Cuộc tranh luận về những được và mất trong việc gia nhập TPP tại Nhật có thể được tóm gọn ở tính cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích khác nhau.
LTS: Với việc quyết định gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản đã chấp nhận đánh đổi sự bảo hộ đối với nền sản xuất nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ vốn chủ yếu dùng để phục vụ thị trường nội địa của Nhật Bản sẽ khó có thể tồn tại trước sức ép từ các đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, nhiều người đưa ra dự đoán về khả năng Nhật Bản sẽ phải tìm kiếm các đối tác tin cậy đảm nhận một phần của quá trình sản xuất các mặt hàng nông sản cho thị trường nội địa (outsourcing). Liệu Việt Nam với tư cách là một quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn đồng thời là một thành viên của TPP, có thể tìm kiếm lợi ích từ quá trình này?
Vào ngày 15/3/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố việc Nhật Bản chính thức tìm kiếm cơ hội tham gia vào quá trình đàm phán TPP. Tiếp sau đó, vào ngày 12/4/2013, Hoa Kỳ cũng chính thức công khai sự ủng hộ của mình với sự tham gia của Nhật Bản vào TPP. Đây là kết quả sau cùng của một loạt những thảo luận và đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đối với các vấn đề song phương nổi cộm giữa 2 bên nói chung cũng như vấn đề TPP nói riêng.
Mặc dù vậy, sự tham gia chính thức của nước Nhật vào quá trình đàm phán TPP chỉ mới trở thành hiện thực vào trung tuần tháng 7/2013 sau khi Hoa Kỳ đạt được sự thống nhất nội bộ giữa hành pháp và lập pháp. Trước động thái này, cả 11 nước đang tham gia đàm phán TPP đã thỏa thuận việc tổ chức vòng đàm phán TPP thứ 18 tại Malaysia, chào đón sự tham gia của thành viên thứ 12 – Nhật Bản. Kể từ thời điểm đó, các quan chức Nhật Bản đã có thể tiếp cận được với những văn kiện, tài liệu liên quan đến quá trình đàm phán đang diễn ra.
Trên thực tế, TPP đã trở thành đề tài thu hút được mức độ quan tâm chưa từng có trong công luận Nhật. Chính xác hơn, nó là một trong những chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ ở nước này. Chỉ riêng lợi ích kinh tế, TPP cũng đem đến những góc nhìn trái ngược. Cuộc tranh luận về những được và mất trong việc gia nhập TPP tại Nhật có thể được tóm gọn ở tính cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Nhóm khu vực thuộc các ngành công nghiệp chế tạo như ô tô, điện tử điện máy, vốn có tính cạnh tranh cao rất ủng hộ việc gia nhập TPP.
Trong khi đó những ngành công nghiệp thuộc khu vực kém tính cạnh tranh như nông nghiệp, y tế và tài chính tỏ ra khó chấp nhận việc bảo hộ sẽ bị xóa bỏ sau khi tham gia TPP. Nói cách khác, những khoảng cách về khả năng cạnh tranh giữa các nhóm ngành chính là những nguyên nhân cơ bản gây ra những khác biệt về quan điểm liên quan đến những ảnh hưởng về kinh tế mà việc tham gia TPP có thể tạo ra. Có thể kiểm chứng quan điểm này xung quanh một số động thái gần đây.
Vào tháng 6/2010, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) đại diện cho lợi ích của các tập đoàn lớn, đã trình một bản kiến nghị đến chính phủ đề nghị một chiến lược thương mại mới. Bản kiến nghị chỉ ra rằng chuỗi cung ứng của Nhật cần phải trải rộng ra khỏi khu vực châu Á, hướng đến châu Âu và Bắc Mỹ với tư cách là nơi tiêu thụ đầu cuối. Vì Hoa Kỳ xem TPP như một viên gạch quan trọng để hướng tới xây dựng Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), và chính nước này đang tham gia đàm phán TPP, Nhật cần phải xúc tiến ký kết hợp tác thương mại với Mỹ và tham gia TPP trước năm 2015.
Tháng 11/2010, Keidanren cũng đứng ra đề nghị chính phủ đẩy nhanh việc tham gia đàm phán TPP càng sớm càng tốt. Bên cạnh việc thúc giục chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất còn kêu gọi cải cách nông nghiệp nhằm cải thiện sức cạnh tranh của nó, đồng thời xem TPP như là một ngoại lực (Gaiatsu) để Nhật Bản tiến hành cải cách nông nghiệp.
Đáp lại, lập luận của các đại diện khu vực nông nghiệp đó là do TPP yêu cầu việc loại bỏ toàn bộ thuế quan, đồng thời diện tích đất trồng cũng như chi phí sản xuất, nông nghiệp tại Nhật không thể nào cạnh tranh được với Hoa Kỳ. Vì thế sẽ không có cơ hội nào cho nền nông nghiệp nước này khi tham gia TPP. Điều này có thể khiến hàng ngàn người mất việc làm và khả năng tự cung lương thực của Nhật cũng sẽ giảm, đe dọa an ninh lương thực.
Một số phân tích chỉ ra rằng việc mở cửa thị trường nông nghiệp không chỉ đơn giản đồng nghĩa với việc gia tăng khả năng mua lương thực từ Mỹ. Trong trường hợp của Canada và Mexico, khi hiệp định thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực, nông nghiệp Canada đã gần như rơi vào tầm quyền soát của các công ty nông nghiệp Mỹ, đồng thời khả năng tự cung lương thực của Mexico giảm từ 90% xuống còn 60%.
Đối với 12 hiệp định hợp tác thương mại trước đó, các đối tác của Nhật hoặc là có nền nông nghiệp không đáng kể, hoặc đã đạt được những thỏa thuận với nước này về việc xuất khẩu nông sản sang Nhật. Trái lại, TPP không cho Nhật Bản nhiều cơ hội để bảo hộ thị trường nông nghiệp nội địa. Theo những tính toán sơ bộ của Bộ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản, việc dỡ bỏ thuế quan có thể khiến khả năng tự cung lương thực giảm từ 40% xuống 14%, và có đến 3,4 triệu cơ hội việc làm có thể mất đi.
Tầm nhìn đối lập nhau về TPP của 2 nhóm lợi ích nói trên trong nền kinh tế Nhật Bản phản ánh thực tế những cơ hội cũng như khó khăn mà TPP đem đến cho nền kinh tế nước này. Một cách khái quát, Nhật Bản sẽ có cơ hội khai thác được những lợi thế xuất khẩu của mình ở khu vực sản xuất thế mạnh. Trong một thời gian dài, những lực lượng đã liên tiếp trì hoãn quá trình gia nhập TPP của Nhật Bản là các cá nhân và tổ chức thuộc khu vực nông nghiệp.
Bảo hộ nông nghiệp đã luôn là một vấn đề chính trị nội bộ gây tranh cãi của nước Nhật, không chỉ riêng với TPP mà hầu như tất cả các hiệp định mậu dịch tự do trước đó mà Nhật Bản có liên quan. Giới nông dân và Công đoàn hợp tác nông nghiệp Nhật Bản (còn được biết đến với cái tên Zenchu) đại diện cho một nhóm lợi ích có tầm ảnh hưởng rất đáng kể trong chính trường, cho dù đó là đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) hay đảng Dân chủ Tự do (LDP).
Lịch sử chính trường nước Nhật cho thấy bất kì chính trị gia Nhật Bản nào muốn củng cố vị trí của mình cũng đều phải cân nhắc kĩ khi thực hiện những quyết sách gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhóm này. Cả Thủ tướng Naoto Kan lẫn Thủ tướng Yoshihiko Noda đều đã phải nhượng bộ trước việc tham gia đàm phán TPP. Nhiều người cho rằng, nếu đương kim thủ tướng Abe không dựa vào sự ủng hộ rất lớn từ thành công bước đầu của Abenomics, nhiều khả năng đã không thể biến dự định gia nhập TPP của nước Nhật thành hiện thực.
Đồng thời, nền nông nghiệp trong nước gần như sẽ phải đối mặt với sức ép đến từ các thành viên khác của TPP. Đây gần như sẽ là khó khăn chính mà Nhật Bản phải giải quyết khi quyết định tham gia đàm phán. Bên cạnh việc tìm kiếm những thỏa thuận có lợi trong quá trình đàm phán, những thay đổi trong chính nền nông nghiệp Nhật cũng sẽ phải được tiến hành. Trong đó một số cải cách có thể đụng đến những yếu tố cốt lõi, từ lâu được xem là “bất kể xâm phạm” trong cơ cấu sản xuất kinh tế của nước này. Đó là khu vực nông nghiệp và sản xuất nông sản.
Kì 2: Bước đi nhỏ hay thay đổi cấu trúc sản xuất
Trương Minh - Nhật Anh - Đỗ Thiện