"Tôi rất tin rằng đã là "đại gia" thì chẳng bao giờ mình là nhà văn cả. Lúc ấy tôi sẽ lo đếm tiền và hưởng thụ sung sướng, tội gì còng lưng kiếm bạc cắc qua trang văn", nhà văn Bùi Anh Tấn chia sẻ.

LTS: Nhà văn Bùi Anh Tấn, hiện là Thượng tá, Trưởng chi nhánh phía Nam của Nhà xuất bản Công an Nhân dân, có thể nói vẫn thuộc nhà văn trẻ dù đã vào nghề viết hơn 20 năm nay. Năm 1999, với tiểu thuyết "Một thế giới không có đàn bà" về đề tài đồng tính, anh đã "mở" một dòng trong văn chương Việt đương đại viết về đề tài này và cho đến nay vẫn rất 'nóng'.

Lĩnh vực sáng tác của Bùi Anh Tấn đa dạng. Từ đề tài đồng tính anh chuyển sang viết về lịch sử, rồi từ đề tài Phật giáo anh chuyển sang viết về Thiên Chúa giáo, chưa hết, từ đề tài hậu chiến đến vụ án hình sự anh lại "đổi tông" viết về các "chân dài" trong thề giới phù hoa lộng lẫy của showbiz Việt.

Câu chuyện anh chia sẻ với Tuần Việt Nam gợi mở nhiều suy tư về sự dấn thân của nghề viết và “khẩu vị” của độc giả ngày nay.

Viết chuyên nghiệp nhưng sống 'nghiệp dư'

Thưa anh, điều gì đã quyến rũ anh từ bỏ công việc trong một cơ quan bảo vệ pháp luật đề thành nhà văn chuyên nghiệp?

Nói "một nhà văn chuyên nghiệp" có phần đúng. Hiện tôi công tác tại Nhà xuất bản CAND. Nhưng tôi không sống bằng nghề viết.

Lúc rảnh rỗi, tôi cũng "ăn cắp" chút giờ Nhà nước để tranh thủ viết điều gì đó khi ý tưởng đến. Viết văn là công việc của cá nhân tôi, nhưng hình như hơn 20 năm nay chưa bao giờ tôi nhận được sự động viên, khuyến khích rằng, viết tốt lắm, cố lên... sự thật là thế.

Còn cảm giác "cảm giác cô đơn, lơ ngơ với cuộc đời" trong nghề viết anh từng chia sẻ?

Viết văn mà lý trí quá, nguyên tắc quá, tỉnh táo quá..., khó có thể thành nhà văn giỏi, còn nếu không sẽ là nhà văn "chính luận" với câu chữ khô khan, rất chán. Cũng không rõ tại sao, nhưng hầu như người làm sáng tạo nào cũng luôn cảm thấy sự cô đơn trong chính mình, dù rất nhiều người có vợ đẹp, con ngoan.

Sự cô đơn ấy đẩy người sáng tạo "vào chân tường" trong những khoảng khắc lóe sáng bất chợt, rung động và tác phẩm sẽ nảy sinh từ đây, đó là cảm hứng sáng tác.

Tuy nhiên tôi cũng không thích những bạn viết lúc nào "nghệ sỹ" và cho rằng mình là nghệ sỹ. Là một người viết chuyên nghiệp, chúng ta rất cần cảm xúc để sáng tác, nhưng cũng đừng quá ỉ vào cảm xúc.

Cảm xúc ở đâu ra, cảm xúc cả năm sao và chờ hoài cảm xúc đến để viết sao? Chính là chúng ta phải biết "nuôi" cảm xúc, đừng để nó "chết" và đôi lúc phải tự tạo cảm xúc nữa.

Bạn bè vẫn nói với tôi, trong văn chương vốn không có già/trẻ hay quyền chức/bằng cấp, hoặc thậm chí giới tính. Có cực đoan quá không nhỉ?

{keywords}
Nhà văn Bùi Anh Tấn,  Ảnh: Hoài Hương

Trong một bài viết của nhà văn Di Li "gán" cho anh từ 'đại gia'. Nhưng nhìn vào cuộc sống của anh thì hình như không phải vậy. Anh có thể thành thật chút ít cuộc sống một nhà văn như anh để thỏa chút tò mò ở bạn đọc?

Tôi rất tin rằng đã là "đại gia" thì chẳng bao giờ mình là nhà văn cả. Lúc ấy tôi sẽ lo đếm tiền và hưởng thụ sung sướng, tội gì còng lưng kiếm bạc cắc qua trang văn.

Còn quá nhiều ràng buộc trong cuộc sống, đành gửi gắm lên trang văn chứ biết làm sao bây giờ? Đời sống nhạt, con người nhạt, trừ trang văn, có lẽ đấy là tôi.

Một câu hỏi riêng tư: vì sao anh chưa vào Hội Nhà văn trong khi - theo tôi - anh có đủ tiêu chuẩn để trở thành hội viên?

Một câu hỏi khó, nên gửi câu hỏi này đến ông chủ tịch Hội Nhà văn và quý vị có thẩm quyền trong BCH  Hội nhà văn Việt Nam thì hơn.

Đừng dát vàng danh nhân

Từ các đề tài đồng tính 'Một thế giới không có đàn bà', 'Les - Vòng tay không đàn ông', 'Phương pháp của A.C Kinsey'. Tác phẩm thứ tư lại về một nhân vật lịch sử Lý Thường Kiệt "Bí mật hậu cung". Ở đây hình như ông có liều lĩnh khi kết hợp danh nhân lịch sử với đề tài nhạy cảm này?

Quan điểm của tôi về danh nhân rằng, họ là đáng tụng ca với những việc làm vĩ đại cho nhân dân và đất nước, tuy nhiên chúng ta cũng hãy "trả" họ về với cuộc sống đời thường. Ngoài những việc làm vĩ đại thì họ cũng như chúng ta trong cuộc sống thôi.

Có một thời gian dài chúng ta nhiệt tình ca ngợi danh nhân vời vợi, vô hình chung chúng ta đã "đẩy" danh nhân quá xa với chính chúng ta. May thay giờ quan điểm này cũng đã nhạt nhòa ít nhiều, chúng ta dần chấp nhận một thực tế rằng danh nhân "cũng là người".

Đề tài lịch sử trong sáng tạo nghệ thuật lâu này vẫn có một rào cản vô hình giữa nghệ sĩ và sự thật lịch sử và ít ai thành công. Anh thuyết phục người đọc như thế nào về sự chân thực của lịch sử và sự hư cấu nghệ thuật?

Thứ nhất, tôi viết về lịch sử chứ không chép sử. Tôi tôn trọng lịch sử, không thể "đẻ" thêm những điều không có của lịch sử và cho rằng đấy là "quyền" hư cấu của nhà văn. Tôi chỉ làm cho lịch sử sống động hơn, nhân vật thật hơn.

Thứ hai, viết về lịch sử đòi hỏi một kiến thức lịch sử khổng lồ và khô khan, đòi hỏi phải có tình yêu lớn, lòng kiên nhẫn vô bờ, và... chấp nhận sách ra sẽ có rất ít bạn đọc vỗ tay.

Tôi là kẻ rồ dại được phù hộ

Cái gì đã hấp dẫn anh để dẫn đến đề tài tôn giáo? Và khi anh viết, anh có nghĩ rằng mình đang "liều"?

Tôi viết "Không và Sắc" và "Tin Mừng" từ lòng kính mến hai tôn giáo này với hai nhân vật lịch sử vĩ đại là Phật Thích Ca Mâu Ni và Chúa Giêsu.

Một kẻ "tay trắng về tôn giáo" lao đầu vào viết thực sự là kẻ "ngu xuẩn". Tôi đã rồ dại làm điều đó, có lẽ tôi đã được Phật, Chúa phù hộ chăng?

Khi ra cuốn tiểu thuyết "Không và Sắc", một vị sư gặp tôi nói, tôi cứ tưởng nhà văn già lắm, bởi chỉ người già mới có thể chiêm nghiệm viết nổi tác phẩm này.

"Không và sắc" phải trải qua 5 nhà xuất bản mà không nơi nào dám in, lên đến tận cấp cao, rất cao ký duyệt cho in (xin cho tôi giấu tên và giờ tôi vẫn giữ lá thư tay của ông viết, duyệt in, như một kỷ niệm đời viết).

Quan điểm của anh khi viết một tác phẩm lịch sử và tôn giáo. Bao nhiêu sự thật, bao nhiêu hư cấu để có thể được chấp nhận?

Ranh giới này rất mong manh tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người cầm bút.

Còn khi viết về thế giới showbiz với "Hành trình của sói", "Bước chân hoàn vũ"..., anh có phải 'hóa thân' thành một tay chơi?

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cách lấy tư liệu của người viết, không hẳn đặt ra yêu cầu là cứ phải trải nghiệm qua, phải nhìn thấy-sờ thấy, thậm chí là nếm, mới có thể có tác phẩm được.

Cũng như khi đọc sách, xem báo, kể cả xem phim, kịch cũng vậy, thậm chí đến một poster quảng cáo "yếu sinh lý"... tôi tin vẫn có những cái hay, rất hay và người viết tự thu nạp một cách tự động vào trong đầu, ẩn chìm đâu đó và nó sẽ trồi lên trang viết một ngày nào đó.

Những 'lằn ranh' khiến ta trả giá ngay, nếu vượt qua

Một nhà văn Bùi Anh Tấn có khác biên tập, thẩm định viên nhà xuất bản Bùi Anh Tấn không? Khi anh "thẩm" một tác phẩm, điều gì để anh "khuyên" và cho phép nó được xuất bản?Có khi nào anh bị áp lực trong vấn đề thẩm định?

Tất nhiên từ người viết sang người biên tập tác phẩm, tôi có cái lợi là mình có thể "hiểu" được tâm tư của người viết. Chúng ta có Luật xuất bản, Luật báo chí và những bộ luật khác là nguyên tắc ràng buộc với người viết không được vi phạm bởi đấy là "làn ranh đỏ". Nói đến sáng tạo chung mà dùng điều A khoản B của Luật pháp áp dụng vào, thú thật rất khó, và cứng nhắc.

Nghệ thuật là sự mênh mông ảo diệu, bản thân tôi cũng thế thôi, viết là viết, chứ viết mà lại nghĩ đến điều này không được, điều kia chưa nên thì... mất hứng hết. Nhưng chúng ta đang sống trong một xã hội luôn phải bị những ràng buộc bởi những tiêu chuẩn, quy định mang tính nguyên tắc của cuộc sống thì chúng ta đành phải chấp nhận thôi chứ biết làm sao bây giờ?

Gặp trường hợp tác phẩm hơi "gai", có "vấn đề", nhưng là một sáng tạo mới, anh sẽ ứng xử như thế nào với nó? Tạm dừng, từ chối, hay thương thảo sửa chữa với tác giả...?

Tôi luôn trân trọng những sáng tạo mới và thậm chí còn học hỏi được điều đó cho chính bản thân mình. Thế nên nếu đọc được những trang văn hay, những sáng tạo mới, phải nói thật là rất sướng, còn hơn những trang văn chỉn chu nhạt nhẽo. Tất nhiên, nhưng tôi đã nói ở trên, cuộc sống luôn có những nguyên tắc của nó mà chúng ta buộc phải tôn trọng nó.

Thế nên nếu gặp một tác phẩm "gai", "có vấn đề"... tôn trọng tác giả, tôi sẽ không sửa gì hết và nói thật, biết sửa cái gì bây giờ? Tôi thường để cho người viết quyền quyết định.

Có một nghịch lý buồn là học sinh, sinh viên, người thích đọc sách lại đa phần là nghèo rất nghèo, bỏ ra 100 ngàn bằng mấy bữa ăn, xót ruột lắm, dù thích cũng chịu. Còn các ông bà kiếm bạc tỉ thì lấy đâu ra thời gian đọc sách? Họ còn bận kiếm tiền và cũng mua một mớ trưng lên trên tủ.

Nói thì buồn, chỉ xin số tiền làm vài mét đường thôi là ngành xuất bản sẽ có dăm tỉ làm sách ngay. Trong khi chúng ta để thất thoát lãng phí hàng trăm ngàn tỉ, làm ăn thua lỗ, tham ô... báo chí đăng hàng ngày. Tôi ước mơ chỉ cần 1% nho nhỏ trong những số ấy mà đầu tư cho sách thì quý hóa biết bao!

Chỉ là ước mơ thôi!

Hoài Hương (Thực hiện)