Những tín hiệu trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cho thấy một tương lai hứa hẹn hơn. Rất có thể Mỹ sẽ hợp tác cùng Đại hội đồng với những cam kết hòa bình và bền vững cho vấn đề Syria. Đâu là giải pháp thật sự hiệu quả cho tương lai Syria?

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 68 đã được khởi động tại New York. Cuộc họp cấp cao sẽ kéo dài từ ngày 24/09/2013 đến hết ngày 01/10/2013. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc thực hiện những mục tiêu dài hạn như Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), Chương trình nghị sự Phát triển của Liên hợp quốc sau năm 2015 và Mục tiêu Phát triển Bền vững. Tuy nhiên ngay từ những ngày đầu, phiên họp đã nóng lên với các vấn đề ở Trung Đông mà trọng tâm là cuộc chiến ở Syria. Những ý kiến thảo luận và giải pháp đã được đưa ra, nhưng tất cả liệu có hiệu quả trong việc chấm dứt tranh chấp?

Trước đó, việc giải quyết tranh chấp ở Syria dường như đã lâm vào bế tắc. Hoà giải viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria – Lakhdar Brahimi đã gần như thất bại trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh, và đi đến quyết định từ chức vào tháng 5/2013.

{keywords}

Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng sẽ đưa vấn đề này lên Quốc hội, ông Obama đã có lời kêu gọi Brahimi thực hiện nỗ lực cuối cùng cho một phương án ngoại giao bên lề khủng hoảng. Tiếp đó, Brahimi đã có nhiều cuộc trò chuyện về sự cần thiết phải kiềm chế và thoả hiệp ở Syria. Thế nhưng khả năng đàm phán thực sự giữa chính phủ Syria và quân nổi dậy vẫn còn rất xa vời.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 68 ngay lập tức đã đưa vấn đề này lên bàn nghị sự và cân nhắc những phương pháp giải quyết. Bàn về giải pháp chính trị cho tình hình Syria, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã tuyên bố sẽ có cuộc gặp gỡ đặc biệt với ông Lakhdar Brahimi cùng Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nga trong thời gian tới. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Rosemary Dicarlo cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, sự giải quyết này cho thấy một thông điệp rõ ràng rằng giải pháp chính trị mà tất cả chúng ta tìm kiếm là cách tốt nhất để kết thúc sự đau khổ của người dân Syria”.

Theo tinh thần đó, Liên Hợp Quốc sẽ đưa ra một bản yêu sách cho chính phủ Syria như chính quyền Syria phải ngay lập tức phóng thích hàng ngàn tù nhân chính trị, tạo mọi điều kiện thông tin để cung cấp cho Uỷ ban Quốc tế điều tra về vi phạm nhân quyền. Đáng chú ý là việc cứu trợ nhân đạo cho nhân dân Syria, đặc biệt là trong khu vực phiến quân kiểm soát mà chỉ có thể tiếp cận được bằng cách băng qua vùng lãnh thổ xung đột, hoặc thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Nghị quyết cũng yêu cầu một nhà nghiên cứu nhân quyền đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đệ trình một bản báo cáo về tình trạng của thường dân Syria trong vòng 90 ngày. Nó cũng yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon báo cáo về việc thực hiện giải quyết trong vòng 30 ngày.

Nghị quyết này đã được thông qua với số phiếu áp đảo 107-12 (với 59 phiếu  trắng). Điều đó cho thấy khoảng cách khá xa giữa Mỹ và Nga cùng với các quốc gia ủng hộ trong cuộc đua đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập về quá trình chuyển đổi chính trị.

Tuy các biện pháp được đưa ra không có ý nghĩa ràng buộc về mặt pháp lý đối với Syria, nhưng nó sẽ gia tăng tình trạng cô lập của nước này nếu như chính phủ Syria kiên quyết không làm theo. Trong tình trạng đó, Damascus sẽ phải tiếp tục đối mặt với sự giám sát cao độ tại LHQ.

Phản hồi lại Nghị quyết, Damascus và các đồng minh chính trị (bao gồm cả Bắc Kinh, Moscow và Tehran) đã lên án các biện pháp một chiều, cho rằng bất kỳ quyết định về tính hợp pháp của lãnh đạo Syria phải được sự đồng ý của chính Syria. Họ tuyên bố rằng việc không đề cập đến những hành động cực đoan hay những chuỗi tấn công khủng bố chống chính phủ từ phe đối lập là không công bằng đối với chính phủ Syria. Trong khi chính Liên Hợp Quốc đã yêu cầu  tất cả các bên ngăn chặn việc vi phạm nhân quyền.

Một tương lai mới cho Syria

Có thể nói các nhân tố cầm chịch trong ván bài Syria chính là các cường quốc. Tổng thống Obama đã nhấn mạnh tại cuộc họp Đại hội đồng rằng: “Nếu chúng ta không thể thống nhất về vấn đề Syria, điều này đồng nghĩa với việc Liên Hợp Quốc không có khả năng thực thi những điều cơ bản nhất của luật pháp quốc tế”. Ngoài ra, Tổng thống Obama còn kêu gọi Nga và Iran dừng hỗ trợ Syria và không loại trừ khả năng Mỹ sẽ buộc phải dùng vũ lực.

Mặc dù không có những chuyển biến  đặc biệt, cán cân có vẻ đang nghiêng về phía Mỹ. Tình trạng không mong đợi nhất là Syria thông qua sự hỗ trợ của các đồng minh sẽ “hồi phục” nhanh chóng. Vấn đề Syria là thách thức cho sự đồng thuận, khả năng hợp tác trong quan hệ quốc tế và xu thế hòa bình của nhân loại. Giải pháp cho vấn đề Syria cũng sẽ tạo nên “tình thế lưỡng nan an ninh” (security dilemma) cho Mỹ: đảm bảo hòa bình Trung Đông hay một kết cục “sa lầy” tại chiến trường Afghanistan mà người tiền nhiệm hẳn chưa thể quên.

May mắn thay, Tổng thống Obama đã “trấn an” gần 130 nhà lãnh đạo của 192 quốc gia thành viên còn lại rằng “hành động quân sự sẽ không đạt được hòa bình lâu dài và rằng bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Mỹ, không nên xác định ai sẽ lãnh đạo Syria – điều đó sẽ do nhân dân Syria quyết định”. Những tuyên bố và cam kết của Tổng thống Obama đã mang hàm ý về một cách tiếp cận ôn hòa hơn của Nhà trắng.

Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh rằng “chúng ta không còn trong thời kỳ chiến tranh Lạnh”. Và Mỹ chỉ quan tâm đến đời sống nhân dân Syria, sự ổn định khu vực, loại trừ vũ khí hóa học và nỗ lực ngăn chặn Syria trở thành “thiên đường khủng bố”. Mỹ cũng bày tỏ thiện chí cam kết hỗ trợ một khoản 340 triệu đôla để giúp người dân Syria xây dựng lại đất nước. Đặc biệt, Nhà trắng kêu gọi các quốc gia trên thế giới đáp ứng nhu cầu nhân đạo cho Syria và các quốc gia lân cận.

Những tín hiệu trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cho thấy một tương lai hứa hẹn hơn. Rất có thể Mỹ sẽ hợp tác cùng Đại hội đồng với những cam kết hòa bình và bền vững cho vấn đề Syria. Đâu là giải pháp thật sự hiệu quả cho tương lai Syria? Theo sau những tín hiệu ôn hòa của Nhà trắng, phải chăng là sự hợp tác và sáng kiến của các nhà lãnh đạo còn lại?!

Tâm Sáng –Hải Yến