Người Jamaica giờ đây đã tiến hành một chiến lược mới táo bạo: làm nông nghiệp ở khắp mọi nơi, sau nhà ở, bệnh viện, trường học và cả nhà tù.

>>Từ cường quốc...đến vỡ trận

Hương thơm của dầu dừa và các loại gia vị cay nồng vẫn lan toả khắp hòn đảo xanh tươi Kingston của Jamaica. Thế nhưng, thực tế phải nhập khẩu lương thực ở nước này đã trở thành một nguy cơ trị giá hàng tỉ USD đe doạ đến tài chính và sức khoẻ.

Khắp vùng Caribbea, nhập khẩu thực phẩm trở thành một vấn đề gánh nặng ngân sách khiến cho một trong những vùng phì nhiêu nhất thế giới phải vội vã quay trở lại quá khứ nông nghiệp. Thế nhưng thay vì làm kinh doanh nông nghiệp lớn, chính phủ lại nỗ lực tuyển dụng tất cả những ai có thể để đối phó với chi phí nhập khẩu – với mức giá tăng gấp đôi trong thập niên qua. Tại Jamaica, Haiti, Bahamas và những nơi khác, sản xuất nông nghiệp đã trở thành phương châm của chính phủ.

“Chúng tôi đang ở trong cuộc khủng hoảng lương thực”, Hilson Baptiste, Bộ trưởng nông nghiệp Antigua và Barbuda nói. “Mọi quốc gia nên quan tâm tới điều này, làm sao chúng ta có thể tự sản xuất? Làm sao chúng ta tự cung cấp lương thực cho mình?”.

{keywords}

Học sinh Jamaica tham gia trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh: Nytimes

Trong một khu vực mà làm nông nghiệp vẫn còn gợi nhớ đến chế độ đồn điền và nô lệ, thách thức trở nên ngày một sâu sắc hơn. Tại các hội nghị khu vực, quan chức vùng Caribbea phải luôn nhấn mạnh tới “an ninh lương thực”, coi đó là ưu tiên hàng đầu. Rất nhiều quốc gia giờ đây đang nỗ lực phản ứng bằng cách phát triển trồng trọt lương thực ở địa phương một cách trách nhiệm và thông minh; coi thực phẩm nước ngoài như các loại thịt và snack calo cao là một nguy cơ.

Jamaica là nơi bắt đầu sớm hơn cả. Một thập niên trước, chính phủ công bố chiến dịch an ninh lương thực quốc gia với khẩu hiệu “trồng những gì chúng ta ăn, ăn những gì chúng ta trồng”. Các cửa hiệu tạp hoá giờ đây nhận diện sản phẩm địa phương bằng những thông báo, hiển thị lớn và nổi bật.

Thành viên trong các đảng phái chính trị đối lập hầu như đạt được sự thống nhất trong việc tán thành mở rộng nông nghiệp thông qua thực nghiệm; Jamaica giờ đây là một trong vài quốc gia áp dụng mô hình gieo trồng với hàng ngàn bộ dụng cụ để phát triển nông nghiệp “sân sau”.

Trường học cũng tham gia mạnh mẽ vào chiến dịch này: 400 trường ở Jamaica có vườn tược do học sinh và giáo viên đảm nhận. Tại Antigua và Barbuda, học sinh thường xuyên được đi thực tế, lao động nông nghiệp, trồng bổ sung hàng nghìn cây cam, xoài, lê trên các đảo. Tại Jamaica, làm vườn và nấu nướng đang trở thành một phần thường nhật của cuộc sống trường học.

An ninh quốc gia

Giáo viên coi lương thực và nông nghiệp trở thành vấn đề an ninh quốc gia và địa phương. Những giáo viên như Jacqueline Lewis, hiệu trưởng một trường học nhỏ ở phía đông Kingston đã bắt đầu khởi động chiến dịch làm viên. Từ mảnh đất rất nhỏ trên khu đất đá cheo leo phía trước trường học, năm 1998 bà đã gieo trồng và hướng dẫn học sinh làm theo. Cho tới ít năm trước, một hãng phát triển châu Âu đã giúp họ xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi. Chính phủ chưa từng giúp đỡ bà (vì họ cho rằng các trường nông thôn là ưu tiên) nhưng giờ đây họ phải tán dương công việc của bà cùng nỗ lực của giáo viên, học sinh trong trường.

Nhờ thành quả lao động, trường Rennock Lodge All-Age giờ đây đã cung cấp bữa sáng miễn phí cho học sinh, các bữa ăn thường làm từ nguyên liệu do chính học sinh gieo trồng, chăn nuôi. “Bạn không thể nghĩ ngợi hay học tập nếu bị đói”, bà Lewis nói.

Jamaica đã luôn làm nông nghiệp - trồng mía đường và chuối - nhập khẩu một phần ngũ cốc, lương thực vì khó gieo trồng trong nước. Nhưng rồi cán cân nhập khẩu bắt đầu nghiêng về lương thực nước ngoài trong những năm 1990. Từ 1991 - 2001, tổng lượng thực phẩm, lương thực và đồ uống nhập khẩu của Jamaica đã tăng hai lần rưỡi đạt 503 triệu USD trước khi tăng gấp đôi sau đó.

Phần lớn mức gia tăng ban đầu trùng khớp với việc thặng dư nông nghiệp trên thế giới cũng như xu hướng thay đổi khẩu vị. Người Jamaica đã thiên về thực phẩm, lương thực chế biến. Rất nhiều trong số 200.000 nông dân nước này đã cắt giảm sản xuất trong thập niên 90 và đầu 2000 vì cảm thấy khó cạnh tranh.

Sau đó thế giới xảy ra tình trạng thiếu và khan hiếm lương thực năm 2008. Những cơn bão vùng Caribbea và hạn hán khắp nơi khiến giá lương thực tăng cao ngất ngưởng. Jamaica nhận ra rằng, các nước xuất khẩu lương thực buộc phải giữ lại sản lượng để cung cấp cho chính người dân của họ.

Cùng với những lo lắng biến đổi khí hậu sẽ càng làm cho tương lai trở nên tồi tệ hơn, khu vực giờ đây đã tập trung vào “an ninh lương thực”. Kết quả đạt được rất khác nhau.

Antigua và Barbuda đã đi đúng hướng khi sản xuất một nửa sản lượng lương thực trong năm nay, tăng 20% so với 2009. Tuy nhiên, những phần còn lại của Caribbea vẫn chưa có bước nhảy vọt. Tiến bộ của Jamaica dù trải qua khá nhiều năm vẫn chưa rõ nét. Chi phí cho thực phẩm lương thực nhập khẩu nước này đều đặn ở mức 1 tỉ USD/năm và mặc dù một số lĩnh vực sản xuất đã phát triển – 79% tiêu dùng khoai tây đến từ nguồn nội địa – thì vẫn còn khá nhiều thách thức về mặt khẩu vị. “Chúng tôi nhập khẩu nhiều thực phẩm của Pháp”, Bộ trưởng Nông nghiệp Jamaica Roger Clarke cho biết.

Đó là chưa kể các trở ngại khác như nhiều người Jamaica dù được cung cấp hạt giống miễn phí, nhưng lại phải trả chi phí cao hơn cho điện nước gia tăng, hoặc bị trộm cắp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi.

Tuy nhiên, khắp trong khu vực, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên tham gia làm nông nghiệp, vì giá cả lương thực leo thang, vì chính phủ cam kết thúc đẩy nông nghiệp bằng mọi giá. Bahamas đang xây dựng trường đại học khoa học nghiên cứu lương thực để nhấn mạnh tầm quan trọng thực hành và thực tiễn. Haiti từng trải qua cuộc bạo động lương thực năm 2008 gần đây đã công bố “chiến lược dự trữ lương thực” trong khi Jamaica xem xét đầu tư vào sản xuất đồ nước và bảo quản thực phẩm, lương thực.

Vũ Huy (theo Nytimes)