"Người dân địa phương tự phát ngăn chặn sai phạm của Nicotex là cần thiết, nhưng nếu việc này do một đoàn thể xã hội nào đó tổ chức thì hợp lý hơn, tránh được khả năng manh động".

>> 'Vụ Nicotex, bà con Thanh Hóa phải quyết tâm'

>> Luật mơ hồ hay con người vô cảm?

>> Chín sai phạm vụ chôn hóa chất độc cần làm rõ

Câu chuyện đáng thương về hàng trăm hộ dân "chiến đấu" với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là một minh họa sinh động cho sự khác nhau giữa việc người dân được "làm chủ thật sự" và "chủ danh nghĩa".

Chuyện là người dân hai huyện Yên Định, Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa 16 năm nay đang đối mặt với nguy cơ chết dần chết mòn vì ngày ngày phải hít thở bầu không khí sặc mùi thuốc trừ sâu, phải ăn uống nguồn nước ngầm bị nhiễm độc do công ty Nicotex Thanh Thái liên tục chôn hóa chất độc hại gây ra.

Riêng xã Yên Lâm đã có 957 người mắc các bệnh ung thư, thần kinh, vô sinh, trẻ em dị dạng dị tật bẩm sinh; hơn 30 người thôn Thắng Long xã này đã chết vì ung thư.

TS Nguyễn Văn Khải nói: Hành vi bỏ muối và vôi vào các thùng hóa chất để làm thủng thùng là cách làm tàn ác nhất ông chưa từng thấy...

Tội ác đó xét đến cùng là do lòng tham. Chỉ vì để "tiết kiệm" vài chục triệu đồng chi phí xử lý mỗi tấn hóa chất độc hại mà Công ty Nicotex Thanh Thái chủ tâm gây ra vụ ô nhiễm kinh khủng kể trên.

Điều cần nói là, từ năm 1997 tới nay, dù người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng trên lên các cơ quan công quyền nhưng chưa thấy ai thực tâm giải quyết. Ủy ban Nhân dân và công an sở tại không thể không biết vấn đề này. Sở TN- MT tỉnh Thanh Hóa hàng năm có đến kiểm tra Nicotex nhưng lần nào cũng báo trước cho công ty, và chỉ kiểm tra ngoài tường rào!

Khi sự việc vỡ lở cả nước biết, mới thấy cơ quan chính quyền các cấp vào cuộc. Đã quá muộn để một tội ác thành hình hài. Laodong.com ngày 7/9 viết : An toàn cho người dân là chuyện nóng nhất phải xử lý ngay chứ, sao không thấy bác bộ trưởng, thanh tra hay nhà chức trách nào để ý ? Dân Việt ngày 2/9 viết: Nguy hiểm lớn nhất chính là sự tha hóa của cơ quan công quyền. VietNamNet viết: Người dân cô đơn quá, họ không còn có thể trông chờ vào một động thái tích cực nào của các ngành các cấp, các cơ quan chức năng bảo vệ sự sống của họ.

{keywords}

Hàng trăm người dân vây ô tô nghi chở hóa chất độc hại đi phi tang. Ảnh: Lê Anh/VietNamNet

Liên kết "quyền- tiền"

Khi xảy ra một hiện tượng xã hội nghiêm trọng kéo dài, điều cần thiết là phải tìm ra căn nguyên của nó. Bài Lương khủng, chất độc khủng và... tha hóa khủng trên Tuần Việt Nam nhận định: Nhìn ở góc độ triết học cùng quy luật đời sống, những kẻ tham nhũng, nhóm lợi ích mới chính là "vật cản", là chướng ngại vật to lớn trên hành trình phát triển của dân tộc ta. Kienthuc.net ngày 25/8 cũng nói tới hiện tượng nhóm chính trị cấu kết với các đại gia để tham nhũng.

Phải chăng đằng sau câu chuyện này vẫn là bài học về một loại nhóm lợi ích mới. Mà ở đó chính quyền cơ sở liên kết với doanh nghiệp để kiếm lời cho mình và xâm phạm lợi ích chính đáng của dân chúng?

Sự liên kết "quyền-tiền", tức một số kẻ xấu trong chính quyền và giới doanh nghiệp liên kết với nhau để chiếm phần hơn trong cái bánh lợi ích chung của toàn xã hội, là tình trạng phổ biến trong các nền kinh tế theo cơ chế thị trường.

Người dân địa phương tự phát ngăn chặn sai phạm của Nicotex là cần thiết, nhưng nếu việc này do một đoàn thể xã hội nào đó tổ chức thì hợp lý hơn, tránh được khả năng manh động, bạo lực, có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ quần chúng tự phát xử lý các sai phạm ở cơ sở, gây náo loạn địa phương, chính quyền phải huy động lực lượng công an can thiệp. Nếu khắp nơi đều như vậy thì xã hội sẽ ra sao, vì địa phương nào chẳng có sai phạm?

Ở đây có trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đoàn thể quần chúng. Suốt mười mấy năm qua họ đã nói gì, làm gì trước nỗi khổ của bao nhiêu đồng bào mà họ là đại diện ?

Vì sao các đoàn thể quần chúng lại ngồi yên để người dân tự phát hành động?  Xem ra các đại biểu dân còn xa dân quá, các đoàn thể quần chúng chưa thực sự là của quần chúng.

Mấy công ty giám đốc hưởng lương "khủng" đều có chi bộ Đảng, công đoàn, vì sao các tổ chức đó không dám vạch sai phạm? Phải chăng công đoàn đã trở thành "công đoàn vàng" bênh vực ông chủ, phớt lờ lợi ích của người lao động?

Xem ra tất cả mấy cái xấu "khủng" nói trên đều có cùng một nguyên nhân sâu xa: Người lao động chưa được thực sự làm chủ xã hội, làm chủ số phận mình. Chừng nào chưa giải quyết tận gốc vấn đề muôn thuở ấy thì mọi chuyện rắc rối đều có thể xảy ra.

Nguyên Hải