Đáng ra ngày 11 và 12/10 sắp tới, Tổng thống Obama sẽ thăm Malaysia và Philippines, nhưng Nhà trắng vừa tuyên bố chuyến công du bị đình hoãn vì những khó khăn về hậu cần do chính phủ Mỹ tạm "đóng cửa" một phần.
Thay thế Tổng thống, những người đứng đầu ngành ngoại giao và ngoại thương, ngoại trưởng John Kerry và bà bộ trưởng thương mại Penny Pritzker cùng đại diện thương mại Michael Froman sẽ là các quan chức Mỹ tới hai nước nói trên. Và Tổng thống Obama còn phải hủy luôn cả chuyến bay sang Indonesia và Brunei để dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác châu Á-TBD (APEC) và Cấp cao Đông Á (EAS) từ ngày 7 đến 10/10 tới.
Tăng tốc nhưng không đổi hướng
Ngày 4/10, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường sắp có chuyến thăm chính thức Hà Nội. Nguồn tin này nói ông Lý sẽ ở Việt Nam trong hai ngày, từ 13/10-15/10. Trước đó ông thăm Thái Lan từ 11/10. Một trong những chủ đề được cho sẽ có vị trí quan trọng trong các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Thái Lan và Việt Nam là tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc dường như đã đồng ý ngồi vào đàm phán về COC trên Biển Đông. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng không nên xem cử chỉ đó là một đột phá. Bắc Kinh tỏ vẻ mềm mỏng hơn chỉ vì lý do chiến thuật. Còn về căn bản, Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ trương xử lý các tranh chấp một cách song phương và chống lại phương thức đàm phán đa phương.
"Bộ đôi" Tập Chủ tịch và Lý Thủ tướng đã/sẽ triển khai công du sang một số nước ASEAN. |
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi phát biểu với các nhà lập pháp Indonesia tại Jakarta hôm 3/10, đã nói Bắc Kinh muốn xây dựng quan hệ gần gũi hơn với các thành viên ASEAN. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi phải xây dựng "lòng tin chiến lược" và nói Trung Quốc muốn "đối xử chân thành" với ASEAN. Ông tuyên bố: "Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Indonesia và các nước ASEAN khác để làm những người hàng xóm, bạn bè và đối tác tốt, để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, để cùng chia sẻ gian nguy và an toàn, để cùng ra khơi trên một con tàu, và cùng xây dựng một cộng đồng Trung Quốc - ASEAN có vận mệnh chung gần gũi với nhau".
Chủ đề Biển Đông đã được ông Tập nhắc tới: "Về những bất đồng và tranh cãi giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, cả hai bên cần phải luôn dùng các biện pháp hòa bình... nhằm duy trì các quan hệ song phương và bình ổn khu vực". Tuy nhiên, chính vì ông Tập không đả động gì đến các yêu cầu cấp bách của ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử COC trên Biển Đông nên bài diễn thuyết của ông đã khiến một số nghị sĩ Indonesia không giấu nổi cảm giác "thất vọng" trước "thiện chí" của ông Tập. Sau bài phát biểu của ông Tập ngày 3/10, nghị sĩ Tantowi Yahya đã lên tiếng: "Điều mà chúng tôi muốn nghe từ Chủ tịch Tập Cận Bình là liệu Trung Quốc có thiện chí để sẵn sàng giải quyết vấn đề Biển Đông hay không... Tuy nhiên, ông ấy không hề đả động gì vấn đề đó, vì thế, tôi cảm thấy rất thất vọng".
Từ mồng 3 đến 5/10, Malaysia là chặng dừng chân tiếp theo của ông Tập. Từ lâu Trung Quốc đã ra sức "chăm sóc" mối quan hệ song phương với thành viên này của ASEAN. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Brunei, bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hussein từng tuyên bố: "Bạn có kẻ thù, không có nghĩa kẻ thù của bạn cũng là kẻ thù của tôi". Với việc khẳng định không quan ngại trước sự hiện diện của Trung Quốc trên các vùng biển thuộc chủ quyền của một số thành viên ASEAN và sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh trong khai thác dầu khí tại khu vực, Malaysia là đối tác "lý tưởng" để ông Tập có thể tranh thủ Kuala Lumpur ủng hộ lập trường "câu giờ" của Trung Quốc về COC.
Sau khi Việt Nam và Philippines có tiếng nói chung về khai thác dầu khí tại Biển Đông thì lập trường của Malaysia và một vài thành viên khác trong khối được coi là đáng quan ngại, vì ASEAN vốn là đối tượng chia rẽ của Trung Quốc. Theo nhận định của Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham (Anh) Steve Tsang, Trung Quốc vẫn không thay đổi chủ trương "chiêu dụ toàn khối ASEAN". Chính sự lỏng lẻo và chênh vênh của ASEAN là điểm yếu để Bắc Kinh dễ dàng tấn công vào đó để thay đổi cục diện Biển Đông. Gần đây, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Vương Nghị sau khi gặp Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cũng đã lên tiếng ca ngợi tình hình Biển Đông đang rất "ổn định" và Trung Quốc, Thái Lan rất nỗ lực để có được điều này.
Trì hoãn gây quan ngại cho ĐNÁ?
Sự trì hoãn chuyến công du châu Á của ông Obama trong bối cảnh Trung Quốc dường như đang lấn lướt Mỹ trên các động thái ngoại giao không khỏi làm cho ĐNÁ quan ngại vì một số lẽ. Thứ nhất, chiến lược "Á tâm" của Mỹ có thể bị ảnh hưởng do việc Mỹ tái can dự trở lại Trung Đông và gặp khó khăn trong nội bộ. Trước đây, cũng do bận các cuộc bàn thảo dự Luật Bảo hiểm (Care Act) hồi tháng 6/2010, Obama đã phải đình hoãn chuyến thăm Indonesia và Australia năm ấy. Lần này đến lượt Malaysia và Philippines, và nghiêm trọng hơn, Tổng thống còn phải bãi bỏ luôn cả kế hoạch dự Cấp cao APEC và EAS. Thứ hai, Malaysia có nguy cơ trở thành một nước dễ bị chỉ trích (critical country), vì quan điểm của nước này trong đàm phán Hiệp định TPP và sự thỏa hiệp có thể có với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Trước đây, Trung Quốc luôn cho rằng, Đài Loan là vấn đề "cốt lõi" trong quan hệ Trung-Mỹ. Nay, Đài Loan không còn là vấn đề nhậy cảm như xưa nữa. Thay vào đó, giờ đây Biển Đông là vấn đề nổi bật giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong bài thuyết trình tại Viện Brookings nhân kỳ họp Đại hội đồng LHQ, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc chưa bao giờ nghĩ đến việc loại bỏ Mỹ ra khỏi châu Á-TBD. Tuy nhiên, về tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc luôn yêu cầu Mỹ đừng "nhúng tay vào", đừng "làm bên thứ ba", mà hãy để Trung Quốc xử lý với các nước trên cơ sở song phương. Mỹ thì ngược lại, bất chấp sự can dán ấy, luôn luôn thúc dục Bắc Kinh hãy gấp rút cùng các nước ASEAN kết thúc quá trình đàm phán COC. Đây thật sự là thử thách đối với cái gọi là "quan hệ nước lớn kiểu mới".
Tuy nhiên, sự trì hoãn như trên nếu lặp đi lặp lại, về lâu dài có thể gây tổn thương đối với chính sự khả tín của người Mỹ. Thật ra, các quốc gia ĐNÁ cũng "bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước". Họ có thể phải tuân thủ mọi "chỉ dụ" của Bắc Kinh, vì hầu hết các nước này đều cần duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Nếu Mỹ cứ để cho nhận thức về sự thiếu cả quyết tâm lẫn năng lực của Mỹ để "chuyển trục" kéo dài thì ngày càng nhiều quốc gia ĐNÁ phải tính toán lại để hoạch định chính sách. Malaysia chưa hẳn sẽ là quốc gia cuối cùng có thiên hướng ngả theo Trung Quốc. Trong bối cảnh này, dư luận hiểu được kỳ vọng của Mỹ đối với Nhật Bản và Australia. Cả hai đồng minh này của Mỹ không chỉ đang mở rộng sự tham gia của họ vào các thỏa thuận thương mại tự do như TPP, mà cả hai đều đang làm mới lại các mối liên hệ về ngoại giao, kinh tế và an ninh giữa họ với khối ĐNÁ.
Dù sao mặc lòng, chiến lược "Á tâm" của Mỹ rồi ra sẽ tiếp tục được triển khai, không chỉ vì lợi ích của Mỹ, mà còn vì chính lợi ích của ĐNÁ. Một lẽ đơn giản là các nước ĐNÁ đều hy vọng tận dụng sức mạnh về kinh tế và quân sự của Mỹ. Nhật Bản, với tiềm năng mọi mặt của mình, có khả năng thúc đẩy sự can dự giữa Mỹ và ASEAN, không phải với tư cách một nhà thầu, mà xuất phát từ nhu cầu về tăng trưởng và an ninh của riêng Nhật. Mọi quan hệ bền vững giữa Mỹ-Nhật-ĐNÁ chắc chắn sẽ phục vụ đặc lực cho lợi ích của các bên liên quan. Trong viễn cảnh ấy, dù tiến độ "xoay trục" của Mỹ nhanh hay chậm, việc các công ty Nhật Bản đang chuyển hướng tới các địa chỉ mới gọi tắt bằng ba chữ cái ghép lại "V.I.P" đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines, cho chúng ta thêm niềm hy vọng.
Đinh Hoàng Thắng
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam