Nơi nào có lãnh đạo giỏi, tận tâm tận lực thì triển khai kế hoạch rất tốt theo đúng định hướng. Những nơi có lãnh đạo kém chỉ tiêu phí tài nguyên một cách vô ích!
Thành công của phong trào Saemuel không chỉ trên lĩnh vực kinh tế. Lớn và sâu sắc hơn nữa là đã hồi phục và xây dựng được tinh thần tự tin, tự lực, có trách nhiệm vươn lên của từng người dân trên cơ sở hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.
Tổng thống Park nhận định: “Xã hội không thể tồn tại và đi lên bền vững nếu không có những tâm hồn mạnh mẽ và những phẩm chất đạo đức tuyệt vời…”.
Vào thời điểm đó, phong trào Saemuel đã vượt lên ra khỏi mục tiêu và ý nghĩa ban đầu là xây dựng làng mới. Nó đã tạo nên một khí thế mạnh mẽ cho sự phát triển không ngừng, vượt ra xa những mong ước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở nông thôn. Saemuel đã lan tỏa ra cả xã hội Hàn Quốc. Các nhà máy, công sở, trường học, thành phố và các lĩnh vực khác cũng tràn ngập khí thế Saemuel.
Từ thủ đô cho tới các đô thị trong nước đã ra đời nhiều dự án chống tham nhũng và xây dựng đô thị mới văn minh. Một chiến dịch Saemuel gồm 3 nội dung chính ra đời bao gồm tinh thần (Mentality), cư xử (Action) và môi trường (Environmental) ra đời, triển khai tới tận từng gia đình, cá nhân.
Chiến dịch tinh thần là xây dựng mối quan hệ thân thiện, gần gũi hơn với láng giềng, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng. Lòng hiếu thảo và sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau được tôn vinh lên thành tiêu chuẩn của đạo đức trong xã hội.
Chiến dịch cư xử nhấn mạnh đến ý thức kỷ luật, trật tự nơi công cộng, trên đường phố cũng như hành vi tích cực nơi công cộng, trong tổ chức. Nạn say rượu bị cấm vì sẽ dẫn đến cách ứng xử không đúng đắn.
Chiến dịch môi trường chú trọng vào việc vệ sinh sạch sẽ khu vực sinh sống và làm việc, giữ gìn môi trường tự nhiên và trồng cây xanh trên đường phố và dọc bờ sông…
Lan tỏa sức mạnh Saemuel
Tại các công sở, tinh thần Saemuel thể hiện ở trong các kế hoạch học tập tập trung vào việc sáng tạo, tạo ra các giá trị và niềm tinh lành mạnh, cung cách ứng xử đúng mực với đồng nghiệp. Mục tiêu chính là xây dựng được sự thống nhất và trật tự, kỷ cương, giúp nhau cùng tiến bộ phát triển. Đồng thời phải có trách nhiệm với những người khó khăn, người vô gia cư ngoài xã hội; có bổn phận góp phần giúp đỡ nông thôn cùng tiến bộ.
Nông thôn hiện đại, đẹp mắt ở Hàn Quốc |
Tại các nhà máy, công ty, phong trào Saemuel hướng tới khôi phục lạc quan tin tưởng với các khẩu hiệu “Mọi công nhân đều là thành viên trong một gia đình”, “ Việc của nhà máy là công việc của bản thân”… Vì vậy, mọi người phải đoàn kết, đồng lòng cùng đóng xây dựng nhà máy, công ty phát triển vững mạnh. Để cũng cố nền tảng cho nền công nghiệp đang manh nha phát triển, phong trào Saemuel chú trọng vào những kỹ năng đoàn kết, đồng lòng như thu hẹp khoảng cách giữa công nhân và giới chủ, xây dựng quy tắc ứng xử lành mạnh.
Sâu sắc hơn là ngay tại các vùng nông thôn, nơi cung cấp nguồn lao động cho cá các máy đã xây dựng hệ thống dịch vụ công cộng mang tính giáo dục rất cao. Những thư viện trang bị sách báo, tài liệu và các cuộc nói chuyện là cách để xây dựng những quy tắc đạo đức rất “mềm” và có hiệu quả. Học sinh, thanh niên ở cơ sở được học về tinh thần Saemuel và các kỷ năng thực hiện, đóng góp cho phong trào chứ không phải chỉ học để biết. Riêng ở nông thôn, sách báo, tài liệu về các phương pháp canh tác mới luôn được bổ sung cập nhật kịp thời. Điều này đã góp phần lớn thay đổi nhận thức của người dân và tạo ra những đột phá lớn trên đồng ruộng, đẹm lại hiệu quả cao.
Phong trào Saemuel không đơn thuần là một kế hoạch hành động! Các chuyên gia nghiên cứu khẳng định: “Đây thực sự là một cuộc cải tổ về ý thức cho cả dân tộc vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng chứ không vì bất cứ cá nhân nào, dựa trên tinh thần mạnh mẽ như “Đã làm là được”, “Tất cả đều có thể làm được”, “Nhất định phải làm” v.v….
Sự thịnh vượng là mục tiêu cần phải tiến tới không chỉ về mặt vật chất mà bao hàm cả ý nghĩa tinh thần, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho cả con cháu mai sau. Đó là nền tảng cho cuộc sống tốt đẹp hơn trong mỗi gia đình, làng xã, góp phần vào tiến bộ chung cho quốc gia.
Ngọn cờ 3 lá: Cần cù – Tự lực – Hợp tác
Dự cảm của Tổng thống Part Chung Hee đã có câu trả lời trong quá trình thực hiện phong trào Saemuel “Nếu không có sự nỗ lực của nông dân, phong trào sẽ thất bại!”.
Vì vậy, để phát huy sức mạnh của nông dân và sau này là các thành phần khác, phong trào đã đề ra 3 phẩm chất quan trọng, biểu tượng là ngọn cờ 3 lá của phong trào, đó là sự cần cù (Diligence), tinh thần tự lực (Self help) và hợp tác (Cooperation).
Ngọn cờ 3 lá của phong trào Saemuel |
Các khẩu hiệu sinh động đã trở thành máu thịt trong từng người dân như “Trời chỉ giúp ai biết tự cứu mình”, “Ai cũng có thể làm chủ số phận của mình”… Nhờ vậy trên khắp đất nước Hàn Quốc đã trở thành công trường thực sự. Đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động cần cù mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được như nhiều tập thể chỉ ngủ một ngày 4 tiếng, giành thời gian lao động cho kịp mùa vụ, kịp làm ra sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
3 phẩm chất trên cũng là 3 nguyên tắc chủ đạo của phong trào, chính là hạt nhân sức mạnh cho công cuộc xây dựng một xã hội tiên tiến, một quốc gia thịnh vượng cùng với các yêu cầu cơ bản khác như đất nước thống nhất, hòa bình độc lập và trật tự, kỷ cương cho mọi người.
Chính phủ Hàn Quốc đã khôn khéo khơi dậy và nuôi dưỡng, thổi vào lòng tự trọng, tự hào yêu quê hương, đất nước của người dân thành sức mạnh vật chất và tinh thần mạnh mẽ, đủ sức vượt qua mọi khó khăn trở ngại để chiến thắng đói nghèo, lạc hậu.
Bài học từ Saemuel Undong
Theo các tài liệu ghi chép lại, giai đoạn đầu của phong trào, Chính phủ giao quyền rộng rãi cho chính quyền cấp xã. Một số cơ quan ban ngành của Chính phủ tham gia hỗ trợ, thực thi, trong đó có Chính quyền cấp tỉnh và huyện.
Cấp xã có Ủy ban điều hành có nhiệm vụ lập kế hoạch và điều hành thực hiện. Tiêu chí đầu tiên của các dự án là phải được sự đồng tình của người dân, tăng thu nhập cho dân; góp phần cải thiện đời sống của người dân trong vùng và có lợi ích lâu dài. Trước khi thực hiện, dự án phải được thông qua xem xét phê duyệt của Hội đồng cấp huyện và tòa án đồng cấp.
Chính phủ kêu gọi sự đóng góp của nhân dân để thực hiện các dự án. Ngoài ra, còn có sự trợ giúp khác bằng vật liệu, vốn và công nghệ.
Thủ đô Seoul ngày nay |
Trong quá trình thực hiện, mỗi tháng ít nhất có 2 lần Nhà nước cử chuyên gia về phân ban có nhiệm vụ báo cáo, tóm tắt hàng tháng, tổng kết tiến độ hàng năm. Sau đó, rất quan trọng là phải có đánh giá từng giai đoạn.
Trong giai đoạn triển khai, quy trình đề ra phải có 3 báo cáo chính là báo cáo tiền dự án, báo cáo lâm thời và báo cáo tổng kết. Hiệu quả của dự án đưa vào vận hành được nghiên cứu rất kỹ để phát triển các dự án tiếp theo. Các báo cáo dự án được xem là tài liệu quan trọng, được sử dụng rộng rãi trong chế độ bổ nhiệm cán bộ cấp xã.
Chính phủ Hàn cũng đưa ra mục tiêu: Nơi nào có lãnh đạo giỏi, tận tâm tận lực thì triển khai dự án rất tốt theo đúng định hướng. Những nơi có lãnh đạo kém chỉ tiêu phí tài nguyên một cách vô ích!
Năm 1972, Học viện đào tạo Saemuel ra đời. Mỗi xã cử 1 cán bộ tham gia khóa học. Trong các khóa học, điều được nhấn mạnh là sự cống hiến quên mình, nêu gương cho quần chúng nhân dân noi theo. Điều đáng nói là vai trò của phụ nữ được đánh giá cao trong phong trào Saemuel, thể hiện ở các khóa đào tạo của Học viện rất nhiều nữ cán bộ được bồi dưỡng cung cấp cho các địa phương.
Vai trò của phụ nữ trong phong trào đã tạo ra nhiều kết quả khác biệt, mới lạ. Phụ nữ đứng ra gây quỹ cho địa phương; tham gia phong trào giữ gìn vệ sinh làng xóm sạch sẽ; ngăn chặn rượu chè, cờ bạc…
Hơn 30 năm đã qua, nhưng phong trào Saemuel- tinh thần Saemuel vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người Hàn Quốc. Bởi nhờ phong trào này làm tiền đề sức mạnh để đất nước Hàn trở mình vươn lên thành đất nước công nghiệp hiện đại bậc nhất thế giới; là điển hình thần kỳ như cổ tích của một quốc gia từ đói nghèo bước ra.
Duy Chiến