"Đã quyết là làm. Đã làm là phải tốt, để cho mọi người trên thế giới biết người Việt là như thế nào; rằng, người Việt có thể làm được bất cứ điều gì mà người khác làm" - lãnh đạo của Hiệp hội DN Việt Nam tại Kharkov nói.

Kỳ 1: Công dân hạng nhất và những người vì nước

Kỳ 2: Tượng Thánh Gióng sừng sững giữa trời Âu

Kỳ 3: 'Người Việt phải tập hợp nhau lại'

Kỳ 4: Nghe 'lơ lớ' vẫn thân thương lạ thường

Trong bối cảnh khó khăn chung, việc chăm lo để làm sao doanh nghiệp mình trụ được trên thị trường khó tính của nước bạn đã vô cùng gian nan, vất vả, nói gì đến việc... đầu tư về Việt Nam. Nhưng câu chuyện đầu tư vẫn được nói đến, trước hết và nổi bật nhất vẫn là tấm lòng của các doanh nghiệp Việt hướng về quê Mẹ.

Tại Gala Diner chào mừng Diễn đàn doanh nghiệp VN tại châu Âu lần thứ 7, có một "đám cưới" thật bất ngờ và thú vị. Đại diện hai họ nhà trai, nhà gái, cô dâu, chú rể, phù dâu, phù rể...chính là các đại biểu doanh nghiệp được chọn ra. Lễ mừng "đám cưới" cũng từ đây mà nên và xúc động thay, tiền mừng thu được tới gần 600 triệu VNĐ, được dành để mua bình lọc nước tặng bộ đội Trường Sa và xây "Nhà bán trú cho em".

Cũng tại đây, đại diện cho thế hệ thứ hai của cộng đồng người Việt tại Ucraina, bác sĩ Hoàng Mạnh Cường và thạc sỹ kinh tế Lê Diệu Linh đã bày tỏ ý chí và nguyện vọng được quan tâm, giúp đỡ, được học tập những kinh nghiệm quý của các lớp cha anh nhằm đem những kiến thức thu được trở về phục vụ quê hương, đất nước Việt Nam.

Tôi chú ý hơn cả ý kiến của đại biểu Phạm Minh Nam, chủ tịch Hội doanh nghiệp VN tại Anh. Ông Nam đến đất nước Anh xa xôi lập nghiệp với khó khăn chồng chất, không thể làm nổi một công việc gì, đến nỗi cùng đường phải chọn cái nghề mà ông ghét nhất trên đời là nghề may mặc, đù đó là nghề gia truyền của bố ông. Ngày đầu tiên đi thử việc, ông bảo suýt "đi" bàn tay vì không biết mô tê gì chiếc máy may công nghiệp (chả là ở VN chỉ quen đạp chân!).

{keywords}
Doanh nhân Phạm Minh Nam (ảnh phải)

Vậy mà ông và các cộng sự đã mày mò, phát huy tính khéo léo, chăm chỉ của người Việt, từng bước xây dựng cơ đồ. Cho đến nay sản phẩm may mặc và thời trang của ông đã nổi tiếng không chỉ ở Anh mà còn đi ra thế giới. Ông đã tìm con đường đầu tư về Việt Nam, liên kết với các công ty may lớn của VN để xây dựng 6 nhà máy may với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, thu hút đến 10.000 công nhân vào làm việc. Từ vỏn vẹn 10 đô-la HK, đến nay, doanh nghiệp của ông đã đạt doanh thu gần 100 triệu USD/năm.

Ông "Nam tỷ phú" đĩnh đạc khẳng định với các đại biểu rằng, trong cái khó sẽ luôn ló cái khôn để người Việt, cộng đồng doanh nghiệp Việt tìm ra con đường đi ngắn nhất, phù hợp nhất để kinh doanh và phát triển. Con đường đó có một hướng rất rộng mở là đầu tư về Việt Nam, khai thác những thế mạnh mà nơi khác không có được, là một trong những địa chỉ Tập đoàn New World Fashion Group do ông làm chủ tịch đã thực hiện rất thành công trong nhiều năm qua.

Không lên phát biểu giao lưu tại Gala Dinner lần này nhưng ai cũng biết những doanh nhân nổi tiếng từ Kharkov chính là những người đã làm được nhiều việc nhất trong quá trình đầu tư về Việt Nam. Ông bạn đi cùng chuyến bay với tôi từ Hà Nội đến Moscow rồi Kharkov kể, lần đầu tiên được nhìn thấy bản vẽ của Vinpearl Nha Trang chính là ở...Kharkov!

{keywords}

Bác sĩ Hoàng Mạnh Cường và thạc sỹ kinh tế Lê Diệu Linh (áo trắng, bên phải) trong gala dinner chào mừng Diễn đàn. Ảnh:Quehuongonline

Từ Kharkov, họ lần lượt trở về Nha Trang, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. "Đã quyết là làm. Đã làm là phải tốt, để cho mọi người trên thế giới biết người Việt là như thế nào; rằng, người Việt có thể làm được bất cứ điều gì mà người khác làm" - vị lãnh đạo của Sungroup đã nói như vậy lần chúng tôi cùng tới dự khánh thành tuyến cáp treo thứ hai Bà Nà - Đà Nẵng 4 kỷ lục thế giới. Họ đã làm được nhiều hơn thế và đang tiếp tục vượt khó để làm tiếp trong ngày một ngày hai tới.

Tuyến cáp treo mang theo một vài kỷ lục thế giới đang dần định hình ở Sapa, "tất nhiên, anh em chúng tôi sẽ mời nhà báo đến chứng kiến và đưa tin ạ" - anh Sơn, phó chủ tịch Sungroup hồ hởi nói.

Thế mới biết sức mạnh của người Việt, của cộng đồng doanh nghiệp Việt ở châu Âu và trên thế giới đang từng bước lớn mạnh và "vươn vai đứng dậy" để trở về quê Mẹ như thế nào qua thực tế cũng như qua Diễn đàn lần thứ 7 tại "thủ đô Kharkov".

Bây giờ là câu chuyện của ông Phạm Minh Nam, Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam...và ngày mai, ngày sau sẽ là câu chuyện trở về của Hoàng Mạnh Cường, Lê Diệu Linh, Lê Viết Lam Sơn...

Bùi Nam Sơn

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam