Hồi đó, không nhiều người để tóc dài nghệ sỹ như thầy. Mắt sáng, giọng ấm và vang. Thầy giảng thơ, đọc thơ cả lớp không biết quá giờ lúc nào và phía ngoài cửa, sinh viên lớp dưới, lớp trên xúm hết ba phía phòng học cũng… chưa về!

>> Giáo sư Hoàng Như Mai: Bản lĩnh để sống một đời

>> Trần Đình Hượu, người đi ngược đám đông

Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm cuối 70, đầu 80 thế kỷ trước, có nhiều môn học khi thầy kết thúc bài giảng, tiếng vỗ tay hoan hô như sấm. Đó là khi thầy Nguyễn Lộc giảng Truyện Kiều, thầy Lê Đức Niệm “nhập môn” Văn học Trung Quốc, thầy Trần Đình Hượu giảng Nho giáo…

Và những giờ giảng Thơ Mới của thầy Hoàng Như Mai.

{keywords}
GS Hoàng Như Mai. Ảnh: Như Hùng/TTO

Tôi vẫn còn nhớ rõ một bài giảng về Thơ Mới của thầy Hoàng Như Mai ở giảng đường chính Hội trường lớn Mễ Trì. Thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử…qua giọng đọc, lời bình giảng của thầy làm sống lại một giai đoạn văn đàn rực rỡ. Ai cũng có cảm tưởng, thầy chính là một thi sỹ Thơ Mới đang tâm sự, giãi bày về tình yêu, về cuộc sống, về vẻ đẹp bất tận của sáng tạo thi ca.

Khoa Ngữ Văn hồi đó đã lần lượt mời Xuân Diệu, Huy Cận… nói chuyện về Thơ Mới và các thi sỹ ấy đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên yêu thơ. Nhưng chắc chắn, những bài giảng đầy truyền cảm của thầy Hoàng Như Mai về Thơ Mới sẽ mãi là “món bổ” duy nhất không bao giờ tìm lại được, có lại được.

Những giờ học lý thú ấy trong đời sinh viên, mới đó mà đã lùi xa hơn ba chục năm trời!

Và mới hôm qua thôi, dòng tin buồn ngắn ngủi trên báo chí, rằng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai vừa ra đi ở tuổi 95.

Ừ, thầy Hoàng Như Mai, nhiều thế hệ sinh viên vẫn gọi giản dị như thế. Hồi đó, không nhiều người để tóc dài nghệ sỹ như thầy. Mắt sáng, giọng ấm và vang, thầy giảng thơ, đọc thơ cả lớp không biết quá giờ lúc nào và phía ngoài cửa, sinh viên lớp dưới, lớp trên xúm hết ba phía phòng học cũng… chưa về!

Một lần, thầy Trần Đình Hượu nói với chúng tôi, đại ý là, Trường Tổng hợp nói cho cùng là không thể trang bị đầy đủ kiến thức cho sinh viên tốt nghiệp, mà chỉ trang bị phương pháp luận, để khi vào đời, ai cũng có thể tiếp tục học và làm, vận dụng linh hoạt vào công việc được giao.

Thầy Trần Quốc Vượng ở Khoa Sử, nhưng dạy chuyên đề Văn hóa cho sinh viên Văn và rất hay trò chuyện với mọi người. Lúc chúng tôi gần tốt nghiệp, thầy Vượng nói “Ra trường làm gì cũng được, đá bóng cũng được, nhưng dứt khoát phải giỏi”.

Quả vậy, học là một chuyện, còn làm được hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Lớp tôi, các bạn học giỏi nhất được giữ lại trường, về Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ học; còn lại thì như chim tung bay đi tìm việc khắp mọi miền, làm đủ mọi việc khác nhau. Có người thành đạt, giỏi như thầy Trần Quốc Vượng nói, có người không thấy tăm tích bài vở văn vẻ gì.

{keywords}

Ảnh thầy trò khoa Ngữ Văn dịp kỷ niệm 55 năm thành lập. Ảnh: Châu Phú


Ngày kỷ niệm thành lập Khoa Ngữ Văn hay Trường Tổng hợp, chúng tôi vẫn tìm về thăm thầy, gặp bạn. Nhưng không bao giờ đủ, vì nhiều lẽ. Không nói hết. Không nói được.

Ra trường, bạn nào làm tiếp thạc sỹ, tiến sỹ, còn ôm mộng văn chương …thì còn có cơ hội được học thầy, gặp thầy, trực tiếp hay gián tiếp qua…sách báo, tivi. Nói chung là thầy đi tìm trò khi về công tác các địa phương, tranh thủ dạy tại chức, tham gia hội đồng chấm luận án gì gì đó, hoặc đưa sinh viên đi thực tế.

Có lần thầy Bùi Việt Thắng làm một chuyến chu du miền Trung, đến đâu cũng gặp “các chàng nàng Văn khoa một thuở”. Đủ mọi cung bậc tình cảm thầy trò sau bao ngày gặp lại. Vui nhất vẫn là chuyện một cựu sinh viên Văn ta phấn khởi mời thầy đi…xem bóng đá trên sân Vinh. Lại còn được bố trí ngồi cạnh, nghe anh này gào thét tường thuật trực tiếp trận đấu chém chặt “hay mọi nhẽ” như trong truyện của Nguyễn Công Hoan.

Về Hà Nội, thầy Thắng viết một bài ghi chép mấy nghìn chữ, đoạn nghe xem đá bóng được mô tả là “vẫn có những người hàng ngày, hàng giờ phấn đấu để vượt qua cái…khí chất ngùn ngụt tỉnh lẻ!”

Điều thầy Vượng nói vui vậy mà hóa ra lại “vận” đúng vào môn-tường-thuật-bóng-đá-tỉnh-lẻ ấy!

Một người đàn anh khóa trước có lần hỏi tôi “Chú còn giữ được chút gì Khoa Ngữ Văn không?”. Tôi im lặng bẽn lẽn. Hết giá lương tiền một thuở, lại đến khủng hoảng toàn cầu, văn chương nào có nên nổi gì đâu. Có lẽ “chữ thầy mình đã trả đủ cho thầy”.

May sao, mình và bạn bè vẫn còn biết và im lặng ngậm ngùi khi được tin thầy Trần Đình Hượu qua đời  gần đây. Vẫn biết tin bạn bè và học trò đã góp công xuất bản sách “Nho giáo” tâm huyết một đời của thầy.

Vẫn bảo nhau đọc tin về việc đưa tro cốt thầy Nguyễn Tài Cẩn về quê Thanh Chương nhút mặn chua cà.

Và giờ đây, khi biết tin thầy Hoàng Như Mai qua đời ở tuổi 95 ở TP. Hồ Chí Minh, không thể vào thắp hương kính viếng và tiễn đưa thầy về cõi vĩnh hằng, chỉ xin viết những dòng này, của một học trò bé nhỏ trong vô vàn học trò của thầy, để tỏ bày lòng biết ơn về một người thầy giảng cực hay, cực kỳ cuốn hút những bài Thơ Mới và nhiều bài khác nữa.

Người có mái tóc nghệ sỹ, giọng nói vang và ấm, như một thi sỹ tài hoa của môn giảng văn, bình thơ trên giảng đường ...

  • Châu Phú

  • >> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam