Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, vụ chôn hóa chất độc hại ở Công ty Nicotex Thanh Thái đã có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

Bà Nga phân tích: Việc khởi tố cần tiến hành nhanh chóng, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật hình sự để ngăn chặn những hệ quả khó xử lý cho các giai đoạn tố tụng tiếp theo.

Đây là một vụ vi phạm pháp luật về môi trường ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, là tiếng chuông cảnh báo cho thực trạng môi trường và công tác bảo vệ môi trường trong cả nước. Bất kỳ ai theo dõi vụ việc đều có chung tâm trạng phẫn nộ đối với việc làm của công ty này. Hơn thế, người dân còn lo lắng, liệu còn bao nhiêu vụ tương tự đang xảy ra ở nhiều nơi nhưng vẫn “trong bóng tối”?

Độc hại vượt ngưỡng gần... 10 ngàn lần

Những hành vi của Công ty Thanh Thái đã vi phạm quy định nào của Luật bảo vệ môi trường thưa bà?

- Luật BVMT quy định rất cụ thể về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chương V, đối với việc xử lý chất thải nguy hại như thuốc trừ sâu quá hạn, chất thải của sản xuất thuốc trừ sâu thì phải tuân theo những quy định hết sức nghiêm ngặt tại chương VIII.

Như thông tin mà cơ quan chức năng công bố, đối chiếu với các quy định của luật thì Nicotex Thanh Thái đã vi phạm Luật BVMT, tập trung nhất là hành vi chôn hóa chất độc hại và thải mùi hôi thối, khó chịu của thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường vi phạm nghiêm trọng các quy định về xử lý chất thải nguy hại.

{keywords}

Rất nhiều thung phuy chứa hóa chất độc hại tìm thấy trong khuôn viên công ty Nicotex Thành Thái. Ảnh: T.Minh/NLĐ

Về mức độ hậu quả: Các vi phạm này ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, được chứng minh bằng kết quả kiểm nghiệm mẫu vật đất và nước của Trung tâm kiểm định thuốc Bảo vệ thực vật phía Bắc – Cục Bảo vệ thực vật. Cụ thể: Chất Cypermethrin, là thuốc trừ sâu độc nhóm II, kết quả kiểm nghiệm cho thấy đã vượt 63,2 lần cho phép; Chất Isoprothiolane là thuốc trừ bệnh độc nhóm III, kết quả kiểm nghiệm vượt 37,8 lần; Fenobucard là thuốc trừ sâu độc nhóm II vượt 60,6 lần;

Đặc biệt, mẫu CT1 và CT3 đều phát hiện có 01/02 chỉ tiêu là Cypermethin, là thuốc trừ sâu độc nhóm II thì CT1 vượt ngưỡng cho phép 9276 lần, CT2 vượt 7710 lần.

Như vậy là các loại hóa chất độc vượt ngưỡng an toàn môi trường rất nhiều lần, đặc biệt có chất độc vượt ngưỡng gần mười ngàn lần. Trong khi đó chiếu theo khoản 3 điều 92 Luật bảo vệ môi trường thì : khi hàm lượng của một hoặc nhiều hóa chất… vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 5 lần trở lên hoặc hàm lượng của một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm khác vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 10 lần là đã đủ tiêu chí để khẳng định môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.

DN gây ra vụ chôn hóa chất động trời này hiện mới chỉ nhận mức phạt xử lý hành chính bằng tiền. Vậy theo bà, sai phạm ở đây đã đủ căn cứ để khởi tố hình sự chưa?nếu chiếu theo bộ Luật hình sự thì sẽ xử lý như thế nào thưa bà?

- Theo luật pháp hiện hành, việc xử phạt hành chính pháp nhân vi phạm không loại trừ và thay thế cho trách nhiệm hình sự của cá nhân của pháp nhân đó nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Bộ Luật hình sự tại quy định tại điều 182 Tội: Gây ô nhiễm môi trường.

" 1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường… vượt quá quy chuẩn quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a, Có tổ chức. b, Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng...".

Hậu quả của hành vi của Công ty Thanh Thái thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng ở khoản 2.

Về cách thức thực hiện tội phạm thì đây là một vụ phạm tội có tổ chức, lỗi cố ý , có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Phân tích kỹ những dấu hiệu của vụ này thì việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm (người tổ chức, người thực hành, người giúp sức...) đối với giám đốc, các phó giám đốc qua các thời kỳ, những người trực tiếp thực hiện cũng không phải chuyện quá khó khăn với cơ quan tố tụng. Sai phạm này diễn ra trong thời gian dài, hết đời giám đốc này sang đời giám đốc khác.

Hơn ai hết, lãnh đạo và những người công tác trong công ty này họ có hiểu biết và nhận thức quá đầy đủ về độ độc hại của thuốc trừ sâu nếu thải ra môi trường theo cách nguy hiểm như vậy, nhưng vì lợi nhuận họ vẫn bất chấp pháp luật. Để thực hiện được việc chôn chất thải nguy hại trong một thời gian dài như vậy, chắc chắn phải được tổ chức rất bài bản, có chủ trương, có mục đích, động cơ và cách thức, phân công thực hiện chặt chẽ. Như vậy, vụ việc này dấu hiệu có đủ cả hai tình tiết quy định ở khoản 2 điều 182.

Đến thời điểm này, với những thông tin mà cơ quan chức năng đã công bố, đã có đủ căn cứ để khởi tố, theo tôi cần kịp thời khởi tố vụ án để điều tra và trên cơ sở đó khởi tố bị can. Khi đã có đủ dấu hiệu, căn cứ như vậy mà chần chừ thì sẽ không loại trừ được khả năng người bị tình nghi phạm tội sẽ bỏ trốn, tẩu tán tang vật, tài sản, xóa dấu vết, thay đổi hồ sơ, sổ sách gây khó khăn cho công tác điều tra và xử lý về sau. Việc khởi tố kịp thời cũng giải tỏa được những lo ngại, băn khoăn của cử tri và thể hiện thái độ kiên quyết của cơ quan tố tụng, không để "chìm xuồng" vụ sai phạm nghiêm trọng mà dư luận đầy bức xúc này.

Đã từng đoạt loại A về chất lượng môi trường

Còn trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra về lĩnh vực này thì sao thưa bà?

- Về phía cơ quan quản lý, ở đây có trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, nhất là cấp huyện sở tại, của cơ quan, cán bộ chuyên trách.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Cần kịp thời xử lý vụ việc. Ảnh: Châu Vũ

Phải quy rõ trách nhiệm trong viêc tại sao từ năm 2008 đến nay có tới 10 đoàn đến DN này để làm việc mà không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng chưa đủ mức độ sai phạm, liên tục xử lý hành chính mà không đề xuất hình thức xử lý nặng hơn, để sai phạm nghiêm trọng kéo dài suốt nhiều năm.

 Có những căn cứ cho thấy một số cán bộ thanh tra, kiểm tra cả trung ương và địa phương chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí còn có dấu hiệu bao che: Chẳng hạn, năm 2010 Cục bảo vệ thực vật đã về thanh tra. Nhưng rất khó hiểu là "kết thúc thanh tra không có tài liệu phản ánh về kết quả xử lý". Tại sao lại có chuyện lạ này? Không lẽ mới chỉ chưa đầy ba năm mà tài liệu đã bị hủy?Sở TN&MT Thanh Hóa cũng có tới 4 đợt kiểm tra trong 4 năm nhưng kết quả cũng lại là xử lý hành chính, nhắc nhở, chấn chỉnh vi phạm 2 lần,một lần phạt 12 triệu đồng, tại sao liên tục sai phạm mà không đề nghị tạm đình chỉ hay đình chỉ hoạt động?

Đáng chú ý, ngày 19/4/2012, Chi cục Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở, kết luận Công ty thuộc cơ sở loại A, với thực trạng sai phạm như vậy, phải chăng, kết luận này đã "đóng dấu chất lượng", hợp pháp hóa cho vi phạm? Những cán bộ công chức này là những người có quyền, và quyền hạn đó phải đi đôi với trách nhiệm nên không thể được coi là vô can trong vụ việc này.

Điều 127 Luật bảo vệ môi trường đã quy định rõ hình thức chế tài trong các trường hợp này là tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, xử lý hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.

Tại sao chúng ta có đầy đủ lực lượng chức năng , mà cuối cùng khi có sự việc xảy ra thì chính người dân lại phải cùng nhau viết đơn khiếu nại, thay phiên nhau bảo vệ hiện trường, ngăn chặn việc chuyện tẩu tán tang chứng, vật chứng?

- Đúng là hình ảnh người dân tự phát, thay phiên canh gác hiện trường vụ sai phạm khiến chúng ta phải tự hỏi là tại sao người dân lại phải tự đứng ra bảo vệ mình như vậy, nhất là trong môi trường rất độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng bản thân?

Đó là hệ quả của việc một số cán bộ trực tiếp thực thi công vụ đã có những hành vi khiến cho người dân mất đi niềm tin về việc: vụ việc sẽ được xử lý khách quan, nghiêm minh. Có lẽ họ mất niềm tin trước những kết quả xử lý ngay từ những khâu đầu tiên: chậm xử lý đơn thư của dân, thanh tra, kiểm tra không nghiêm, có dấu hiệu bao che, có những dấu hiệu thiếu trách nhiệm của công an xã...

Tất cả những việc làm của dân như canh gác hiện trường, tìm kiếm hố chôn hóa chất, ngăn chặn xe chở hóa chất, tìm kiếm luật sư….đều thể hiện sự e ngại, rằng biết đâu vụ việc lại sẽ bị chìm xuồng. Vừa rồi, đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã đi tiếp xúc cử tri, lắng nghe thông tin. Tuy nhiên, với kết quả hiện nay, tôi cho rằng lãnh đạo, chính quyền, cơ quan chức năng cấp tỉnh, đoàn ĐBQH đã khá tích cực và khẩn trương xử lý.  Mong cơ quan chức năng giải quyết sớm.

Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh vừa đạt mục đích trừng phạt, bồi thường đích đáng cho thiệt hại của người dân, nhưng vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe những trường hợp chưa chưa bị phát giác.

Lê Nhung

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam