-"Nếu hệ thống lại cuộc đời của Đại tướng, sẽ thấy chuỗi sáng tạo của ông rất lớn. Đây là bà đỡ và là chất xúc tác cho sự dấn thân", TS Mộc Quế.
Dù cách xa Hà Nội hơn nghìn cây số, nhưng những người con ở đất phương Nam một lòng hướng về thủ đô, nơi Đại tướng từng sống và làm việc. Từ TP.HCM đến TP.Cần Thơ, thủ phủ của vùng ĐBSCL, tin tức về tang lễ của Đại tướng được người dân quan tâm đặc biệt, là chủ đề của những cuộc gặp gỡ, trò chuyện trong những ngày vừa qua.
Không có môi trường cho người tài phát huy
Tiến sĩ Mộc Quế, Viện trưởng viện quản trị doanh nghiệp trầm ngâm: Tôi nhận ra rằng, Đại tướng được yêu thương, quý trọng ở nhân cách, trí thức chứ không phải chức tước. Đó là thứ vô giá của con người, có giá trị bất biến, vững bền. Vượt lên trên tất cả mà chức tước, quyền lực không thể có được. Điều này đã giúp tôi rất nhiều trong công tác nghiên cứu sau này.
Tôi tự rút ra cho mình những đức tính quý báu của Đại tướng đó là tính trung thực; nuôi dưỡng trí tuệ, trí thông mình bằng cách học không ngừng, học nhiều ngành để mở mang đầu óc, trí tuệ của minh để phục vụ tốt, không coi trọng bằng cấp; phải có sự dấn thân, kiên nhẫn và không đòi hỏi.
Nếu hệ thống lại cuộc đời của Đại tướng, sẽ thấy chuỗi sáng tạo của ông rất lớn. Đây là bà đỡ và là chất xúc tác cho sự dấn thân. Dấn thân phục vụ cộng đồng, dân tộc và nó sẽ quay trở lại giúp cho sáng tạo nảy nở tiếp tục. Có thể xem đây là “công thức” đào tạo nhân tài cho tổ chức, cho cộng đồng và đất nước từ đây. Và cũng từ đây giúp cho ta nắm được phương pháp, nghệ thuật sử dụng người tài. Bác Hồ đã nhận ra khả năng phi thường, đầy sáng tạo và dấn thân của Võ Nguyên Giáp nên đã lựa chọn đào tạo và phong thẳng hàm Đại tướng từ lúc ông còn rất trẻ. Nếu cứ câu nệ, hình thức thì sao có vị Đại tướng lừng danh như Võ Nguyên Giáp?
Có thể nói, môi trường xuất hiện nhân tài và sử dụng nhân tài là vô cùng quan trọng, quyết định vận mệnh của một tổ chức hay rộng lớn hơn là của một dân tộc.
Môi trường Cách mạng là nguồn sản sinh ra tài năng và nguồn nhân lực tốt. Các cuộc Cách mạng trên thế giới cũng vậy. Bắt đầu từ gian khó, hy sinh, sự dấn thân và sáng tạo lớn sẽ giúp xuất hiện vĩ nhân, người tài.
Điều kiện ra đời và phát huy người tài, phát huy tính sáng tạo chính là vừa nhân vừa quả; vừa là yếu tố hình thành, vừa là yếu tố thụ hưởng, tương tác với nhau ra môi trường mới.
Mấy chục năm qua tôi nghiệm lại thấy ít xuất hiện nhân tài kiệt xuất, đó là sự thật không nên né tránh. Vấn đề là từ đâu? Theo tôi do chúng ta không biết nuôi dưỡng hạt nhân tài năng, không có môi trường cho người tài phát huy mà cứ “dú khí đá” thành tích. Môi trường này một mặt làm hỏng người tài, mặt khác sẵn sàng thải người tài ra khỏi bộ máy để vận hành cho lợi ích cục bộ, bản thân. Điều này đã thành căn bệnh nguy hiểm vô cùng, như cơ thể bị ung thư vậy.
Đại tướng thăm nông trường sông Hậu. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Phải tiếp tục phát triển nông trường
Bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc nông trường Sông Hậu chia sẻ: Tôi may mắn được gặp Đại tướng 2 lần ở Hà Nội. Một lần là sinh nhật của bác tại nhà riêng. Lần sau gặp ở quân y viện 108.
Thật ngạc nhiên và ấn tượng nhất là bác nhớ và nắm rõ về nông trường. Lúc ấy nông trường đang là điển hình của mô hình nông nghiệp XHCN, bác khen và căn dặn tôi cần phải tiếp tục phát triển nông trường. Người Cộng sản chân chính phải vượt qua tất cả để hoàn thành và làm tốt nhiệm vụ.
Lần gặp sau trong Quân y viện 108, bác hỏi thăm ba tôi và dặn tôi noi theo con đường của ba tôi đã đi, từ một sĩ quan quân đội trong chiến tranh bước vào thời bình làm kinh tế, xây dựng nên nông trường trên vùng đất hoang. Hoàn cảnh nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là “anh bộ đội cụ Hồ”.
Những lần được gặp bác là một lần để lại bài học trong cuộc đời tôi. Khi còn làm giám đốc nông trường, tấm gương của bác giúp tôi vượt lên những khó khăn, hy sinh quên mình mà không hề so đo, tính toán thiệt hơn. Mình làm vì cái chung cho cộng đồng, đất nước. Trong đó có mình. Thế là vui, là hạnh phúc!
Kẻ địch cũng phải sợ hãi
Tướng về hưu Nguyễn Việt Thành đã có 4 lần gặp Đại tướng. Xuất thân từ người lính thì việc gặp Đại tướng đã là vinh dự lớn lắm rồi. Tôi may mắn được gặp ông tới 4 lần.
Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào, là sức mạnh của những người lính như tôi trong chiến tranh. Kẻ địch cũng biết đến tên tuổi của ông với lòng ngưỡng mộ và sợ hãi.
Lần gặp đầu tiên sau năm 1975. Vị tổng chỉ hay của các chiến dịch lớn bằng xương bằng thịt đứng trước mặt, thật không khỏi xúc động, tưởng như trong giấc mơ vậy.
Đại tướng vang danh tên tuổi nhưng tiếp xúc thấy vô cùng gần gũi, thân thương như người cha, người anh. Ông nhẹ nhàng, ân cần, dặn dò những điều rất thiết thực. Lần gặp đầu tiên đó giúp tôi hiểu thêm một cách sâu sắc rằng vì sao chúng ta chiến thắng.
Lần thứ 4 gặp Đại tướng khi tôi ra Hà Nội công tác. Lúc ấy Đại tướng đã yếu, nằm trong Quân y viện 108. Tuy nhiên, ông vẫn toát lên sức mạnh của một “người anh cả” của quân đội ta. Ông hỏi thăm những điều tưởng như đã quên, ông động viên nhắc nhở cần phải luôn lạc quan, hoàn thành nhiệm vụ.
"Có nhiều việc phải học và thực hành từ Đại tướng. Nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu để gỡ ra khỏi mớ bùng nhùng vây bủa? Phải bắt đầu từ tính chân thật, tôn trọng sự thật, lẽ phải. Tính chân thật là bản chất của trung thực. Đây là cái gốc của Cách mạng. Cách mạng là đổi mới. Đổi mới phải dựa trên cái cũ rất thật được đánh giá một cách trung thực thì Đổi mới mới thành công. Nếu không, bệnh thành tích sẽ cho ra các báo cáo láo, sai sư thật. Từ đây sẽ dẫn tới dự báo sai, quyết sách sai, dẫn tới đường lối sai. Kết quả sẽ xa rời bản chất Cách mạng và xa rời cuộc sống, xa rời yêu cầu của xã hội và khát vọng của nhân dân. Bắt đầu từ tấm gương, bài học về tính chân thật của Đại tướng, chúng ta dễ dàng nhận diện và bóc tách ra những vấn đề cần giải quyết và xử lý; giải quyết được căn bệnh ung thư nguy hiểm đang hoành hành trên cơ thể xã hội ta. Đến giờ này đã rất nặng và nguy hiểm nên cần có dũng khí để tính chân thật như vũ khí sắc bén giải quyết, xóa những căn bệnh nguy hiểm đó, mở đường cho những đức tính hy sinh, dấn thân cao cả. Nói cách khác là tính chân thật sẽ tạo ra môi trường cho sự cao cả, dấn thân và sáng tạo xuất hiện phục vụ cho lợi ích chung của dân tộc và đất nước mà Đại tướng từng ấp ủ, đau đáu" (TS Mộc Quế) |
Duy Chiến (ghi)