-"Cuộc đua" lần này ấn tượng hơn với những gương mặt trẻ cạnh tranh giải.

Tiếng nói từ làn sóng “người nước ngoài”

Tuy thiếu vắng gần 20 tác phẩm không gửi dự tranh Bông sen Vàng nhưng liên hoan phim quốc gia kỳ này vẫn rất đông vui. Với 23 phim truyện dự thi (so với 15 phim ở LHP 16 và 17 phim ở LHP 17), số lượng tác phẩm kỳ này vẫn đủ gây ấn tượng cho ngay cả Ban tổ chức, thậm chí nhiều người nghĩ đây là kỷ lục của các kỳ LHP.

Thực tế năm 2004, LHP 14 tại Buôn Ma Thuột cũng đạt mức 20 phim truyện và năm 2007 ở Nam Định, LHP 15 cũng thu hút được 25 phim truyện (2 kỳ LHP này có khoảng cách 3 năm).

{keywords}

Lửa Phật – một trong những phim có thành phần nước ngoài

Không chỉ đông đảo về số lượng, các bộ phim đợt này còn đa dạng phong phú về thành phần đoàn phim. Rất nhiều phim có những thành phần quan trọng là người nước ngoài, như Mùa hè lạnh (Ngô Quang Hải) có quay phim Cordelia Bresford người Australia, Đường đua (Nguyễn Khắc Huy) có quay phim Daniel Fowler người New Zealand, Lửa Phật (Dustin Nguyễn) có dựng phim Vance Null và nam diễn viên Rogan Yuan người Mỹ, Lạc lối (Phạm Nhuệ Giang) và Dành cho tháng 6 (Nguyễn Hữu Tuấn) có chuyên gia dựng phim là Julie Buzeau người Pháp, Ranh giới trắng đen có đạo diễn Nayato Nuala người Indonesia, Và anh sẽ trở lại (Đinh Tuấn Vũ) có nam chính Nicolas Nguyễn là người Pháp…

Xu hướng có người nước ngoài tham gia ở những vị trí quan trọng trong thành phần đoàn phim không còn là mới mẻ trong điện ảnh Việt. Tuy nhiên, đủ nhộn nhịp để trở thành một hiện tượng như thế này thì chưa. Với vai trò khá tích cực trong những bộ phim nhìn chung có chất lượng, làn sóng “người nước ngoài” xứng là một dấu ấn ở kỳ liên hoan phim này.

Một Ban Giám khảo chưa ấn tượng

Liên hoan phim lần này gồm 3 Ban Giám khảo (kể từ LHP 17, số lượng BGK đã tinh giản hơn so với các kỳ LHP trước), với BGK Phim truyện (9 thành viên), BGK Phim tài liệu, khoa học (7 thành viên) và BGK Phim hoạt hình (5 thành viên). Trước đây, Liên hoan phim thường có tới 4 Ban Giám khảo – có thêm một BGK Phim truyện video, còn hiện tại BGK Phim truyện đồng thời chấm cả 2 hạng mục Phim truyện (chiếu rạp) và Phim truyện video.

BGK Phim truyện do đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn làm Chủ tịch, BGK Phim tài liệu, khoa học do đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải làm Chủ khảo và BGK Phim hoạt hình do đạo diễn, NSND Nguyễn Phương Hoa cầm trịch.

{keywords}

Cần một Ban Giám khảo (và Ban Tổ chức) đủ tầm nhìn

Ở hạng mục quan trọng nhất là phim truyện điện ảnh, nếu LHP 17 quy tụ được một dàn giám khảo khá gai góc và cá tính như Lưu Trọng Ninh, Bùi Thạc Chuyên, Phó Đức Phương, Trịnh Thanh Nhã… thì dàn giám khảo năm nay ít ấn tượng hơn.

Một đạo diễn Đào Bá Sơn “vừa phải” ngồi ghế chủ tịch bên cạnh một đạo diễn Hồ Quang Minh “được được” và một đạo diễn ít được biết đến là Hoàng Anh. Trong thành phần giám khảo có nhà văn Chu Lai có vẻ “cá tính” nhưng để chấm phim thì e chưa đủ. Biên kịch Đinh Thiên Phúc, quay phim Phạm Thanh Hà, họa sĩ Nguyễn Trung Phan, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, diễn viên Nguyễn Lan Hương cũng chưa hẳn những name thuyết phục.

Không chỉ là chuyện tuổi tác, trẻ già. Hai chánh chủ khảo là đạo diễn Lưu Trọng Ninh của LHP 17 và đạo diễn Đào Bá Sơn của liên hoan lần này xét ra có thể coi thuộc cùng một thế hệ đạo diễn mà cha đẻ của Khát vọng Thăng Long có dấu ấn mạnh mẽ hơn so với tác giả Long thành cầm giả ca.

Những gương mặt kỳ trước như đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn, diễn viên NSND Trà Giang, quay phim Đinh Anh Dũng, họa sỹ Vi Kiến Thành của LHP 17 còn nhiều tuổi đời và tuổi nghề hơn những vị trí tương đương trong thành phần Ban giám khảo LHP 18.

Những cái tên gây cảm hứng của kỳ trước đều là những người có tiếng và đang đa số hoạt động tích cực trong thị trường điện ảnh so với những đồng nghiệp ở vai trò tương đương của LHP 18.

Đặc biệt, nhìn dàn giám khảo này bản thân không kỳ vọng nhiều lắm vào sự cởi mở hay bắt kịp xu thế quốc tế.

Sen vàng chờ gọi tên đạo diễn trẻ

Từ kỳ LHP lần thứ 17, giải thưởng Bông sen Vàng có thêm giải đạo diễn trẻ xuất sắc nhất. Đây là giải thưởng của Hội Điện ảnh (độc lập với hệ thống giải thưởng của BTC LHP là Cục Điện ảnh) với quy định dành cho các đạo diễn dưới 35 tuổi.

Giải phụ đạo diễn trẻ (dưới 35 tuổi) lần này đã mang tính cạnh tranh hơn

Vốn chỉ là một giải phụ (với đối tượng tranh giải luôn hẹp hơn nhiều so với các hạng mục giải thưởng khác) nhưng với tính chất cá nhân, giải thưởng này rất dễ nổi. Ở kỳ LHP 2011 tại Phú Yên, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (sinh năm 1978) đã dễ dàng chiến thắng giải thưởng này khi mà anh chỉ có một đối thủ là Nguyễn Thế Vinh (sinh năm 1983).

Lần này, cuộc đua xem ra sôi động hơn nhiều với sự có mặt của Nguyễn Khắc Huy (1985), Nguyễn Hữu Tuấn (1984), Đinh Tuấn Vũ (1989). Khắc Huy có Đường đua – bộ phim hành động, tội phạm gây sốt dư luận khi ra rạp mùa hè vừa qua. Hữu Tuấn có Dành cho tháng 6 – bộ phim tình cảm, học trò nhận được nhiều tiếng khen của báo giới. Cùng với họ là gương mặt trẻ Đinh Tuấn Vũ mới 24 tuổi mang đến phim Và anh sẽ trở lại với câu chuyện tâm lý, tình cảm ở bối cảnh vùng cao.

Danh sách có thể mang tính cạnh tranh hơn khi còn những ấn số như các bộ phim Khùng, Sau ánh hào quang chưa công chiếu và cũng chưa hé lộ thông tin đạo diễn. Chưa kể bộ phim tâm lý hài Săn đàn ông của cặp đạo diễn Võ Quốc Thành – Khánh Ly không rõ sinh năm nào.

  • Phương Phương