại, kể từ khi quan hệ giữa hai nước xấu đi từ tháng 7 năm ngoái, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản sang Trung Quốc đã giảm 20%, cao hơn nhiều so với mức giảm 11% giá trị xuất khẩu của Nhật Bản ra toàn thế giới (tính đến tháng 3/2013).
Chính sự phụ thuộc này đã giải thích cho việc tân thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không theo đuổi các chính sách cứng rắn trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 12 năm ngoái, chẳng hạn như kế hoạch đưa nhân lực và thiết bị lên quần đảo Senkaku. Ông Abe biết rõ rằng tín nhiệm của mình phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế. Chính các doanh nghiệp trong nước cũng thúc giục ông từ bỏ các hành động khiêu khích Trung Quốc cho dù vẫn cần tìm kiếm một giải pháp duy trì chủ quyền với quần đảo này
Tuy nhiên, không chỉ Nhật Bản bị kiềm chế bởi sự phụ thuộc kinh tế. Trong năm nay, các cơ quan kiểm duyệt tại Trung Quốc cũng đã chặn các cụm từ “Tẩy chay Nhật Bản” trên Weibo, mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc. Trong dịp tết Nguyên đán tháng 2 năm nay, Bắc Kinh đã cấm bán loại pháo hoa rất phổ biến, mang tên “Tokyo Big Bang”, loại pháo mô phỏng hành động đốt cháy thủ đô của Nhật Bản. Cuối tháng 3/2013, Trung Quốc thậm chí còn tham gia vào các cuộc đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thiết lập một thỏa thuận tự do thương mại ba bên.
Trong bối cảnh nhu cầu việc làm và thu ngân sách từ thuế đang gia tăng, chính quyền nhiều tỉnh tại Trung Quốc thi hành chính sách khuyến khích các công ty Nhật Bản mở rộng sản xuất. Tháng 2/2013, thành phố Trùng Khánh đã thuê tập đoàn Mitsui Group của Nhật Bản phát triển khu công nghiệp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Tại một hội nghị của Hiệp hội kinh tế Nhật Bản- Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 3/2013, tân Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều cho dù không cho phép truyền thông ghi lại hình ảnh bắt tay với các doanh nhân hàng đầu của Nhật Bản, nhưng ông vẫn đề nghị họ tăng cường đầu tư vào Trung Quốc. Ngay cả ở cấp quốc gia, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng công khai thừa nhận các bài báo của tạp chí Global Times, vốn vừa chỉ trích vừa phê phán phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản trong năm 2012.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng không mấy quan tâm tới chính sách tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Các sản phẩm từ Nhật Bản từng nằm trong danh sách tẩy chay của Trung Quốc vốn rất được ưa chuộng tại thị trường đông dân nhất thế giới. Trong nửa cuối năm 2012, doanh số các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc da do công ty Shiseido của Nhật Bản sản xuất đã sụt giảm mạnh, song một phần nguyên nhân là do thị hiếu của người tiêu dùng khi đó. Một số cửa hàng mỹ phẩm tại Trung Quốc đã hạn chế trưng bày các dòng sản phẩm này nhưng có rất ít cửa hàng ngừng hẳn việc bán các sản phẩm này.
Loại hàng hóa của Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xe hơi, khi có nhiều xe đã bị phá hủy trong các cuộc bạo động quá khích. Tuy nhiên doanh số bán hàng đã tăng trở lại. Mùa thu năm ngoái, hãng chế tạo ô tô Nissan của Nhật Bản đã cung cấp cho các khách hàng Trung Quốc chương trình “Cam kết an ninh xe hơ”i, qua đó bảo đảm sửa chữa miễn phí cho các xe ô tô bị hư hại trong các cuộc biểu tình chống Nhật. Đây chính là lý do giúp doanh số của Nissan tại Trung Quốc trong tháng 3/2013 đã đạt mức cao hơn cùng kỳ một năm trước đó. Không chỉ vậy, nồng độ ô nhiễm không khí của Trung Quốc ngày một tăng cao đã giúp doanh số máy lọc không khí của Parasonic trong tháng 2/2013 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Con số này của hãng Daikin thậm chí còn tăng gấp 4 lần, và cả hai đều là các công ty đến từ Nhật Bản.
Còn nữa
Lê Minh Đức (Theo Foreign Affairs)