-Tin tức về việc chính quyền Obama tạm ngưng hoạt động vì hết tiền đang nhanh chóng lan khắp toàn cầu. Đã có nhiều bài báo nhắc đến từ "vỡ nợ" khi nói về tương lai nước Mỹ trong bối cảnh thời hạn chót về việc nới trần nợ của cường quốc số 1 thế giới đang đến gần.

>> Mất trắng "tỉ đô" khi chính phủ Mỹ đóng cửa

Vào ngày 17/10, nếu Quốc hội Mỹ không nhất trí nâng trần nợ công thì chính phủ Mỹ sẽ hết tiền thực hiện các trách nhiệm tài chính vào khoảng từ ngày 22 đến 31/10. 

Có ý kiến cho rằng chính phủ Mỹ phải đóng cửa là một dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng các nghị sĩ Mỹ sẽ không thể nhất trí với nhau về việc nâng trần nợ, dẫn tới tình cảnh vỡ nợ. Và khi đó, Washington sẽ không thể thực hiện đúng hạn các nghĩa vụ tài chính của mình, trong đó có thanh toán về trái phiếu mà các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ.

Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters thì có tới 40 trong tổng số 51 nhà kinh tế ở các ngân hàng và Viện nghiên cứu hàng đầu nhận định nguy cơ việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ leo thang thành tình trạng vỡ nợ thảm khốc vào cuối tháng này là rất nhỏ.

{keywords}

"Chúng tôi nghĩ nguy cơ về một nước Mỹ vỡ nợ là không có và việc chính phủ ngưng hoạt động sẽ kéo dài không lâu", Peter Cardillo, nhà kinh tế thị trường tại Rockwell Global Capital, đánh giá.

Khi được Reuter hỏi bế tắc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Mỹ, 30 trong số 52 người tham gia trả lời rằng đó không phải là một trở ngại chính của sự phục hồi kinh tế vốn rất chậm chạp của Mỹ hiện nay.

Công ty nghiên cứu thị trường IHS ước tính, việc ngưng hoạt động ở nhiều cơ quan của Mỹ cùng khoảng 800.000 nhân viên chính phủ phải nghỉ ở nhà sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại ít nhất 300 triệu USD GDP mỗi ngày. 

Theo giới phân tích, tác động đến tăng trưởng kinh tế Mỹ nếu chính phủ đóng cửa trong thời gian ngắn là tương đối nhỏ. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Mỹ Jim O'Sullivan thuộc High Frequency Economics, tác động sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu tình trạng này kéo dài.

Chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ. Các chuyên gia nhận định, cường quốc kinh tế số 1 thế giới này có thể chịu ảnh hưởng rộng khắp nếu tiếp tục có những lo ngại rằng Nhà Trắng và Quốc hội không thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt bế tắc về ngân sách chính phủ và về việc thực thi các cải cách y tế.

Một số nhà phân tích chính trị và kinh tế cảnh báo khả năng Mỹ bị vỡ nợ có thể sẽ làm khuynh đảo các thị trường trên toàn cầu vốn đang đặt hy vọng lớn vào sự phục hồi và tăng trưởng của đầu tàu kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kinh tế gia Jim O'Sullivan cho biết ông chắc chắn Washington sẽ không vô trách nhiệm đến mức họ để cho nước Mỹ bị vỡ nợ.

"Chúng tôi chưa bao giờ không thực hiện các nghĩa vụ của mình... Vấn đề trần nợ sẽ được giải quyết", ông khẳng định.

Đúng như vậy. Lịch sử nước Mỹ cho thấy chưa có lần nào kinh tế Mỹ đổ vỡ vì chính phủ nước này đóng cửa. Kể từ năm 1976 tới nay đã có tổng cộng 17 lần chính phủ Mỹ ngưng hoạt động. Và lần nào thì hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng chỉ trích và quy kết trách nhiệm nhau nhưng rồi cuối cùng họ vẫn đi đến thống nhất trước khi chính phủ đóng cửa hoặc vỡ nợ. 

Giáo sư Chen Qi, tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu ở Bắc Kinh, cho rằng nếu tình trạng ngưng hoạt động xảy ra ở nước khác thì có thể sẽ khó giải quyết hơn nhưng ông tin vào sự trưởng thành của chính phủ Mỹ và các chính trị gia nước này sẽ "có đủ sáng suốt để đạt tới một sự đồng thuận và giải quyết vấn đề một cách êm đẹp", đặc biệt là khi họ từng trải nghiệm điều này nhiều lần trong quá khứ.

Hiện tại, sự quan ngại lớn hơn của giới đầu tư là cuộc đối đầu liên quan tới trần nợ công của Chính phủ Mỹ vào giữa tháng 10 này. Họ tập trung sự chú ý vào việc liệu Quốc hội Mỹ và ông Obama có thể đạt được một thỏa thuận tăng giới hạn vay nợ 16,7 nghìn tỷ USD hay không.

Bộ Tài chính Mỹ mới đây cảnh báo Chính phủ sẽ dốc hết quyền hạn để vay mượn tiền trong tháng 10. Quốc hội cần phải thông qua các biện pháp nâng trần nợ trước lúc thời hạn chót. 

Sam Nguyễn