Công việc cần làm ngay lúc này là  điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm, tiến hành xử lý kịp thời các thùng phuy chứa thuốc trừ sâu bị bục do thời gian, thuốc ngấm vào đất rồi vào nước sẽ gây nguy hiểm cho người dân cuối nguồn nước. Việc xử lý ô nhiễm đất đã là thứ xa xỉ, nếu xuống đến tầng nước ngầm thì chi phí xử lý ô nhiễm nước rất cao và thời gian xử lý kéo dài hàng chục năm.

Trong dịp tổng kết 15 năm "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch tổ chức cách đây ít lâu, một học giả, một nhà quản lý có tên tuổi đã khẳng định đại ý thất bại lớn nhất của chúng ta là thất bại trên lĩnh vực văn hóa.

Thói vô cảm: S.O.S

Có thể hiểu văn hóa ở đây bao gồm cả văn hóa ứng xử mà thói vô cảm trong ứng xử hàng ngày với đồng loại ở một bộ phận không nhỏ cộng đồng đã đến mức báo động. Rất nhiều những hành động nhẫn tâm, vô lương đã xảy ra gây chấn động tâm lý xã hội. Mà vụ Công ty Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa giấu dân, chôn hàng tấn thuốc trừ sâu độc hại xuống đất bao năm nay là ví dụ điển hình.

Thuốc trừ sâu nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rộng rãi ở nước ta trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, công nghiệp và gia đình, hiểu một cách nôm na là một loại chất được sử dụng để chống côn trùng, sâu bệnh.

Tác dụng chủ yếu của thuốc trừ sâu làm gia tăng sản lượng trong nông nghiệp nhưng lại có mặt trái là làm tổn hại đến môi trường sinh thái (đất, nước, không khí), đặc biệt là sức khỏe của con người.

Thuốc bảo vệ thực vật thường được phân thành 04 nhóm chính:

Nhóm clo hữu cơ: Như Lindane, Endrin, Dieldrin, Andrin, DDT

Nhóm lân hữu cơ: Diazinon, Dimethoate, Methyl parathion.

Nhóm Carbamate: Furadan, Carbaryl. Nhóm cúc:  Sumicidine, Cypermethrin ... Ngoài ra, còn một số nhóm nhỏ khác như nhóm các chất vô cơ, nhóm các chất điều hoà tăng trưởng côn trùng (IGR=Insect Growth Regulator) vv...

Trong 04 nhóm chính kể trên, thì nhóm clo hữu cơ có độ tồn lưu cao nhất trong môi trường và có khả năng tích luỹ trong mô mỡ của động vật. Các thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm lân và carbamate có độc tính cấp cao nhưng độ tồn lưu kém hơn nhóm clo khá nhiều. Nhóm cúc dễ bị phân huỷ và ít độc với động vật máu nóng hơn 03 nhóm đầu.

Thuốc bảo vệ thực vật là chất thải nguy hại nên phải được cơ quan chuyên nghiệp có chức năng xử lý tiêu huỷ theo đúng phương pháp, không thể chôn lấp tuỳ tiện.

{keywords}

Các thùng phuy đựng hóa chất được chôn xuống đất hoặc vứt khắp nơi trên đất của công ty Nicotex

Từ lâu, nhờ có "tai mắt", người dân đã phản ánh các hiện tượng bất thường, các chỉ dấu về ô nhiễm môi trường do Công ty Nicotex Thanh Thái gây ra nhưng đều bị làm ngơ do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đến ngày 25/8 vừa qua, người dân trên địa bàn xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy) "bắt tận tay, day tận trán", ngăn chặn xe chở thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái chở 15 phuy chứa chất lỏng được xác định là hóa chất thuốc trừ sâu không có nhãn mác.

Người dân tiếp tục phát hiện nhiều bao bì và hàng chục thùng phi chôn lấp đã hoen gỉ ngấm hóa chất xuống lòng đất vv...Báo chí lên tiếng với dẫn chứng, người thực, việc thực không thể chối cãi, lúc đó mới thấy vai trò của một số cơ quan chức năng của Nhà nước ở địa phương vào cuộc!

Những việc cần làm

Công việc cần làm ngay lúc này là  điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm, tiến hành xử lý kịp thời các thùng phuy chứa thuốc trừ sâu bị bục do thời gian, thuốc ngấm vào đất rồi vào nước sẽ gây nguy hiểm cho người dân cuối nguồn nước. Việc xử lý ô nhiễm đất đã là thứ xa xỉ, nếu xuống đến tầng nước ngầm thì chi phí xử lý ô nhiễm nước rất cao và thời gian xử lý kéo dài hàng chục năm.

Những nơi dân tự đào lên phát hiện ra chỗ chôn lấp thuốc trừ sâu thì phải đánh dấu bằng cọc, sơ đồ, rồi lấp lại ngay vì mùa mưa này chỉ cần đào lên gặp trận mưa to thì lan tỏa rất nguy hiểm, thậm chí ngộ độc cấp tính luôn. Ngay cả khi trời nắng mà đào lên để đó, thì mùi thuốc trừ sâu cũng lan tỏa rất xa gây ô nhiễm trong không khí.

Song song với việc xử lý ô nhiễm, nên cho phép Công ty Nicotex Thanh Thái bán ngay những sản phẩm còn giá trị sử dụng vì thuốc trừ sâu nếu để lại sẽ thành thuốc tồn lưu, thêm chi phí xử lý rất lớn. Cần đưa vụ việc ra tòa, có thể phải phong tỏa tài sản để đảm bảo chi phí xử lý ô nhiễm sau này.

Hành động của Công ty Nicotex Thanh thái đã bộc lộ thói tham lam, ích kỷ, vô trách nhiệm, tàn nhẫn và vô cảm, cho nên cũng dễ hiểu, khi sự phẫn nộ của người dân ở vùng quê nghèo Thanh Hóa lên đến tột cùng. Đương nhiên là phải truy cứu đến cùng trách nhiệm của những người quản lý Công ty Nicotex Thanh Thái và có biện pháp trừng phạt và xử lý triệt để các hậu họa của việc ô nhiễm môi trường.

Nhưng nếu chỉ có thế thôi vẫn chưa đủ, bởi thói vô cảm đã trở thành căn bệnh trầm kha ở xã hội ta, mà nó lại có căn nguyên từ "lỗi hệ thống" đang gậm nhấm những giá trị đạo đức nhân văn truyền thống của dân tộc. Nền giáo dục, văn hóa của chúng ta cần phải nhanh chóng được đưa lên bàn mổ để làm đại phẫu thuật, mới mong sửa được tận gốc "lỗi hệ thống" ấy!

Tô Văn Trường