-"Một vấn đề lúc nào cũng đáng quan tâm: quản lý xã hội, lương tâm, trách nhiệm của những người cầm quyền với nhân dân của họ, là những điều lúc nào cũng nóng bỏng"

Mong Lưu Quang Vũ sớm... lạc hậu

LTS: Ra đi đã 25 năm, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và thi sĩ Xuân Quỳnh vẫn để lại một khoảng trống lớn lao trong đời sống văn học - nghệ thuật nước nhà. Những vấn đề LQV đặt ra trong thơ - kịch của ông chưa bao giờ thôi dày vò, thổn thức.

Những ngày này, sân khấu phía Bắc đồng loạt đỏ đèn trong ngày đặc biệt: Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ. Đây là lần đầu tiên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Bộ VH,TT&DL tổ chức một Liên hoan dành riêng để tôn vinh nhà viết kịch tài danh trong các thập kỉ 70, 80 của thế kỉ trước.

Tuần Việt Nam chia sẻ góc nhìn của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về những vấn đề thời sự trong kịch Lưu Quang Vũ.

"Nhìn và nói sự thật"

Trong những tác phẩm của Lưu Quang Vũ, ông ấn tượng với (những) tác phẩm nào nhất?

Khi nói đến Lưu Quang Vũ, người ta thường nhắc đến kịch nói, nhưng theo tôi, phần hồn cốt của LQV nằm ở thơ. Các sáng tác của ông, có thể nói, đều thấm đẫm thơ, hay nói cách khác, thơ mới là con người thật, là đời sống tinh thần của LQV, là cách ông thể hiện thái độ sống.

{keywords}

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Kịch tạo dựng nên tên tuổi của LQV vì khả năng đáp ứng kịp thời những đòi hỏi thời sự của xã hội thời đổi mới. Có thể nói như trong điếu văn của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trong buổi lễ tang năm 1988 là hồi đó LQV gánh trên vai kịch mục của cả nền sân khấu. Ngay cả đến bây giờ vẫn chưa có ai vượt được ông về mặt đó. Kịch LQV mạnh ở tính thời sự, sắc ở tính vấn đề, sâu ở tính triết lý, và bao trùm là một tinh thần nhân văn vì con người, cho con người.

Tôi chia sẻ nhận định với nhiều người, vở kịch xuất sắc nhất của LQV là vở Hồn Trương Ba da hàng thịt. Từ một tích truyện dân gian, cái tài của LQV là đã thể hiện được sự giằng xé của con người từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong giữa những mâu thuẫn muôn đời trong cõi nhân gian nhiễu nhương này.

Thơ Lưu Quang Vũ rất mạnh mẽ, có bất thường trong bối cảnh và thời điểm cách đây gần nửa thế kỷ?

Thực ra ở thời gian đầu, thơ của LQV cũng trong sáng, lãng mạn như thế hệ của ông khi mới đi vào cuộc chiến. Những bài thơ trong trẻo với những hình ảnh sớm thành mô típ quen thuộc như vành lá ngụy trang, cảnh làng quê trên đường hành quân, đêm đứng gác...

Nhưng đến khi cuộc chiến đi vào hồi ác liệt, khi bị va chạm với hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống chung của cộng đồng và đời sống riêng của cá nhân, thì bản năng thi sĩ của LQV đã bộc lộ rõ ràng và mãnh liệt đầy cảm xúc và suy tư về những mất mát đau thương. Thơ LQV không chỉ còn nồng nàn da diết, mà đã được đẩy đến một "độ căng", về phía bi cảm, khi giữa lý tưởng và thực tế là cả một khoảng cách.

"Hòa bình đến mong manh

Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn"

Thơ LQV vượt qua những ranh giới giai cấp, chiến tuyến, chỉ còn sự cảm thông giữa những con người. Đó là một giai đoạn rất căng thẳng trong cuộc sống và tâm hồn LQV. Khi viết những điều đó, LQV mới ngoài hai mươi tuổi. Những điều LQV viết ra lúc đó có thể bị coi là lạc thời, nhưng bây giờ thấy là ông đã đi vượt thời. 

"Tôi chán cả bạn bè

Mấy năm nay họ không nói được một câu gì mới 

Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại"

 Đấy có thể coi là một tuyên ngôn về thái độ sống, thái độ thơ của LQV.

Ông đi tìm những câu chữ mới, những cách nói mới, những cách nhìn mới để đi được vào tận lõi của vấn đề, phơi bày sự việc một cách trần trụi. Khi đó, và có lẽ cả bây giờ, không phải nhiều người đã có thể chia sẻ với ông những điều đó. Nhưng đó chính là cái lớn của LQV ở tư cách một nhà thơ, một công dân.

Viết để ám ảnh

Chúng ta cũng nói đi nói lại một câu: kịch Lưu Quang Vũ chưa bao giờ hết tính thời sự. Có cách nào lý giải tính thời sự này không, hay chẳng lẽ xã hội của chúng ta cứ dậm chân mãi, từ thời Lưu Quang Vũ hơn hai chục năm trước?

LQV viết kịch có cái tài này: thời sự hóa những chuyện vĩnh cửu và vĩnh cửu hóa những chuyện thời sự.

Ông viết rất nhanh những vở kịch lấy đề tài từ một bản tin trên báo, từ một vụ án ngoài đời, từ một câu chuyện kể của bạn bè. Viết theo 'đơn đặt hàng", nóng hổi những dấu vết của đời sống đang diễn ra. Nhưng nếu chỉ có thế thì khi cuộc sống trôi đi, các sự kiện hết tính thời sự, vở kịch sẽ chỉ còn là những lời thoại khô cứng, chuyện kịch sẽ không còn hấp dẫn và rung động người xem.

Thế nhưng các vở kịch của LQV diễn lại hôm nay, dịp kỷ niệm 25 ngày ông qua đời, vẫn khiến khán giả đồng cảm mạnh. Vì sao vậy? Đó là vì LQV không chỉ dừng lại ở những sự kiện, mà biết cách đi vào bề sau, bề sâu của sự kiện, đặt con người làm trung tâm và vào trung tâm của các sự kiện chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự, văn hóa.

Không phải xã hội của chúng ta dậm chân tại chỗ, dù thực ra nó cũng chưa tiến bao xa, nhất về mặt giải quyết các hiện tượng tiêu cực xã hội, mà chính xác là kịch LQV đã đi vào được cốt lõi, bản chất của con người. Bản chất ấy đúng ở bất cứ xã hội nào, thời đại nào hay chế độ nào.

Cũng giống như những vở kịch kinh điển của thế giới vẫn sống được với nhân loại, vì nó đã đi qua lớp vỏ bề ngoài để mổ xẻ thực chất con người. Những tác phẩm văn học - nghệ thuật kinh điển đều chạm đến những vấn đề chung, vượt mọi rào cản văn hóa, biên giới, màu da..

Kịch LQV đặt ra một vấn đề lúc nào cũng đáng quan tâm: quản lý xã hội, lương tâm, trách nhiệm của những người cầm quyền với nhân dân của họ, là những điều lúc nào cũng nóng bỏng. Lời thề thứ 9 không phải chỉ là chuyện của mấy anh bộ đội, cũng không phải lời thề của quân đội, đó là lời thề chung của những người có trách nhiệm với dân, với nước. LQV đã viết ra những hình tượng để xem, những điều để nghĩ, và những suy tư để ám ảnh.

Cái chết đầy giả thuyết

Những khắc nghiệt trần trụi cuộc chiến đã khiến Lưu Quang Vũ từng bỏ lính, nhưng sau đó ông lại chọn một chiến tuyến khác để đối đầu: dùng ngòi bút để chiến đấu với các xấu, cái tiêu cực. Tai họa xảy ra cho ông và gia đình cũng vào thời điểm ngòi bút của ông đang mãnh liệt nhất, làm nguồn cơn của rất nhiều lời đồn thổi. Ông cảm nhận thế nào và về những lời đồn thổi đó?

Xung quanh tai cái chết của gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ có quá nhiều lời đồn đại về những âm mưu. Người tin vào tâm linh thì cho rằng những điều LQV nói đã chạm đến Trời, người thì nói vụ tai nạn có bàn tay của ai đó điều khiển. Tất cả những điều này đều dừng lại ở giả thuyết, nghi hoặc, và sẽ không ai chứng minh được, sẽ không bao giờ có lời giải đáp chính xác.

Chỉ có thể nói thế này: trong cái không may có cái may. Cái chết của họ đã để lại cho đời một hình tượng, một huyền thoại về tài năng, nhân cách, và tình yêu, ngay cái chết cũng không chia lìa được họ, nghĩ như vậy để mọi việc không theo hướng nặng nề. Sau nỗi đau tột cùng, cái chết lại cho thấy giá trị lớn của những sáng tạo tinh thần LQV cùng XQ để lại cho đời.

{keywords}
Một cảnh trong vở kịch Mùa hạ cuối cùng

Mấy chục năm qua, vẫn chưa có ai lấp được khoảng trống của Lưu Quang Vũ để lại trên sân khấu, lý do dễ giải thích nhất là gì, thưa ông?

Ở đây có hai yếu tố quan trọng là tài năng và hoàn cảnh. Tài năng của LQV nhà viết kịch thì chúng ta đều đã biết và đã nói. Còn hoàn cảnh thì thời đổi mới là một hoàn cảnh đặc biệt. Sân khấu như một diễn đàn, tính tương tác của nó được đặc biệt phát huy trong những thời điểm xã hội đang nóng bỏng, đang chuyển mình. Thời đổi mới sân khấu kịp thời phát huy được tính chất đó. LQV xuất hiện đúng thời điểm khi xã hội đang thời kỳ đổi mới: nhìn vào sự thật, nói sự thật và mổ xẻ sự thật.

Những điều LQV đau đáu từ trong chiến tranh, đến thời đổi mới được nói ra bởi những nhân vật kịch, như những lời phát ngôn, tuyên ngôn, cảnh báo, và do đặc thù của nghệ thuật sân khấu mà những lời đó được hướng trực tiếp đến người nghe, được vang vọng và cộng hưởng tức thì. Bao nhiêu người dân cùng chung nỗi niềm thế sự nhân sinh trước thời cuộc của đất nước hồi đó đã đến chật các nhà hát để được nghe các nhân vật kịch của LQV nói hộ họ những điều muốn nói và đáng nói.

Thời kỳ ấy qua rồi.

Chính luận và "vấn đề nhạy cảm"?

Đâu là lý do chính khiến dòng văn học – nghệ thuật chính luận vắng bóng lâu nay? Vì chất liệu đời sống giai đoạn hiện nay chưa đủ dày dặn, hay vì người cầm bút né tránh bởi ngại đụng chạm và những hệ lụy?
 

 - Nói đúng nghĩa, thì những nhà văn dám xông vào cuộc sống, đi sâu vào hiện thực, dám khổ công lao động nghệ thuật để văn chương không véo von ca hát, không cam chịu làm “ánh trăng lừa dối” (Nam Cao) trên sự bần cùng khốn khổ của nhân quần bởi những kẻ có tiền và có quyền, đó là họ thực hiện đúng chức phận người cầm bút “thiên lương” của mình. Đó là họ làm đúng nhiệm vụ thức tỉnh xã hội về nỗi đau nhân sinh.
 
Nhưng đúng là gần đây có một số tác phẩm chính luận phản ánh vấn đề hiện thực chưa kịp giới thiệu với công chúng thì đã bị “treo” vĩnh viễn. Nội dung tác phẩm phản ánh hiện thực thời nay, lên án lợi ích nhóm, góp phần cùng bộ máy chính trị chống lại quốc nạn tham nhũng đang hoành hành.
 
Tuy nhiên, câu hỏi là tại sao sự nhạy cảm như vậy của nhà văn với thời cuộc lại không được tôn trọng, đề cao, khuyến khích mà lại bị thổi còi, bởi cho là đã động đến những vấn đề “nhạy cảm”?
 
Câu hỏi rốt cuộc lại trở lại câu mà tôi, và chắc có nhiều người nữa, đã đặt ra cho cơ quan chức năng, đó là: Thế nào là “vấn đề nhạy cảm” và vì sao lại là “nhạy cảm”?
 
Bởi cứ vin vào cớ “nhạy cảm” như thế để cấm sách thì đó là vô cảm với đất nước, với văn chương nghệ thuật.
 
  • Hoàng Hường (thực hiện)