Kinh tế VN lúc này, cũng đang rất cần những “cây cầu vượt” như trong giao thông. Đó là sự trẻ hóa tư duy kinh tế, là sự dám đổi thay, từ lối mòn xơ cứng chật hẹp, ách tắc sang cây cầu tư duy văn minh, hiện đại và tăng tốc?

Tuần này, khi sự kiện đau buồn của cả quốc gia- Quốc tang Đại tướng vừa lắng xuống, bỗng nổi lên hai vụ việc “ngán ngẩm”- đều dính líu tới doanh nghiệp, doanh nhân Nhà nước. Cả hai, đi đến tận cùng ngọn nguồn, đều liên quan đến tư duy kinh tế, đến cái gốc của vấn đề- cơ chế, thể chế quản lý kinh tế- xã hội.

Có điện trong …bikini?

Người viết bài xin được lấy cái title của nhà báo Đào Tuấn, xung quanh giá điện của EVN (Tập đoàn Điện lực VN) bán cho nhân dân, mà Thanh tra Chính phủ vừa điều tra và kết luận, vì nó vừa hài hước, vừa đắng, vừa đáng buồn.

Kết luận của TTCP cho thấy EVN làm ăn đã thua lỗ, lại không ít sai phạm - nguyên nhân lớn khiến giá điện được tăng liên tục, tới nhiều lần trong 05 năm qua.

Ngược dòng thời gian, có thể thấy, năm 2009, giá điện tăng 8,92%. Năm 2010, tăng 6,8%. Năm 2011, từ 1-3, tăng 15,3%. Tháng 12/2011, giá điện tăng lần hai- 5%. Tháng 07/2012, tăng thêm 5%. Tháng 12/2012, giá điện tăng lần hai- 5%. Và từ 1/08/2013, giá điện tăng 5%. Cái tỷ lệ tăng giá này không biết sẽ xếp hàng tuần tự đến năm nào. Chỉ biết, mỗi lần thấy cô thu tiền điện, nhà nào nhà nấy … giật thột!

“Bà cả”- điện lực của EVN đã chẳng giỏi giang gì, các “bà hai”- đầu tư ngoài ngành của EVN cũng… chổng vó: “Tính đến hết năm 2011, EVN đầu tư vốn ra ngoài (ngành) lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào, mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng” (Dân trí, 07/10). Trong một bài báo cách đây hai năm, người viết bài đã nhận định, EVN có một cái tài- “tài… lỗ”.

Noi gương “xám” của công ty mẹ, các công ty con của EVN không chịu kém, như Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), đầu tư ngoài ngành, tính đến hết năm 2011, lỗ 3.145 tỷ, không bảo toàn được vốn Nhà nước.

{keywords}

Tàu Vinashin Atlantic của một đơn vị thành viên Vinalines. Ảnh: Tuổi trẻ

Các dự án EVN gây lãng phí hàng trăm tỷ, mà không thu được đồng nào, hoặc tăng chi phí đầu tư. Như dự án nhiệt điện Uông Bí, Công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty điện lực miền Nam. Điều đáng quan tâm, EVN còn nhập nhèm tiền lương và thưởng, nguy cơ nảy sinh lãng phí, tham nhũng. Trong lúc đó, lại rất chịu “chơi sang” cả công ty mẹ lẫn công ty con, khi vung tiền mua sắm ô tô, vựơt quá mức quy định hơn 05 tỷ đồng. 

Điều khiến xã hội bức xúc nhất là khoản 595 tỷ đồng hạng mục xây dựng nhà ở cán bộ nhân viên, bể bơi, sân tennis, biệt thự của EVN, cũng được tính vào giá điện. 

Nhưng dư luận xã hội còn thấy ngán hơn, đến lượt EVN chơi… tennis “thông tin” với TTCP.

Đáp trả lại nhận xét của TTCP cho rằng, những công trình này phải dùng nguồn vốn phúc lợi, EVN khăng khăng, đó là những công trình không thể thiếu, phục vụ cho quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh điện của ngành. Nếu vậy, thì các khái niệm đầu tư, sản xuất, kinh doanh điện hay phúc lợi xã hội, cần được định nghĩa lại trong từ điển, theo cách diễn giải của EVN.

Sự thành thật duy nhất, rõ nhất- EVN nhận cái lỗi be bé- mua sắm ô tô vượt quy định 03 tỷ đồng (công ty mẹ).

Tuy nhận mỗi cái lỗi be bé, nhưng EVN hiện lại là tập đoàn “con nợ”… to nhất nước, đứng đầu trong đội ngũ nợ- với 119.000 tỷ đồng vay ngân hàng (TBKTSG, ngày 10/10)- một vị trí “khôi nguyên” chả tập đoàn nào mong muốn? Và với con số nợ khủng kiểu này, các chuyên gia kinh tế dự đoán, việc tăng giá điện còn tiếp tục dài dài đến vài năm nữa?

Một câu hỏi cần đặt ra, nếu EVN không phải là tập đoàn- DNNN, liệu có tình trạng làm ăn bết bát đến thế này không? Để mọi thiệt hại, rút cục, người dân phải gánh, nhân danh khái niệm có vẻ hiện đại và “thời thượng”- giá điện theo cơ chế thị trường. Trong khi thực chất, giá điện theo cơ chế thị trường chỉ tồn tại trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, không thể có trong môi trường kinh doanh độc quyền.

Có điều, giữa lúc đó, dư luận xã hội cũng rất ngạc nhiên và phải đặt câu hỏi, khi được biết, kết luận TTCP loại ra gần 6.500 tỉ đồng sai phạm của EVN so với báo cáo của cơ quan này với Thủ tướng CP. Đại diện TTCP lý giải chênh lệch số tiền giữa dự thảo và kết luận thanh tra có thể khác nhau và điều này là chuyện bình thường. Nhưng 6.500 tỉ đồng sai phạm, là con số quá lớn, liệu có thể coi sự “chênh lệch” đó là bình thường được không? Câu trả lời, chắc còn phải chờ đợi…  Nhưng xin đừng để hy vọng thành thất vọng!

Trong khi chờ đợi, người dân cũng chưa quên, tháng 01/2013, trước thông tin EVN công bố con số 6000 tỉ đồng tiền lãi năm 2012, nhưng vẫn tiếp tục tăng giá điện trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thẳng thắn, điều đó không lạ, khi điện là độc quyền của EVN (VietNamNet, ngày 13/01).

Vì điện là độc quyền của EVN, nên chữ doanh thì lỗ, chữ nhân (dân) thì …lờ?

Cũng có một “doanh nhân”- giờ đây là kẻ phạm tội, đang chờ ngày ra trước vành móng ngựa, ở ông này, chữ doanh thì lỗ, chữ nhân không “lờ”. Có điều, chữ nhân đây không phải nhân dân, mà là… nhân tình.

Đó là vụ ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines), bị bắt, và cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đề nghị truy tố cùng 09 bị can khác theo quy định pháp luật.

Cái chữ nhân (tình) của Dương Chí Dũng, được báo chí mấy ngày nay khai thác triệt để, nhất là thông tin ông này mua cho “bồ nhí” và con riêng của hai người, hai căn hộ tại Láng Hạ (Q. Đống Đa), và Lý Thường Kiệt (Q.Hoàn Kiếm)- Hà Nội, với số tiền gần 18 tỷ đồng, thực chất là rửa tiền. Vụ việc đáng hổ thẹn đến mức, mới đây, tiếp xúc cử tri tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) người đứng đầu Chính phủ cũng phải nói: Có cán bộ tham nhũng hàng triệu đôla để mua nhà cho bạn gái là điều rất đau xót. Tuy nhiên, đau xót cũng phải cắt bỏ.(Lao động, 17/10)

Sự cố ý của ông Dương Chí Dũng, chính là vụ mua “ụ nổi” 83 M. có lẽ sẽ đi vào lịch sử của ngành điều tra, ngành luật pháp với tên gọi đặc sắc mà báo chí đặt tên- “kỳ án ụ nổi sắt vụn”, cho thấy tính chất ranh ma, tinh quái, xảo trá của những kẻ tham nhũng có quyền lực. Cho thấy sự táng tận lương tâm của một quan chức tha hóa. 

Không mua trực tiếp ở Công ty Nakhodka (chủ sở hữu), theo giá dưới 05 triệu USD, Dương Chí Dũng và đồng bọn đã mua qua công ty môi giới AP với giá 09 triệu USD, dù ụ nổi 83 M sản xuất năm 1965, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp vào năm 2006.

Cho dù cùng đồng bọn bỏ túi, chia chác riêng với nhau 04 triệu USD chênh lệch, từng sống như những kẻ thượng lưu, đến hôm nay, ông ta cùng đồng bọn cũng thân bại danh liệt. Đó là cái giá đắt phải trả.

Con đường tham nhũng do quyền lực- có bồ nhí- con riêng, biệt thự riêng, sống xa hoa phung phí, không phải chỉ riêng ông ta. Nó đã trở thành quy luật mang tính phổ biến của nhiều quan chức tha hóa ở nhiều xã hội, nhiều quốc gia.

Tội lỗi của Dương chí Dũng, là nỗi đau rất lớn cho gia đình ông ta, là vết thương lòng khó liền miệng của người vợ chính danh và các con ông ta. Nhưng nó cũng chính là “vết thương toác miệng” của cung cách quản lý kinh tế- xã hội đầy khiếm khuyết, của giám sát, thanh tra thả nổi, mà bản chất cơ chế xin- cho, là mảnh đất mỡ màu cho các tội đồ, cho các nhóm lợi ích lớn, nhỏ, mà Dương Chí Dũng chỉ là đồng chí bị lộ… mà thôi.

Cần “cây cầu vượt” tư duy trẻ

Thế nhưng, có phải tất cả các doanh nghiệp đều được chiều chuộng như EVN và các tập đoàn kinh tế NN khác? Trong Ngày Doanh nhân VN 13/10 mới đây, có rất nhiều doanh nghiệp không thuộc DNNN, như Công ty Sài Gòn Đẹp, Công ty may túi xách Minh Tiến, Câu lạc bộ CEO…( thuộc t/p HCM), khi trả lời báo chí, họ chỉ có mong mỏi- được có chung một “nguồn sữa”.

Nguồn sữa đó, không phải là tiền, mà chính là cơ chế, chính sách Nhà nước không phân biệt đối xử, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, sòng phẳng, công bằng, bình đẳng với tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Có khó lắm không? Nếu một khi chính tư duy kinh tế xơ cứng và duy ý chí?

Một môi trường kinh doanh mà sự thiếu công bằng, thiếu bình đẳng là nhãn tiền, DNNN luôn được ưu tiên ưu đãi, được chiều chuộng thành hư hỏng, luôn lấy… “lỗ làm đầu”, còn các doanh nghiệp ngoài NN làm ăn hiệu quả, lại chỉ luôn mong “chính sách Nhà nước làm đầu”, tất sẽ dẫn đến những hệ lụy rất buồn.

Không phải không có lý, khi VN tham gia WTO từ lâu, nhưng đến giờ, những quốc gia mạnh nhất về kinh tế thị trường vẫn … ngoảnh mặt làm ngơ, chưa chịu công nhận.

Tại cuộc tọa đàm khoa học về độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế, do Quỹ Hòa bình và Phát triển VN tổ chức mới đây, Ts Trần Đình Thiên khẳng định, VN đang lệ thuộc nhiều hơn và xu hướng lệ thuộc ngày càng gia tăng, bởi cấu trúc kinh tế rủi ro, nội lực yếu. Thậm chí, kinh tế VN đang rơi vào điểm nghẽn nhưng chưa biết khi nào thoát ra được.

Còn các chuyên gia kinh tế khác cho rằng, nguy cơ tụt hậu so với thế giới và khu vực của kinh tế VN rất rõ: Trong hai năm 2011- 2012, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng nền kinh tế VN giảm 16 bậc, xuống hạng 75, thấp nhất kể từ khi VN được xếp hạng. Trong 12 nhóm chỉ tiêu đánh giá, VN tụt hạng ở 09 nhóm và chẳng có nhóm nào vượt hạng 50, phần lớn cận kề hạng… 100 (TPO, ngày 15/10).

Tái cấu trúc kinh tế, là một chính sách, một chủ trương lớn để làm thay đổi sự trì trệ, sự làm ăn kém hiệu quả của các tập đoàn, DNNN, kích thích sự vận động của kinh tế- xã hội. Chính sách đó là một thách thức không nhỏ với tư duy và phẩm chất làm kinh tế-  chây ì hay năng động, ỉ lại hay tự chủ sáng tạo, tài năng “rởm” hay tài năng thật- của các tập đoàn, DNNN trong một môi trường cạnh tranh sòng phẳng và khắc nghiệt.

Theo lịch trình, tháng 9/2013 là thời hạn cuối cùng để các tập đoàn kinh tế, các DNNN hoàn thiện đề án tái cơ cấu, trình Chính phủ. Nhưng đến thời điểm này, báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, có 99/101 dự án tái cơ cấu DNNN được TTCP phê duyệt, nhưng mới chỉ có vỏn vẹn… 16 doanh nghiệp được sắp xếp lại. Trong đó, 10 doanh nghiệp được cổ phần hóa, còn lại là sáp nhập, hợp nhất và thành lập mới (Kinh tế và Dự báo, ngày 01/10). Vì sao?

Cũng tờ báo này cho biết, có 05 “điểm nghẽn” … giao thông mà đôi chân đi bộ “tái cơ cấu” đang bị ách tắc.

Đó là: 1.Các biện pháp tái cơ cấu vẫn mang nặng tính hành chính, chưa đi vào cốt lõi là đưa DNNN hoạt động và vận hành theo cơ chế thị trường. 2. Khó khăn trong việc bảo toàn vốn. 3. Vốn ít, đầu tư thua lỗ, DNNN đang phải đối mặt với số nợ quá lớn.4. Tốc độ cổ phần hóa chậm.5 Thiếu sự phối hợp liên ngành trong việc chọn DNNN để tái cơ cấu “điểm”.

Ở góc nhìn thực tiễn, tháng 04/2013, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, VN cần có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các DNNN, vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc.

Còn ở góc nhìn con người, trong bài trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam mới đây, ngày 17/10, Ts Võ Trí thành lạc quan cho rằng, chúng ta cần có những cá nhân quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Nhưng người viết bài nhớ tới sự phân tích khá sâu sắc của cố GS- Sử gia kinh tế Đặng Phong, về đặc thù của công cuộc Đổi mới 1986. Rằng VN không có cá nhân có tư tưởng đổi mới tiên phong, quyết liệt, mà thực ra, tư tưởng đó được thúc đẩy, liên kết, tạo ra xu thế mới, luồng gió mới bởi cả một tập thể lãnh đạo. Nhận định đó có lẽ vẫn nguyên giá trị trong thời khắc này.

Sự thức tỉnh, sự vận động và chuyển biến của từng quan chức có trách nhiệm trước vận mệnh đất nước, nhất là sau “hồng tang” Đại tướng, trước sự tụt hậu đáng hổ thẹn về kinh tế so với ngay các quốc gia khu vực, trước sự “hư hỏng” của không ít tập đoàn kinh tế- DNNN, như EVN, liệu có dẫn đến sự biến đổi từ lượng thành chất trong tư duy?

Kinh tế VN lúc này, cũng đang rất cần những “cây cầu vượt” như trong giao thông- đó là sự trẻ hóa tư duy kinh tế, là sự dám đổi thay, từ lối mòn xơ cứng chật hẹp, ách tắc sang “cây cầu tư duy” văn minh, hiện đại và tăng tốc?

Kỳ Duyên

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam