Rõ ràng có một mối quan ngại chi phối tổng thống Obama hơn hết thảy: vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
Ngày 23/9, khi Tổng thống Barack Obama tới New York dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, cả thế giới hồi hộp dõi theo cách thức ông xử lý các cuộc khủng hoảng đang âm ỉ tại Syria và Iran. Liệu ông có bắt tay tân tổng thống Iran, Hassan Rouhani? Liệu ông có thể xúc tiến ngoại giao nhằm mục đích kết thúc cuộc nội chiến Syria?
Câu trả lời vẫn chưa sáng tỏ. Tuy nhiên, việc Syria và Iran nằm ở vị trí hàng đầu trong nghị trình của Obama đang dần cho thấy một sự thật cốt lõi về nhiệm kỳ tổng thống của ông. Rõ ràng có một mối quan ngại chi phối ông hơn hết thảy: vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
Không dễ để chỉ ra một học thuyết trong chính sách ngoại giao của Obama. Năm 2009, ông nhậm chức với hình ảnh một người hòa giải, chìa tay ra với các đối thủ và đề nghị một kỷ nguyên hợp tác mới. Sau đó là cuộc truy bắt không khoan nhượng nhằm vào lực lượng khủng bố, thể hiện qua việc ông tăng cường binh sĩ tới Afghanistan và mạnh tay thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Rồi trong một khoảng thời gian, sự can thiệp của Obama vào Libya đã khiến dấy lên những đồn đoán về kỷ nguyên mới của chủ nghĩa can thiệp tự do. Nhưng sau đó suốt nhiều tháng, Obama lại tránh mọi can thiệp vào nội chiến ở Syria, ngay cả khi đã có hàng chục nghìn người tử vong.
Không có mối liên hệ nào xuyên suốt những hành động trên. Nhưng những gì diễn ra tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York cho thấy - cũng giống như người tiền nhiệm George W. Bush - Obama coi phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như một mối đe dọa bao trùm đối với nước Mỹ, và là cái cớ thuyết phục nhất cho việc sử dụng vũ lực.
Ý tưởng này đã được vạch ra trong chiến lược an ninh - quốc gia chính thức của Chính quyền Obama. Tài liệu này giải thích rõ: "Không có mối đe dọa nào đối với người dân Mỹ lớn hơn vũ khí hủy diệt hàng loạt".
TT Obama phát biểu tại cuộc họp |
Quan điểm đó lý giải tại sao Obama, sau nhiều tháng từ chối can thiệp vào Syria, lại tiến sát đến một hành động quân sự sau vụ tấn công vũ khí hóa học ở Damascus hồi tháng 8. Obama nhấn mạnh, nước Mỹ không thể nhắm mắt làm ngơ trước việc sử dụng WMD ở bất cứ nơi đâu.
"Không chống lại vụ sử dụng vũ khí hóa học này sẽ làm suy yếu các luật cấm sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác", Obama giải thích trong bài phát biểu trước toàn thể người dân Mỹ ngày 10/9 mới đây.
Obama thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi đề cập tới vũ khí hạt nhân: "Mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Mỹ, cả ngắn hạn, trung và dài hạn, là khả năng một tổ chức khủng bố sở hữu được một vũ khí hạt nhân", ông chủ Nhà Trắng phát biểu hồi tháng 4/2010.
Điều đó giúp giải thích những lo ngại sâu sắc của Obama về chương trình hạt nhân Iran, và việc ông đe dọa dùng vũ lực để ngăn chặn nó. Obama từng cảnh báo không chỉ về những hiểm họa của việc vũ khí hạt nhân nằm trong tay một chính quyền Iran chống Mỹ, mà còn cả về nguy cơ một quả bom nguyên tử sẽ khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông, mà rốt cuộc sẽ dẫn tới một nguy cơ phổ biến vũ khí nguyên tử vô cùng nghiêm trọng.
"Một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực sẽ gây bất ổn sâu sắc", Obama phát biểu trên đài ABC hồi đầu tháng 9. Nước Mỹ có rất nhiều bất đồng nặng nề với Iran - từ việc nước này ủng hộ du kích Hezbollah cho tới việc họ từ chối công nhận Israel. Nhưng chính vấn đề hạt nhân mới khiến Obama áp đặt các đòn trừng phạt gay gắt và làm quân đội Iran suy yếu.
Mối quan ngại vũ khí hạt nhân cũng đã chi phối chính sách ngoại giao của Obama ở nơi khác. Các tài liệu mật mà Edward Snowden mới tiết lộ cho thấy nỗi ám ảnh mà các cơ quan tình báo Mỹ với Pakistan. Họ đã chi hàng tỷ đôla mỗi năm để cố nắm bắt các chi tiết về kho vũ khí hạt nhân của Pakistan, được cho là bao gồm không chỉ hàng chục vũ khí hạt nhân mà còn nhiều vũ khí hóa học và sinh học.
Do mức độ tiếp cận của các phần tử khủng bố thuộc tổ chức al-Qaeda với các vũ khí này, "Không một nước nào thu hút sự chú ý nhiều như Pakistan", Washington Post đưa tin ngày 2/9.
Chính sách "tái khởi động" của Obama với Moscow ban đầu được chi phối bởi mục đích thúc đẩy cắt giảm các kho hạt nhân của Mỹ và Nga, một bước chủ chốt hướng tới mục tiêu về một thế giới phi hạt nhân mà Obama đã nêu trong bài phát biểu đầu tiên ở nước ngoài trên cương vị Tổng thống, tại Prague, và hiện vẫn là một ưu tiên quan trọng của ông.
Trong khi đó, Obama chứng tỏ ông ít quan tâm hơn đến các nước bất ổn nhưng không tạo ra mối nguy về WMD. Ông vui vẻ rút quân Mỹ khỏi Iraq và đang thoái dần khỏi Afghanistan - hai nước không có vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học.
Năm 2002, trong khoảng thời gian trước cuộc chiến Iraq, mối nguy về vũ khí hủy diệt hàng loạt là chủ đề nòng cốt trong bài diễn văn của Tổng thống Bush trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. "Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là bọn khủng bố sẽ tìm ra đường tắt cho các tham vọng điên rồ của chúng, khi một chế độ ngoài vòng pháp luật cung cấp cho chúng các công nghệ để giết người hàng loạt", ông Bush nói hồi tháng 9 năm đó.
Hơn một thập niên sau, một Tổng thống rất khác của Mỹ lại có phần lớn
những suy nghĩ giống như vậy khi có mặt tại Liên hợp quốc trong tuần
này.
Sam Nguyễn (Theo TIME)
----
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam