Nếu chúng ta còn chần chừ không quyết tâm cải tổ nền GD từ cách dạy và học "từ chương trích cú" sang ứng dụng thực tiễn, từ "nhai lại" sang sáng tạo, và từ cạnh tranh sang cộng tác, Việt Nam có nguy cơ sẽ mất cơ hội tìm được chỗ đứng vững vàng và ngang hàng với các nước láng giềng trong thế kỷ này.
Học để làm ... 'ông nọ, bà kia'?
Sau hơn chục năm mài đũng quần ở các đại học bên Mỹ và Pháp, cộng thêm gần 20 năm gõ đầu trẻ ở mấy ĐH bên California, trong một hành trình gần nửa thế kỷ sinh sống ở nước ngoài, đến nay nhìn lại và so sánh hai nền giáo dục Đông-Tây, tôi thấy nền GD của Việt Nam phải thay đổi từ cốt lõi. Điểm then chốt là chúng ta cần dạy cho học sinh biết cộng tác, biết tự tìm tòi, biết học suốt đời và biết đánh giá, lựa chọn con đường đi cho chính mình.
Học "làm việc" và học "làm người"
Như bao nhiêu học sinh khác, lúc còn nhỏ, tôi chỉ biết học là để thuộc bài, để thi cho đậu, học để lấy bằng... Có những môn mình thích thì mình tha thiết, học lấy học để, học không chán, nhiều khi còn bỏ ăn bỏ ngủ... Những môn không thích, hoặc yếu kém, thì tìm hết cách tránh né, và chỉ học lấy lệ, đủ để thi cho đậu là được rồi. Sau đó thì "chữ thầy giả thầy" ngay.
Mãi đến qúa nửa thế kỷ tuổi đời, tôi mới "vỡ nhẽ" ra, việc học thật ra có hai phần chính: Học để "làm việc" và học để "làm người". Và cái học "làm người" quan trọng hơn cái kia nhiều. Đến nỗi nhiều người thật giỏi về chuyên môn, sáng chế nhiều sản phẩm giúp nhân loại, nhưng đến lúc sắp lìa đời vẫn còn áy náy là mình chưa "thành người."
Ảnh minh họa |
Thường thì môn học nào cũng có ứng dụng cho cả hai bên. Môn tóan chẳng hạn, phần lớn dùng để "làm việc", nhưng tóan cũng dạy cho mình phân biệt rõ ràng cái đúng, cái sai... Ngược lại, Triết lý, Xã hội học hay Tâm lý học giúp mình tự hiểu mình, hiểu người, và từ đó hy vọng là sẽ biết xử sự, biết "làm người", v.v..
Sau nhiều năm đi dạy học, càng ngày tôi càng chấp nhận cái vai trò mới, và hợp lý hơn của người làm thầy. Một bên là truyền bá lại những kiến thức đã thu thập được, và hướng dẫn học sinh tìm tòi thêm. Và bên kia, quan trọng hơn, là hướng dẫn cho các em biết chọn lựa và tự quyết định.
Dĩ nhiên, phương pháp sư phạm này cũng phải thích hợp với từng lứa tuổi. Khoảng từ 03 tới 10 tuổi, các em còn trong giai đoạn hấp thụ hoàn toàn: Người thầy cũng như cha mẹ, phải chỉ dẫn cho các con em từng li từng tí một. Nhưng khoảng từ 08 tuổi trở đi, cả cha mẹ lẫn các thầy cô đều phải bắt đầu tập cho các em biết chọn lựa, và biết phán đoán. Khả năng biết chọn lựa một cách sáng suốt sẽ là "khí giới tùy thân" quan trọng nhất cho mỗi người trong suốt cuộc đời sau này.
Lên đến bậc trung học, người thầy sẽ chuyển vai trò của mình từ việc "dạy" sang việc "hướng dẫn" các em, để các em biết cách tìm ra những kiến thức cập nhật nhất, tập phán đoán một cách nghiêm túc. Người thầy hướng dẫn, cũng như để nâng đỡ các em khi các em làm sai; nhưng các em phải biết cái sai, và biết sửa sai.
Trong gia đình cũng vậy, khoảng từ tuổi 12- 13 trở lên, cha mẹ cũng phải từ từ... lùi lại, nhường bước cho con cái mình tập phán đoán và tự chọn lựa, cho các con mình quen dần với cách tự quyết định, trước những vấn đề nảy sinh trong đời sống. Cha mẹ chỉ đóng vai trò đứng bên cạnh, lắng nghe, khi cần thiết thì tư vấn.
Trong lớp học cũng vậy. Học sinh đặt một câu hỏi có vẻ "căn bản", người thầy có thể trả lời một cách cặn kẽ, hoặc trả lời lấy lệ, hoặc cho học sinh giải đáp mà không cắt nghĩa gì, hoặc để dành cắt nghĩa ở lớp học thêm tại gia. Nhưng hay hơn, người thầy có thể giao cho học sinh nghiên cứư thêm về câu hỏi này; trình bày cho cả lớp, và người thầy chỉ cần hướng dẫn khi cần thiết. Đó là một công, ba bốn việc: Dạy học sinh tìm tòi; dạy học sinh tự tin; dạy học sinh biết cộng tác với nhau...
Ngay từ lúc còn rất nhỏ, cha mẹ cũng đã phải GD con cái mình theo hướng phát huy tính tự lập, tự chăm sóc mình. Tôi thường phải chứng kiến những bà mẹ hay người bà theo đuổi đứa con, đứa cháu 4- 5 tuổi rồi để đút cơm cho cháu. Nhiều người còn phải van lơn để các em chịu ăn. Sao lại phải như vậy? Khi một đứa trẻ biết đi, biết ngồi, biết nói thì cháu cũng có thể ngồi ăn cơm với cả gia đình.
Ngồi ăn với cả gia đình, các em học được vị trí của mình trong gia đình, biết cách ăn uống cũng như ăn nói cho lịch sự, văn minh ở bàn cơm... Những "kỹ năng" này sẽ là những lợi thế cho các em khi lớn lên và bước ra đời sống.
Tự học trong xã hội mang tính cạnh tranh cao
Khác với lối học từ chương, phương pháp sư phạm này giúp học sinh vừa "làm việc" và vừa "làm người."
Thời buổi này, ngành học nào cũng tiến rất nhanh, vì thế mới có hàng ngàn tạp chí chuyên ngành chỉ để trao đổi những nghiên cứư hoặc phát minh mới. Không có bác sĩ nào giỏi mà dám lơ là không theo dõi những tiến bộ trong nghề. Không có kinh tế gia nào có thể bỏ qua những thống kê thị trường. Không có nhà sinh vật học nào không theo dõi những tiến triển của các đồng nghiệp khác trên toàn thế giới.
Và ngay 02 bộ môn tôi thường dạy là chính trị và xã hội học, không ngày nào là không phải theo dõi tin tức để cập nhật với những biến chuyển trong xã hội, ngay trong khu phố mình hay quốc gia xa lắc xa lơ, cách hẳn một nửa địa cầu.
Chúng ta phải dạy cho học sinh hiểu một điều tưởng như nhỏ bé, nhưng lại rất cơ bản là con người muốn làm việc trở nên chuyên nghiệp, cũng sẽ phải tự học suốt đời, nếu ta không muốn tụt hậu. Bởi xã hội trong nền kinh tế thị trường, và thế giới phẳng, tính cạnh tranh ngày càng cao.
Điều này, ở góc độ khác, đi ngược lại với tập quán dạy con theo kiểu truyền thống "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" được áp dụng vào nhiều hoàn cảnh chứ không chỉ trong hôn nhân. Một ví dụ: Con học trường nào, ở đâu, học võ hay học đàn, học bơi hay học vẽ, chọn môn gì, làm nghề gì, nhất nhất do cha mẹ chọn lựa. Bao nhiêu cuộc tình đã đổ vỡ, bao nhiêu tài năng đã phải hy sinh để làm vừa lòng cha mẹ, và bao nhiêu người đã sống ẩn ức suốt đời chỉ vì họ làm nghề không hợp với khả năng, sở thích...
Thế kỷ của người Việt trẻ
Năm 1986, Viêt Nam mở cửa ra với thế giới. Năm 1995 nước Mỹ và nước ta thiết lập bang giao chính thức, chấm dứt 20 năm cấm vận. Từ cuối năm 2006, khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu dịch Quốc Tế (WTO - World Trade Organization), chúng ta đã "nhẩy vào trong hồ bơi rồi", chứ không còn ngồi bên bờ, nhúng chân vào thế giới bên ngoài nữa.
Và từ nay, đất nước ta phải cạnh tranh với các thế lực bên ngoài, từ những tập đoàn xuyên quốc gia và những đại gia trên thế giới cho tới những nông dân Thái trồng lúa, Inđô trồng cà phê, hoặc công nhân Trung Quốc may quần áo, giầy dép.
Sang đầu năm 2015, cả khối Đông Nam Á (ASEAN) sẽ thành một thị trường chung: Chúng ta có quyền đi tìm việc làm ở các quốc gia lân cận và ngược lại, họ cũng có quyền sang Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với chúng ta, ngay trên sân nhà.
Các công ty, hội đoàn, và ngay cả Chính phủ nữa sẽ phải làm việc trên bình diện quốc tế, chắc chắn họ sẽ tìm những sinh viên tốt nghiệp không những là giỏi sinh ngữ mà còn phải biết phán đoán, biết làm việc trong nhóm, và thông thạo với các "kỹ năng mềm" chứ không chọn những người "chân chỉ hạt bột", "ngoan ngoãn dễ bảo" trong khuôn khổ giáo lý... Khổng Tử.
Thêm vào đó, bao nhiêu luồng tư tưởng, văn hóa, giải trí, v.v. đang phủ quanh khắp thế giới, như những cơn gió lốc. Trong mấy năm gần đây, một số bạn trẻ Việt ngồi khóc cái chết của Michael Jackson hoặc hôn chiếc ghế đã được một tài tử Hàn ngồi lên, hay đua nhau đi đón Nick Vujicic chứ không nhất thiết đã có mấy ai đưa tiễn Phạm Duy hay biết đến hiệp sĩ tin học Công Hùng.
Trong bối cảnh hỗn mang này, nếu chính chúng ta còn chưa biết rõ mình muốn gì, chưa đủ tự tin để dám từ chối cái không hợp với mình, và chưa biết chọn lựa đúng đắn, thì rất có thể chúng ta lại bị thế lực bên ngoài xâm chiếm, lần này không bằng vũ lực mà bằng kinh tế và văn hóa.
Nếu chúng ta còn chần chừ không quyết tâm cải tổ nền GD từ cách dạy và học "từ chương trích cú" sang ứng dụng thực tiễn, từ "nhai lại" sang sáng tạo, và từ cạnh tranh sang cộng tác, Việt Nam có nguy cơ sẽ mất cơ hội tìm được chỗ đứng vững vàng và ngang hàng với các nước láng giềng trong thế kỷ này.
- Vũ Đức Vượng (Giám đốc Chương trình GD Tổng quát tại ĐH Hoa Sen, TP Hồ Chí Minh)