-Sẽ dễ dàng hơn cho các nhà ngoại giao nếu họ nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn to lớn từ trong nước. Chính vì vậy, với thực lực vượt trội, các nước lớn thường tỏ ra lấn lướt trong các cuộc đàm phán. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Ai cũng biết các động thái ngoại giao có thể ngăn một cuộc chiến tranh. Điều đó thể hiện rõ trong nỗ lực của các bên hiện nay liên quan đến tình hình Syria. Giả thử Nga, Mỹ, Syria không nhất trí phương án giải giáp vũ khí hóa học, khả năng sử dụng vũ lực sẽ là rất cao.

Đàm phán Paris kết thúc chiến tranh Việt Nam đã trở thành một điển cứu trong giáo trình chính trị học quốc tế. Được thừa nhận và tôn vinh, ngoại giao không chỉ ngăn ngừa mà còn giúp chấm dứt chiến tranh.

Ngọn đèn lịch sử

Vậy sức mạnh ngoại giao thể hiện ở đâu? Lẽ dĩ nhiên nó phải bắt nguồn từ nội lực bên trong của một quốc gia, bởi sẽ dễ dàng hơn cho các nhà ngoại giao nếu họ nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn to lớn từ trong nước. Chính vì vậy, với thực lực vượt trội, các nước lớn thường tỏ ra lấn lướt trong các cuộc đàm phán.

Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các nước nhỏ đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang trên bàn đàm phán. Đó là câu chuyện của Việt Nam trong nỗ lực xuất chúng kết thúc chiến tranh, Singapore giành giữ các lợi ích không tưởng về kinh tế-thương mại, Ba Lan không ít lần đàng hoàng đóng vai trò người hỗ trợ hậu chiến quốc tế, tất cả đều trước, cùng và thậm chí trong thế đương đầu với các nước lớn hơn.

Ngoại giao bao gồm nhiều định nghĩa, nhưng cũng như chính trị, nó là tất cả những gì thuộc về nghệ thuật của các khả năng. Các bài diễn văn là một trong những “bộ môn nghệ thuật đó”. Vận mệnh, khắc mệnh hay tương mệnh của các dân tộc không hiếm khi được quyết định trong một khán phòng.

Người ta sẽ không bao giờ quên bài diễn văn hùng biện “14 điểm” năm 1918 của Woodrow Wilson, tạo tiền đề cho sự ra đời của Hội quốc liên, tiền thân của Liên hợp quốc.

ASEAN sẽ còn mãi nhớ tới lời phát biểu của Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonhavan “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”, góp phần xóa mờ ranh giới chia cắt địa chính trị Đông Nam Á trong thập niên 80 của thế kỷ trước.

Hàng chục bài phỏng vấn quốc tế của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch sau năm 1989 đã gây ấn tượng mạnh không chỉ trong lòng bạn bè quốc tế mà còn cảm hóa những người ở phía bên kia khi bóng đen bao vây cấm vận còn phủ kín. Ông không ngại ngần vận dụng ngay cả lời nói của “đối thủ” về khả năng chung luôn có “ánh sáng ở cuối đường hầm”.

Lịch sử cho thấy diễn văn ngoại giao là hợp phần xứng đáng của sức mạnh mềm như quan điểm được chia sẻ rộng rãi của Joseph Nye. Tôn Tử cũng nói đỉnh cao của quan hệ bang giao là “không đánh mà thắng”.

Điểm sáng hiện tại

Gần đây, các bài diễn văn đối ngoại Việt Nam đã đem đến nguồn cảm hứng mới trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức, thời cuộc diễn biến phức tạp, khó lường, dung sai chiến lược dường như đã nhỏ đi.

Tháng 7/2013, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược-Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm nhiều cử tọa, bao gồm nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu, bất ngờ thích thú và hưởng ứng với câu hỏi: có ai chỉ được cho chúng tôi đâu là cơ sở của ‘đường lưỡi bò’ không?

Tại Shangri La, hiệu ứng “lòng tin chiến lược” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ngay lập tức khiến cộng đồng khu vực, quốc tế thấy một hình ảnh Việt Nam, dù gặp nhiềc thách thức, vẫn tỏ rõ vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm hơn đối với các công việc chung.

Tương tự như vậy, diễn văn của người đứng đầu Chính phủ tại khóa họp 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/9/2013 đã vượt lên trên khuôn sáo của bài phát biểu thông thường. Không chỉ cung cấp các diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình an ninh và phát triển toàn cầu, bằng những ví dụ và con số sinh động, bài diễn văn còn thể hiện nhất quán những quan điểm cơ bản của nền ngoại giao Việt Nam trong nỗ lực hội nhập đất nước với những chuẩn mực của thời đại.

Đó là việc đề cao luật pháp quốc tế, nguyên tắc ứng xử chung, bình đẳng và công lý cho mọi quốc gia, tiêu biểu như ở Biển Đông hay việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Bình đẳng bởi vì các quốc gia dù nhỏ cũng có thể có những đóng góp đáng ghi nhận như vai trò của Việt Nam trong việc góp phần bảo đảm an ninh lương thực của thế giới. Công lý là những quốc gia giàu hơn, mạnh hơn, các nước lớn phải đáp ứng được kỳ vọng thể hiện trách nhiệm tương xứng hơn cho các nỗ lực chung của nhân loại. Đi ngược lại những điều đó sẽ làm mất đi hình ảnh quốc gia, một hợp phần thiết yếu của sức mạnh mềm trong thời đại truyền thông và thức tỉnh lương tri.

Tương tự,  bài phát biểu của Thủ tướng tại Paris, nhân dịp hai nước thiết lập “Đối tác chiến lược” đã phản ánh đúng tinh thần lịch sử quan hệ song phương, từ những thời kỳ khó khăn nhất, những câu chuyện tích cực như về bác sĩ Yersin, đến những hợp đồng trị giá hàng tỷ Euro và tinh thần hữu nghị, tin cậy mới. Đáng chú ý, ngôn ngữ của nó không nhằm tái tạo lịch sử bằng các sự kiện khô khan. Trái lại, câu chữ của bài diễn văn đó đã ví quan hệ hai nước như biểu tượng “con tầu đang căng buồm lướt sóng” của Paris, dù có trải qua bão tố cũng sẽ cập bến thành công, nếu được dẫn đường bằng những hành động tỉnh táo ở hiện tại, những bài học quý từ quá khứ và viễn kiến vì một tương lai nhân văn chung.

Trong “kỷ nguyên ánh sáng” (Bill Gate), các cử chỉ và biểu tượng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đó cũng là điểm xuyên suốt trong các tác phẩm gây tiếng vang gần đây của nhà văn, nhà biểu tượng học Dan Brown. Người ta luôn phải trả giá đắt để tìm lại những “biểu tượng đã mất”.

Sức mạnh mềm bao gồm những giá trị phi vật chất. Ý nghĩ và sự tưởng tượng ngay lập tức có thể đưa con người đến mặt trăng. Thực tế là con người đã đặt chân đến mặt trăng, bắt đầu từ những suy nghĩ điên rồ và viễn vông nhất. Là phạm trù thuộc giao tiếp, nghệ thuật và chính trị, ngoại giao là kênh khuếch đại. Bỏ lỡ nó là tự tước đi một nguồn sức mạnh không giới hạn, ẩn chứa trong mọi cá thể chính trị. Tận dụng nó, các quốc gia được chắp thêm đôi cánh.

Những bài diễn văn ngoại giao gần đây của các nhà lãnh đạo Việt Nam một lần nữa cho thấy nhận thức đó đã trở thành hành động cần thiết trong bối cảnh Việt Nam, cộng đồng khu vực, quốc tế cần thêm niềm tin. Thái độ lạc quan, những cách làm riêng mới cần được cổ vũ, nhưng trên hết để thành công chúng phải nhất quán, phù hợp với những nguyên lý phổ quát dẫn dắt toàn nhân loại.

Thạch Hà

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam