-"Nếu nói về việc đặt ra các mục tiêu để xử lý, thì chúng ta đã hoàn thành một số việc theo nghĩa là "đặt việc ra và giải quyết được". Ví dụ, như hạ được lạm phát xuống, ổn định được tỷ giá, hay tăng trưởng GDP không tụt xuống quá thấp..."

LTS: Còn nhớ, tại "Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu" do Ủy ban Kinh tế QH tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: "Không thể nói cả nền kinh tế tê liệt, dù có khó khăn, trì trệ", và cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy và đi lên trong những năm tới.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp QH ngày hôm qua (21/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: cân đối thu chi ngân sách khó khăn, nguy cơ lạm phát tăng trở lại do chưa thực hiện cải cách tiền lương, chưa thực hiện được giá than, điện, y tế, giáo dục... theo thị trường.

Là người từng đưa ra các khuyến cáo, rằng nền kinh tế vẫn đang "tắc nghẽn, không có chỉ dấu cho sự đi lên"... tại cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam một lần nữa khẳng định thêm dự báo của mình.

Nói thẳng, nói thật không phải là bi quan

Ông Thiên giải thích: Tôi không nghĩ những ý kiến của mình là bi quan. Nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật thì không phải là bi quan. Ngược lại, nó có ý nghĩa tích cực, tương đương như nói "khó khăn, hay khủng hoảng, là cơ hội của cải cách, để tiến lên". Nói ra điểm yếu, cái khó thì cơ hội vượt lên sẽ rõ ràng hơn. Lạc quan, tươi sáng là theo nghĩa thực như vậy.

Về tình hình kinh tế năm nay, nếu nói về việc đặt ra các mục tiêu để xử lý, thì chúng ta đã hoàn thành một số việc theo nghĩa là "đặt việc ra và giải quyết được". Ví dụ, như hạ được lạm phát xuống, ổn định được tỷ giá, hay tăng trưởng GDP không tụt xuống quá thấp...

Nhưng phải nói cho chuẩn xác rằng chúng ta chỉ giải quyết được những việc mà năm nay đặt ra thôi. Thế còn việc lâu dài, tính theo những nhiệm vụ lớn, cơ bản đặt ra cho cả giai đoạn phát triển mới từ Đại hội Đảng XI, như tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thì chưa làm được gì đáng kể. Trong khi đó, những việc đã tạm làm được trong năm 2013 đó thì lại không trả lời được triển vọng kinh tế trung dài hạn sẽ như thế nào.

Ví dụ, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải cách ngân hàng chưa thực sự rõ ràng, hay tái cơ cấu đầu tư cũng vậy... Tức là, những việc cần làm để đổi mới mô hình tăng trưởng thì chúng ta chưa thực sự bắt tay vào.

{keywords}

PGS-TS Trần Đình Thiên

Tóm lại, ít nhất là từ khi khủng hoảng toàn cầu đến nay, năm nào chúng ta cũng phải xử lý những việc để giải thoát tạm thời cơn hoạn nạn, để cố vực tăng trưởng vào cuối năm, chứ không hề có những sự chuẩn bị theo nghĩa chiến lược đàng hoàng, nhằm giải quyết những vấn đề lớn của một giai đoạn phát triển mới?

- Đúng vậy! Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu tại Huế cuối tháng 9, tôi có nhấn mạnh tới việc tại sao, sau gần 30 năm đổi mới, vấn đề đất đai lại căng thẳng giống như ngày xưa, vấn đề doanh nghiệp nhà nước cũng nổi lên rất gay gắt, giống như lúc bắt đầu đổi mới. Mà thể chế đất đai và doanh nghiệp nhà nước chính là hai vấn đề mấu chốt mà công cuộc đổi mới đã đặt ra để giải quyết ngay từ đầu.

Lý do vì sao có sự lặp lại như vậy?

-Dường như trong giai đoạn 10-15 năm đầu của đổi mới, vấn đề cốt lõi - cấu trúc sở hữu, gắn với sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần thay cho nền kinh tế độc tôn sở hữu - mà đổi mới đặt ra mới chỉ giải quyết được một phần. Nhưng chỉ một phần đó thôi thì cũng đã tạo ra được bước nhảy ngoạn mục trong giai đoạn đầu rồi.

Còn phần còn lại chưa được giải quyết, cả nội dung sở hữu thực tế lẫn cơ chế phân bổ nguồn lực, đến lúc bộc lộ giới hạn của chúng, khi mà năng lực, động lực giải phóng sức sản xuất mà đoạn đầu đổi mới đã giải quyết được lại bị yếu đi, thì dường như nền kinh tế và xã hội, hay nói đúng hơn, sức sản xuất lại "bị trói" trở lại. Lý do của sự lặp lại là như thế.

Anh phải lưu ý một điều hết sức quan trọng là cả đất đai và doanh nghiệp nhà nước đều liên quan đến khái niệm sở hữu toàn dân. Tức là cái cốt lõi của cấu trúc kinh tế cũ vẫn chưa giải thể được. Điểm mấu chốt là chúng ta có cố gắng, nhưng chưa giải quyết được triệt để là cái đó.

Thúc đẩy hay kìm hãm?

Ông giải thích thế nào về việc tại sao khu vực tư nhân có nhiều doanh nghiệp đóng cửa nhiều đến thế, tại sao khu vực doanh nghiệp nhà nước suy yếu đến thế, trong khi khu vực đầu tư nước ngoài lại có vẻ vẫn "ung dung", nếu không nói là tốt lên?

-Về vấn đề này các chuyên gia trong nhóm Fulbright đã giải thích rồi, rất đơn giản mà chính xác:

Khu vực đầu tư nước ngoài không chịu sự ràng buộc bởi các thể chế kinh tế của Việt Nam, ví dụ như mức lãi suất, nhiều loại thủ tục hành chính (chưa kể việc Việt Nam còn cung cấp thêm không ít ưu đãi cho khu vực này), nên nó phát triển thuận lợi hơn; còn khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nội địa bị trói buộc bởi thể chế của Việt Nam nên khó cựa quậy, bị yếu đi là chuyện tất nhiên thôi.

Vậy thể chế trong trường hợp này là gì, chứ không phải một khái niệm khá chung chung, nói ở đâu cũng đúng?

-Trong Diễn đàn ở Huế, tôi đã nói luôn là thể chế ở đây liên quan đến việc làm rõ khái niệm "định hướng xã hội chủ nghĩa" trong phát triển kinh tế thị trường. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa trả lời thật rõ câu hỏi là "định hướng XHCN" có tác động như thế nào - thúc đẩy hay kìm hãm thị trường?

"Sau gần 30 năm đổi mới, vấn đề đất đai lại căng thẳng giống như ngày xưa, vấn đề doanh nghiệp nhà nước cũng nổi lên rất gay gắt, giống như lúc bắt đầu đổi mới. Mà thể chế đất đai và doanh nghiệp nhà nước chính là hai vấn đề mấu chốt mà công cuộc đổi mới đã đặt ra để giải quyết ngay từ đầu"

PGS-TS Trần Đình Thiên

Vì sao?

Bởi hai yếu tố này xưa nay bị coi là đối lập.

Ông nghĩ liệu có câu trả lời cho câu hỏi này không?

-Tôi nghĩ là suốt hơn 20 năm nay, chúng ta đã cố trả lời câu hỏi này. Nhưng do chưa đối mặt thẳng thắn với mâu thuẫn, bị thiên kiến lấn át, nên chưa có câu trả lời mà thực tiễn cần.

Khi ông đặt vấn đề đó ra (ở Huế), có ý kiến nào phản bác không?

- Không thấy có ý kiến nào. Tôi nói vấn đề này không chỉ ở Huế, và ít ra là cho tới nay tôi chưa nghe thấy có ý kiến nào phản bác lại cách đặt vấn đề như vậy.

Nếu câu hỏi đó đặt ra với ông, liệu ông sẽ trả lời thế nào?

- Ý kiến của tôi, tốt nhất là khi chưa rõ thì nên tập trung nghiên cứu nó. Vì đây là vấn đề mấu chốt của đường lối phát triển cho cả một quốc gia. Khi nghiên cứu rõ, thật tường minh về lý luận, thì mới áp dụng nó vào thực tiễn để dẫn dắt một cách hiệu quả các quá trình thực tiễn.

Cho đến nay, nghiên cứu lý luận vẫn tiếp tục làm công việc này. Điều đó thể hiện thái độ nghiêm túc đối với một vấn đề cơ bản của đường lối phát triển đất nước. Nhưng tôi nghĩ có lẽ chúng ta sau gần 30 năm vật lộn, bây giờ phải có cách tiếp cận mới thì khả năng giải quyết vấn đề mới cao, mới đáp ứng được yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Chỉ khi nào xác định rành mạch định hướng tối cao, thì câu chuyện phát triển của Việt Nam mới rõ ràng được. Chứ nếu không "cứ tua đi tua lại" công thức chung mà không cụ thể hóa được nó, vẫn không đủ tường minh, thì chúng ta vẫn mắc ở mâu thuẫn đó.

Tôi lấy ví dụ Nhà nước nắm vai trò quản lý quá trình tiền tệ, đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam, phải thông qua nhà nước. Để "hấp thụ" và cân bằng số ngoại tệ mà nước ngoài đổ vào đầu tư, tiền Việt phải đổ ra nhiều tương ứng. Nhưng liệu nhà nước có quản lý được sự vận hành của hệ thống tiền tệ với hàng loạt quan hệ toàn cầu rất phức tạp không?

Chúng ta còn nhớ khi Việt Nam mới gia nhập WTO (2007), lượng ngoại tệ đổ vào rất nhiều do các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng rất lớn vào việc Việt Nam đã bước vào sân chơi lớn. Nhưng thực tế là lúc đó, chúng ta đã chưa xử lý tốt vấn đề, không quản lý được tốt dòng chảy của khối lượng tiền này.

"Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa trả lời thật rõ câu hỏi là "định hướng XHCN" có tác động như thế nào - thúc đẩy hay kìm hãm thị trường?"

Và kết quả là...

Lần đầu tiên dự trữ tiền đô la đã vượt 20 tỷ USD. Thế nhưng, lạm phát năm đó cũng vọt lên mức 2 con số, sau nhiều năm giữ ổn định ở mức thấp. Sau đó là lạm phát nhảy múa, bất ổn kéo dài cho đến nay.

Hay ta thấy giá xăng dầu, giá điện và giá than, gọi chung là giá năng lượng, giá đất, và tiền lương (giá lao động) cho đến nay vẫn cơ bản là "giá hành chính". Và ngay "giá tiền" (lãi suất và tỷ giá) - là giá của một nửa tổng số của cải trong nền kinh tế thị trường) cũng là giá hành chính nốt. Bốn cái giá đó đều là giá hành chính thì thử hỏi làm sao thị trường có thể hoạt động một cách bình thường, không méo mó được?

Chính vì vậy, phân phối nguồn lực đầu vào phải để thị trường xử lý, còn nhà nước chỉ tạo cơ chế cạnh tranh cho việc phân bổ nguồn lực diễn ra lành mạnh thôi. Còn muốn cho "định hướng XHCN" vận hành cho tốt, nếu ta còn muốn duy trì và thúc đẩy, thì hãy tập trung "kiểm soát" đầu ra, làm sao để việc phân phối đầu ra, tức là chia của cải làm ra được cho xã hội, bảo đảm sự công bằng cao nhất có thể, bằng cách đánh thuế, bằng phúc lợi...

Tóm lại, để "định hướng XHCN" tác động tích cực vào các quá trình thị trường thì nhà nước nên tập trung can thiệp vào phía đầu ra, để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong phân phối thu nhập. Chứ ở ta hiện nay, sự can thiệp của nhà nước lại chủ yếu là ở phân bổ đầu vào, mà lại can thiệp rất hành chính, với dấu ấn bao cấp, xin cho rất nặng.

Theo cách tiếp cận đó, sẽ nhận thấy rằng, câu chuyện tái cơ cấu mà chúng ta vẫn nói suốt mấy năm qua, thực chất là "thay đổi cách can thiệp đầu vào", hay thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực.

Vậy ra tái cơ cấu đơn giản như vậy thôi à?

- Như vậy thôi. Và "thay đổi cách can thiệp đầu vào" thực chất là giảm, là thay cách can thiệp, và tập trung "chức năng can thiệp" vào phía bên kia, để bảo đảm sự bình đẳng đầu ra.

Tất nhiên, nhà nước vẫn phải theo dõi quá trình đầu vào, nhưng không phải can thiệp, mà tạo ra một môi trường cạnh tranh trong sáng, minh bạch, để việc phân bổ đầu vào tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, dựa chủ yếu vào lợi thế. Tức là nhà nước nên lo làm sao cho luật lệ đầy đủ và nghiêm túc, và để thị trường tự vận hành.

(Còn nữa)

Huỳnh Phan (Thực hiện)

Bài cùng tác giả:

'Con đường độc đạo' mà Việt Nam phải theo

'TPP nó làm dứt đi cái cấn cá còn lại về cải cách thể chế. Nó như con đường độc đạo mà Đông Á - Thái Bình Dương đang đi, và anh cần phải theo"

'Một cơ hội chưa từng có' cho Việt Nam

Ông Võ Trí Thành cho rằng "Việt Nam phải làm thế nào để đón lõng được cơ hội mới cho phát triển - một cơ hội chưa từng có"

Sự dịch chuyển kinh tế 'tinh quái' và 'rủi ro'

'Đang xảy ra sự chuyển dịch từ một thế giới với khu vực tài chính đầy sáng tạo, song cũng quá lớn và quá "tinh quái" để giám sát, sang một thế giới cân bằng hơn'.