Quyền lực bắt đầu từ đâu, thì kiểm soát quyền lực chống tham nhũng cũng phải bắt đầu từ đó.

>>Tuyển sinh ngành y cần thi...y đức

Một loại thuốc, có thể có tác dụng trên nhiều cơ quan (phủ, tạng) có chức năng khác nhau. Một  bệnh, cũng luôn có nhiều phương pháp chữa trị. Phương pháp nào, loại thuốc nào cũng chứa đựng biến chứng và tác dụng, ngoài ý muốn của người thầy thuốc. Những biến chứng, có thể xuất hiện trên người này, nhưng với người khác thì không.

Mổ xẻ “tật bệnh” ngành y

Biến chứng có thể  xẩy ra, với nhiều mức độ nặng- nhẹ khác nhau, nặng có thể gây chết người. Do vậy, việc quyết định lựa chọn phương pháp nào, loại thuốc nào, điều trị cho một người bệnh, để đạt được kết quả mong muốn, cũng như giảm thiểu những biến chứng, tai biến trên bệnh nhân, là tùy thuộc vào quyết định của người thầy thuốc.

Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học nói chung, khoa học y học nói riêng, các xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh (XQ, siêu âm...), thăm dò chức năng, ngày càng can thiệp sâu vào quá trình khám và chữa bệnh của người thầy thuốc. Với chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ khám bệnh và điều trị trực tiếp có thể xem xét đánh giá dựa trên những hình ảnh đã in ra.

{keywords}

Còn đối với những xét nghiệm sinh hóa, huyết học và nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác, thì phải hoàn toàn dựa trên kết quả từ phòng xét nghiệm trả về. Có rất nhiều xét nghiệm, quyết định hoàn toàn tới chẩn đoán và theo dõi diễn biến của bệnh.

Chíp sinh học (biochips) đã giúp cho một chiếc máy xét nghiệm có thể phân tích, trả lời rất nhiều chỉ số, theo yêu cầu của bác sĩ, từ một mẫu bệnh phẩm. Nhưng, một xét nghiệm y học chính xác, cần phải được thực hiện trên những  máy xét nghiệm đạt chuẩn về chất lượng. Điều này, phụ thuộc vào người làm xét nghiệm có được đào tạo chuẩn về trình độ chuyên môn hay không.

Khi bác sĩ sử dụng kết quả xét nghiệm không chính xác, sẽ dẫn tới chẩn đoán không đúng bệnh, đánh giá diễn biến bệnh trong quá trình điều trị không đúng. Những biến chứng  trên người bệnh; trong giai đoạn đầu, thường âm thầm, ngay cả thầy thuốc trực tiếp điều trị, cũng như bệnh nhân cũng khó nhận biết, và đánh giá chính xác được. Tới giai đoạn muộn hơn, khi bệnh đã diễn biến nặng, nếu có tử vong thì mọi sự “đã rồi”(!?)

Việc xét nghiệm không đạt chuẩn, đưa ra những kết quả không đúng, đã có những nghi vấn. Các ý kiến phản ánh này, có từ phía người bệnh, và các bác sĩ từ nam ra bắc suốt nhiều năm nay, phản ánh liên tục trên báo chí: Bệnh nhân chết, vì kết quả xét nghiệm đá nhau; Loạn xét nghiệm, bệnh viện hành dân; Là bác sĩ tôi cũng rờn rợn người khi nhận kết quả xét nghiệm; Sai lệch "chết người" trong xét nghiệm...

Đã có những địa phương (Bắc Giang), cấp có thẩm quyền (sở y tế) kiểm tra lại công tác xét nghiệm tại bệnh viện khi có ý kiến phản ánh. Nhưng cho tới nay, mọi việc vẫn rơi vào im lặng... tới ‘trong veo’, không hề có bất kỳ thay đổi nào.

Sau khi vụ việc ‘nhân bản xét nghiệm’, tại BV đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) bị đưa ra ánh sáng làm cả xã hội rúng động, hoang mang thì cũng cần thời gian để ngẫm kỹ hơn về những nguyên nhân sâu xa về nhân lực ngành y.

Nhiều người trong ngành phản ánh, việc quy hoạch, phân công bác sĩ khám chữa bệnh diễn ra rất tùy tiện. Bác sĩ được đào tạo sau đại học thuộc hệ dự phòng, chuyên khoa cấp I vệ sinh phòng dịch, y xã hội học, thì lại phân công khám chữa bệnh. Bác sĩ thuộc hệ điều trị, như chuyên khoa cấp I; nhãn khoa, chuyên cấp I; tai- mũi- họng, thì làm dự phòng. Chính sự tùy tiện trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, gây lãng phí tiền ngân sách đào tạo, và góp phần làm cho chuyên môn yếu kém. Hệ lụy tất yếu là, bệnh nhân phải chuyển tuyến, vượt tuyến, gây quá tải ở các BV tuyến trên.

Công tác hồi sức cấp cứu, từ nhiều năm nay, đã không được đầu tư đúng mức, qui định không rõ ràng về trách nhiêm bắt buộc, đối với các cơ sở khám chữa bệnh, cũng như những nơi thực hiện nhiệm vụ tiêm phòng, thể hiện ngay tại Phụ lục 6. Phác đồ cấp cứu sốc phản vệ (kèm theo thông tư số 08/1999-TT-BYT,ngày 04 Tháng 05 Năm 1999).

Phân tuyến kỹ thuật và điều trị, là cách quản lý về chuyên môn trong ngành y tế, đối với các BV tuyến dưới. Hiện nay, đã trở thành công cụ rất ‘cơ học’, trong việc siết chặt chuyển bệnh nhân lên các BV tuyến trên khám chữa bệnh.

Trong cấp cứu nói chung, và sốc phản vệ nói riêng, việc di chuyển bệnh nhân có thể gây chậm trễ công việc cứu chữa dẫn tới tử vong. Sốc phản vệ, là một cấp cứu cần phải thực hiện ngay tại chỗ. Qui định như trên, là thiếu rõ ràng về trách nhiệm bắt buộc, đối với cơ sở khám chữa bệnh, trong công tác hồi sức cấp cứu.

Cần phải qui định lại là; các cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện trang thiết bị y tế và trình độ chuyên môn không phụ thuộc vào qui định về kỹ thuật của từng tuyến phải áp dụng được các biện pháp sau.

Nếu bỏ qua vụ việc ‘nhân bản xét nghiệm’, của BV Hoài Đức, vì sai phạm đã quá rõ ràng, còn các bác sĩ phải sử dụng các kết quả xét nghiệm, thiếu chính xác, có tác động như thế nào đến bệnh nhân, cũng cần phải “chờ” những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, mới có thể làm rõ.  Hay hiện tượng bệnh nhân tử vong bất thường ngay tại các BV, đã được các phương tiện truyền thông đưa tin trong những năm gần đây, có  liên quan tới công tác hồi sức cấp cứu hay không, đương nhiên cũng vẫn phải chờ xác minh.

Nhưng, trách nhiệm về những vụ tai biến chết người, tại các cơ sở khám chữa bệnh những năm gần đây thuộc về ai? Thì ‘hãy đợi đấy’, vì còn phải chờ xác định ‘ai sai’, và đương nhiên là vẫn chưa có ‘ai chịu’. Còn hậu quả đau xót, thì đã có người dân phải trả bằng chính sinh mạng.

Từ ‘hữu trách’ đến ‘vô can’

Trả lời chất vấn, của các đại biểu Quốc hội về vấn nạn ‘phong bì’- một dạng tham nhũng trong y tế, Bộ trưởng Y tế thẳng thắn đề nghị cử tri cả nước, các vị đại biểu Quốc hội, đưa ra bằng chứng, bằng cách chụp ảnh nhân viên y tế nhận phong bì của bệnh nhân gửi cho Bộ trưởng. Cùng với lời hứa đầy ‘hữu trách’ sẽ xử lý nghiêm các các cán bộ viên chức này.

Còn tham nhũng trong đấu thầu thuốc chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 11-7: "Tôi xin lưu ý rằng lâu nay chúng ta cũng thực hiện theo các quy định, nhưng giá thuốc đấu thầu vẫn cao hơn giá thuốc trên thị trường. Như vậy là có vấn đề về quản lý Nhà nước về giá thuốc. Năm 2012, chúng ta điều chỉnh quy định về đấu thầu thuốc thì đã tiết kiệm được vài nghìn tỉ đồng".

Vậy rất nhiều năm - trước năm 2012, khi chưa điều chỉnh quy định, thì  rất nhiều 'vài nghìn tỉ' trên một năm, không tiết kiệm được- đi đâu? Ai được hưởng lợi, Bộ Y tế có biết hay là không biết, vẫn còn là ẩn số trong sự im lặng ‘vô can’.

Vụ việc tại BV Nội tiết Trung ương cũng là một ví dụ. Thanh tra Bộ Y tế tiếp nhận tố cáo về tham nhũng tại đây; kết luận ‘trong veo’. Trong khi đó, cơ quan cảnh sát điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Không dừng lại, lãnh đạo Bộ Y tế còn ra công văn ‘xin tội’ cho những bị can, vì đã có thành tích cống hiến, vì công lao trời biển, đóng góp cho sự nghiệp ‘cứu dân, độ thế’ của ngành y tế.

Cấp lãnh đạo ngành là vậy, còn ở các địa phương thì dĩ nhiên là khó và rất khó. Như trong bài trên báo Pháp lý “Khuất tất về tài chính ở BV đa khoa thành phố Bắc Giang: Dùng hơn 1,5 tỉ đồng tiền của Nhà nước chi bù đắp cho sai phạm của một số cá nhân”. Ông Nguyễn Văn Chiến - Chánh Thanh tra, Sở Y tế Bắc Giang, đã rất thẳng thắn khi trả lời phóng viên: “Bây giờ nó là như thế! Hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai?”. Có lẽ ông Chánh Thanh tra đã nói đúng, vì ông có hỏi ai chắc cũng chỉ là im lặng của ‘vô can’!

Đã có quá nhiều những qui định, về trách nhiệm chống tham nhũng cho những tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhưng có một sự thật là, chưa có một chi bộ nào, chưa có một tổ chức nào trong hệ thống chính trị (công đoàn, đoàn thanh niên...), phát hiện được tham nhũng, ngay trong cơ quan, tổ chức của mình.

Ở BV Hoài Đức cũng vậy. Tất cả hệ thống chính trị đều im lặng, nếu không nói là đồng lõa với cái ác, quay lưng lại với người chống tham nhũng tiêu cực. Cá nhân thì lo sợ, bởi áp lực quá nặng nề lên họ, và gia đình họ. Nên đã có những người, không thể chịu đựng được áp lực như vậy, đành ‘nửa đường đứt gánh’.

Vẫn biết, xưa nay chưa có thuốc chữa được lòng tham và quyền lực sẽ sinh ra tham nhũng. Vậy muốn phòng chống tham nhũng thì phải kiểm soát được quyền lực. Nhưng quyền lực bắt đầu từ đâu và của ai? Nhưng ai, ở đâu có quyền qui hoạch, đào tạo, giáo dục và bổ nhiệm nên các chức vụ trong ngành hiện nay? Nếu không phải là cấp ủy đảng các cấp? Quyền lực bắt đầu từ đâu, thì kiểm soát quyền lực chống tham nhũng cũng phải bắt đầu từ đó.

Nguyễn Văn Soạn