Có một điểm chung lạ lùng giữa Hồ Chí Minh và Thomas Jefferson là hai người tuy sinh khác ngày nhưng lại đều "chọn" ngày Quốc khánh nước mình để qua đời.
Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình. Bản tuyên ngôn tự tay Người thảo bằng nội lực giống nòi, bằng hồn thiêng núi sông, bằng khí phách quật cường toàn dân tộc. Người đã hạ bút viết văn bản lịch sử ấy bằng một tầm nhìn rất sâu xa và đầy minh triết.
Đằng sau giờ phút trọng đại như vỡ òa trong niềm vui của đất nước ấy, là một chặng đường dài tìm đường cứu nước mà Bác đã đi để cả dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc.
Ung dung mà lẫm liệt, trong cô đơn rét mướt, Người đã thực hiện cuộc lên đường đầy kiêu hãnh giữa một nhân loại đang vỡ ra biết bao biến cố khôn lường. Là kẻ hành khất rách rưới không quê hương Tổ quốc? Là kể bị săn đuổi ruồng bỏ? Vâng, quả có thế...
Nhưng không chỉ có thế. Đây còn là người một mai sẽ nhảy xuống sông mở đập, áo vải phong phanh mà trí lực nuốt ngưu, là người lĩnh xướng, người chỉ huy, nhà kiến tạo, nhà tổ chức xuất sắc của một dân tộc quật cường.
Người từng khóc thầm trong đêm vắng Paris một mình ngồi đọc Luận Cương của Lenin bàn về phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa. Người từng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ 4/7/1776 và say mê cha đẻ của bản Tuyên ngôn, tổng thống Thomas Jefferson (1743-1826).
Trong một bức thư Thomas Jefferson viết ngày 12/6/1815, 40 năm tính từ khi ông bắt đầu tham gia hoạt động chính trị, có câu: "Tôi hy vọng rằng minh triết của chúng ta sẽ lớn lên cùng với quyền lực của chúng ta và dạy cho chúng ta rằng chúng ta càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực của chúng ta càng lớn".
Hồ Chí Minh ra đời sau Thomas Jefferson cả thế kỷ rưỡi ở một vùng đất xa lạ, vậy mà cả hai đã cùng yêu minh triết, và đều là hiện thân của minh triết. Họ đã gặp nhau trong cách tiếp cận, xem xét sự vật, lắng nghe mọi tiếng gọi của thực tiễn. Và cả hai đều sẵn sàng "đạp bằng" những gì giáo điều, trì trệ thô bạo để đi tới.
Còn có một điểm chung lạ lùng giữa hai người, là tuy sinh khác ngày nhưng lại đều "chọn" ngày Quốc khánh nước mình để qua đời. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Thomas Jefferson mất ngày 4/7/1815, còn Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập |
Chỉ có một điều không hề ngẫu nhiên, đó là Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trân trọng dẫn những lời hào sảng mang đầy tinh thần nhân quyền mà Thomas Jefferson viết trong Tuyên ngôn Độc lập Mỹ.
Ngay sau khi giành được độc lập, dù bộn bề công việc, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng". Trong thư, Bác khẳng định: "Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".
Thân phận mỗi người dân nước Việt đã được Người nhìn nhận bằng một tầm nhìn mang tinh thần nhân quyền sâu sắc, bằng con mắt của tương lai. Người trở về Tổ quốc như một huyền thoại, như một giấc mơ mà lại cũng hết sức gần gũi chân thật. Người ra đồng cùng bà con tát nước chống hạn, cùng các cụ già trồng cây ở đầu làng, bón cơm mớm cháo cho trẻ thơ và làm thơ gửi cả nước mỗi dịp xuân về...
O.Man-đen-xtam, nhà thơ, nhà báo Liên Xô (cũ) ngay vào năm 1923 đã ca ngợi Người: "Từ Nguyễn ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ nền văn hoá của tương lai... Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy được sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới".
Ngày 2/9/1969, Bác Hồ kính yêu đã ra đi, để lại cho hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam muôn vàn tiếc thương. Trong điện chia buồn của Ban chấp hành Trung ương ĐCS Cuba và Chính phủ cách mạng Cuba, Chủ tịch Fidel Castro đã viết, Hồ Chủ tịch "thuộc những lớp người đặc biệt mà cái chết đã gieo mầm cho sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt"...
Nhà văn Đỗ Chu