"Có tình trạng hễ đụng đến án tham nhũng là hồ sơ trả qua, trả lại, có chuyện nể nang, né tránh. Nhiều vụ việc ban đầu nghiêm trọng, phức tạp mà rồi khi xử lý lại thành đơn giản", ĐB Nguyễn Thái Học phàn nàn.

Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa hoàn thiện dự thảo báo cáo giám sát “việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ”, dự kiến sẽ gửi Quốc hội vào kỳ họp sắp tới. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc hội thảo, góp ý, tại phiên họp thẩm tra của toàn thể ủy ban ngày 4/9, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, nhận định chung về tình hình vẫn giống hệt như các báo cáo từ năm 2008.

Chủ yếu báo  chí tố giác

Cầm trên tay báo cáo giám sát của chính ủy ban mình,  phó chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga nói “Đọc và so sánh lại với cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2008 thì hầu như tất cả nguyên nhân, tồn tại, giải pháp đều gần giống y như các báo cáo ngày hôm nay. Đây là điều rất đáng suy nghĩ. Vẫn cứ là thanh tra nhiều mà sao số vụ việc bị xử lý thì vẫn ít? Rồi đa số các vụ đều án treo"...

{keywords}
Phó CN Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: "Có tỉnh 2 năm xử 3 vụ thì 2 vụ là án treo". Ảnh: Minh Thăng

Bà Nga cũng đề nghị xem lại kỹ nhận định "tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp". Bởi theo bà Nga,  thực chất, các vụ tham nhũng lớn đúng là rất khó để phát hiện, nhưng riêng các vụ tham nhũng vặt thì chỉ cần chú tâm quan sát hiện tượng, hành vi... ở một vài cơ quan hay giao tiếp với dân là sẽ dễ dàng thấy ngay (nhất là chuyện lót tay phong bì trong bệnh viện hoặc cho CSGT).

Các thành viên ủy ban cũng chia sẻ quan điểm, hầu như rất nhiều vụ việc chủ yếu chỉ được phát hiện và xử lý từ thông tin trên báo chí hoặc trong dư luận chứ không phải từ các cơ quan kiểm tra, thanh tra. Nhận định này vốn dĩ không mới, bởi hầu như tại bất kỳ diễn đàn nào về chống tham nhũng, người ta cũng nhắc đi nhắc lại về vai trò của báo chí, về cơ chế bảo vệ người tố cáo và cơ chế khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng trong khi đó, về phía cơ quan tư pháp thì luôn phàn nàn tình trạng "thiếu biên chế, xin thêm biên chế".

Nói như ông Nguyễn Mạnh Cường (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp), thì rõ ràng đây vẫn là vấn đề đáng suy nghĩ  cho thấu đáo. Khi mà  suốt nhiều năm, hầu như chỉ có báo chí và dư luận nhân dân mới phát giác được tham nhũng còn các vụ việc do nội bộ tự phát hiện hoặc từ cơ quan kiểm tra thường là rất ít. Nguyên nhân do nghiệp vụ phát hiện dấu hiệu tham nhũng có vấn đề, hay do bất cập ở khâu nào?

"Có sự nể nang nào ở đây không?", ông Cường đặt vấn đề.

Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) bổ sung, vừa rồi khi báo chí phản ánh chuyện nhà vệ sinh tiền tỷ ở Quảng Ngãi, ông đã hỏi ngay những người bạn làm xây dựng về đơn giá hiện tại và rõ ràng thực tế thấp hơn rất nhiều. 'Vậy thì xây nhà vệ sinh tiền tỷ là tham nhũng chứ còn gì?, ông Hiến nói.... Các vụ việc tương tự ở nhiều nơi cũng sẽ vẫn tiếp tục bị "ỉm" đi nếu báo chí không vào cuộc.

Án tham nhũng xử có nghiêm không?

Việc phát hiện tham nhũng vốn đã hy hữu, nhưng để "xử" được tội tham nhũng cũng không dễ, và khiến người dân chưa mấy hài lòng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường kể lại, đi giám sát dưới địa phương vừa rồi mới phát hiện ra có những tỉnh như Ninh Bình, hai năm xử được chín bị cáo về tội tham nhũng thì tám vị được hưởng án treo. Nhiều vụ tương đối nghiêm trọng song tòa án vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để làm cơ sở để cho án treo. Chẳng hạn, nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự...

Bà Nga cung cấp thêm, có những tỉnh trong hai năm xử 3 vụ tham nhũng, và 2 trong số đó là... treo.

Nhiều thành viên khác trong ủy ban cũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng tòa cho hưởng án treo quá nhiều đối với các bị cáo thuộc nhóm tội tham nhũng.  Thậm chí, nếu không phải án treo thì các hình thức xử phạt khác cũng tương đối "nhẹ nhàng", có phần nương tay. "Nhiều vụ việc chỉ xử lý theo dạng hành chính. Hoặc nếu có chuyển sang cơ quan hình sự thì cách xử lý cũng rất nhẹ", ĐB Nguyễn Thái Học góp ý.

{keywords}

Theo ông Học, có tình trạng hễ đụng đến án tham nhũng là hồ sơ trả qua, trả lại, có chuyện nể nang, né tránh. Nhiều vụ việc ban đầu nghiêm trọng, phức tạp mà rồi khi xử lý lại thành đơn giản, nhẹ nhàng.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, tình trạng cho bị cáo các vụ án tham nhũng hưởng mức hình phạt thấp hơn khung hình phạt truy tố và việc áp dụng nhiều lần các tình tiết giảm nhẹ để cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đang chiếm tỷ lệ cao, nhiều nơi việc tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt chiếm tới 80%. Thậm chí có nơi chiếm tỷ lệ cao 100%.

Tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung với các vụ án tham nhũng, chức vụ còn nhiều. Có những vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần mà vẫn chưa thống nhất được tội danh, hình phạt, đường lối xử lý, làm kéo dài thêm quá trình giải quyết. Một số vụ sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung thường được chuyển sang tội danh khác có khung hình phạt nhẹ hơn, hoặc thậm chí là miễn trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong nhân dân.

"Đây là biểu hiện của việc xét xử chưa nghiêm minh, chưa phúc đáp được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị là phải xử lý thật nghiêm minh với loại tội phạm này... Nhất là trong tình hình tham nhũng đang rất nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay", đoàn giám sát đánh giá.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, có nhiều vụ tuy đủ căn cứ để khởi tố, xử lý hình sự nhưng kết cục vẫn chỉ xử lý kỷ luật hành chính. Đây là dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm.

  • L. Nhung