Không ít người thường hay mô tả Mỹ và Nga là hai đối thủ “nước lớn” chủ yếu trên chiến trường Syria từ hơn hai năm rưỡi qua. Còn đôi bên Syria trong cuộc nội chiến dường như chỉ là “công cụ” mà hai “ông lớn” này sử dụng để thực hiện một cuộc “chiến tranh mượn tay người bản địa”.
Thực tế diễn ra tại Syria kể từ tháng 3/2011 đến nay không hoàn toàn đúng như vậy.
Đôi bên Syria- chính quyền của tổng thống (TT) Basha’r al-Assad và các lực lượng đối lập không phải chỉ là những “công cụ” để “nước lớn” điều khiển. Họ đánh nhau thực sự, một mất một còn, dù có hay không sự can dự của “các ông lớn”.
Nga thế chân Liên Xô cũ trong quan hệ đồng minh gắn bó với Syria do dòng họ al-Assad lãnh đạo từ 1970 đến nay. Tại Syria, Nga vẫn có những lợi ích truyền thống quan trọng mà trước hết là một thị trường đều đặn cho vũ khí thông thường của Nga, kể cả các loại đã lỗi thời mà ngoài “chợ đen” ra, không có nơi nào tiêu thụ nữa. Cũng tại Syria, Nga còn có một căn cứ dịch vụ hải quân thuộc cảng Tartous ở duyên hải tây- bắc nước này. Đây cũng là điểm dừng duy nhất còn lại cho hạm đội Nga ở khu vực Địa Trung Hải. Nhưng cốt yếu hơn cả là Nga không còn chỗ đứng chân nào khác ở Trung Đông, ngoài Syria, sau khi chế độ Muama’r Qaddafi bị xoá sổ tại Libya hồi cuối năm 2011.
Trên bình diện công khai, Mỹ bị chính quyền Syria của TT al-Assad coi như “thù địch”, bởi Mỹ che chở cho Israel đang chiếm đóng cao nguyên Golan của Syria và lãnh thổ Palestin. Nhưng Mỹ và Syria vẫn tồn tại quan hệ ngoại giao chính thức cho đến giờ này. Từ 2005 đến trước khi nổ ra biến động “Mùa xuân Arab” đầu 2011, Mỹ và Syria đã có nhiều bước đi theo hướng cải thiện quan hệ rõ rệt, trong đó có việc đại sứ Mỹ trở lại nhiệm sở ở Damas sau nhiều năm vắng bóng.
Đối với Mỹ, chính quyền Syria của al-Assad không phải là mối đe doạ và cũng không phải là lực cản đáng kể đến mức cần phải loại bỏ. Hơn nữa, nếu chế độ al-Assad đổ, thì chưa chắc một chính quyền mới tại Syria sẽ duy trì biên giới yên bình với Israel như vẫn yên bình từ 1973 đến nay. Như vậy, cả về lợi ích an ninh của Mỹ và lợi ích ổn định của Israel, chính quyền al-Assad đều không phải là mối đe doạ.
Với phe đối lập Syria, Nga và Mỹ cũng có chung mối lo ngại. Nga không muốn phe đối lập thắng, trước hết vì như thế Nga sẽ mất trắng! Nhưng điều mà Mỹ có thể cùng cảm thông với Nga là lo ngại thế lực Hồi giáo cực đoan trong phe đối lập Syria có thể khống chế chính quyền mới ở nước này nếu chế độ al-Assad sụp đổ. Một hình thái tương tự đã diễn ra tại Ai Cập, Tunisia khi phong trào Anh Em Hồi giáo trở thành cầm quyền. Nhưng tình hình Syria sẽ còn tệ hơn thế, bởi đã có lực lượng khủng bố (tổ chức al-Qa’eda Iraq và nhóm Mặt trận Nusra Syria...) tham chiến trong thành phần lực lượng đối lập. Nga và Mỹ đều mong muốn ngăn chặn tình trạng đổ vỡ hỗn loạn xảy ra tại Syria một khi chế độ al-Assad sụp đổ ngoài tầm kiểm soát quốc tế. Một hình thái tương tự đang diễn ra tại Libya sau khi nhà nước Qaddafi bị xoá sổ. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra tại Syria thì sẽ nguy hiểm hơn nhiều, bởi Syria có biên giới chung với Israel.
Không ít người cứ nghĩ rằng Mỹ đã và đang hết lòng trợ giúp phe đối lập Syria nhằm lật đổ al-Assad càng nhanh càng tốt. Nhưng thực tế không diễn ra như vậy.
Cho đến nay, Mỹ cũng mới có những động thái đầu tiên trực tiếp cung cấp “thiết bị quân sự phi sát thương” cho một số nhóm ôn hoà thuộc lực lượng vũ trang đối lập. Dư luận Arab nói chung đều rất thất vọng với thái độ lừng khừng của Obama trong các quyết định trợ giúp cho phe đối lập. Khu vực Arab vùng Vịnh, cả chính giới và công luận tỏ ra rất bất bình khi Obama quyết định ngưng “hành động quân sự” đánh Syria. Nhiều bài bình luận trên các báo lớn của Arab mô tả Obama như một lãnh tụ không quyết đoán, thậm chí “bị Putin xỏ mũi” (!). Nhưng TT Mỹ có cớ để hành động như vậy, bởi quốc hội và cử tri Mỹ chưa thấy “lợi ích quốc gia” của Mỹ ở đâu khi Mỹ phát động chiến tranh (hạn chế) đánh Syria!
Vì cùng chung lo ngại như vậy, nên Mỹ và Nga “gặp nhau” ở ý tưởng “Geneve 1” hồi tháng 6/2012 và “nâng cấp” thành “Geneve 2” từ tháng 5 năm nay. Nội dung căn bản của cả “Geneve 1” và “Geneve 2” là một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến tại Syria, chấm dứt xung đột quân sự, thành lập chính phủ chuyển tiếp với sự tham gia của cả chính quyền Syria và phe đối lập, tiến tới bầu cử dân chủ để lựa chọn chế độ mới và tổng thống mới.
Ý tưởng khởi động lại tiến trình “Geneve 2” bùng lên sau khi Nga đưa ra sáng kiến đặt vũ khí hoá học của Syria dưới sự giám sát quốc tế và TT Mỹ dựa vào đó để quyết định ngưng “hành động quân sự” tưởng chắc chắn xảy ra đến nơi! Thoả thuận ngày 14/9 tại Geneve giữa ngoại trưởng Mỹ John Kerry với ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về đặt vũ khí hoá học của Syria dưới sự giám sát quốc tế cũng đã nhắc tới “Geneve 2”. Chắc chắn nội dung này sẽ còn được tập trung kiến tạo khi nhiều nguyên thủ quốc gia liên đới gặp nhau tại New York vào những ngày này, nhân dịp cùng đến dự khai mạc khoá họp hằng năm thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Mỹ và Nga cũng đồng quan điểm với nhau về giải giáp vũ khí hoá học của Syria. Đây thực ra là lập trường nguyên tắc chung của các nước lớn, tuy mỗi nước có mục tiêu cụ thể của mình. Triều Tiên hay Iran đều bị các nước lớn, cả thù địch và “đồng minh” ngăn cản nếu muốn sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt hay tên lửa đạn đạo. Không “ông lớn” nào để yên cho các quốc gia “dưới trướng” của mình vũ trang “nanh vuốt” để có thể qua mặt hoặc vuột tầm kiểm soát của “ông lớn”.
Mặt khác, Nga cũng lo ngại vũ khí hoá học có thể lọt vào tay khủng bố, bởi Nga cũng bị khủng bố Hồi giáo ngay trong nước họ đe doạ. Vì thế, có thể tin rằng Nga thực tâm trong việc gây áp lực buộc Syria phải tuân thủ đặt vũ khí hoá học của họ dưới sự kiểm soát quốc tế mà Nga là một bên tham gia kiểm soát. Có rắc rối chăng là Nga sẽ tận dụng thế nào “vấn đề vũ khí hoá học Syria” như một lá bài chủ để mặc cả với Mỹ và phương Tây để đảm bảo vị thế của Nga tại Syria trong tương lai.
Nhưng cuộc xung đột tại Syria rất phức tạp. Có thể nói cả Mỹ và Nga đều không có vai trò chi phối quyết định trên thực địa của cuộc nội chiến. Đôi bên tranh chấp một mất một còn tại Syria đều có trợ giúp mang tính quyết định từ hai thế lực lớn trong khu vực. Iran bảo trợ chính cho chế độ của TT al-Assad. Còn phe đối lập thì được sự giúp đỡ tối đa của Arab vùng Vinh, mà nổi bật nhất là Saudi Arabia, Qatar và Emerat. Bởi thế, mọi giải pháp quốc tế đều sẽ vô hiệu nếu không có sự thoả thuận của cả hai thế lực khu vực này.
Bài cùng tác giả Mùa xuân Arab sau một năm nhìn lại Những biến động chính trị- xã hội đột ngột bùng phát tại khu vực Arab tới nay vừa tròn một năm. Mùa xuân Arab: Nguyên nhân nội tại và những kết thúc khác biệt Biến động “mùa xuân Arab” nổ ra tập trung nhất ở 5 quốc gia là
Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya và Syria. Có thể nói 5 quốc gia lâm vào
“mùa xuân Arab” đều là các nền cộng hoà- chế độ chính trị- xã hội tân
tiến hơn so với các quốc gia Arab khác còn giữ chế độ quân chủ. |
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam