-Có một sự thật rất đau lòng, cùng với những 'thăng trầm, đầy vơi' của quỹ BHYT, cùng với thông tin về nỗi lòng lo lắng, trăn trở của những người chịu trách nhiệm giữ quỹ, là đan xen những thông tin về những ca/ hiện tượng tử vong đột ngột tại các bệnh viện.

Từ 'bội chi' đến 'kết dư' quỹ BHYT

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Đây cũng là một chính sách tài chính quan trọng bảo đảm quyền bình đẳng của mọi người dân trong khám chữa bệnh.

Ở nước ta, sau 20 năm triển khai, nhất là sau ba năm thực hiện theo Luật BHYT những thông tin về 'bội chi', nguy cơ vỡ quỹ BHYT lại đến 'kết dư' với rất nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Trước sự "đội" lên bất thường của quỹ BHYT ở một số các cơ sở khám chữa bệnh, đầu năm 2012, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) đã có cuộc thanh, kiểm tra bất ngờ việc thực hiện khám chữa bệnh trong ba năm (2009-2011) tại 13 tỉnh, thành phố có bội chi và nguy cơ bội chi Quỹ BHYT. Và cơ quan này đã không khỏi "sốc" khi phát hiện hàng loạt các sai phạm trong quản lý Nhà nước, cũng như sai phạm trong chuyên môn tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhằm rút ruột quỹ BHYT gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Những thông tin này được đăng tải dày đặc trên các báo giấy cũng như báo mạng. Cơ quan BHXH đã áp dụng biện pháp từ chối thanh toán các khoản chi phí do những sai phạm đã được phát hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh này.

Cho đến hết năm 2011, quỹ BHYT đã có 'kết dư' tới 5.000 tỉ đồng. Trước áp lực của 'xuất toán', ngành y tế không có biện pháp cụ thể xử lý những cá nhân gây sai phạm trong quản lý và chuyên môn, nhưng lại rất nỗ lực làm mọi cách nhằm mục tiêu giảm chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia có thẻ BHYT. Các biện pháp được thực hiện rất đồng bộ "siết" bệnh nhân, bao gồm:

Ở  tầm vĩ mô- duy trì phân tuyến kỹ thuật và điều trị, đăng ký khám chữ bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở - nơi giá viện phí thấp nhất, thuốc điều trị nghèo nàn nhất, trình độ chuyên môn yếu. Cùng với các biện pháp khác như xiết chặt thủ tục chuyển viện bằng hình thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh, nhất là các dịch vụ kỹ thật cao được áp dụng trong các bệnh viện công lập ..., cho đến hình thức khuyến khích phát triển y tế tư nhân để thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh.

Dù đa phần các cơ sở khám chữa bệnh này, không đủ tiêu chuẩn để ký hợp đồng với cơ quan BHXH. Nên người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh tại đây phải tự thanh toán mọi chi phí - quỹ BHYT không phải chi trả.

Ở tầm vi mô- tại các bệnh viện, là các biện pháp "siết" bệnh nhân với nhiều cách làm... phong phú. Kết quả năm 2012, quỹ BHYT kết dư gần 13.000 tỉ đồng, Tại nhiều địa phương, số tiền kết dư lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Để có 'kết dư' này, cũng còn là kết quả của việc điều chính quy định về đấu thầu giá thuốc, dùng trong các bệnh viện. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói về đấu thầu thuốc chữa bệnh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 11-7: "Năm 2012, chúng ta điều chỉnh quy định về đấu thầu thuốc thì đã tiết kiệm được vài nghìn tỉ đồng".

Cần khẳng định thông thầu, đội giá thuốc chữa bệnh là một dạng tham nhũng trong ngành y tế. Vậy rất nhiều năm - trước năm 2012, khi chưa điều chỉnh quy định,  rất nhiều 'vài nghìn tỉ' trên một năm, không "tiết kiệm", được góp phần vào 'bội chi ảo' quỹ BHYT, cũng như những sai phạm tại các cơ sở khám chữa bệnh mà cơ quan BHXH đã phát hiện có phải là tham nhũng hay không? Ai tham nhũng ? Bộ Y tế và cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ cũng nên vào cuộc làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhà nước mất tiền, còn....

Những hành vi tham nhũng, trục lợi từ quỹ BHYT trong khám chữa bệnh cần phải được minh định rõ ràng, không nên nhầm lẫn với việc sử dụng các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, để chẩn đoán sàng lọc, và chẩn đoán phân biệt, giúp đưa ra một chẩn đoán chính xác trên từng bệnh nhân cụ thể.

Một ví dụ, để đưa ra chẩn đoán xác định một người bệnh có đau hố chậu phải và có sốt nóng có phải là viêm ruột thừa hay không, đồng nghĩa với việc có phải phẫu thuật hay không? Với một bác sĩ có kinh nghiệm, thì chỉ cần đặt một bàn tay vào vùng hố chậu bên phải của bệnh nhân ấn nhẹ để tìm, 'cảm ứng phúc mạc', nếu có là viêm ruột thừa.

Như vậy, kết thúc phần khám bệnh, có thể nói chi phí là bằng không. Nhưng với một bác sĩ ít kinh nghiệm, để có thể đưa ra một chẩn đoán chính xác, họ phải cần làm thêm nhiều các xét nghiệm (tối thiểu là công thức máu đếm số lượng bạch cầu đặc biệt có sự tăng cao bất thường của bạch cầu đa nhân trung tính) thậm chí cả các siêu âm hoặc các phương pháp khác.

{keywords}

Những hành vi tham nhũng, trục lợi từ quỹ BHYT trong khám chữa bệnh cần phải được minh định rõ ràng. Ảnh minh họa

Trong nhiều trường hợp, để đưa ra một chẩn đoán xác định, phải "đi qua" các chẩn đoán sàng lọc, phân biệt, cần nhiều các xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng có thể tốn kém hơn rất nhiều.

Những vấn đề chuyên môn, nếu không được giải quyết thấu đáo mà chỉ tập trung vào việc "siết" bệnh nhân, hạn chế các phương pháp sử dụng công nghệ cao cho việc chẩn đoán và điều trị, giới hạn thuốc chữa bệnh một cách đại trà, bệnh nhân phải 'cầu cứu' đến y tế tư nhân và chính họ là người phải chịu thiệt thòi, vô hình chung sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách từ nguồn viện phí.

Bệnh nhân... mất mạng

Có một sự thật rất đau lòng, cùng với những 'thăng trầm, đầy vơi' của quỹ BHYT, cùng với thông tin về nỗi lòng lo lắng, trăn trở của những người chịu trách nhiệm giữ quỹ, là đan xen những thông tin về những ca/ hiện tượng tử vong đột ngột tại các bệnh viện.

Nếu chỉ xét riêng lĩnh vực sản khoa, một người phụ nữ có khả năng mang thai tới ngày sinh nở là những người có sức khỏe, thì chỉ tính trong 06 tháng đầu năm 2012, cả nước đã có 88 ca tử vong mẹ hoặc tử vong con trong quá trình sinh nở. Cụ thể hơn, thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho thấy, trong số 88 ca tai biến gây tử vong mẹ hoặc con, chỉ có 28 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh lý sẵn có của sản phụ và trẻ sơ sinh.

60 ca tai biến gây tử vong mẹ hoặc con (hoặc cả mẹ lẫn con) là do những tai biến xảy ra trong quá trình chuyển dạ, sinh nở.

Ngoài ra, trong số 88 ca tử vong, có 10 ca tử vong tại nhà, 14 ca tử vong trên đường chuyển viện, còn lại 64 ca tử vong tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

Những tai biến lĩnh vực sản khoa gây tử vong trong chủ yếu là do mất máu/ chảy máu. Mức độ sai sót tới đâu còn gây nhiều tranh cãi về trách nhiệm pháp lý cũng như yếu kém chuyên môn hay y đức suy thoái ...

Phân tuyến kỹ thuật và điều trị, cụ thể là những quy định giới hạn công việc, giới hạn các loại thuốc dùng cho các bệnh viện tại các tuyến. Hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện phải tuân thủ theo quy định này. Chính vì vậy, dẫn tới hệ lụy là các bệnh viện tuyến dưới bị giới hạn trang thiết bị, thuốc men. Hiện nay, có thể gọi là "chuẩn mực pháp - lý", cho việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh của các bệnh viện.

Xin được hỏi Bộ trưởng y tế: Trong khi bệnh viện tuyến huyện được phẫu thuật, trong đó có phẫu thuật sản, thì có bệnh viện huyện nào có ngân hàng máu không? Phòng xét nghiệm ở tuyến này có đủ trang thiết bị và trình độ chuyên môn, để làm các xét nghiệm sàng lọc, đảm bảo truyền máu an toàn không?

Nếu không có, không đủ, nhưng đúng quy định của phân tuyến kỹ thuật và điều trị của Bộ Y tế, trong những trường hợp bệnh nhân đột ngột chảy máu, mất máu nhưng tại tuyến này không có máu để truyền kịp thời cho bệnh nhân, nên không thể cấp cứu được dẫn tới tử vong, thì ai chịu trách nhiệm?

Kết dư quỹ BHYT năm 2011 khoảng 5.000 tỷ đồng. Năm 2012 gần 13.000 trong tỷ đồng có thể là thành tích bảo vệ quỹ rất đáng khích lệ, nhưng việc hạn chế trang thiết bị, thuốc men và tình trạng tử vong trong sản khoa gần đây cũng là điều rất đau xót.

Cũng có thể làm phép so sánh con số 'kết dư' này, với chi phí cho vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng. Chỉ cần 700 -800 tỉ một năm, là đã có thể mua được loại vắc-xin vô bào, cho trẻ em Việt Nam. Có vắc-xin tốt, biết đâu có thể tránh được những cái chết thương tâm. Nếu con số 'kết dư' này là phản ánh chính xác của khoa học trong quản lý y tế, thỏa mãn nhu cầu chi phí khám chữa bệnh, thì sao ta không sử dụng nó để mua vắc-xin tốt cho con cháu chúng ta có hơn không?

Trong khi ta cứ phải đi tìm nguyên nhân, đã làm các 'thiên thần bé nhỏ' phải lìa khỏi cõi đời này, vì những mũi kim "vắc-xin" oan nghiệt. Hay cũng bởi chữ 'tâm' của người làm quản lý ngành y, đã không lay động?

Lời kết

Sáng 11/9/2013, Thường vụ Quốc hội thảo luận sau khi nghe Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 - 2012. Đã có nhiều ý kiến về những hạn chế yếu kém trong thực hiện luật BHYT, nhưng trách nhiệm thì lại không có?

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, "hạn chế chắc chắn rất nhiều". Vài thập kỷ nữa vẫn còn hạn chế. Bởi vấn đề an sinh xã hội thì phải luôn cần được cải thiện.

"Bộ Y tế là quản lý Nhà nước nhưng không được quản lý tiền. Chủ tịch quỹ là ở Bộ Tài chính, còn quỹ BHYT thuộc BHXH quản. Như vậy, chúng tôi quản lý Nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền thì không đủ", Bộ trưởng Tiến giải thích.

Cũng liên quan tới quản lý Nhà nước; nếu bà Bộ trưởng muốn xử lý những sai phạm trong quản lý tại các bệnh viện cũng... khó, vì cấp ủy đảng, UBND, HĐND là cơ quan quản lý trực tiếp 'nhân sự' của các bệnh viện. Bà cũng không có đủ quyền để "qua mặt" địa phương được.

Muốn xử lý những hạn chế yếu kém trong thực hiện luật BHYT bảo đảm 'công bằng, bình đẳng', trong khám chữa bệnh, cũng như chủ động phòng ngừa bệnh, bệnh tật - thì phải 'định danh' cá nhân sai phạm. Khi đã là "sâu" cần kiên quyết loại bỏ.

Nguyễn Văn Soạn