Dường như trên trái đất này, tại thời điểm này, không còn điều gì đáng để tâm hơn ngoài nguy cơ chiến tranh tại Syria. Nhưng có phải lúc nào cũng thế?

Tôi viết những dòng này trong lúc truyền thông thế giới đang sục sôi một không khí chiến tranh. Syria, vũ khí hóa học, thảm sát, trừng phạt, Hội đồng Bảo an, tấn công quân sự, Obama, đồng minh, biểu tình chống chiến tranh, Bashar al-Assad v.v... đang trở thành những thanh âm rền rĩ suốt ngày đêm trên các kênh truyền hình quốc tế.

Dường như trên trái đất này, tại thời điểm này, không còn điều gì đáng để tâm hơn ngoài nguy cơ chiến tranh tại một nơi mà cả thế giới gọi là Trung Đông (the Middle East - cái tên gọi lịch sử chứa đầy màu sắc địa-chính trị mà chỉ nghe đã hiểu ai thực ra mới là trung tâm của thế giới).

Dẫu cho Liên Hợp Quốc đã yêu cầu gọi vùng đất nóng bỏng tài nguyên này là Tây Á để đảm bảo sự bình đẳng giữa các khu vực trên quả đất tròn. Nhưng dường như kẻ giàu có hơn, quyền lực hơn thì sẽ luôn lớn tiếng hơn, ngay từ việc nhỏ nhất là định danh sự vật.

{keywords}
Cả thế giới đang sôi sục vì Syria

Nhưng có phải lúc nào cũng thế?

Thực ra, đã lâu tôi không còn theo dõi chính trị như một công việc hàng ngày nữa. Chính trị với tôi giờ chỉ là một trong những nhiên liệu để từ đó, tôi tìm ra câu trả lời cho những trải nghiệm cuộc sống, có vui có buồn, mỗi ngày dồn dập đến trong tôi.

Nhưng, bình yên thay, tôi đã chọn một đức tin, nói cách khác là một triết lý sống, mà ở đó, vô ngôn là đỉnh cao của ngôn từ, tọa thiền là đỉnh cao của hành động, từ bi là đỉnh cao của sáng suốt, và trí tuệ vĩ đại nhất là trí tuệ đến từ yêu thương và vị tha.

Có lẽ vì thế mà chuyến đi Myanmar là một trong những trải nghiệm tuyệt vời cho những lựa chọn phức tạp của đời tôi.

Myanmar, đất nước hình kim cương có cái đuôi nhỏ xinh phía dưới với bề dày văn hóa Phật giáo hơn hai ngàn năm, mở toang trong tôi những suy nghĩ về một mảnh đất của trí tuệ. Đạo Phật là quốc giáo ở đây nên giới tăng lữ nước này rất được tôn kính.

Nhưng điều làm tôi thú vị không phải là về số lượng chùa chiền và trình độ của các vị sư, mà là sự lựa chọn đầy trí tuệ cách thức duy trì trí tuệ ở đây. Ngay cả bây giờ, khi tri thức của nhân loại đã được số hóa đến mọi ngóc ngách của thư viện, trường học, bảo tàng... thì ở đâu đó trên đất nước này, Kinh Tạng vẫn còn được lưu truyền bằng trí nhớ của con người, chứ không phải bằng bộ nhớ của sắt thép.

Và vì thế, những thông điệp về tình thương/lòng từ bi sẽ được cất giữ, được chiêm nghiệm và được lưu truyền bởi trí tuệ và với trí tuệ của con người, chứ không phải bằng các con số vô tri. Điều đó càng giúp tôi thêm hiểu và kính hơn ba vật báu quý giá của đời mình, và ngộ ra hơn con đường mà mình đã lựa chọn.

Trên hành trình về đất nước chùa tháp, đoàn chúng tôi dừng chân ở 3 thành phố đều đã từng là thủ đô của vương quốc Miến Điện: Yangon, Bagan và Mandalay.

Trong buổi sáng đầu tiên tại Yangon, tôi đã thực sự xúc động khi nhìn thấy người đàn ông đạp xe thồ, chắc ngoài 30, lam lũ dừng chân bên hè phố, móc ra 200 kyat (tương đương khoảng 4000 VND) mua những hũ kê nhỏ cho đàn bồ câu ăn. Sau đó anh nhảy lên xe tiếp tục kẽo kẹt một ngày dài lao động để kiếm về 1500-2000 kyat cho cả gia đình.

Cũng trong buổi sớm mai đó, tôi đứng trên những con đường lởm chởm gạch vữa và xi măng, gồ ghề, chứng kiến một gia đình giàu có hơn táp ô tô vào lề đường, lôi ra chiếc cặp-lồng sạch sẽ rồi từ từ đổ những hạt gạo trắng tinh xuống đất, chậm rãi đợi những chú chim ăn hết rồi mới nổ máy phóng đi.

Cứ như thế, trên mọi nẻo đường ở trung tâm Yangon, hình ảnh những người bán thức ăn và cho chim ăn, hình ảnh những chú chim líu ríu sà xuống vệ đường, mổ chán chê kê gạo rồi bay lên nhảy nhót như những nốt nhạc trên khuông trời chằng chịt dây điện cứ trộn lẫn và hòa trong nhau, chẳng thể bóc được ra đâu là sự khác biệt giàu/nghèo của một kiếp người hay thế nào là nối sướng/khổ của một kiếp... chim.

Đôi lúc, tôi chập chờn nghĩ rằng nếu mình biết vẽ, tôi sẽ tái hiện một Yangon, hay đúng hơn là một Myanmar, trong ký ức của tôi bằng một bức tranh... không màu, không sắc, không hình, không khối (và đặt tên là "Không Tịch"). Bởi lẽ đứng trước những chuyển động kỳ diệu của sắc màu và thanh âm đó, liệu có thể làm gì hơn ngoài việc buông xả và thả cho hồn mình chìm vào tĩnh lặng?

{keywords}

Chùa vàng Shwedagon ở Yangon, Myanmar. Ảnh: Chung Hoàng

Lựa chọn đầy trí tuệ

Trong những ngày lang thang sau đó tại Bagan, kinh đô một thời của vương quốc Miến Điện từ thế kỷ thứ IX - XII - thời đại gần như song hành với vương triều Phật giáo nhà Lý ở Việt Nam, tôi cảm mến đặc biệt với anh bạn đánh xe ngựa tên Aung, 27 tuổi.

Aung học hết phổ thông ở trường, rồi tự học tiếng Anh qua những chuyến ngựa thồ chở khách du lịch. Cứ mỗi lần lên xe, tôi lại được nghe Aung rì rầm hát một bản nhạc nào đó, giai điệu lúc buồn lúc vui, lúc là nhạc dân gian, lúc là Celine Dion hay Christina Aguilera.

"Em không giàu, nhưng em rất vui vẻ với cuộc sống của em, vì em biết em sẽ không bao giờ đánh mất trí tuệ của mình". Trong khoảnh khắc bất ngờ trên con đường phủ đầy cát bụi dễ đến cả ngàn năm ở Bagan, tôi thật sự không tin vào tai mình khi nghe Aung nói vậy.

Tôi hỏi: "Trí tuệ mà em đang nói nghĩa là gì?". "Nghĩa là sự lựa chọn của em. Em chọn sống bình yên, không giận dữ. Em chưa sẵn sàng cho hôn nhân nên em sẽ không làm cô ấy khổ. Em muốn học nhạc nên em sẽ đi học nhạc. Em không cần giàu nên em sẽ không kiếm tiền bằng mọi giá. Em yêu cuộc sống hiện tại em đang có. Em nghĩ em đã lựa chọn đúng cuộc sống của mình. Em muốn chăm sóc cho linh hồn của mình. Thế là đủ".

Tôi lặng im, không biết nói gì hơn, vì tinh thần an nhiên tĩnh tại ở chàng trai lam lũ ấy dường như chính là điều mà tôi mong được nghe thấy ở sinh viên của tôi, ở bạn bè tôi, ở những người sống quanh tôi, và ở trong chính tôi. Điều ấy làm tôi tự hỏi: liệu trí tuệ của Aung có phải là thứ trí tuệ mà các vị giáo sư lỗi lạc ở trường tôi, các chính trị gia không ngày nào vắng bóng trên những bản tin thời sự, hay những vị doanh nhân thông minh giàu có... đang mong cầu và nỗ lực cả đời để tìm thấy?

Và rồi, trên hành trình kiếm tìm nó, biết bao nhiêu phiền não, bao nhiêu tức giận, thậm chí bao nhiêu hận thù đã trải ra lót đường để chúng ta đạt tới cái gọi là hạnh phúc và bình yên?

Trong suốt cả tuần di chuyển từ cố đô này sang cố đô kia, ngoài ấn tượng thư thái và yêu mến trước vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên và chùa tháp nơi đây, trong tôi còn trào lên sự ngưỡng mộ lớn lao về đức tin đối với Phật pháp mà người dân Miến Điện đã gìn giữ và duy trì trong hơn hai ngàn năm qua.

Ngự trị tại những nơi đẹp nhất của thành phố như ven hồ, ven sông, đỉnh đồi, đỉnh núi... không phải là những tòa lâu đài lộng lẫy của vua chúa thời xưa hay quán xá nhậu nhẹt thời nay. Những chốn ấy người Miến để dành làm nơi xây chùa, đặt tượng Phật. Và vì thế, thật dễ hiểu khi ở một nước được coi là nghèo như Myanmar mà vàng ròng lại chói sáng ở những nơi đẹp nhất.

Trong nắng hay trong mưa, những ngôi chùa và những bức tượng Phật ở đất nước này luôn lộng lẫy sắc vàng, còn nhà dân chỉ đơn giản là mái tranh vách đất. Giông tố, động đất, chiến tranh... có thể xóa đi những nấm mộ, những nóc nhà đơn sơ, nhưng tinh thần và đức tin của người dân nơi đây vẫn hiện hữu trên những phiến đá, những bức tượng đang dày thêm từng lớp vàng mỗi ngày.

Ngẫm về điều này, tôi thấy đó cũng là một sự lựa chọn đầy trí tuệ của người dân Myanmar. Giữ làm chi tấm thân giả tạm, trang hoàng làm chi ngôi nhà trú tạm ở một cõi rất tạm này, bởi vô thường sẽ đến rồi sẽ đi. Nếu gắng, hãy gắng giữ lấy linh hồn Phật tính của mình, dâng lên đó những thứ quý giá nhất để nếu còn phải luân hồi thì trong cõi sống sau, mình sẽ vẫn còn duyên để thấy những mầm thiện đã gieo từ kiếp trước mà tiếp tục hành trình giải thoát.

Khi vô tình lang thang vào tăng viện Singapore (Singapore Monastery) giữa lòng Yangon, nghe một vị sư trẻ thuyết pháp. Bên trong tăng viện này là chốn nghỉ của khoảng 100 vị tỷ khiêu, mỗi vị một góc nhỏ bằng đúng diện tích họ nằm, xung quanh chỉ có y, bát và vài cuốn kinh.

Nếu đi tìm thứ gì quý giá nhất trong tăng viện này thì chắc chỉ có thể là đức tin được tôi luyện đến mức trở thành sự lựa chọn không chỉ của trái tim mà còn của trí tuệ. Bởi nếu không phải là điều đó, làm sao gương mặt của các thầy có thể an nhiên như vậy, giữa sự "nghèo nàn" vật chất dường ấy.

{keywords}
Chim bồ câu đậu trên sân một ngôi chùa tại cố đô Bagan. Ảnh: Chung Hoàng

Tiếng nói sâu thẳm từ trong mỗi người

Tôi viết đến đây thì bắt đầu nghe loáng thoáng trên tivi, các kênh truyền hình đang hăm hở dự đoán những kịch bản có thể xảy đến cho các cuộc tấn công đang cận kề ở Syria. Đúng 10 năm trước, tôi từng hăm hở đọc, viết bài về cuộc chiến tranh Iraq như thể một cuộc thi gà chọi và hồi hộp đón chờ phản hồi của độc giả.

Chỉ có điều, trong cuộc chiến cách xa tôi hàng ngàn dặm ấy, có hàng ngàn phản hồi xứng đáng được lắng nghe nhất, được đưa tin nhất thì đã vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện, bởi máu đã nhuốm đỏ đôi tay và cuống họng họ. Trong khi đó, những tiếng nói, những gương mặt quá quen lại xuất hiện hàng trăm hàng ngàn lần, bằng những điệp khúc: tấn công, chiến đấu, danh dự, hòa bình...

Giờ đây, ngồi nghe những bản tin tương tự của 10 năm sau, tôi chỉ thấy buồn và bất lực. Nhưng tôi không thể thay đổi được thế giới. Và vì vậy, tôi chọn thay đổi chính tôi.

Tôi đọc ở đâu đó rằng, trong suốt lịch sử của nhân loại, nếu chia trung bình thời gian mà loài người đã sống thì cứ 5 ngày chúng ta có hòa bình thì sẽ 1 ngày có chiến tranh. Và cứ thế, những căm giận, những hận thù truyền đời truyền kiếp cứ nối tiếp nhau, để rồi con người, hay đúng hơn là các linh hồn, loanh quanh lặn ngụp trong luân hồi, vay trả trả vay không biết khi nào thoát khỏi.

Nếu như một chính phủ vì hận thù và tranh giành lợi ích để xảy ra thảm kịch cho hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu dân thường, để rồi nhận lại những đòn trừng phạt có thể giáng xuống bất kỳ ai thì rồi trong tương lai, sẽ có biết bao nhiêu người phụ nữ sẽ ôm bom trả thù cho những người chồng, người cha đã ngã xuống của họ. Cứ thế, những kẻ bị gọi là khủng bố và những người tự nhận là lương tri của nhân loại sẽ tiếp tục hành trình giết hại lẫn nhau.

Thử nghĩ xem, nếu ai đó bảo rằng, kiếp này bạn đủ phước để làm vương một nước, đủ quyền để nhấn một nút có thể hủy diệt hàng trăm ngàn mạng người, nhưng khi chết đi và sang các kiếp sống mới, bạn sẽ bị giết lại hàng trăm lần khác nhau, dưới đủ mọi hình tướng, của người hoặc của chim (trong nồi cháo), thì liệu bạn có muốn nhấn nút nữa không? Bạn sẽ chọn hận thù, chiến tranh hay tha thứ, hòa bình?

Nếu nhìn dưới góc độ này, và đủ đức tin để tin vào điều này, thì tôi cho rằng sự lựa chọn của Aung là sự lựa chọn thông minh nhất. Và vì lẽ đó, tôi chọn cho mình cách đơn giản là tắt tivi, bởi đã đến lúc tôi nên tĩnh lặng để lắng nghe tiếng nói từ trong tôi và trong anh bạn Aung dễ mến. Và tôi tin, đó cũng là tiếng nói sâu thẳm từ trong mỗi người.

Tôi cũng tin, nếu mỗi ngày ta dành thêm một phút an lạc từ tâm cũng có nghĩa là ta đã thêm một cơ hội để thay đổi chính mình, và cũng có thể, thay đổi cả thế giới.

... Imagine all the people

Living life in peace...


You may say I'm a dreamer

But I'm not the only one

I hope someday you'll join us

And the world will be as one...(*)

Việt Hà

-----

(*)Trích bài hát Imagine của John Lennon. Tạm dịch: Hãy tưởng tượng tất thảy mọi người sống trong hòa bình.../ Bạn có thể nói tôi là kẻ mơ mộng, nhưng tôi không phải người duy nhất. Tôi hy vọng ngày nào đó bạn sẽ hòa cùng chúng tôi. Và thế giới sẽ đại đồng.