Châu Á đang được coi là thị trường lao động lớn của các nhãn hàng phương Tây: nhân công rẻ, chi phí sản xuất và môi trường không bị đòi hỏi ngặt nghèo như ở Châu Âu và Mỹ.

Aung San Suu Kyi có thể 'thay đổi toàn diện' Myanmar?

Vụ tai nạn sập xưởng may khiến hơn 1000 người chết tại Dhaka, Bangladesh tháng 4/2013 một lần nữa trở thành tâm điểm các cuộc tranh luận về công nghiệp may mặc Châu Á, nơi đang được gọi là 'phân xưởng của thế giới" với cuộc đua tranh khốc liệt.

Dễ dàng tìm thấy sản phẩm may mặc bình dân Made in China, Made in Vietnam, Made in Cambodia... xuất hiện ở hầu hết các cửa hiệu Châu Âu, nơi được coi là thị trường trong mơ của hầu hết các doanh nghiệp may mặc Châu Á.

Nhiều thương hiệu lớn như Asidas, Nice, Esprit, Hugo Boss.. chọn Châu Á làm nơi đặt phân xưởng sản xuất vì nhiều lý do: nhân công rẻ, chi phí thấp, không đòi hỏi những điều kiện khắt khe về môi trường, bảo hiểm.. như tại Châu Âu hoặc Mỹ. Do đó tiết kiệm được khoản chi phí khổng lồ cho các 'ông lớn'; ngược lại cũng mang lại công việc cho một lượng nhân lực lớn cho các nước đang phát triển Châu Á.

Myanmar: cứu cánh của 80% nhân lực

"Cô gái trinh" Myanmar cũng không đứng ngoài vòng xoáy này. Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ như công nghiệp may mặc được coi là một giải pháp giải quyết tình trạng dư thừa lao động phổ thông ở nước này.

"Chúng tôi có quá nhiều cô gái trẻ cần công việc. Những người lãnh đạo như tôi phải cố hết sức. Trong cuộc đời mình, tôi đã phải chứng kiến nhiều cô gái trẻ, trong đó có những người từng là công nhân của tôi, phải tìm kế mưu sinh ở những quán cà phê đèn mờ, karaoke.. Tôi không chịu nổi cảnh đó", Tiến sĩ Khine Khine New, giám đốc doanh nghiệp may mặc Best Industrial Company Limited tại Yangon, đồng thời là Tổng thư ký các hiệp hội dệt may Myanmar chia sẻ đầy trăn trở. Nhiều giọt nước mắt rơi trong bài nói chuyện gần 2 tiếng của bà.

{keywords}

Tiến sĩ Khine Khine New. Ảnh: Hoàng Hường

Ở thời đỉnh cao, doanh nghiệp của Khine Khine New là một trong những công ty may mặc có thị phần xuất khẩu lớn vào thị trường Mỹ, cho đến khi Mỹ áp mức thuế nặng vào mặt hàng này thì ngành công nghiệp may mặc Myanmar sụp đổ.

Từ 400 xí nghiệp may mặc trên cả nước, chỉ có 150 'sống sót' qua thử thách năm 1999, trong đó có công ty của Khine Khine New. Một phần nhờ kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng, quan hệ đối ngoại phong phú của một Tiến sĩ kinh tế đã từng có thời gian nghiên cứu tại Mỹ như Khine Khine New.

Một trong những nỗ lực của bà, trên cả cương vị giám đốc doanh nghiệp và thư ký hiệp hội, là chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản. Khi những công ty khác giải thể, công ty của bà có những hợp đồng đầu tiên ở thị trường này, và ngày càng mở rộng.

Nhiều lần nghẹn ngào khi nhắc đến những thời kỳ khó khăn, xót xa thừa nhận ngành "giải trí" đen nước này tăng đột biến từ sau khi ngành may mặc đổ sụp. Nhiều cô gái trẻ phải bán thân kiếm sống, Khine Khine New nói bà phải nỗ lực hơn nữa, và sự mở cửa đất nước càng tăng thêm hy vọng.

Bà đánh giá công nghiệp may mặc của Myanmar "đang hồi phục", và cho rằng nước này thậm chí phục hồi mạnh mẽ và nhanh hơn Indonexia khi ngành may mắc nước này cũng rơi vào cuộc sụp đổ tương tự vì khủng hoảng kinh tế năm 1997.

Khine Khine New nói Myanmar có 3,6 triệu người lao động và 40% trong số đó là lao động nữ. Trong đó có 80% lao động nữ này làm việc trong ngành công nghiệp may mặc. Đầu năm 2011 có khoảng 50.000 lao động nữ thì đến đầu năm 2013 con số này đã gấp đôi lên hơn 100.000.

Sau tháng 9 năm 2012, số lượng các công ty nước ngoài đầu tư vào Myanmar đã tăng lên 56. Trong số đó, 44 công ty trong ngành công nghiệp may mặc.

Với mức lương cơ bản khoảng 50.000 Kyats (khoảng 50 USD), tuy cũng khá chật vật với chi phí ở một thành phố lớn như Yangon, nhưng những cô gái từ các vùng nông thôn và vùng xa đổ đến thành phố này ngày càng nhiều. Các cô trở thành nguồn cũng cấp kinh tế chính cho gia đình.

Với 25% dân số dùng điện như hiện nay, các doanh nghiệp may mặc chưa thể mở rộng ra ngoài thành phố, nhưng theo Khine Khine New, trong tương lai khi điện được cấp thường xuyên hơn, rộng hơn, lương của công nhân may có thể tăng lên 10%, và các công ty may mặc cũng tiếp nhận được nhiều nhân công hơn.

Hàng may mặc Myanmar xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước Tây Âu.

{keywords}
Sản phẩm xuất sang Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Hường

Cuộc chiến giá thành và nhân quyền

Công nghiệp may mặc ở Châu Á đã trở thành chủ đề một hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu Deutsche Welle về khoảng cách chênh lệch trong điều kiện lao động và giá trị thụ hưởng giữa người lao động ở những nước đang phát triển và những nước phát triển. Các diễn giả đưa ra cái nhìn cụ thể hơn về điều kiện lao động tại Bangladesh và Châu Á nói chung.

Adidas cùng vài thương hiệu khác như Esprit, and Hugo Boss bị chỉ trích quá chú trọng sử dụng nhân công rẻ, giá thành sản xuất thấp mà không quan tâm đến điều kiện lao động. Một diễn giả đưa ra câu chuyện khi một chủ doanh nghiệp Trung Quốc đòi tăng chi phí và lương cơ bản, sếp một thời trang Châu Âu từ chối thẳng thừng và "đe dọa chuyển phân xưởng sang nước rẻ hơn". Việc này khiến cuộc cạnh tranh giá thành ở Châu Á ngày càng khốc liệt, dẫn tới điều kiện lao động càng rủi ro.

Đây không phải là lần đầu tiên một thương hiệu lớn của phương Tây sản xuất tại Châu Á bị chỉ trích vì các điều kiện lao động tồi tệ trong các phân xưởng của họ. Vụ sập xưởng may tại Draka chỉ là một trong những thảm họa lao động chết người trong ngành may mặc Bangladesh trong những năm gần đây. Tháng 9 năm ngoái, một đám cháy xưởng may đã giết chết 112 công nhân. Điều tồi tệ là tất cả các cửa thoát hiểm đều bị khóa chặt vào thời điểm xảy ra vụ cháy, khiến các nạn nhân bị chôn vùi trong biển lửa.

{keywords}

Trong phân xưởng của công ty Best Industrial Company Limited. Ảnh: Hoàng Hường

Với điểm thu hút nhân công rẻ, Trung Quốc và một vài nước Châu Á đang trở được coi là "công xưởng của thế giới". Ngày càng nhiều công ty phương Tây đặt xưởng sản xuất tại đây. Ở mặt nào đó, đây chính mà mảng kinh tế đang lên của Châu Á.

Trong thời điểm 2008 - 2009, nền kinh tế Châu Á vẫn nỗ lực trụ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Thái Lan duy trì mức lương tối thiểu 300 baht ($10) một ngày. Malaysia: 900 RM ($295) một tháng. Hơn 20 nước Châu Á khác hoặc bắt đầu áp dụng mức lương tối thiểu, hoặc được giới thiệu. Mức lương tối thiểu được coi là điều kiện phát triển kinh tế, và đánh giá bình đẳng thu nhập.

Tuy nhiên, các diễn giả trong hội thảo cho rằng cách tăng trưởng đó chỉ là tạm thời, không thể coi là điều kiện phát triển kinh tế trọng điểm.

Các chuyên gia chỉ ra rằng sự tăng trưởng kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không bền vững, và Trung Quốc cũng như Châu Á "không thể trông đợi mãi" vào việc khai thác thị trường lao động giá rẻ. "Đó có thể là một tiềm lực của Châu Á, nhưng mặt khác, đói nghèo và sự bất bình đẳng vẫn sẽ tồn tại"

Câu chuyện xưởng may ở Bangladesh và các xưởng sản xuất máy tính Apple ở Trung Quốc được coi là dẫn chứng trong việc phát triển bằng mọi giá, bất chấp rủi ro người lao động và môi trường.

Nếu các nước khác bị coi là "phân xưởng" rẻ tiền của phương Tây, thì Việt Nam thường bị phản ánh về sự đối xử và điều kiện làm việc tại những công ty Hàn Quốc, Đài Loan.

Gần đây, nhà văn, đồng thời là một thợ hàn, Lê Thanh Kỳ vừa đoạt giải nhất của Hội nhà văn với tác phẩm 'Mồng chín tháng tám' viết về người lao động Việt Nam phải làm việc trong những xưởng may Đài Loan, Hàn Quốc cũng trong điều kiện tệ hại. Như nhà văn mô tả: mỗi công nhân phải được trang bị "lý thuyết đái", để làm sao giải quyết việc đó không lâu hơn 90 giây, nếu không muốn bị trừ lương, đuổi việc.

Bà Khine Khine New cũng cho rằng cuộc cạnh tranh này thực sự khó khăn, đặc biệt với 'kẻ đến sau' như Myanmar. "Làm sao vừa có giá thành cạnh tranh, vừa đảm bảo đời sống tốt cho công nhân là một thách thức".

Hoàng Hường