-Thẳng thắn, thành tâm, với đủ chứng cứ và lập luận, lại lịch lãm- ông rất ghét lối tranh biện thô thiển hoặc bới móc lý lịch đời tư người đối thoại. Tranh biện cốt là để cùng nhau tiến gần đến sự thật, thế thôi.

LTS:  Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh GS Văn Tân (1913-1988), cách đây ít ngày, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN đã tổ chức hội thảo khoa học tiêu đề "Nhà hoạt động cách mạng, nhà văn hóa, nhà sử học Văn Tân". Hơn 30 tham luận đã đem lại hiểu biết đầy đủ hơn về thân thế, sự nghiệp, con người, những cống hiến khoa học trên nhiều lĩnh vực ngôn ngữ học, văn học, đặc biệt là sử  học của ông.

Sự thật, và chỉ sự thật mà thôi, là thái độ, và nhân cách trong học thuật của cố GS Văn Tân, suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học lịch sử của ông. Nhưng có lẽ cũng là lời nhắn gửi cho mỗi con người chúng ta đang sống trong xã hội mà bệnh thành tích, thực chất là thói dối trá đáng hổ thẹn đang … lên ngôi.

Đại thụ trong làng sử học

Ông thuộc thế hệ xây nền đắp móng cho một nền học thuật mới mẻ, hiện đại về các Khoa học xã hội và Nhân văn Việt Nam. Sự độc đáo của ông là ở chỗ, cá tính và nhân cách luôn nhất quán với cá tính sáng tạo học thuật.

Trong suốt quãng 40 năm cầm bút, ông chỉ chú tâm, dồn hết thời gian, sức lực làm mỗi một việc, là miệt mài tìm kiếm và bảo vệ sự thật lịch sử. Và chỉ trung thành, chỉ bị làm cho mê mệt, chỉ bị khuất phục trước sự thật lịch sử, chân lý lịch sử mà thôi.

{keywords}
Bức hình kỷ niệm chụp tại trụ sở báo Tin Tức ngày mới thành lập, trong đó, Giáo sư Văn Tân là người đứng thứ 3 từ phải sang. Ảnh tư liệu

Sức tự học, cuờng độ và sự bền bỉ lao động học thuật khiến người đời phải ngả mũ kính nể, sức viết nhanh vào hàng kỷ lục, đã chia mình ra hàng vạn trang viết giá trị trong 10 công trình dầy dặn đã in thành sách đứng tên riêng (chưa kể nhiều công trình ông chủ biên), cùng hơn trăm bài viết đăng trên báo chí và bài nói về lịch sử ở rất nhiều nơi, GS Văn Tân được ngưỡng mộ như một đại thụ trong làng sử học nước nhà.

Các thế hệ làm sử ở xã hội ta đặc biệt ngưỡng mộ Văn Tân ở cá tính nổi bật của con người là dũng khí, nổi bật trong học thuật là sáng tạo đột phá làm thay đổi hẳn cách nhìn nhận, cách đánh giá giá trị đối với không ít vấn đề lịch sử, triều đại, nhân vật lịch sử nước ta.

Các thế hệ làm sử ở xã hội ta đặc biệt ngưỡng mộ Văn Tân ở cá tính nổi bật của con người là dũng khí, nổi bật trong học thuật là sáng tạo đột phá làm thay đổi hẳn cách nhìn nhận, cách đánh giá giá trị đối với không ít vấn đề lịch sử, triều đại, nhân vật lịch sử nước ta.

Và bút chiến mạnh mẽ chống mọi xuyên tạc sự thật lịch sử dân tộc.

Và phản biện, theo cách quân tử: Thẳng thắn, thành tâm, với đủ chứng cứ và lập luận, lại lịch lãm- ông rất ghét lối tranh biện thô thiển  “chính trị hoá” hoặc bới móc lý lịch đời tư người đối thoại. Tranh biện cốt là để cùng nhau tiến gần đến sự thật, thế thôi.

Giải nỗi oan Thị Kính nghìn năm…

Thái hậu Dương Vân Nga phải mang “lý lịch đen” suốt cả thời kỳ dài sử học phong kiến và thực dân sau đó. Quốc sử ngày trước lên án bà là “gian dâm” với bề tôi (Thập đạo tướng quan Lê Hoàn), còn Lê Hoàn “nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước”(?!)-Toàn thư.

Giáo lý Khổng Mạnh như là đã đổ bê tông trong đầu sử gia, kẻ sĩ một thời, sùng bái lòng tận trung đến chết chỉ với quyền lực một dòng họ đứng đầu là vua, cho dù cái triều vua ấy đã thối nát đi chăng nữa.

Sách Cương mục về sau (TK 19) chép sự kiện này, rằng Đại tướng Pham Cự Lạng cùng các tướng đều mặc quân phục, vào thẳng điện đình bảo mọi người rằng: “…Chi bằng trước hãy tôn ngay Thập đạo tướng quân lên làm thiên tử, sau sẽ ra quân”. Quân sĩ đều tung hô vạn tuế. Dương hậu thấy ai cũng một lòng hả hê mến phục, liền sai lấy áo long cổn khoác lên mình Lê Hoàn rồi chính Dương hậu khuyên mời Lê Hoàn làm vua…”. Dù vậy, Sử học ta vài thập kỷ sau năm 1945, chưa tác giả nào lật lại án oan này.

Cho đến một ngày, trong buổi nói chuyện về truyền thống phụ nữ Việt Nam với Hội Phụ nữ tại Hà Nội, GS Văn Tân đã gây chấn động.

Ông kể về khí phách và công lao của Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Sau đến Thái hậu Dương Vân Nga, như là người tiếp nối và làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ ta. Ông khẳng định rằng, bà Thái hậu đã vì lòng yêu nước, thương dân mà dũng cảm và tự nguyện từ bỏ đỉnh cao quyền lực, khoác lên mình vị tướng tài thống lĩnh ba quân tấm áo bào, khuyên ông kế vị để thêm uy quyền mà dẫn quân xung trận đánh đuổi quân Nam Hán!

Đặt lợi ích quốc gia và trăm họ lên trên quyền lực cá nhân, ở vào thời khắc sinh tử của đất nước khi quân Nam Hán đã xâm lấn cõi bờ, hành động của bà Thái hậu gồm đủ Nhân, Trí, Dũng, thật là cao cả, xứng đáng là bậc nữ kiệt của Việt Nam.

Sự đánh giá sáng suốt của Văn Tân, đã trả lại giá trị thật cho bà Thái hậu goá bụa giầu lòng yêu nước, thương dân, ở ngôi cao tột đỉnh nhưng con tim giầu nữ tính vẫn yếu đuối trước một anh hùng.

Câu chuyện của nhà sử học giải oan cho người có công bị vùi dập cả nghìn năm, có sức lan toả mạnh. Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh khi ấy “bán tín bán nghi”, nên đón ông về nói chuyện cho rành rẽ. Ông có thói quen từ chối thù lao, chỉ uống cốc nước chanh cho trơn giọng, hôm ấy được thưởng hào phóng bằng tiếng pháo tay tưởng như không dứt. Được lời như cởi tấm lòng, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) lập tức bắt tay vào các việc tôn vinh tấm gương bà Thái hậu.

Kiến giải mới lạ của Văn Tân phải đâu là cao hứng hay bật nẩy trong phút “xuất thần”- như cách nói của nhà thơ nổi tiếng nào đó khi viết được câu thơ mới lạ.  

Là nhà khoa học, ông đã từng khổ công đọc và suy ngẫm để tạo cho mình cả bộ công cụ nghề sử, trong đó có những tiêu chí khoa học làm thước đo các sự kiện, xu hướng, phong trào, triều đại, thời kỳ lịch sử…

Theo ông, khi đánh giá một nhân vật hay một triều đại lịch sử cần phải căn cứ vào tiêu chí: “Nhân vật lịch sử hay một triều đại nếu có những hành động có tác dụng thúc đẩy cho xã hội tiến lên, hoặc có những hành động nhằm bảo vệ non song đất nước, hoặc có những hành động mưu lợi ích của nhân dân, thì nhân vật đó, triều đại đó, mặc dầu thọ mệnh không dài, cũng vẫn là tiến bộ, đáng cho chúng ta đề cao cổ vũ.” Thước đo ấy của ông, về cơ bản vẫn đúng đến ngày nay.

“Cách mạng Tây Sơn”

Chính là do có cách nhìn đúng về tiến trình lịch sử, cùng thước đo “chuẩn”, GS Văn Tân đã là người đầu tiên khẳng định đúng tầm vóc cao lớn và công lao bất hủ của Khởi nghĩa Tây Sơn và Lãnh tụ Nguyễn Huệ, trong công trình dầy dặn, dựa vào mọi nguồn tư liệu tin cậy, khá đồ sộ trong nước, nước ngoài, ông đặt tên cũng mới chưa từng có là “Cách mạng Tây Sơn”.

Theo ông, đó không chỉ là khởi nghĩa, cũng lại hơn một phong trào, đó là cuộc cách mạng nông dân phạm vi cả nước, chấm dứt hai thế kỷ đen tối, nam bắc chia lìa, chiến tranh, loạn ly, chết chóc, dân tình lầm than, điêu đứng, chết đói đầy đường do mưu đồ tranh giành quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn.

Công lao vĩ đại của Tây Sơn là đã khôi phục nền thống nhất, và liên tiếp đánh bại hai cuộc xâm lăng của quân Xiêm ở phương nam và quân Thanh ở miền bắc, giữ gìn trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ trên suốt một dải giang sơn. Lãnh tụ Nguyễn Huệ, linh hồn của cuộc cách mạng, là nhà chính trị, nhà ngoại giao lỗi lạc, một thiên tài quân sự độc đáo, là không hề thua một trận, sánh ngang với Napoléon Bonarpate của nước Pháp.

Sự minh định ấy, chẳng cần đến việc lập đề tài cấp nhà nước, tiêu kinh phí, hội nghị, hội thảo, nghiệm thu rắc rối, mà tỏ ra có giá trị vượt thời gian. Vì đơn giản là một mình tác giả Văn Tân đã đi tới được sự thật lịch sử.  

Ông đưa ra những ý kiến rất bạo, dễ gây “dị ứng” cho không ít người, khiến cho đồng nghiệp lấy làm lo lắng cho ông.

GS Văn Tân cũng để lại dấu ấn riêng, bằng những đánh giá, nhận xét mà đến nay vẫn đáng tin cậy, về rất nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử ở đủ các triều đại nước ta.

Trong không ít bài viết, ông đưa ra những ý kiến rất bạo, dễ gây “dị ứng” cho không ít người, khiến cho đồng nghiệp lấy làm lo lắng cho ông. Chẳng hạn về lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào lúc mà xã hội ta đang tẩy chay Nho giáo, ông từng viết:  “Phong thái Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến ngày nay vẫn phảng phất dư hưởng của phong thái nho sĩ yêu nước Việt Nam”.

Hay như ông từng tâm đắc dẫn ra lời tuyên bố của nhà cách mạng Pháp Jean Jaurès: “Trung thành với truyền thống, không phải là quay trở lại những thế kỷ đã tắt như để ngắm nghía một dãy dài những bóng ma, mà trái lại là đem hết sức mình tiến về tương lai, cũng như phải tiến ra biển thì con sông mới trung thành với ngọn nguồn của nó”.

Đó là chân lý, đúng đến mức không thể đúng hơn được nữa. Nhưng khó có thể lọt tai được số đông những người tôn thờ không phê phán vinh quang quá khứ và các các "công thần" đương đại…

Người bút chiến và xu hướng phản biện học thuật

GS Văn Tân rất nhạy bén bút chiến quyết liệt trước sự cố tình xuyên tạc lịch sử dân tộc.

Trên tờ Bách Khoa số 148 xuất bản ở Sài Gòn (tháng 3/1963), sau là  tờ Đại học (số 35-36, tháng 12/1963) đăng các bài của Nguyễn Phương với nhan đề: Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?”

Nội dung bài viết của Nguyễn Phương chủ yếu là bênh vực Nguyễn Ánh, đặc biệt là trong việc cầu cứu người nước ngoài (Xiêm, Pháp) để chống lại khởi nghĩa Tây Sơn. Vị linh mục- sử gia này còn ca ngợi : “Nguyễn Ánh khi đánh tan Tây Sơn, mới thực sự là người lãnh đạo nông dân, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân…”.

GS Văn Tân nhìn ra ngay và chỉ rõ động cơ xu phụ chính trị, bênh Nguyễn Ánh để bênh Ngô Đình Diệm, chứ không phải đơn thuần vì học thuật:

 “Khi tranh luận, Nguyễn Phương đã tự ý đi ra ngoài phạm vi học thuật, và đã sử dụng sự lừa bịp chính trị (chantage politique) … Không những thế, Nguyễn Phương còn tỏ ra non kém về tri thức lịch sử khi coi “lịch sử là một sự lặp lại thường xuyên (l’histoire est un perpetual recommencement). Ý kiến này là của bọn sử gia duy tâm…”.Và ông chỉ ra những sai lầm về phương pháp cùng những nhận định trái sự thật, phi sự thật  của tác giả này.

Trước đó, ông đã từng nêu nhận xét đối với cuốn sách Nước Việt Nam lịch sử và văn minh  (NXB Les esditions de minuit, Pháp, 1955) của sử gia Lê Thành Khôi (sinh sống tại Pháp), thẳng thắn, sòng phẳng nhưng nhã nhặn bởi thấy tác giả không “chính trị hoá học thuật”.

GS Văn Tân đánh giá cao giá trị của cuốn sách, ghi nhận rằng thái độ của tác giả “đối với lịch sử hiện đại cũng như đối với lịch sử cận đại rất đáng cho chúng ta lưu ý và hoan nghênh…". Tuy nhiên, ông nêu rõ rằng tác giả Lê Thành Khôi do không đưa ra được một tiêu chuẩn cụ thể, đúng đắn, nên đã đã không tiếp cận được sự thật lịch sử.

Do phụ trách một diễn đàn sử học là Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, GS Văn Tân có điều kiện dấy lên không khí phê bình học thuật với “luật chơi” lành mạnh và bình đẳng, không mặc cảm thắng thua, cốt sao cho chỉ có sự thật lịch sử là chíến thắng.

Ông là người “gây sự” trước tiên, khi phê bình cuốn Lịch sử Việt Nam (xuất bản năm 1955) của tác giả Đào Duy Anh.

Tác giả đã dựa vào ý kiến của hai học giả người Pháp “mà đưa ra cả một hệ thống lý luận để chứng minh rằng tô-tem của người Việt nguyên thủy là một giống chim hậu điểu” , để nhận định rằng giống chim hậu điểu- tô-tem của người Việt, là giống chim Lạc…

GS sư Văn Tân chê : “Nhận định của Lu-i Phi-nô và Gô-lu-bép về vấn đề tô-tem của người Việt là võ đoán, thiếu cơ sở khoa học” và cho rằng những hình vẽ chim thú trên trống đồng Ngọc Lũ chỉ do cảm hứng nghệ thuật thôi, liên quan gì đến tô tem. Ông đưa ra nhiều cứ liệu để chứng minh rằng : “tô-tem của người Việt xưa đầu tiên là một loài rắn, rồi biến thành loài rồng”. Dứt cuộc tranh luận, hai ông bắt tay nhau, bảo là hãy tiếp tục nghiên cứu nữa đi.

GS Văn Tân còn tiếp tục động bút phê bình một loạt công trình và luận văn của liên danh Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn, từ  Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam đến Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập I.  Rồi thì đến Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam (sách có Lời tựa Giáo sư Trần Văn Giàu).

Bài phê bình nào cũng kỹ lưỡng, giàu tư liệu và suy nghĩ, chứa đựng cả một công phu lao động. GS Văn Tân cũng dành công sức để phản biện cả những luận văn và sách sử thời trước đó, kể cả là quốc sử- như Vài sai lầm về tài liệu của bộ Đại Việt sử ký toàn thư…Có một điều mà ngày nay thấy là rất lạ. Các ông tranh luận có khi nẩy lửa, nhưng vẫn cứ “chơi với nhau” rất thân ái!

Nhà sử học Văn Tân suốt đời miệt mài tìm kiếm và bảo vệ sự thật lịch sử và chỉ trung thành, chỉ bị làm cho mê mệt, chỉ bị khuất phục, chỉ cúi đầu trước sự thật lịch sử, chân lý lịch sử mà thôi.

Đầu năm 1988, tưởng nhớ GS Đào Duy Anh vừa qua đời, GS Văn Tân đã viết: “Nếu như trong cuộc đời của một nhân vật, cái di sản đáng quý để lại cho các thế hệ về sau không phải là chức trọng quyền cao, cũng không phải là của cải vàng bạc, mà là những gì có sức tồn tại lâu dài trong lịch sử thì ông Đào Duy Anh quả là một nhà văn hóa lớn của chúng ta”.

Nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Văn Tân, giới sử học tôn vinh chính Văn Tân như thế. Nhà sử học Văn Tân suốt đời miệt mài tìm kiếm và bảo vệ sự thật lịch sử và chỉ trung thành, chỉ bị làm cho mê mệt, chỉ bị khuất phục, chỉ cúi đầu trước sự thật lịch sử, chân lý lịch sử mà thôi.

GS Văn Tân tên thật là Trần Đức Sắc, sinh ngày 1-9-1913 ở làng Kim Hoàng - Thọ Nam (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Năm 1937, trong phong trào Mặt trận dân chủ, Văn Tân làm báo Tin tức cùng với Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long, Võ Nguyên Giáp... Năm 1941, ở tù Sơn La, ông lại cùng với Trần Huy Liệu làm báo “Suối reo”. Những năm bị giam cầm trong ngục tù đế quốc đã làm đôi chân GS Văn Tân đi không còn vững nhưng nhiệt huyết trong ông thì không hề suy giảm. Bầu nhiệt huyết đó được truyền vào 25 cuốn sách, 117 bài nghiên cứu.

GS Văn Tân thuộc thế hệ những người mở đường khai phá cho sử học hiện đại Việt Nam sau năm 1945 cùng với những tên tuổi lớn như: Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giáp... (Ngô Vương Anh - Theo Nhân dân Online)

 

  • Thế Văn

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam