Liên hoan phim quốc gia là giải thưởng điện ảnh lớn nhất nước, có thể xem là một bức tranh phản ánh nền điện ảnh.

Với 23 phim truyện dự giải, bao trùm nhiều thể loại từ đã rất quen thuộc đến thực sự mới mẻ, mùa hội phim lần này mang một sắc diện khá trẻ trung, sung sức. Nếu không chỉ soi vào mảng nhạt màu phía đáy, có thể chờ vào một mùa Sen Vàng sôi động, hứa hẹn.

Hôm nay,  LHP Việt Nam lần thứ 18 sẽ diễn ra ở Quảng Ninh (từ 14 – 16/10). Liên hoan phim kỳ này thu hút lượng tác phẩm dự thi đông đảo với 139 tác phẩm gửi đến từ 44 cơ sở sản xuất, trong đó có 23 phim truyện điện ảnh, 6 phim truyện video, 10 phim tài liệu điện ảnh, 62 phim tài liệu video, 12 phim tài liệu và 26 phim hoạt hình.

Đồng hành với thời cuộc đất nước

Nền điện ảnh cách mạng Việt Nam ra đời từ năm 1955 nhưng phải đến năm 1970 đất nước mới tổ chức LHP quốc gia đầu tiên. Kinh qua 17 lần tổ chức trong hơn 40 năm qua, LHP Việt Nam đã trở thành một tài liệu biên sử cho ngành điện ảnh tổng kết một cách tương đối hệ thống những tác giả, tác phẩm giá trị trong chặng đường phát triển.

Đến hẹn lại lên, liên hoan phim quốc gia cứ 05 năm 02 lần (02 hoặc 03 năm/lần) trở thành dịp hội tụ của những người làm điện ảnh. Những năm gần đây, thời gian giữa các kỳ tranh Bông sen Vàng được rút ngắn bớt, LHP ấn định tổ chức 02 năm/ lần vào các năm lẻ. Sự định kỳ cũng tạo cho LHP cơ hội chuyên nghiệp hơn, về mặt định hình hình ảnh.

17 kỳ LHP đã đồng hành với nhiều giai đoạn của điện ảnh nước nhà, từ những tác phẩm thực hiện ngay trong lòng cuộc chiến mang hơi thở thời sự như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Nổi gió… (phim truyện) tới Nước về Bắc Hưng Hải, Thành phố lúc rạng đông… (phim tài liệu) đến giai đoạn hậu chiến với những bộ phim tái hiện lịch sử, khắc họa đậm nét chân dung dân tộc như Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10, Mẹ vắng nhà…

{keywords}

Và anh sẽ trở lại - một trong ba bộ phim chưa ra rạp - sẽ tham gia tranh giải ở hạng mục phim truyện tại LHP VN lần 18 - Ảnh tư liệu

Từ những bộ phim đưa vào ngổn ngang những vấn đề của thời cuộc như Thị xã trong tầm tay, Tướng về hưu, Lưới trời… đến những câu chuyện cá nhân rung cảm như Thương nhớ đồng quê, Mùa len trâu, Hải Nguyệt… Từ hiện thực cuộc sống thô ráp trong Tội lỗi cuối cùng, Canh bạc, Những người thợ xẻ… đến chất trữ tình, đẹp đẽ như Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17, Vị đắng tình yêu, Chuyện của Pao…

Một bức tranh sôi động

Liên hoan phim ngoài ý nghĩa ngày hội gặp gỡ của những người làm điện ảnh còn là dịp tổng kết ngành. Khác với những LHP quốc tế mang tính tuyển chọn và khám phá (với những tác phẩm còn xa lạ và hầu như mới mẻ), giải thưởng điện ảnh quốc gia là sự hệ thống và đánh giá (với những tác phẩm đã xuất hiện và được biết trước đó).

Với sự phát triển tích cực của thị trường điện ảnh, Liên hoan phim 18 dù vắng tới 20 phim truyện vẫn rất sôi động

Như thường lệ, hạng mục quan trọng và cũng được chú ý nhiều nhất ở mỗi kỳ giải thưởng điện ảnh chính là hạng mục Phim truyện (chiếu rạp). Những năm gần đây, thị trường điện ảnh Việt có những bước phát triển khá tích cực. Sự ra đời của khu vực điện ảnh tư nhân khiến cơ hội làm phim mở ra cho nhiều thành phần, đối tượng (mà trước đây vốn chỉ khuôn hẹp trong hệ thống các hãng phim nhà nước). Số lượng phim sản xuất ngày một nhiều hơn, với sự mở rộng đề tài, thể loại và sự đa dạng về quan niệm và phong cách làm phim.

Liên hoan phim kỳ này cũng phản ánh không khí sôi động ấy. Nếu tính theo thời điểm ra mắt, có tới hơn 40 bộ phim đủ điều kiện để dự tranh Bông sen Vàng ở Quảng Ninh sắp tới (điều kiện dự thi của cả Bông sen lẫn Cánh diều lâu nay vẫn là phát hành trong khoảng giữa 02 kỳ giải thưởng). Một con số ấn tượng.

Tuy vậy, cũng khá nhiều tác phẩm đủ điều kiện dự thi vì những lý do này khác đã không gửi tranh tại LHP. Thiếu vắng gần 20 tác phẩm không tham gia ngày hội điện ảnh, Bông sen Vàng mùa này là sự cạnh tranh của 23 phim truyện. Dù chưa phải tối ưu nhưng số lượng tác phẩm kỳ này gây ấn tượng cho ngay cả Ban tổ chức, thậm chí nhiều người nghĩ đây là kỷ lục của các kỳ LHP.

Cần một Ban Giám khảo đủ tầm

Sau 03 mùa liên hoan phim 15 – 16 – 17 duy trì khẩu hiệu "Vì một nền điện ảnh đổi mới và hội nhập", kỳ LHP lần thứ 18 đã có một slogan mới “Điện ảnh Việt Nam – Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”.

Tuy thay đổi slogan với hàm ý “làm mới” nhưng điều này xem ra cũng không mang nhiều ý nghĩa, bởi thực tế lâu nay cho thấy, những câu khẩu hiệu dường như không phản ánh gì xu hướng và tiêu chí lựa chọn của liên hoan.

Bởi LHP cần một sự thông tầm từ những người tổ chức và những người chấm giải, để vinh danh đúng tầm những tác phẩm giá trị, chứ không chỉ treo khẩu hiệu xuông

Ở kỳ LHP 15 tại Nam Định, những bộ phim vươn tầm quốc tế như Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh) minh triết, Chuyện của Pao (Ngô Quang Hải) rung động, Dòng máu anh hùng (Charlie Nguyễn) chuyên nghiệp, chỉ được giải Bạc, xếp sau giải Vàng duy nhất là một bộ phim có chất lượng trung bình cả về trình độ làm phim và nội dung tác phẩm và chẳng mấy đổi mới - hội nhập là: Hà Nội, Hà Nội (Bùi Tuấn Dũng).

Ở kỳ LHP 16 tại TP.HCM, bộ phim Đừng đốt (Đặng Nhật Minh) đăng quang, dù thuộc diện tròn trịa và có chất lượng, tuy nhiên, là một tác phẩm thông thường nếu xét về khía cạnh “đổi mới” và “hội nhập”. Ít ra so với những tác phẩm có nhiều tìm tòi và sáng tạo về ngôn ngữ thể hiện như Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn) hay tư duy kể chuyện theo lối mới mẻ như Chơi vơi (Bùi Thạc Chuyên) mà bị đánh giá thấp hơn.

Ở kỳ LHP 17 tại Phú Yên, bộ phim được cho là hiện đại, tươi mới và mạnh dạn đề cập đến một mảng hiện thực xã hội là Hotboy nổi loạn (Vũ Ngọc Đãng) dù được chính Trưởng Ban Giám khảo ca ngợi về nội dung và trình độ nghề nghiệp cũng chính vì nhiều yếu tố nóng, hot đã vấp phải nhiều kỳ thị để không thể vươn tới giải Vàng, mà chỉ an phận… giải Bạc.

Liên hoan phim kỳ này có tương đối những tác phẩm có những nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, bắt nhịp với xu thế điện ảnh quốc tế ở khía cạnh này khác như những Mùa hè lạnh, Scandal, Đường đua, Lửa Phật, HIT: Hoàng tử và Lọ lem… dù kém “an toàn” ở trong những cái nhìn này khác, đòi hỏi một sự có tầm trong tư duy và nhận thức của đội ngũ giám khảo, và cả đội ngũ tổ chức liên hoan.

Trước thềm LHP, chờ một mùa Sen sôi động và đúng tầm.

Danh sách 23 phim truyện dự giải:

1. Cát nóng (Lê Hoàng)

2. Cưới ngay kẻo lỡ (Charlie Nguyễn)

3. Dành cho tháng 6 (Nguyễn Hữu Tuấn)

4. Đam mê (Phi Tiến Sơn)

5. Đường đua (Nguyễn Khắc Huy)

6. Hello cô Ba (Nguyễn Quang Minh)

7. HIT: Hoàng tử và Lọ lem (Ngô Quang Hải)

8. Hiệp sỹ guốc vông (Nguyễn Chánh Tín)

9. Giấc mộng giàu sang (Nguyễn Công Hậu)

10. Khùng (chưa có thông tin phim và đạo diễn)

11. Lạc lối (Phạm Nhuệ Giang)

12. Lấy chồng người ta (Lưu Huỳnh)

13. Lửa Phật (Dustin Nguyễn)

14. Mùa hè lạnh (Ngô Quang Hải)

15. Những người viết huyền thoại (Bùi Tuấn Dũng)

16. Nhà có năm nàng tiên (Trần Ngọc Giầu)

17. Ranh giới trắng đen (đạo diễn Indonesia)

18. Sau ánh hào quang (chưa có thông tin đạo diễn)

19. Scandal (Victor Vũ)

20. Săn đàn ông (Võ Quốc Thành – Khánh Ly)

21. Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ)

22. Và anh sẽ trở lại (Đinh Tuấn Vũ)

23. Yêu anh, em dám không (Nguyễn Quang Minh)

 Phương Phương