Dẫu biết rằng ngày buồn này rồi cũng sẽ đến, nhưng tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần lan đi tối 4/10/2013 vẫn làm cho muôn trái tim Việt hẫng hụt, quặn đau.
Một vị tướng lừng danh, trí dũng song toàn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà văn hóa, một con người trọn đời vì nước vì dân đã vĩnh biệt chúng ta. Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một vị trí đặc biệt trong trái tim nhân dân Việt Nam. Cái tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp có một sức cuốn hút và thuyết phục lạ thường. Một cuộc đời chiến đấu vinh quang và đẹp như huyền thoại. Một trái tim nhân văn, chan chứa tình yêu thương đồng bào, quý từng giọt máu của chiến sỹ. Nghệ thuật dùng binh khiến hết thảy mọi tướng lĩnh đối phương bị đánh bại phải khâm phục.
Câu đối trác tuyệt của Giáo sư Vũ Khiêu đã khắc tạc được hai phẩm chất cao quý đó của Đại tướng:
Võ công truyền quốc sử
Văn đức quán nhân tâm
Vị tướng của lòng dân
Trong cuộc đời công tác của mình, tôi may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần. Đêm nay, trong niềm xúc động và thương tiếc dâng trào, như một cuốn phim quay chậm, tất cả những lần gặp ấy đều lần lượt hiện về trong tôi, trong đó có lần đến thăm Đại tướng cách đây 13 năm, đúng vào dịp ông tròn 90 tuổi.
Hàng năm, cứ gần đến ngày 25/8, nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc nào cũng đông khách. Đó là các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, sĩ quan, các đại điện chính quyền, đoàn thể, các cụ bô lão, các cháu thiếu nhi, các gia đình cơ sở cách mạng, bà con, họ hàng thân thích … Đó cũng là nét độc đáo, là điều hiếm quý của cuộc sống thủy chung, ân nghĩa dành cho vị Đại tướng đầu tiên của quân đội ta.
Nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm cách không xa Quảng trường Ba Đình. Nắng vàng rực lên trong khu vườn rợp mát bóng cây. Cánh cổng rộng mở...Lặng lẽ, ấm tình mà sâu sắc. Từng đoàn người trên khắp mọi miền đất nước về đây, từ Tây Nguyên, Phú Yên, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Ninh… Từ những đoàn đông đến 150 người, cho đến đoàn chỉ có 1-2 người, có người đại diện cho tập thể, có người chỉ đến với tư cách cá nhân, có người mang cân gạo mới, con gà từ vùng quê tới, tất cả đều tỏ lòng ngưỡng mộ, tự hào đối với vị tướng đã có nhiều công lao đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng đất nước, xây dựng quân đội. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, gắn với bản sắc và nghệ thuật của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ cán bộ, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân tháng 6/2006. Ảnh: Trần Hồng. |
Cả khu nhà Đại tướng tràn ngập hoa, có những bó hoa từ những người lính năm xưa từng chiến đấu bên cạnh Đại tướng, có bó hoa từ đầu nguồn Pắc Pó, lại có bó hoa từ người nước ngoài như bà R.M. Durand, Đại diện Unesco tại Việt Nam…
Ở tuổi 90 mà Đại tướng mỗi ngày tiếp hàng chục đoàn khách, trí tuệ minh mẫn lạ thường. Trong căn phòng tiếp khách đơn sơ, bên chiếc bàn rộng, vị Đại tướng ngồi đó, mái tóc bạc như mây, nụ cười hồn hậu. Quây quần quanh ông là những gương mặt hoặc thân quen, hoặc mới gặp nhưng rất đỗi chân tình. Có cụ ở đoàn cựu chiến binh Bộ Quốc phòng đã 88 tuổi rưng rưng nước mắt đến mừng Đại tướng thượng thọ 90.
Không ai hy vọng bày tỏ được gì nhiều, nhưng hình như đối với nhiều người, được gặp Đại tướng, được nghe giọng nói ấm áp của ông, được nắm tay ông là một ước muốn sâu xa. Mạch nguồn lịch sử - thời kỳ lịch sử hào hùng nhất còn nóng bỏng, tinh khôi - đang được tiếp nối, đang cuộn chảy trong các thế hệ Việt Nam hôm nay. Đại tướng là hình ảnh mẫu mực của anh Bộ đội Cụ Hồ. Năm tháng qua đi, thời cuộc đổi thay, thế sự ngổn ngang, bao chuyện đau lòng, nhưng trong lòng nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-anh Bộ đội Cụ Hồ Võ Nguyên Giáp vẫn cao đẹp, gần gũi và thân thương như vậy. Cuộc sống cần khẳng định, tôn vinh những giá trị cao quý, đích thực. Và khi đó, cuộc sống có thêm niềm tin và sức mạnh để đạp bằng khó khăn mà vươn tới. Bộ đội, nhân dân nhìn thấy Đại tướng, nghe Đại tướng nói là thấy ấm lòng, là cảm thấy vững tin vào chiến thắng, là thấy có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Đoàn thương binh Sư đoàn 312 xúc động cứ muốn ôm chầm lấy vị tướng thân thiết của mình. Giọng Đại tướng rành rọt: “Sư đoàn 312 là sư đoàn nổi tiếng. Gặp lại các đồng chí, tôi nhớ tất cả anh em thương binh, những anh em đã ngã xuống, nhớ đến Sư đoàn trưởng Lê Trọng Tấn. Mong các đồng chí luôn nêu cao truyền thống vẻ vang của Sư đoàn đã bắt sống tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ”. Chia tay rồi mà nhiều người cứ mãi lưu luyến, không muốn rời đi.
Chúng tôi may mắn được chứng kiến cuộc gặp của Đại tướng với đoàn đại biểu Cao Bằng, một trong những cuộc gặp xúc động, diễn ra lâu nhất. Đại tướng nắm tay hồi lâu Bí thư tỉnh ủy Dương Mặc Thăng, con trai đồng chí Dương Mặc Thạch (biệt danh là Xích Thắng), chính trị viên đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập trong khu rừng Trần Hưng Đạo ngày 22/12/1944. Bầu không khí trở nên đặc biệt ấm cúng khi Đại tướng nói mấy câu tiếng Tày. Những người con của quê hương Cao Bằng cách mạng mang cả cơm lam làm từ xã Tam Kim để biếu Đại tướng. Tam Kim là nơi đồn Phay Khắt đóng. Bác Kim Sơn, người từng làm việc lâu năm bên cạnh Đại tướng cho biết thêm: “Đêm 24/12/1944, dưới sự chỉ huy của anh Văn, các đội viên giải phóng quân đã phục kích trên đồi cao cách đồn Phay Khắt 300 mét để mở trận tấn công. Vào chiều ngày hôm sau 25/12, đánh thắng trận đầu. Đó là mốc son đầu tiên trong lịch sử oai hùng của quân đội ta”.
Tặng tỉnh Cao Bằng 2 tập sách của Bác Hồ và 3 tập sách của mình, Đại tướng nói: “Cao Bằng là quê hương thứ hai của tôi. Bác Hồ đã từng nói: Cao Bằng là ngôi sao sáng của cả nước. Tôi mong Cao Bằng phấn đấu để tiếp tục là ngôi sao sáng và nhất định là ngôi sao sáng của đất nước”. Đại tướng vừa dứt lời, một chị dáng người thanh thoát, mặc áo chàm, cất lên làn điệu dân ca Tày bài thơ mừng thượng thọ Đại tướng. Không gian như trầm lắng, ngưng đọng lại một niềm xúc động sâu xa. Mấy năm gần đây, năm nào Cao Bằng cũng gửi mừng thọ Đại tướng một bức trướng bằng thổ cẩm. Bức trướng thổ cẩm năm 2001, được lồng trong khung kính thêu rất tinh xảo.
Nhìn hàng trăm bức trướng treo kín bức tường trong khu nhà, có thể cảm nhận được tình cảm của đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với Đại tướng sâu sắc đến mức nào. Có bức trướng lớn viết bằng tay đúng 1.000 chữ Thọ cổ. Đó là cách bày tỏ tình cảm của bác Nguyễn Thụy Ứng, 75 tuổi, nguyên tiểu đội trưởng tiểu đội 1, trung đội 1, đại đội 1, tiểu đoàn 1 và thuộc trung đoàn 1. Lại có bức trướng vàng rực, thêu chữ hồng toàn bộ bài thơ 16 câu của Hội Nông dân Việt nam. Tôi chú ý đến bức trướng của các con cháu, chắt cụ Nguyễn Thị Vĩnh, một gia đình có nhiều người con là cán bộ cấp cao của quân đội, thêu dòng chữ: “Văn võ song toàn lừng danh tướng/ Tâm hồn đức độ xứng hiền nhân”. Cụ Vĩnh đã mất năm 2000 ở tuổi 105. Các con cháu làm bức trướng này mừng Đại tướng thượng thọ là thể theo nguyện vọng tha thiết của cụ. Còn bức trướng của Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sơn thì ghi: “Mừng Anh tuổi 90/ Tâm hồn luôn sáng tươi/ Qua biết bao ghềnh thác/ Nhân cách một đời người”.
Trong hàng trăm cuộc gặp ở thời khắc đáng nhớ này của đời người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hầu như không nhắc đến bản thân mình, không nhắc tới những chiến dịch, những trận đánh. Không ai không biết rằng lịch sử đã dồn lên vai các thế hệ đi trước những gánh nặng đầy gian khó hy sinh. Nhưng Đại tướng và thế hệ của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với đất nước và dân tộc. Còn bây giờ, điều mà Đại tướng quan tâm nhiều nhất vẫn là công cuộc xây dựng đất nước, những vấn đề mới mẻ đang đặt ra, những bức xúc nóng bỏng, những tệ nạn làm tổn thương đất nước, làm suy giảm đạo đức xã hội, đặc biệt là tệ tham nhũng, hối lộ như một quốc nạn.
Với mỗi đối tượng đến thăm, từ trí thức, nhà kinh tế đến công nhân, nông dân, bộ đội…, Đại tướng đều tâm sự, nhắn gửi sâu sắc những điều tâm huyết của cuộc đời mình. Ai cũng được Đại tướng khuyến khích không ngừng học tập để làm sao cho mỗi con người cũng như tất cả đất nước không bị tụt hậu. Câu chuyện với đoàn thương binh phường Quán Thánh trở nên vui nhộn khi Đại tướng hỏi: “Sao gọi là Quán Thánh nhỉ? Đã là “thánh” thì không ăn hối lộ. Các đồng chí cần kiên quyết chống lại tham nhũng, xứng đáng là phường mang tên Quán Thánh”.
Khi đoàn đại biểu Báo Quân đội Nhân dân bước vào, Đại tướng đứng dậy bắt tay từng người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ân cần căn dặn: “Báo QĐND là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, là tiếng nói của các LLVTND và nhân dân. Tờ báo phải có tiếng nói đúng đắn trung thực, phải nêu cao đạo đức của người làm báo, làm sáng tỏ chân lý, bảo vệ chân lý.
Phải nêu cái đúng cái tốt để toàn quân, toàn dân làm theo. Phải vạch cái sai để sửa chữa đúng như Lênin nói: Báo chí là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể... Đại tướng còn dặn thêm: “Đạo đức của người làm báo, đó là điều quan trọng nhất. Tôi cũng từng là nhà báo, tôi mong các đồng chí, các cháu ở Báo QĐND cố gắng rèn luyện không ngừng”.
Ít phút được gặp gỡ Đại tướng, ngắn ngủi mà cảm động, chúng tôi ra về trong dòng người vẫn tấp nập đến thăm. Không ai bảo ai, lên xe mà chúng tôi vẫn ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà, lòng đầy xốn xang cảm xúc. Sự ngưỡng mộ với Đại tướng, với thế hệ đi trước, sự tin yêu với lớp người kế tục chính là chất keo, là mạch ngầm chảy trong nguồn cội để dân tộc ta đi tiếp chặng đường trường chinh khai phá mới.
13 năm sau, cũng vào một ngày thu êm dịu, tiết trời mát trong, lúc 18 g 09 ngày 4/10/2013, sau khi đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một nhà lãnh đạo cách mạng, một nhà cầm quân ở những thời điểm đầy bão dông của lịch sử đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thanh thản về với thế giới người hiền. Cả đất nước chìm lặng đi trong niềm tiếc thương vô hạn. Ngay từ trong đêm 4/10, trước ngôi nhà thân thương của Đại tướng ở 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội, lúc nào cũng có người lặng lẽ đến đặt hoa, nước mắt tràn mi, chắp tay thành kính tưởng niệm một con người Việt Nam vĩ đại mà "cái chết đang gieo cảm hứng sống cho những người ở lại" như có bạn trẻ đã xúc động bày tỏ trên Facebook.
Vị tướng của hòa bình
Tôi đã có may mắn được gặp cụ Mac Shin và những người bạn Mỹ trong đơn vị tình báo chiến lược (OSS) và nhóm "Con Nai" cách đây 18 năm. Hôm đó, một buổi sáng mùa thu năm 1995, nắng đẹp, trời trong vắt, trong ngôi biệt thự dưới những tán cây xanh trên đường Quán Thánh, các cựu binh trong nhóm OSS và các cựu binh Việt Minh từng cộng tác với nhau trong những khu rừng già Việt Bắc đã có một cuộc tái ngộ lịch sử sau đúng nửa thế kỷ vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc khánh nước ta. Các cựu binh Việt Nam và Mỹ thuở ấy hầu hết tuổi chỉ ngoài đôi mươi, nay nhiều người tóc đã bạc trắng, xúc động ôm lấy nhau. Mỗi người nhắc lại kỷ niệm xưa theo một cách.
Những câu chuyện của họ ghép nối lại thành một bức tranh sống động về những ngày đầu hợp tác Mỹ - Việt rất đẹp đẽ. Năm 1945, lúc đó đang là nhân viên của OSS, làm việc tại đại bản doanh quân đồng minh ở miền Nam Trung Quốc, Mac Shin được chọn tham gia nhóm báo vụ viên của đồng minh cùng các trang bị kỹ thuật sang Việt Nam giúp quân đội của Việt Minh dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp. Việc này diễn ra sau khi một viên trung úy phi công Mỹ tên là Shaw bị phòng không của Nhật bắn rơi và may mắn được Việt Minh cứu sống. Với nhạy cảm của một nhà chiến lược thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy đây là một cơ hội hiếm có để Việt Nam bắt nối quan hệ với Mỹ như một đồng minh. Đích thân Bác Hồ đã đưa viên phi công đó sang Côn Minh, giao cho tướng Chennault, chỉ huy tập đoàn không quân 14 của Mỹ.
50 năm sau, cụ Mac Shin và các cựu binh OSS khác như: Frankie Tan, Charles Fenn… đã không giấu nổi cảm xúc của mình khi được gặp và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một bầu không khí đặc biệt cởi mở và thân tình. Họ coi đó là một đặc ân mà vị tướng lỗi lạc của đất nước Việt Nam đã dành cho mình. Đại tướng ân cần nắm tay từng người một. Sau khi cùng ôn lại những kỷ niệm ở Việt Bắc nửa thế kỷ trước, Đại tướng nói với những người bạn Mỹ một câu mà tôi nhớ mãi: “Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình. Việt Nam chiến đấu là vì hòa bình”. Trong tôi vẫn còn in đậm hình ảnh một người bạn của Mac Shin, thiếu tá Thomas, chỉ huy đơn vị “Con Nai”, đứng trên bậc thềm của ngôi nhà 105A Quan Thánh. Chỉ chiếc áo vét tông màu trắng bằng vải đũi đang mặc, Thomas giọng đầy cảm xúc, nói với Đại tướng: "Đây chính là chiếc áo mà Bác Hồ đã tặng tôi 50 năm trước khi chia tay. Tôi giữ nó bên mình như một báu vật".
Buổi đầu của mối quan hệ Việt - Mỹ tốt đẹp như vậy, nhưng lịch sử đã rẽ theo một hướng khác vô cùng thảm khốc. Nhiều cơ hội lớn đã bị các nhà lãnh đạo Mỹ bỏ lỡ. Một cuộc chiến tranh lớn đã diễn ra… Nhìn những người Mỹ hồn hậu, đã đến giúp đỡ chúng ta từ rất sớm vây xung quanh Đại tướng với một sự ngưỡng mộ đặc biệt, bỗng dưng tôi cảm thấy một sự phi lý cùng cực khi chợt nghĩ rằng nước Mỹ của những người tốt và hào hiệp như Mac Shin, Charles Fenn… lại đã gây ra cho nhân dân Việt Nam một trong những cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử.
10 năm sau, đêm 19/6/2005, tại Phòng khánh tiết của khách sạn Fairmont Olympic, tôi lại may mắn được gặp lại cụ Mac Shin khi thành phố Seattle và bang Washington mở tiệc lớn chiêu đãi Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải trong chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nước ta. Ngồi cùng bàn tiệc, hôm đó cụ Mac Shin cứ nói chuyện với tôi mãi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với một niềm cảm phục khôn nguôi.
Tại Hà Nội, trong một lần gặp gỡ với nguyên Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Măcnamara, người được coi là "kiến trúc sư" của cuộc chiến tranh Việt Nam, khi lý giải vì sao Mỹ thua ở Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: "Người Mỹ đã không hiểu nổi quyết tâm chiến đấu của nhân dân Việt Nam vì "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Việt Nam chiến đấu vì hòa bình!".
Giờ đây, Đại tướng đã mãi mãi đi xa. Trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói quốc gia Mỹ sáng 5/10/2013, giáo sư sử học quân sự Cecil Currey, tác giả cuốn “Chiến thắng bằng bất cứ giá nào” đã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: ''Sánh cùng với các vĩ nhân quân sự suốt 2000 năm qua, ngang tầm Alexander đại đế, vượt tầm Napoleon, vượt qua mọi tướng lĩnh của chúng ta, là vĩ nhân của mọi thời đại". Trên truyền thông quốc tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đánh giá là một vị thống soái lỗi lạc.
Trong trái tim nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, Võ Nguyên Giáp mãi mãi là vị tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình!
Hà Nội 5/10/2013
Hồ Quang Lợi