Trong điều kiện kinh nghiệm xây dựng CQĐT của ta còn hạn chế, việc tham khảo mô hình của các nước là rất cần thiết.

>> Dân đủ sáng suốt để bầu thị trưởng

>> Thị trưởng: Quyền to nhưng phải dám từ chức

LTS:  Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang tiếp nhận các ý kiến để góp phần hoàn thiện chế định Chính quyền địa phương trong bản Dự thảo. Một trong các nội dung được thảo luận là vấn đề tổ chức của mô hình chính quyền đô thị. Hình thái tổ chức của mô hình này đang được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang đề xuất được thí điểm mô hình mới này.

Một cuộc hội thảo về tổ chức chính quyền đô thị tại VN vừa tổ chức mới đây đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Tuần Việt Nam xin trích đăng một số tham luận trong hội thảo này.

Dưới đây là bài trích đăng ý kiến của PGS.TS. Vũ Hồng Anh, Viện Nghiên cứu lập pháp - UBTVQH, về một vài mô hình chính quyền đô thị tại các nước châu Á, trong đó có Thái Lan là quốc gia thuộc khối ASEAN như Việt Nam.

Ở nước ta, trong quá trình hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa, quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra nhanh chóng. Quá trình này đã làm phát sinh rất nhiều vấn đề mới và đặt ra nhiều thách thức trong hoạt động quản lý đô thị như: Quy hoạch đô thị, giao thông, dân cư, xây dựng, môi trường..., đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

Thực tiễn đó đã đặt ra sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Trong điều kiện kinh nghiệm xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) ở nước ta còn hạn chế thì việc nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các nước về xây dựng mô hình chính quyền đô thị là rất cần thiết.

{keywords}
Một góc Tp.HCM trong bức ảnh "Lung linh Bến Nhà Rồng", tác giả: Phạm Xuân Vinh, đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh Thành phố của tôi 2012

CQĐT thành phố Seoul, Hàn Quốc

Hàn Quốc chỉ có một thành phố đặc biệt đó là thủ đô Seoul. Thủ đô Seoul bao gồm 10,3 triệu dân và là thành phố có mặt độ dân cư đứng thứ 22 trên thế giới.

Về mặt đơn vị hành chính, thành phố Seoul được chia thành 25 quận và hơn 522 phường (xã). Các Quận trở thành cấp chính quyền tự trị kể từ năm 1988 và tiến hành bầu cử Quận trưởng từ năm 1995. Chính quyền đô thị được thành lập ở thành phố và cấp quận.

Chính quyền thành phố Seoul gồm Hội đồng thành phố (Metropolitan Council) và Thị trưởng. Hội đồng được coi là cơ quan lập pháp của thành phố, do người dân Seoul bầu, nhiệm kỳ 4 năm. Thị trưởng có văn phòng của thị trưởng được bầu, và cơ quan hành pháp.

Chính quyền cấp quận cũng bao gồm Hội đồng quận và Quận trưởng do người dân bầu ra. Dưới quận là phường (xã) nơi có các nhân viên hành chính quận để cung cấp các dịch vụ công cho người dân. Cũng giống như mô hình của chính quyền đô thị Tokyo, mối quan hệ giữa chính quyền thành phố Seoul và chính quyền các quận được xây dựng theo nguyên tắc tự quản.

{keywords}

CQĐT Tokyo, Nhật Bản

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản gồm 23 phường đặc biệt, 26 quận, 7 thị trấn và 8 xã. Chính quyền đô thị Tokyo có 2 cấp gồm chính quyền thành phố (municipalities) và cấp quận hoặc phường đặc biệt.

Chính quyền thành phố Tokyo gồm 2 cơ quan: Hội đồng thành phố và Thị trưởng.

Các thành viên Hội đồng thành phố do người dân trực tiếp bầu ra, nhiệm kỳ 4 năm. Hội đồng thành phố quyết định các chính sách quản lý và phát triển đô thị, giám sát hoạt động của cơ quan hành chính: yêu cầu Thị trưởng báo cáo việc quản lý, thu chi ngân sách đô thị, việc thi hành nghị quyết của Hội đồng.

Chức năng cơ bản của Hội đồng thành phố là chức năng đại diện. Cơ quan này đại điện cho 12 triệu công dân của Thủ đô Tokyo, có quyền biểu quyết bất tín nhiệm đối với Thị trưởng.

Thị trưởng do người dân trực tiếp bầu ra và có nhiệm kỳ 4 năm, chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động của chính quyền đô thị và có quyền đại diện cho chính quyền đô thị trong quan hệ với bên ngoài.

Ngoài ra, thị trưởng còn có một số quyền quan trọng khác như quyền ban hành quyết định, dự thảo ngân sách thành phố, đề xuất các dự luật, và bổ nhiệm hay miễn nhiệm nhân viên hành chính; quyền từ chối thực hiện nghị quyết đã được Hội đồng phê chuẩn và yêu cầu Hội đồng xem xét lại các nghị quyết này.

Chính quyền quận cũng bao gồm 2 cơ quan: Hội đồng quận và Quận trưởng, cùng do người dân trực tiếp bầu ra. Chính quyền quận là chính quyền cơ sở nơi trực tiếp cung cấp các dịch vụ cho người dân. Mối quan hệ giữa chính quyền thành phố và chính quyền quận không phải là mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới. Mỗi cấp chính quyền có nhiệm vụ, quyền hạn được xác định bởi luật và hoạt động theo nguyên tắc tự quản.

{keywords}

CQĐT thành phố Bangkok, Thái Lan

Thành phố Bangkok bao gồm 50 quận. Các quận lại được chia thành 169 phường (แขวง khwaeng).

Do tầm quan trọng của Bangkok đối với Thái Lan, mọi dự án phát triển ở trong và xung quanh thành phố Bangkok phải được phê chuẩn bởi Chính phủ. Hội đồng thành phố sẽ phê chuẩn chương trình phát triển thành phố, tuy nhiên các chương trình phát triển này phải đi đồng bộ với quy hoạch của thành phố Bangkok.

Kế hoạch của Bangkok do Ban Kinh tế và phát triển xã hội ở trung ương, Bộ Nội vụ và Sở Công vụ và Kế hoạch của thị trấn, quận lập ra. Mỗi quận có riêng bộ máy hành chính và có đại diện ở Hội đồng thành phố Bangkok. Các quận ban hành kế hoạch và người đại diện quận sẽ trình kế hoạch đó lên Hội đồng thành phố để xem xét theo Kế hoạch vùng và phê chuẩn kế hoạch đó.

Thành phố Bangkok là đơn vị duy nhất ở cấp địa phương chịu trách nhiệm đối với người dân ở địa phương và được trợ giúp về tài chính từ chính quyền trung ương. Chính quyền đô thị được thiết lập ở cấp thành phố và cấp quận. Bộ máy chính quyền thành phố Bangkok bao gồm Hội đồng Thành phố và Thị trưởng:

Hội đồng thành phố Bangkok: là cơ quan lập pháp ở địa phương. Hội đồng thành phố được trao quyền lập pháp và quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính. Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu Hội đồng. Hội đồng thành phố bao gồm 57 thành viên được bầu cử bởi 57 đơn vị bầu cử (một số đơn vị bầu cử có thể bầu hơn 1 đại biểu) và theo nhiệm kỳ 4 năm.

Thị trưởng: là người đứng đầu cơ quan hành chính của thành phố và được bầu bằng hình thức bầu cử trực tiếp phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm. Thị trưởng Bangkok có thẩm quyền tương tự như bất kỳ Tỉnh trưởng hay thị trưởng của các địa phương khác.

Đối với chính quyền quận: Quận trưởng do Thị trưởng bổ nhiệm thực hiện chức năng của cơ quan hành chính quận. Cơ quan đại điện quận là Hội đồng quận do cư dân quận bầu ra với nhiệm kỳ 4 năm thực hiện chức năng là cơ quan tư vấn cho quận trưởng.

Nhìn chung, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương của Thái Lan được thực hiện theo nguyên tắc tản quyền kết hợp với tự quản địa phương. Sự kết hợp này bảo đảm cho chính quyền trung ương khả năng can thiệp của vào hoạt động của địa phương thông qua tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn ở địa phương.

Mối quan hệ hành chính theo chiều dọc (giữa Bộ với các Sở chuyên môn) hay giữa Thị trưởng với Quận trưởng thể hiện sự phụ thuộc của bộ máy hành chính. Tỉnh trưởng (Thị trưởng) cùng với Bộ trưởng Bộ nội vụ có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ngân sách và các quy định của địa phương, giải tán hội đồng và bãi nhiệm các thành viên của hội đồng địa phương.

Khác với tổ chức chính quyền đô thị Tokyo, bộ máy chính quyền đô thị Bangkok được tổ chức theo hệ thống hành chính thứ bậc.

{keywords}

Những kinh nghiệm cho việc xây dựng CQĐT

Trên cơ sở mô hình tổ chức chính quyền đô thị của một số nước nêu trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, việc phân chia đơn vị hành chính và thiết lập chính quyền đô thị của các nước trên thế giới là rất đa dạng. Ngay trong cùng một nước cũng không áp dụng một mô hình chính quyền đô thị chung cho cả nước. Mỗi thành phố, tùy thuộc đặc điểm địa lý, số lượng, mật độ dân cư lựa chọn mô hình chính quyền riêng phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý địa phương.

Chính vì vậy, Hiến pháp nhiều nước, đặc biệt là những nước đang trong quá trình chuyển đổi không xác định cụ thể việc mô hình đơn vị hành chính cũng như mô hình tổ chức chính quyền địa phương chung cho cả nước. Thay vào đó, Hiến pháp chỉ quy định những nguyên tắc phân chia đơn vị hành chính, nguyên tắc của mối quan hệ giữa trung ương và địa phương. Các vấn đề cụ thể sẽ do luật điều chỉnh.

Thứ hai, nhìn chung chính quyền ở mỗi cấp được hợp thành bởi 2 thiết chế là cơ quan đại diện và cơ quan hành chính. Nếu như tên gọi và cách thức thành lập cơ quan đại diện là tương đối thống nhất (Hội đồng, do dân cư bầu ra) thì tên gọi và cách thức thành lập của cơ quan hành chính tương đối đa dạng (thị trưởng, ủy ban, có thể do cư dân bầu ra, có thể được bổ nhiệm, có thể do cơ quan đại diện thành lập).

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền đô thị, bảo đảm cho chính quyền mỗi cấp quyền tự chủ (tự quản) trong các lĩnh vực từ ngân sách, tài chính, tổ chức bộ máy đến quản lý dân cư, bảo vệ môi trường... Xu hướng trao quy chế tự quản cho các cấp chính quyền đô thị đang diễn ra một cách mạnh mẽ từ những năm 1980.

Ở những nước áp dụng nguyên tắc tự quản địa phương, tổ chức và hoạt động của mỗi cấp chính quyền (chính quyền thành phố, chính quyền cơ sở) là khá độc lập; ở những nước áp dụng nguyên tắc tản quyền kết hợp với tự quản địa phương, mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương được thực hiện theo nguyên tắc thứ bậc hành chính. Chính quyền cấp trên có khả năng tác động đến hoạt động của chính quyền cấp dưới (Bangkok, Thái Lan)

Thứ tư, cùng với việc thiết lập cơ chế kiểm soát từ chính quyền trung ương (thông qua lập pháp, ngân sách, và hỗ trợ kỹ thuật), hình thức kiểm soát hữu hiệu khác nữa được các nước áp dụng là thiết lập cơ chế bảo đảm cho người dân có khả năng trực tiếp tác động đến tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị.

Theo cơ chế này, các cơ quan chính quyền đô thị (cơ quan đại diện, cơ quan hành chính) đều do nhân dân trực tiếp bầu ra theo nhiệm kỳ. Một số nước quy định những vấn đề quan trọng của địa phương phải đưa ra lấy ý kiến của người dân. Với những hình thức này người dân có khả năng tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền đô thị, bảo đảm hoạt động của chính quyền đô thị đặt dưới sự kiểm soát của người dân.

PGS.TS. Vũ Hồng Anh

(Viện Nghiên cứu lập pháp - UBTVQH)

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam

--------

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Minh Hoà, Vùng đô thị châu Á và thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2005

2. TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Ths. Nguyễn Sỹ Đại, Tổ chức chính quyền địa phương Cộng hoà Liên bang Đức, Nxb Tư pháp, Hà Nội, năm 2006

3. Phan Xuân Biên (Chủ biên), Một số vấn đề về xây dựng chính quyền đô thị từ thực tiễn TP. HCM. HCM. 2007.

4. Tài liệu Hội thảo "Chính quyền đô thị trong tiến trình hội nhập - cơ hội và thách thức" (2006).

5. http://www.ny.gov

6. http://www.metro.tokyo.jp

7.http://english.seoul.go.kr/gover/main/gover_main.htm

9.. Metropolitan Governance and Planning in Transition: Asia - Pacific cases - UNCRD&NCUA, 1998.

10. Seoul Metropolitan Area, Republic of Korea - Huyn - Silk Kim, 1998.

11. Designated City and Metropolitan Area: A case Study of Nagoya, Japan - Masatoshi, 1998.

12. http://www.ucc.ie/en/asian/korean/factsaboutkorea/constitutionandgoverment/