Ở Australia đang diễn ra cuộc tranh luận khá sôi nổi nổi về mức lương của công chức, viên chức giữa các cơ quan nhà nước khi mà sự chênh lệch lên tới hàng ngàn USD/năm giữa những người cùng chức vụ và cấp bậc ngang nhau.
Đơn cử, theo ước tính đến giữa năm 2014, chênh lệch thu nhập của cán bộ công chức thành phố Canberra sẽ vẫn duy trì ở mức 47.000 USD mỗi năm.
Một phân tích căn cứ trên khảo sát 103 giao dịch lương của chính phủ cho thấy sự chênh lệch lớn về thu nhập của cán bộ các cơ quan chính phủ theo hệ thống phân loại việc làm nước này.
Thống kê lương trên phán ảnh một thực tế nhiều trường hợp, cán bộ chấp nhận được chuyển sang cơ quan khác để đảm nhận cương vị cao hơn, nhưng chưa chắc điều đó đã có nghĩa mức lương của họ cũng sẽ tăng tương ứng.
Đối với các vị trí điều hành cấp 1, nhóm việc làm phổ biến nhất ở Canberra, mức lương đối với cán bộ mới vào làm đã cho thấy sự khác biệt khá lớn, từ mức 89.796 USD (tại Bảo tàng Hàng hải quốc gia Australia) đến 115.751 USD (tại Văn phòng Quản lý tài chính Australia) – tức chênh lệch tới 25.955 USD.
Ông Stephen Sedgwick - Ủy viên Ủy ban dịch vụ công Úc |
Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người tại Australia là khoảng trên dưới 40.000 USD/năm.
Chênh lệch về mức lương cao nhất giữa cán bộ làm việc tại các cơ quan Chính phủ cũng rất lớn, lên đến 47.658 USD mỗi năm.
Tuy nhiên, ở các mức thấp hơn, như công chức cấp 1 (APS1), lương cơ bản có thể hơn kém nhau 12.648 USD – bằng khoảng 1/3 số tiền lương của nhiều công chức nhóm này.
Thống kê cho thấy, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục nhìn chung trả lương cho cán bộ cao hơn, trong khi các Bộ Tài nguyên và Cục Thống kê thì trả lương tương đối thấp.
Tại Australia, vấn để trả lương cho cán bộ làm việc trong khu vực dịch vụ công (công chức) được phân cấp hóa vào năm 1997, cho phép các cơ quan được phép thực hiện đàm phán thỏa thuận lương trong nội bộ của mình.
Tuy nhiên, báo cáo Ahead of the Game năm 2010 cảnh báo rằng chênh lệch lương giữa các đơn vị công quyền đang là rào cản khiến công chức nhà nước ngại chuyển việc làm và trau dồi thêm kinh nghiệm.
Ủy viên Ủy ban Dịch vụ Công Stephen Sedgwick chia sẻ với Fairfax Media rằng điều quan trọng là phải cho người đứng đầu các cơ quan nhà nước được phép linh hoạt hơn trong việc đàm phán về hiệu quả công việc và thỏa thuận lương với nhân viên.
Ông Sedgwick nói: “Không ai trong chúng tôi muốn quay trở lại một thế giới cứng nhắc đến mức một cơ quan không thể theo đuổi chương trình hành động mà họ cần để đạt được những mục tiêu công việc”.
“Chính phủ, trong vòng đàm phán lương gần nhất, một phần do được thông tin từ tài liệu nghiên cứu Ahead of the Game, thì có quan điểm cho rằng chúng ta đã đi quá xa, rằng chênh lệch về mức lương đối với cùng một công việc ở những cơ quan khác nhau đã trở nên quá lớn”.
Chính phủ đã sử dụng vòng thương lượng lương gần đây nhất để đảm bảo các thỏa thuận của hầu hết các cơ quan kết thúc vào cùng một ngày – 30/6/2014 – và cố gắng không để tình trạng chênh lệch lương xấu thêm.
“Tôi nghĩ một khuôn khổ thúc đẩy tính linh hoạt trong cơ quan công quyền là một điều tốt. Nhưng vấn đề là mức độ đến đâu”.
Bộ Trưởng Dịch vụ công Mark Dreyfus nói ông sẽ không bình luận về các vấn đề trên trước nội các.
Nhưng ông lưu ý rằng Chính phủ đã bắt đầu giải quyết vấn đề chênh lệch thu nhập, và ông muốn “xây dựng dựa trên thành công này trong vòng đàm phán lương thiếp theo”.
Nghiệp đoàn Nhân viên Cộng đồng và Công chức (Community and Public Sector Union - CPSU), cho biết việc tập trung hóa các đàm phán lương sẽ giúp giảm chênh lệch về lương.
Tổng thư ký toàn quốc của Nghiệp đoàn, Nadine Flood, cho biết, ưu tiên đầu tiên của cơ quan này là ngăn chặn tình trạng mất việc.
“Giảm chênh lệch thu nhập là vấn đề quan trọng nhưng những vấn đề mà khiến các công chức quan tâm hơn là an ninh việc làm và… các điều kiện nếu có sự thay đổi về chính quyền”.
Bà nói, đàm phán tập trung sẽ giúp giải quyết các vấn đề chung trong khắp bộ máy chính quyền.
Trâm Anh (Theo The Canberra Times)